*Bài mình dịch, lược dịch và diễn giải từ Standford Encyclopedia of Philosophy
Lịch sử là ngành nghiên cứu về tình cảnh của con người.
Khái niệm “lịch sử” đóng một vai trò đặc biệt trong tư tưởng của con người. Nó gợi nên những ý niệm về hành động của con người, về thay đổi, về vai trò của bối cảnh vật chất đối với chuyện con người, và ý nghĩa được gán ghép của các sự kiện lịch sử. Nó gợi ra khả năng “học tập từ lịch sử”. Nó gợi ra khả năng là chúng ta có hiểu về bản thân ở thì hiện tại tốt hơn bằng cách hiểu những động lực, lựa chọn và bối cảnh đã dẫn ta đến hiện tại. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi các triết gia thỉnh thoảng hướng sự chú ý của họ đến lịch sử và bản chất của tri thức lịch sử. Tập hợp những chiêm nghiệm của họ tạo thành cái gọi là triết học lịch sử. Tập hợp này mang tính dị biệt (heterogeneous), bao gồm những phân tích và tranh biện của các nhà thực chứng, các nhà logic học, duy tâm học, thần học, .v.v.
Đặt trong bối cảnh sự đang dạng về trường phái trong triết học lịch sử, khó mà có thể đưa ra một định nghĩa mà có thể bao quát hết tất cả những cách tiếp cận này. Trên thực tế, nếu ta tưởng tượng rằng khi nhắc đến “triết học lịch sử”, ta nhắc đến một truyền thống triết học đơn nhất, thì ta đã thực sự sai lầm, bởi vì các vị triết gia của chúng ta khi nói về lịch sử hiếm khi nào đối thoại hoặc tranh biện trực tiếp với nhau. Tuy nhiên, ta vẫn có thể khái quát rằng tập hợp các chiêm nghiệm về triết học lịch sử quần tụ quanh một vài câu hỏi lớn, đồng thời gọi ra các nhánh triết học chủ đạo như là siêu hình học (metaphysics), nhận thức luận (epistemology), thông diễn học (hermeneutics), chủ nghĩa duy sử (historicism). Các câu hỏi đó là:
_Lịch sử bao gồm những gì? Hành động của mỗi cá nhân, các cấu trúc xã hội, các giai đoạn và vùng miền, các nền văn minh, các quá trình nhân quả vĩ mô, và sự can thiệp của thánh thần?
_Liệu rằng lịch sử nói một cách tổng thể có ý nghĩa, cấu trúc, định hướng vượt trên những sự kiện và hành động đơn lẻ hay không?
_Việc chúng ta biết, trình bày và diễn giải lịch sử bao gồm những điều gì. (a)
_Hiện tại của con người được cấu thành, định hình đến mức độ nào bởi lịch sử?
1. Lịch sử và sự biểu đạt lịch sử
Công việc của một sử gia phải bao gồm những nhiệm vụ gì? Ở một góc độ, câu hỏi này có lẽ sẽ được trả lời tốt nhất bằng cách đọc cẩn thận một số nhà sử học tốt. Nhưng việc đưa một số câu trả lời đơn giản cho câu hỏi này để tạo này một bản đồ khái niệm về tri thức lịch sử cũng có ích.
Đầu tiên, các sử gia quan tâm đến chuyện cung cấp sự một tả thực tế và sự khái niệm hóa những sự kiện và bối cảnh trong lịch sử. Nó là để trả lời những câu hỏi như “Chuyện gì đã xảy ra? Trong khoảng thời gian này trong quá khứ đã có những sự kiện và bối cảnh gì?” Thỉnh thoảng thì chuyện này đơn giản là tái hiện lại một câu chuyện phức tạp từ những nguồn lịch sử rời rạc – ví dụ như xây dựng một câu chuyện, một tự sự (narrative) về cuộc Nội chiến Tây Ban Nha hay là về cuộc bạo loạn/nổi dậy mang màu sắc chủng tộc ở Detroit năm 1967. Nhưng những lúc khác người sử gia phải làm tương tác kĩ lưỡng với chuyện khái niệm hóa để cuối cùng đưa ra một vốn từ có phản ánh chính xác “chuyện gì đã xảy ra” (b). Liên quan đến sự biến ở Detroit năm 1967: Đấy là một cuộc bạo động (riot) hay một cuộc nổi dậy (uprising)? Những người tham gia và những người đương thời nghĩ về nó như thế nào.
Thứ hai, các sử gia quan tâm đến chuyện trả lời câu hỏi Tại sao?: Tại sao sự kiện này lại diễn ra? Có những điều kiện và thế lực nào thúc đẩy nó diễn ra? […] Việc diễn giải này yêu cầu đưa ra những cơ chế nhân-quả, bối cảnh và những lựa chọn của con người đã dẫn đến nó. Chúng ta giải thích được một kết quả lịch sử khi ta nhận dạng được những nguyên nhân xã hội, thế lực, hành động đã dẫn đến nó, hoặc làm cho xác suất nó xảy ra cao hơn.
Điều thứ ba liên quan đến điều thứ hai, là chuyện “Như thế nào”: Làm sao mà kết quả này lại xảy ra? Có những quá trình nào mà thông qua đó kết quả này diễn ra”. Làm sao mà quân đội Phổ lại đánh bại được quân đội Pháp vào năm 1870? Làm sao Truman lại đánh bại Dewey trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1948? Ở đây mối quan tâm của nhà sử học nằm ở tính khó xảy ra, tính khó tin, tính bất khả thể của sự việc. Đây cũng là một lời giải thích, nhưng nó trả lời cho câu hỏi “khả thi đến mức nào” hơn là cho câu hỏi “sao nó lại diễn ra một cách xác quyết”. (c)
Thứ tư, các sử gia thường quan tâm đến chuyện ghép lại với nhau các ý định và thái độ của con người ẩn trong những chuỗi hành động lịch sử phức tạp. Họ muốn giúp cho người đọc lí giải những tư tưởng và hành động lịch sử, về chuyện suy nghĩ, động cơ và trạng thái tinh thần của người trong cuộc. Tại sao Napoleon III lại khiêu khích Phổ một cách bẩn cẩn vào năm 1870? Tại sao các thành phố ở miền Bắc Hoa Kì lại hình thành nên một đặc trưng phân tách chủng động sao Thế chiến thứ 2? Câu trả lời cho những câu hỏi kiểu như này yêu cầu việc diễn giải các hành động, ý nghĩa và ý định – của từng cá nhân hay như của cả một văn hóa.
Và tất nhiên, các sử gia còn phải làm một nhiệm vụ tri thức cơ bản hơn thế: khám phá và lí giải những thông tin văn thư lưu trữ trong phạm vi một thời kì cần nghiên cứu. Dữ liệu lịch sử bản thân chúng không nói lên được điều gì; các loại văn thư thường không đầy đủ, mơ hồ, đối lập nhau và rối rắm. Các sử gia cần phải làm sao chọn lọc từ những núi dữ liệu thô rồi ghép chúng thành một câu chuyện chân thật, thống nhất. Sử gia cần phải đãi cát tìm vàng, tìm ra sự thật từ một biển thông tin và manh mối.
Nói ngắn gọn lại, các sử gia khái niệm hóa (conceptualize), miêu tả (describe), bối cảnh hóa (contextualize), giải thích (explain) và diễn giải (interpret) sự kiện và tình cảnh trong quá khứ. Họ đề ra các cách để trình bày, biểu đạt các hoạt động và sự kiện phức tạp. Họ giải thích và diễn giải những kết qủa có tầm cỡ. Họ dựa vào những bằng chứng trong hiện đại mà có thể thể hiện những sự thật về quá khứ. Câu chuyện của họ phải dựa vào những ghi chép lịch sử có thể tiếp cận, còn việc giải thích, diễn giải yêu cầu họ phải đưa ra các giả thuyết về nguyên nhân xã hội và ý nghĩa văn hóa. Các nhà sử học có thể dựa vào những lí thuyết tốt nhất đương thời trong khoa học xã hội và khoa học hành vi để đưa giả thuyết về cơ chế nhân-quả và hành vi con người. Nói cho cùng, sử học bao gồm việc tìm hiểu sự thật (factual inquiry) và lí luận lí thuyết (theoretical reasoning).
Hai vấn đề sơ khởi sẽ thường xuất hiện trong tất cả các cuộc thảo luận về sử học cũng như triết học lịch sử: chuyện cấu thành của lịch sử và mức độ vi mô-vĩ mô chúng ta chọn để “làm” lịch sử. Vấn đề thứ nhất có liên quan đến mối quan hệ giữa người trong cuộc và nguyên nhân: liệu lịch sử có phải một chuỗi các mối quan hệ mang tính nhân quả (tức một chuỗi các hành động trong đó hành động trước dẫn đến hành động sau một cách xác quyết (necessary), hay nó là kết quả của các chuỗi hoạt động đan cài vào nhau? Vấn đề thứ hai liên quan đến quy mô của các quá trình lịch sử trong không gian-thời gian: làm thế nào để các sử gia nối lại các nhận thức vĩ mô-vi mô về lịch sử. (d)
Cả hai vấn đề này đều có thể được minh họa bằng sử học về nước Pháp: Liệu chúng ta có nên tưởng tượng nước Pháp thế kỉ 20 như là kết quả một số sự khởi phát chủ chốt trong lịch sử – sự sụp đổ của Đế chế La Mã, các thành công quân sự của Charlemagne, cuộc cách mạng Pháp và thất bại trong chiến tranh Pháp-Phổ (1870-1871)? Hay liệu chúng ta nên công nhận rằng nước Pháp ở bất kì thời điểm nào trong lịch sử đều là hệ quả của hành động và sự tranh đoạt giữa các cá nhân, các nhóm và các tổ chức? Liệu rằng cách suy nghĩ nào đem lại kết quả hơn, giàu gợi ý hơn? Tương tự như vậy đối với quy mô: liệu chúng ta nên nghĩ về nước Pháp như là một vùng thống nhất, hay là sự tổng hòa của những vùng khác nhau với văn hóa riêng với tương quan lịch sử riêng của chúng (Alsace, Brittany, Burgundy). Liệu rằng việc xét đến hoạt động con người tự cổ chí kim trên vùng địa lí là đất Pháp ngày nay có ích hơn, hay là xét những khoảng thời gian ngắn hơn thì tốt hơn.
Một vấn đề quan trọng của triết học lịch sử là làm thế nào để khái niệm hóa bản thân vấn đề “lịch sử”, tức vấn đề bản thể học của sử học (ontology of history). Liệu lịch sử đáng quan tâm vì những mối quan hệ nhân quả khách quan giữa những sự kiện lịch sử hay những thượng tầng (như là nhà nước chuyên chế của Đế chế La Mã), hay lịch sử là tổng hòa hành động và suy nghĩ của vô số cá nhân, địa vị cao và thấp?
Các sử gia thường đặt ra những vấn đề như là “Đâu là nguyên nhân cho sự sụp đổ của La Mã?”, “Đâu là nguyên nhân cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít?”. [Để trả lời cho chúng, theo truyền thống ta thường đưa ra những câu trả lời như là Đế chế La Mã sụp đổ là do sự suy giảm tinh thần công dân, sự tấn công mạnh mẽ của các bộ lạc Đức, sự nhiễm độc chì, sự trỗi dậy của Thiên chúa giáo, sự biến đổi khí hậu v.v. Ta thấy ở đây những nguyên nhân rất “cao cấp”.] Nhưng nếu thực trạng lịch sử lại rất khác biệt so với cách tiếp cận này thì sao? Nếu tác nhân của những sự kiện rất lớn và tầm cỡ lại rất nhỏ, dần dần, mang tính tích tụ thì sao? Nếu sự thực là không có một câu trả lời đủ đơn giản và “cao cấp” cho câu hỏi, Tại sao La Mã lại sụp đổ, thì sao? Có khả năng rằng, đối với một vài trường hợp nhất định, điều tốt nhất chúng ta có thể làm là nhận dạng một bầy những quá trình độc lập, quy mô nhỏ và không nhất quyết phải xảy ra (contingency) mà cuối cùng sản sinh ra những kết quả lớn.
Chúng ta phải cân nhắc xem việc coi lịch sử như một chuỗi nguyên nhân – kết quả có phù hợp với đối tượng nghiên cứu. Nếu chúng ta tin rằng ngôn ngữ “tĩnh” không phù hợp đối với sử học thì sao? Nếu chúng ta cho rằng lịch sử là kết quả của hành động và suy nghĩ của một lượng lớn các tác nhân và do đó nó là một dòng chảy của hành động và kiến thức hơn là một chuỗi nhân-quả thì sao? (e) Nếu chúng ta tin rằng lịch sử không “nhất thiết” phải xảy ra, mà nó chứa một lượng áp đảo tính xác suất và tính ngẫu nhiên thì sao?
Đây là một cách nghĩ khác về sử học: chúng ta nên tập trung vào lịch sử như là một tập hợp các điều kiện xã hội và quá trình mang tính kiềm hãm hoặc thúc đẩy hành động, thay vì là một tập hợp nguyên nhân và kết quả. Chúng ta có thể dẫn lối việc giải thích lịch sử theo kiểu hướng nhìn nhận cách mà các người trong cuộc (cả cấp cao lẫn cấp thấp) hành động trong bối cảnh những điều kiện này. Một cách tiếp cận như vậy sẽ giúp chúng ta tránh được lỗi coi những thứ trừu tượng thành những đại lượng hữu hình, như là các cấu trúc, thời kì, lực lượng trong lịch sử. (f)
Cách tiếp cận này mang theo nó tầm quan trọng của việc phân tích sát sao môi trường xã hội-tự nhiên trong đó các cá nhân có chọn lựa của riêng mình. Môi trường xã hội thường tương ứng với việc xét về các thể chế đương thời, còn môi trường tự nhiên ý nói đến những tình huống trực tiếp mà trước đây có thể bị bỏ qua trong cách tiếp cận truyền thống. Thể chế ở đây là những thứ tồn tại một cách ổn định trong một thời kì, như là: mối quan hệ về của cải, thể chế chính trị, cấu trúc gia đình, hình thức giáo dục và các giá trị tôn giáo, đạo đức. Cách tiếp cận này không chỉ đưa ra cơ sở để nói “cái này là nguyên nhân của cái kia” mà nó còn cho ta thấy cái cách mà những nguyên nhân lịch sử thực sự tồn tại trong quá khứ – qua cái cách mà con người ta phản ứng đối với các tác nhân xã hội – tự nhiên.
Các tác nhân xã hội có thể mang tính kiềm hãm cũng như thúc đẩy. Ta phải hiểu được những thứ như một thời kì nhất định có một mức độ kiến thức khoa học công nghệ nhất định, một tập hợp các mối quan hệ quyền lực nhất định, và một năng suất sản xuất của cải nhất định. Ta cũng cần nắm được rằng kiến thức và tài nguyên cho hành động thì mang tính hạn chế, rằng là những sự cưỡng ép tồn tại (mà có thể hiện giờ đã tiêu biến). Trong giới hạn của những cơ hội và rào cản này, con người ta từ vua tôi cho đến kẻ hèn mạt sống và hiện thực hóa khát vọng của họ.
Cách tiếp cận thay thế này ta có thể gọi là cách tiếp cận xoay quanh chủ thể (actor-centered history): chúng ta giải thích được một kỷ nguyên khi ta giải thích được con người ta đã suy nghĩ và tin điều gì, họ muốn điều gì, và những điều kiện gì “đóng khung” các lựa chọn của họ. Đây là một cách tiếp cận chú ý sát sao đến những thứ như hệ tư tưởng (ideology), trạng thái tri thức (state of knowledge), cấu trúc, thể chế, tổ chức mà ít ưu tiên đến chuyện nguyên nhân-kết quả hơn. (g)
1.2. Quy mô trong sử học
Nghiên cứu sử học bắt buộc chúng ta phải đưa ra lựa chọn về quy mô mà chúng ta xét đến vấn đề. Giả dụ khi nói về Cách mạng Trung Quốc, liệu ta sẽ nói về trải nghiệm của cả nước Trung Quốc trong toàn bộ nửa đầu thế kỉ 20, hay chỉ một tỉnh Sơn Đông, hay khu vực căn cứ Diên An, hay là trải nghiệm của một vài căn làng nhỏ trong năm 1940? Xét đến tính dị biệt và đa dạng của đời sống xã hội con người qua các vùng miền khác nhau cũng như qua các thời điểm khác nhau, kết quả nghiên cứu của ta có thể thay đổi vô cùng tùy vào việc ta khoanh vùng nghiên cứu như nào.
Các sử gia khác nhau rất cơ bản về quyết định lựa chọn quy mô của họ. Ví dụ: William Hinton cung cấp một sự miêu tả gần như từng tháng một những gì xảy ra trong suốt cuộc Cách mạng Trung Quốc tại một ngôi làng nhỏ tên Fansheng. William Cronon tường thuật lại chi sự phát triển của Chicago nhưng là một đại đô thị ở miền trung Hoa Kì. Những lịch sử này giới hạn trong không gian thời gian, chúng có thể được gọi là “tiểu sử” hay “lịch sử vi mô”.
Ngược lại, Massimo Livi-Bacci viết một lịch sử về dân số thế giới, William McNeil viết về dịch bệnh trong lịch sử loài người. Những chước tác này có thể được gọi là “đại sử”, hay “lịch sử vĩ mô”.
Cả hai loại này đều có những khuyết điểm quan trọng. Giống như khi ta quan sát một vật, nếu nhìn gần quá, không nhìn được những cái tổng thể, thì dẫn đến tình trạng thầy bói xem voi. Nhưng nếu nhìn quá xa, ta có xu hướng đánh đồng, khái quát hóa vội vàng, và cào bằng mọi vật. Điều đầu tiên không giúp cho ta rút ra được bài học gì, điều thứ hai dễ đưa ra những bài học sai lầm, dựa trên những cơ sở không vững chắc.
Vì vậy điều quan trọng mà các sử gia và cả người đọc lịch sử phải cân nhắc là lựa chọn một sự khoanh vùng phù hợp, để đảm bảo một sự kết hợp giữa tính tiểu tiết và tính đại cương.
Chú giải:
(a): Ý là đặt vấn đề về tri thức lịch sử, cách mà chúng ta thu thập, kiểm chứng, trình bày nó: liệu có điều gì bị chôn vùi, bỏ ngỏ, hay bị xuyên tạc hay không.
(b): Ta có thể lấy khái niệm “cách mạng” làm ví dụ: thời của Herodotus làm gì có khái niệm cách mạng, nhưng đến một thời điểm nào đó trong lịch sử, một sử gia nào đó nhìn vào một sự kiện có bản chất không hề giống như một sự kiện nào trước đó, và buộc phải làm việc để cuối cùng đưa ra khái niệm “cách mạng”, nó cho ta hiểu biết sâu hơn, chính xác hơn về bản chất của sự kiện đó. Đây là một công việc sáng tạo.
(c): Ở đây tác giả dùng chữ “why-necessary question” cho vế sau. Necessary ở đây là thuộc theo nghĩa giống như trong necessary condition (điều kiện cần), tức điều kiện phải có để một thứ gì đó xảy ra. Necessary vì vậy ý muốn nói đến tính khả thể hoàn toàn, 100%.
(d): ví dụ như góc nhìn của một người lính, một vị chỉ huy và một chính trị gia về cùng một cuộc chiến.
(e): Ý nói đến liệu lịch sử có một cấu trúc hay không, hay thực sự là một mớ hỗn mang
(f): Nói cách khác, thay vì áp đặt những cái khung lí thuyết cứng nhắc vào lịch sử, ta có một góc nhìn uyển chuyển hơn, sâu sát hơn, phù hợp với thực tế lịch sử vốn bao gồm các tác nhân với các trạng thái kiến thức khác nhau, với các điều kiện bên ngoài thay đổi liên tục.
(g): Nói tóm lại, tác giả muốn đưa ra một hệ thống bản thể mới về sử học.