#NhàNguyễn #NguyenPhuocToc #TônThất #TônNữTÊN HỌ CỦA QUÝ TỘC NHÀ NGUYỄN.(Nhân hôm qu…

TÊN HỌ CỦA QUÝ TỘC NHÀ NGUYỄN

TÊN HỌ CỦA QUÝ TỘC NHÀ NGUYỄN.
(Nhân hôm qua có bạn bạn yêu cầu viết và giải thích về bài thơ Đế hệ thi của Minh Mạng).
Thánh Tổ (Vua Minh Mạng) lên ngôi, khi mọi việc trong và ngoài nước đã ổn định nên Vua chú trọng đến dòng họ đã cho lập Tôn Nhơn Phủ để coi sóc những người trong họ, lập Ngọc Phả để ghi tên những người thân thuộc, phân chia thành Đế hệ và Phiên hệ, Tiền hệ và Chính hệ.
-Tiền hệ là hậu duệ của 9 chúa (Các chúa, kể từ sau Nguyễn Hoàng, có họ là Nguyễn Phúc (Phước), nhưng cháu chắt lại được vua Minh Mạng đổi sang Tôn Thất, Tôn Nữ).
– Chính hệ là con cháu trực hệ của Hoàng đế Gia Long trở về sau.
Trong Chính hệ được Vua Minh Mạng phân làm 2 đó là:
+ Đế hệ: Chỉ con cháu của vua Minh Mạng.
+ Phiên hệ: Ý nói làm hàng rào cho Hoàng gia để chỉ con cháu của anh em Vua Minh Mạng.
Về cách đặt tên trong Đế hệ.
Đế hệ thi:
Miên, Hường, Ưng, Bửu, Vĩnh
Bảo, Quí, Định, Long, Trường
Hiền, Năng, Kham, Kế, Thuật
Thế, Thoại, Quốc, Gia, Xương
Tên sẽ là tên kép có chữ đầu định Thế (Đời). Căn cứ vào bài thơ trên, khởi đầu từ con của Thánh Tổ (Vua Minh Mạng) có tên khởi đầu bằng chữ Miên, cháu của Thánh Tổ có tên khởi đầu bằng chữ Hồng,…
Chứ thứ hai trong tên kép sẽ được đặt theo định luật sau:
1. Hoàng tử:
Sẽ chọn trong các bộ chữ Hán ghi kèm theo Đế hệ thi (Khắc trong Kim sách): Miên (Miên), Hồng (Nhân), Ưng (Thị), Bửu (Sơn), Vĩnh (Ngọc), Bảo (Phụ), Quí (Nhân), Ðịnh (Ngôn), Long (Thủ), Trường (Hòa), Hiền (Bối), Năng (Lực), Kham (Thủ), Kế (Ngôn), Thuật (Tâm), Thế (Ngọc), Thụy (Thạch), Quốc (Đại), Gia (Hòa), Xương (Tiểu).
Con của Thánh Tổ có tên kép với chữ đầu là Miên, chữ sau chọn trong chữ thuộc bộ Miên để đặt như Thẩm (Tùng Thiện Vương), Hoành (Vĩnh Tường Quận Vương),…
Con của Hiến Tổ Miên Tông (Vua Thiệu Trị) có tên kép khởi đầu là chữ Hồng, chữ sau cho trong những bộ chữ Nhân để đặt như Nhậm (Dực Tông), Y (Thụy Thái Vương), Cai (Kiên Thái Vương), Dật (Văn Lãng Quận Vương),…
Rồi cứ tương tự như vậy mà đặt cho các đời kế tiếp.
2. Hoàng tử được kế nghiệp:
Ngoài tên kép được đặt trong lúc còn làm hoàng tử, khi đăng quang làm vị vua mới sẽ được chọn một tên đơn, đó là một trong 20 chữ thuộc bộ Nhật chép sẵn trong Kim sách, phải theo thứ tự chọn lấy.
20 chữ thuộc bộ Nhật chép trong Kim sách dùng để đặt tên cho các vị vua kế nghiệp như sau:
Tuyền, Thì, Thăng, Hạo, Minh
Biện, Chiêu, Hoảng, Tuấn, Ðiển
Trí, Tuyên, Giản, Huyên, Lịch
Chất, Tích, Yến, Hy, Duyên
Vì thế khi lên ngôi Vua Thiệu Trị có tên là Tuyền, Vua Tự Đức có tên là Thì, Vua Hiệp Hòa có tên là Thăng, Vua Kiến Phúc có tên là Hạo,….
Ngoài ra khi vua mất các vị vua còn chọn tên thụy bằng 9 chữ ghi trên cửu đỉnh là Cao, Nhân, Chương, Anh, Nghị, Thuần, Tuyên, Dụ, Huyền. Vua Gia Long có Thụy là Cao Hoàng đế, Vua Minh Mạng có Thụy là Nhân Hoàng đế,…Vua Hiệp Hòa, Dục Đức, Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân bị phế trước khi mất nên không có Thụy.
