VÌ SAO STALIN KHÔNG THỂ THÔN TÍNH HOKKAIDO NĂM 1945?

VÌ SAO STALIN KHÔNG THỂ THÔN TÍNH HOKKAIDO NĂM 1945?
Nửa đêm ngày 24/8/1945, các oanh tạc cơ tầm xa của Liên Xô sẽ cất cánh từ căn cứ không quân gần cảng Vladivostok ở vùng Viễn Đông và bay về phía đông, băng qua biển Nhật Bản, thả những quả bom gây chết người trên hòn đảo Hokkaido phía bắc Nhật Bản. Vào lúc 5 giờ sáng hôm đó, hai trung đoàn Liên Xô sẽ đổ bộ vào bờ và trong hai giờ sau đó sẽ được bổ sung bởi một lực lượng lớn hơn. Trong vài ngày, hai sư đoàn bộ binh sẽ quét qua phía bắc Hokkaido, cắt đôi hòn đảo.
Đó là kế hoạch tác chiến được vẽ ra bởi chỉ huy của Hạm đội Thái Bình Dương Liên Xô, Đô đốc Ivan Yumashev vào cuối Thế chiến II nhằm chiếm đóng Hokkaido, hòn đảo rộng 83.500 km2 nằm ở cực bắc trong bốn đảo chính của Nhật Bản. Quân lính đã ở chế độ chờ. Các tàu ngầm được lệnh đến bờ biển Hokkaido để trinh sát chuẩn bị cho cuộc xâm chiếm đất liền, và thậm chí đã bắt đầu đánh chìm các tàu Nhật Bản (bi thảm thay lại chỉ là những chiếc thuyền chở người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc tấn công của Liên Xô trên đảo Sakhalin gần đó). Mặc dù Hồng quân không có nhiều kinh nghiệm như người Mỹ với các hoạt động đổ bộ, nhưng Liên Xô hy vọng sẽ tranh thủ cơ hội thôn tính Hokkaido khi quân đội Nhật đang trong tình trạng hỗn loạn và Hoàng đế Hirohito nhiều ngày trước đã tuyên bố thừa nhận thất bại.
Hokkaido là hòn đảo lớn thứ hai của Nhật Bản, gần bằng kích thước của bang Maine và có ý nghĩa chiến lược rất lớn. Sự chiếm hữu hòn đảo của Joseph Stalin sẽ biến biển Okhotsk rộng lớn thành một hồ nước của Liên Xô và biến nó trở thành bàn đạp sức mạnh cho hải quân Liên Xô khi tiến vào Thái Bình Dương.
Ngày 16 tháng 8, sau khi Nhật Hoàng tuyên bố công khai trên đài phát thanh chấp nhận đầu hàng Đồng minh, nhà lãnh đạo Liên Xô đã yêu cầu Tổng thống Hoa Kỳ Harry S. Truman chấp nhận việc quân đội Xô Viết thôn tính Hokkaido. Mặc dù chỉ vài tháng trước đó, Hoa Kỳ đã cân nhắc việc để Liên Xô chiếm đóng Hokkaido và thậm chí là một phần của Honshu, hòn đảo lớn nhất của Nhật Bản nhưng quả bom nguyên tử ở Hiroshima đã thay đổi quan điểm của tổng thống Truman. Sở hữu loại vũ khí mới có sức mạnh hủy diệt đã thay đổi vị thế đàm phán của Mỹ, giúp Truman tự tin đặt ra các điều khoản với Liên Xô. Ngày 18 tháng 8, Truman thẳng thừng từ chối yêu sách của Stalin khiến Stalin chần chừ, cân nhắc những ưu và nhược điểm trong kế hoạch thôn tính Nhật Bản. Hai ngày trước khi dự định tấn công vào ngày 24 tháng 8 tại Hokkaido, ông đã ra lệnh ngừng chiến dịch.
Nếu chiến dịch đổ bộ thực sự diễn ra và Liên Xô kiểm soát được một phần đáng kể lãnh thổ Nhật Bản sẽ giúp Stalin có tiếng nói lớn hơn nhiều trong việc điều hành Nhật Bản thời hậu chiến và rất có thể, đã dẫn đến việc tạo ra một nhà nước vệ tinh do Liên Xô kiểm soát ở Hokkaido, một loại hình Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Nhật Bản, theo mô hình của Bắc Triều Tiên.
Truman tin rằng quả bom nguyên tử đã giúp nước Mỹ chiến thắng trong cuộc chiến chống Nhật Bản. Ngay sau khi quả bom được đưa vào kho vũ khí của quân đội Hoa Kỳ, nó cũng đã là một phần trong kho vũ khí ngoại giao của Mỹ.
Hai quả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki đã hủy diệt cả hai thành phố nhưng đồng thời cũng đã cứu nước Nhật khỏi thảm họa chia cắt như đã xảy ra với nước Đức ở châu Âu và bán đảo Triều Tiên láng giềng. Người Nhật đã không phải chịu đựng sự chiếm đóng hà khắc của quân đội Liên Xô và sự xâm nhập mạnh mẽ của chủ nghĩa cộng sản, thay vào đó là sự chiếm đóng tương đối dễ chịu của người Mỹ, tạo cơ hội cho kinh tế Nhật Bản cất cánh thần kỳ hai mươi năm sau.





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *