(Bài chỉ mang tính chất nghiên cứu, không có ý cổ suý cho các hoạt động khủng bố dưới mọi hình thức).
Tháng 6 năm 1944, Hồng quân Liên Xô mở Chiến dịch Bagration chống lại Cụm Tập đoàn quân Trung tâm của Wehrmacht ở Belorussia. Mặc dù Đức có một đội quân tinh nhuệ với tuyến phòng thủ chắc chắn, quân Liên Xô lại có lợi thế bất ngờ chiến thuật và có số lượng đông hơn hẳn. Họ có gấp 3 lần binh lính, 6 lần xe tăng và 8 lần pháo binh so với quân Đức. Kết quả là Wehrmacht hoàn toàn đại bại. Bộ binh và pháo binh của Liên Xô chọc thủng nhiều lỗ lớn trên phòng tuyến của Đức, xe tăng Liên Xô thọc sâu vào đó và bao vây nhiều đơn vị Đức. Hai tháng sau đó, đợt tiến công của Liên Xô cuối cùng cũng dừng lại ở bờ Sông Vistula của Ba Lan, gần 1000 km từ điểm xuất phát. Trong thời gian đó Hồng quân đã gây thiệt hại lớn cho Cụm Tập đoàn quân Trung tâm, tiêu diệt hoàn toàn 17 sư đoàn và 3 lữ đoàn của Đức, 50 sư đoàn còn lại mất 50% biên chế và tiêu diệt gần nửa triệu binh lính tinh nhuệ của quân Đức.
Hai mươi chín năm sau, vào tháng 11 năm 1973, quân đội Syria mở một chiến dịch tấn công lớn tương tự vào lực lượng Israel đóng tại Cao nguyên Golan. Giống với Đức, quân Israel là một đội quân tinh nhuệ phòng thủ trên một chiến tuyến tốt, và giống Liên Xô, quân Syria có lợi thế lớn về số lượng và bất ngờ. Với số binh lính gấp 10 lần, số xe tăng gấp 8 lần và số khẩu pháo gấp 10 lần quân Israel. Quân Syria có lợi thế bất ngờ lớn hơn nữa so với Liên Xô, bởi vì lúc bấy giờ Israel đang trong tình trạng hoà bình với Syria, không nghĩ rằng sẽ có chiến tranh. Kết quả là chỉ trong 3 ngày, Israel phản công và đẩy hoàn toàn quân Syria khỏi Golan và tiếp tục tiến thẳng về Damascus – thủ đô của Syria – trước khi phải dừng lại do viện quân của Iraq và Jordan kịp thời đến giải cứu.
Năm 1973, Syria đã có được tất cả lợi thế mà quân Liên Xô có năm 1944, có lẽ là nhiều hơn nữa. Nhưng họ lại không thu được kết quả thuận lợi như Hồng quân. Trong khi Liên Xô đã có một chiến thắng quyết định nhất trong lịch sử hiện đại, thì Syria lại chịu một thất bại nặng nề nhất cho quốc gia. Chiến thắng của Liên Xô ở Belorussia là vô cùng lớn và mở đường cho cuộc tấn công và tiêu diệt hoàn toàn Đức Quốc Xã, kết thúc mối đe doạ từ Đệ Tam Đế Chế của Hitler. Cuộc tấn công thất bại vào Golan cũng mang tính quyết định tương tự, khiến cho Syria tin rằng mình không thể lấy lại Golan từ tay Israel bằng cách tấn công chính quy, một kết luận vẫn đúng sau gần 30 năm.
So sánh giữa quân Syria và Liên Xô cho thấy một mối liên hệ giữa các cuộc chiến tranh ở Trung Đông trong lịch sử. Kể từ khi các đế quốc châu Âu và đế quốc Ottoman tan rã, vùng Trung Đông đã nổ ra hàng loạt cuộc chiến tranh. Các nước Ả Rập đã nhiều lần mâu thuẫn và xảy ra chiến tranh với Israel, với Iran, với các dân tộc thiểu số, với các nước châu Phi, với các nước châu Âu và với Mỹ. Tuy nhiên, trong mỗi cuộc chiến này, quân Ả Rập lại chiến đấu vô cùng tệ. Từ những thất bại liên tiếp trước Israel, đến cuộc chiến mà Iraq mất đến 8 năm vẫn không tiêu diệt nổi Iran còn chưa hồi phục sau cách mạng và bị cả thế giới cô lập, lại chính quân đội Iraq đó lại bị liên quân do Mỹ đứng đầu đánh bại dễ dàng trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, rồi đến thất bại nhục nhã của Libya ở Chad, và sự sụp đổ nhanh chóng của quân đội Iraq trước ISIS năm 2014, và họ cũng gặp vô số khó khăn trong việc đẩy ISIS ra khỏi đất nước mặc dù có sự hỗ trợ từ không lực của Mỹ và 62 nước khác.
Để biết tại sao quân đội Ả Rập chiến đấu tệ như vậy, chúng ta có thể tham khảo cuốn “Armies of Sand” của Kenneth Pollack [1] hoặc muốn ngắn hơn thì bài viết “Why Arab Lose Wars” của Norvell B. De Atkine [2] xoay quanh các vấn đề như văn hoá, xã hội, chính trị hoá. Bài viết này sẽ nói đến một vấn đề khác, tại sao với một xã hội cho ra đời những đội quân yếu kém như vậy, thì vào tháng 6 năm 2014, lại xuất hiện một đội quân tự xưng ISIS gây sốc cho cả thế giới khi chiếm được phần lớn miền bắc và tây Iraq, tiến quân vào thành phố Mosul nổi tiếng và khiến 5 sư đoàn của quân đội Iraq sụp đổ? Phần lớn thành công cũng là nhờ vào sự yếu kém của lực lượng vũ trang Iraq. Nhưng một phần lý do cũng là nhờ vào khả năng tác chiến khá tốt của ISIS. Thật tế, ISIS và Hezbollah là hai đội quân phi chính phủ cho thấy khả năng chiến đấu của mình tốt hơn nhiều so với hầu hết quân đội của các chính phủ Ả Rập sau Thế chiến 2. Hiểu rõ tại sao họ chiến đấu khác biệt và tốt hơn là một phần trọng để hiểu về cách xã hội Ả Rập định hình nên lực lượng của họ trong thời hiện đại, và cán cân lực lượng ở Trung Đông sẽ thay đổi thế nào trong tương lai. Có rất nhiều lý do mà ISIS từ năm 2013 đến 2015 lại chiến đấu tốt như vậy, trong đó một số lý do quan trọng nhất là:
KẺ ĐỊCH YẾU
Chiến tranh là một hoạt động cạnh tranh, và để chiến thắng thì không nhất thiết phải chiến đấu thật tốt, chỉ cần chiến đấu tốt hơn đối thủ. Và cả lực lượng an ninh Iraq và lực lượng của chế độ Syria, cũng như các đội dân quân ở Syria và Iraq có thể chọi lại với ISIS. Bằng chứng là việc ISIS đã gặp nhiều khó khăn khi lực lượng quốc phòng Iraq và lực lượng dân quân Syria có phần cải thiện dưới sự cố vấn của liên quân do Mỹ đứng đầu. Nói theo lời của cựu trưởng phòng tình báo quân đội của Israel, Trung tướng Amos Yadlin thì “Xét về góc độ quân sự, phương thức hoạt động của Nhà nước Hồi giáo không có gì đột phá. […] Những nỗ lực sử dụng vũ khí nặng hơn và tinh vi hơn mà chúng lấy được trong các trận chiến đã không thu được nhiều thành quả chiến trường quan trọng. […] Do đó, chúng phải thích ứng với khả năng năng nhanh chóng tập trung lực lượng và gây bất ngờ cho kẻ thù. Tuy nhiên, những chiến thuật và phương tiện này lại không thích hợp để chiến đấu với một đội quân phương Tây hiện đại [3].”
SỰ QUYẾT TÂM
Một trong những lợi thế quan trọng mà binh lính ISIS mang đến chiến trường là sự quyết tâm của họ. Điều này tạo ra một sự khác biệt lớn giữa ISIS và các đối thủ của họ. Các binh lính ISIS – đặc biệt là các binh lính nước ngoài, phần dưới sẽ nói sâu hơn – luôn tin rằng họ đang chiến đấu trong một cuộc thánh chiến thay cho Đấng toàn năng. Họ hoàn toàn “nhiệt tình” với cuộc chiến, và một số không chỉ sẵn sàng mà còn muốn được hy sinh. Hơn thế nữa, ISIS là một tổ chức hiểu được giá trị quân sự của lòng tin này và luôn tìm mọi cách để nâng cao và phát triển nó. Như Siboni giải thích trong một bài viết quan trọng về sức mạnh quân sự của ISIS thì họ “coi việc huấn luyện quân sự không quan trọng bằng nỗ lực để nuôi dưỡng lòng khát khao chiến đấu của binh lính [4].”
Đặc biệt là trong loại chiến tranh dân quân nghiệp dư phổ biến rộng rãi khắp Trung Đông, chỉ đơn giản việc sẵn sàng ở lại tiếp tục chiến đấu, giết chóc và hy sinh thường đã là một lợi thế quyết định. “Khả năng chiến dịch của chúng không phải là xuất sắc, nhưng tinh thần chiến đấu cao và sự sẵn sàng hy sinh bản thân của các tín đồ Hồi giáo đã cho phép nó mở rộng quyền kiểm soát khu vực [5],” theo lời của Siboni. Hơn thế nữa, binh lính ISIS thường, nhưng không phải luôn luôn, không chỉ sẵn sàng ở lại chiến đấu mà còn lao vào cơn bão đạn. Đây là một đặc điểm rất hiếm có trong loại chiến tranh này, một thứ đồng thời cũng giúp Hezbollah có lợi thế hơn hẳn các lực lượng dân quân khác trong Nội chiến Lebanon. Không chỉ là vì những cuộc tấn công trực diện như vậy chắc chắn sẽ chiếm được vị trí phòng thủ của đối phương, mà còn khiến quân lính địch bị khủng bố tinh thần khi biết rằng mình sẽ chả bao giờ có thể làm điều đó và dẫn tới tinh thần của các đơn vị yếu kém sụp đổ. Đây là con đường chắc chắn nhất đi đến chiến thắng trong kiểu chiến tranh dân quân đọ súng này.
CHỌN LỌC TỰ NHIÊN KIỂU DARWIN
Một lần nữa, giống với Hezbollah, khả năng tác chiến của ISIS còn dựa vào các tướng lĩnh hoặc chỉ huy tài năng của mình. Và một lần nữa, cả trong cấp độ chiến lược/chiến dịch và chiến thuật, ISIS đều hơn các đối thủ của mình. Các chiến thắng của ISIS tại Iraq và Syria thường là sản phẩm của một số lãnh đạo chiến lược hoặc các chỉ huy chiến trường giỏi. Hơn thế nữa, ISIS chứng tỏ mình là một tổ chức biết học hỏi, một điều mà phải đến từ các lãnh đạo cấp cao.
Trên truyền thông, việc này thường được quy cho một nhóm gồm 100-150 cựu sĩ quan trong quân đội Iraq, những người này đã giúp ISIS điều động binh lính, lên kế hoạch tác chiến, thiết lập kỷ luật,… cho các chiến dịch quân sự của ISIS. Việc này hoàn toàn sai. Thứ nhất, ISIS là một tổ chức rất lớn – với khoảng 10,000 binh lính vào thời điểm thành công nhất năm 2014 và có thể khoảng 50,000 chiến binh vào lúc mạnh nhất năm 2015 – số lượng nhỏ sĩ quan như vậy không thể gây ảnh hưởng nhiều đến một lực lượng lớn được. Thứ hai, chúng ta có rất nhiều thông tin cho thấy đa phần các chỉ huy giỏi nhất của ISIS không phải các cựu sĩ quan trong quân đội Iraq. Và cuối cùng, như đã nói ở trên, quân đội của Saddam rất kém, dù cho có là sĩ quan trong đó thì cũng không đảm bảo bạn biết mình đang làm gì, cho dù ở thời điểm quân Iraq có thể coi là “mạnh nhất” vào năm 1987 đến 1991 thì họ cũng không cho thấy sự tài năng gì cả.
Phải hiểu rằng tôi không phủ nhận những người này tồn tại hay việc hỗ trợ ISIS của họ, chỉ là vai trò của những người này thường bị phóng đại quá mức và việc họ từng phục vụ trong quân đội của Saddam không liên quan tới khả năng chiến đấu của ISIS. Có hàng chục ngàn cựu binh lính trong quân đội Iraq chiến đấu cho ISIS, và trước đó cho al-Qaeda. Điều quan trọng đối với những lãnh đạo ISIS chính là họ đã sống sót qua cuộc đóng quân của Mỹ, Nội chiến Iraq năm 2005-2003, Surge 2007 và sau đó là cuộc Nội chiến Syria. Phần đông đã không là được điều đó, họ chết, bị thương, mệt mỏi, bỏ cuộc. Không giống như những người còn lại, nhóm 100-150 lãnh đạo của ISIS đã học được cách chiến đấu và cách sống sót qua loại chiến tranh này. Đó là lý do họ thăng chức trong ISIS và trở thành những thành viên quan trọng trong bộ chỉ huy ISIS.
Tuy nhiên, lợi thế này chỉ có được khi ISIS còn là một chức nhỏ, khi nó càng phát triển lớn mạnh thì số lượng tham gia ISIS cũng đông hơn và những ảnh hưởng của các lãnh đạo này cũng ít hơn. Và thời điểm đó thì quân ISIS cũng có thể tự do hoạt động hơn, khi các đối thủ của mình – chính phủ Iraq, Syria, người Kurd, quân Iran và Mỹ – đều không coi họ là mối nguy hại lớn, nhưng một khi đã khiến cả thế giới phải sốc bằng những chiến thắng liên tục của mình thì ISIS dần dần mất đi lợi thế.
TÁCH BIỆT VỚI VĂN HOÁ Ả RẬP
Giống với Hezbollah, ISIS là một đội quân chính quy phát triển từ một tổ chức khủng bố. Đây là một điều rất khác biệt so với các quân đội nước khác, đặc biệt là quân đội Ả Rập. Tham gia ISIS không phải là một điều “bình thường” đối với người dân Ả Rập, trên thế giới có hơn 300 triệu người Ả Rập và chỉ có 200,000 người có quan hệ dưới mọi hình thức với ISIS, một số hoàn toàn bị ép buộc. Nhưng thành phần tham gia vào ISIS là thuộc nhóm thiểu số nổi loạn, vì vậy họ tạo ra một hệ thống tổ chức không “bình thường” nói đúng hơn là khác với Ả Rập và không chịu ảnh hưởng từ văn hoá Ả Rập nên sẽ không kém hiệu quả như quân đội Ả Rập. Có thể thấy ngay trong câu đầu của ảnh bên dưới, chụp từ một tài liệu nghiên cứu tâm lý Trung Đông của Gary Gregg thì người dân Ả Rập tham gia khủng bố thường sống ở những nơi có nền văn hoá bị bóp méo hoặc bị huỷ diệt [6]. Không có gì ngạc nhiên khi những tổ chức này lại chiến đấu tốt hơn so với quân đội Ả Rập “bình thường.”
CHIẾN BINH NƯỚC NGOÀI
Binh lính nước ngoài đóng một vai trò quan trọng giúp ISIS thành công, quan trọng hơn nhiều so với những tổ chức khác. Mặc dù rất khó để đoán chính xác, nhưng có thể ước tính hơn một nửa số binh lính ISIS đến từ những nơi nằm ngoài Syria và Iraq. Ví dụ, vào tháng 7 năm 2014, CIA ước tính có ISIS có khoảng 31,000 binh lính [7]. Khoảng 5 tháng sau, lãnh đạo Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng có 20,000 chiến binh đã đến Syria và Iraq [8]. Chính những thanh niên này, trẻ tuổi, thất nghiệp, ít liên kết với mọi người trong cộng đồng và ít chịu ảnh hưởng bởi văn hoá Ả Rập, không chỉ là một nguồn nhân lực lớn cho các hoạt động đánh bom tự sát – chiến thuật quan trọng của ISIS – mà còn tạo nên những lãnh đạo tài năng cho tổ chức này. Thật tế đa phần những chỉ huy giỏi của tổ chức này là người nước ngoài như Abu Jandal al-Masri (Ai Cập), Abu Huzayfa al-Yamani (Yemen) và tất nhiên, chỉ huy giỏi nhất của ISIS, Abu Umar al-Shishani người Chenchen được so sánh ngang với Hassan Djamous của Chad. Khi al-Shishani chết năm 2016, đơn vị của ông được thay thế bằng đơn vị Uzbekistan và quyền chỉ huy được trao cho một tướng lĩnh người Tajikistan, không phải Syria và Iraq.
Nguồn:
[1] https://www.amazon.com/Armies-Sand-Present-Mil…/…/0190906960
[2] https://www.meforum.org/441/why-arabs-lose-wars
[3] https://www.inss.org.il/…/The%20Islamic%20State%20Challenge…
[4] https://www.inss.org.il/…/The%20Military%20Power%20of%20the…
[5] https://www.inss.org.il/…/The%20Military%20Power%20of%20the…
[6] http://people.kzoo.edu/ggregg/mepsy-1.doc
[7] https://www.google.com/…/cia-triples-number-islamic-state-f…
[8] https://www.google.com/…/what-happens-when-arab-foreig…/amp/
Cre: Phuc Minh (Minh Hoàng Phúc)