3. Con cháu của các Hoàng tử:
Tên con cháu của Hoàng tử là tên kép chữ đầu của tên kép căn cứ vào Đế hệ thi để định Thế, chữ sau thì theo bộ chữ Hán mà ngự chế ở thời Hiến Tổ ban cho mỗi Hoàng tử để đặt tên cho con cháu sau này. Ví dụ Phòng Thọ Xuân được ban bộ Thủy, Phòng Phú Bình được ban bộ Mộc, Phòng Vĩnh Tường được ban bộ Mịch,…Đặt tên theo cách này khi nhìn vào tên ta biết thuộc bộ chữ Hán nào và suy ra Phòng của người có tên đó, dễ dàng so sánh thứ bậc. Ví dụ Hồng Tuấn, Hồng Triêm, Ưng Hào,… các chữ Tuấn, Ưng, Hào đều thuộc bộ Thủy nên biết được thuộc Phòng thọ Xuân. Hồng Quế, Hồng Trạch, Hồng Vinh,..các chữ Quế, Trạch, Vinh thuộc bộ Mộc nên biết được phòng Phú Bình. Thọ Xuân Vương là anh của Phú Bình Quận Vương, nên các ông Hồng Tuấn, Hồng Triêm ở vai anh các ông Hồng Quế, Hồng Trạch, Hồng Vinh, ông Ưng Hào gọi các ông Hồng Quế, Hồng Trạch, Hồng Vinh bằng chú,…
4. Hoàng nữ, công chúa, Tôn nữ:
Từ thời Thánh Tổ trở về sau định rõ con gái của vua là Hoàng nữ, khi được sắc phong trở thành công chúa, có tên hiệu riêng. Ví dụ Hoàng nữ Lương Đức được phong công chúa có hiệu là An Thường, Hoàng nữ Quang Tĩnh được phong công chúa có hiệu là Hương La,..Ở vào thời kỳ còn vua cha thì gọi là công chúa, giai đoạn chị em với vua thì gọi là Trưởng công chúa, nếu còn sống ở thời kỳ vua gọi bằng cô thì xưng là Thái Trưởng công chúa.
Tên của Hoàng nữ, Tôn nữ thường là tên kép và được tùy tiện không theo quy luật nào cả.
Muốn rõ vị trí của các tôn nữ này phải biết tên của anh em trai họ để dựa vào đó suy ra Phòng. Ngoài ra cũng giống ở phái nam, người ta còn đặt thêm một số chữ xác định thứ tự của họ đối với vị Hoàng tử mở ra Phòng. Ý nghĩa của các chữ đó như sau:
– Công: Nghĩa là “ông” chỉ vị Hoàng tử mở ra Phòng.
– Tôn: Nghĩa là cháu nội.
– Tử: Chỉ con trai.
– Nữ: Con gái.
– Tằng Tôn: Là cháu gọi bằng cố.
– Huyền Tôn: Là cháu gọi bằng sơ.
Như vậy Công tử là con trai của Hoàng tử, Công nữ là con gái của Hoàng tử, Công Tôn là cháu gọi Hoàng tử bằng ông nội, Công Tôn Nữ là cháu gái gọi Hoàng tử bằng ông nội, Công Huyền Tôn là cháu gọi Hoàng tử bằng sơ, Công Huyền Tôn Nữ là cháu gái gọi Hoàng tử bằng sơ.
Như vậy, Công Tôn, Công Tôn Nữ, Công Tằng Tôn, Công Tằng Tôn Nữ, Công Huyền Tôn, Công Huyền Tôn Nữ tùy theo các đời hay khác thế hệ sẽ có thứ bậc khác nhau, do đó nếu là con trai của Hoàng tử sẽ là Công tử, con gái của Hoàng tử gọi là Công Nữ, Cháu nội của Hoàng tử là Công Tôn, Công Tôn Nữ,…Ví dụ Công Tằng Tôn Bửu Trạch, Công Huyền Tôn Nữ Xuân Vinh,…Về sau Công Huyền Tôn Nữ hơi dài nên bỏ chữ Công còn Huyền Tôn Nữ. Nhưng để đơn giản các đời sau chỉ gọi là Tôn Nữ với ý nghĩa là cháu gái.
Phiên hệ thi: Gồm 10 bài, dài lắm nên không nêu ở đây. Cũng tương tự theo nguyên tắc trên.
Đối với các con cháu của các ông Hoàng anh em vua Minh Mạng thì không dùng họ Nguyễn Phúc như trước kia, con trai sẽ dùng Tông Thất (Khi Hiến Tổ lên ngôi, do phạm húy Miên Tông nên đổi thành Tôn Thất) để đặt trước tên. Con gái là Tôn Nữ.
(Lưu ý: Tôn Nữ ở Đế hệ tuy cùng âm nhưng khác nghĩa, Tôn Nữ ở Đế hệ có nghĩa là cháu).
Đế hệ truyền đến chữ Bảo là con vua Bảo Đại, không biết đời sau nữa có đặt tên theo quy tắc trên nữa nữa không?
Còn chuyện về các chữ kỵ húy nhà Nguyễn (Vũ – Võ, Tông – Tôn, Hoàng – Huỳnh, Cảnh – Kiểng, Kính – Kiếng, Nhân – Nhơn…) cũng rất dài và khá phức tạp. Nhà Nguyễn phải có hẳn Tôn Nhơn Phủ để quản những những việc này.
___
Tham khảo nguồn: Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả, Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc. Nxb Thuận Hóa, 1995.
Ảnh: Phò Quang Quận Vương Tôn Thất Hân, thuộc hệ 5 tiền hệ Phòng Hoằng Quốc Công Nguyễn Phúc Trăn, cụ Tôn Thất Hân là Phụ chính Đại thần đứng đầu Cơ Mật Viện thời Duy Tân, Khải Định. Phụ chính Thân thần, người đứng đầu Tôn Nhơn Phủ thời Bảo Đại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *