[TỪ CHIẾN HÀO ĐẾN MORDOR: THẾ CHIẾN 1 VÀ NỀN VĂN HỌC KỲ ẢO CỦA ANH]

TỪ CHIẾN HÀO ĐẾN MORDOR: THẾ CHIẾN 1 VÀ NỀN VĂN HỌC KỲ ẢO CỦA ANH

(Đây là bản full, tác giả quyết định không chia phần nữa nên bỏ bản kia đi).

Vào năm 1889, một phần tư thế kỷ trước khi cuộc Chiến tranh thế giới thứ 1 nổ ra, Mark Twain đã viết một cuốn tiểu thuyết kỳ ảo ngắn mang tên “Tên Yankee trong Triều đình Vua Arthur” (sau này được đổi tên thành “Tên Yankee bang Connecticut trong Triều đình Vua Arthur.”) [1]. Cuốn sách kể về một anh chàng kỹ sư người Mỹ, Hank Morgan, người sau khi bị thương nặng ở đầu thì bị cuốn vào dòng xoáy thời gian-không gian và được đưa đến một triều đình hư cấu của Vua Arthur. Với những kiến thức ở tương lai và kỹ năng công nghệ của mình, vị du hành gia thời gian người Mỹ ngay lập tức được mọi người tôn làm phù thuỷ. Bắt tay thực hiện một loạt các nỗ lực để hiện đại hoá nước Anh, Hank gặp phải sự phản đối quyết liệt từ Giáo hội Công giáo. Cuốn sách kết thúc với sự kiện Hank và 52 học viên trẻ tuổi của mình đối mặt với hơn 30,000 hiệp sĩ. Ẩn nấp sau bãi mìn, hàng rào điện và điều khiển những khẩu súng gatling “mang đến tử thần,” nhà du hành thời gian và những đồng đội của anh đã lần lượt “thảm sát” những kẻ mặc giáp sắt tấn công mình. Bằng tất cả lòng dũng cảm và sự hào hiệp của họ, các hiệp sĩ vẫn bất lực trước cuộc chiến tranh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Sau khi phát hành, một trong những cuốn sách khoa học viễn tưởng đầu tiên này đã được hàng ngàn trẻ em trên khắp nước Anh và Mỹ đón nhận. Trong số những người hâm mộ cuồng nhiệt nhất của cuốn sách là một cậu bé tám tuổi với một cặp mắt to, tên Clive Staples Lewis, sau này được biết đến với cái tên C.S. Lewis, một nhà thần học và tác giả của “Biên niên sử Narnia” nổi tiếng [2]. Clive từ nhỏ đã bị cuốn hút bởi câu chuyện về những chàng hiệp sĩ của Vua Arthur, cùng với chủ nghĩa lãng mạng được khai thác qua tinh thần thượng võ của họ. Về điều này thì không phải chỉ có mình ông – cả một thế hệ học sinh nước Anh dưới thời Victoria và Edward đã được làm quen với tác phẩm về hình tượng anh hùng thời cổ đại và lòng hào hiệp thời trung đại từ nhỏ. Từ “Ivanhoe” của Sir Walter Scott [3] đến các tác phẩm trung cổ lãng mạn của William Morris [4] đến những dòng thơ của Alfred Lord Tennyson về “Morte D’Arthur” của Thomas Malory [5], hình tượng người anh hùng được lý tưởng hoá của xứ Albion đã gắn chặt với nền văn hoá của Hoàng gia Anh. Chỉ sau đó, vào năm 1952 thì Lewis mới xem xét, đánh giá lại sở thích lúc nhỏ của mình cho tác phẩm của Twain. Chính những “yếu tố lãng mạn trong cuốn tiểu thuyết” đã khiến ông say mê nó lúc nhỏ, ông viết, không phải những ẩn ý “chế giễu chống lại tinh thần hào hiệp thời Trung cổ.” Đối với Lewis, “hình tượng người hiệp sĩ – người Thiên Chúa giáo cầm vũ khí lên chiến đấu vì lẽ phải – là một trong những hình tượng vĩ đại của đạo Chúa” [6].

Và thực tế, một phần mục đích của Twain khi ra đời tác phẩm này là để mỉa mai chính những tư tưởng đó. Là một nhà văn người Mỹ, người đã sống qua thời đẫm máu và tàn khốc của cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, ở ông đã nảy sinh một sự chán ghét đối với chủ nghĩa lãng mạn trung cổ ở thế kỷ 19, thứ mà ông coi là gắn liền với văn hoá các bang miền Nam trong giai đoạn antebellum. Chỉ sáu năm trước, trong “Cuộc sống ở Mississippi,” Twain đã lên tiếng chống lại những ảnh hưởng nguy hiểm của các nhà văn như Sir Walter Scott, tuyên bố rằng:

“Chính Sir Walter là người đã biến tất cả các quý ông ở miền Nam trở thành một Thiếu tá hoặc một Đại tá, hoặc một Đại tướng, hoặc một Thẩm phán, trước cuộc chiến tranh; và cũng chính anh là người khiến những quý ông đó coi trọng thứ làm màu vô ích như vậy. Vì anh ta đã tạo ra những thứ hạng và đẳng cấp, rồi lại tỏ ra tôn trọng những thứ hạng và đẳng cấp ấy, và trở nên tự hào hay vui sướng vì nó. […] Sir Walter là một nhân vật tai to mặt lớn trong việc tạo nên nền văn hoá ở miền Nam, như nó đã tồn tại trước chiến tranh, vì vậy anh là người chịu trách nhiệm lớn cho cuộc chiến [7].”

Những lời phê phán của Twain với thứ mà ông cho là quan niệm cổ hủ về danh dự và tinh thần hào hiệp, cũng như miêu tả của ông về lối chiến đấu nguy hiểm trong một cuộc chiến tranh công nghiệp hoá, đã phần nào như một lời tiên tri dự báo trước cuộc tranh cãi về văn hoá và nghệ thuật nổ ra trên khắp nước Anh trong hai thập kỷ rưỡi sau đó, bắt đầu với cuộc Chiến tranh thế giới thứ 1. Những phản đối quyết liệt của Lewis trước các lời phê bình đó và quyết tâm gắn bó của ông với những gì ông coi là không thể phai nhoà theo thời gian như lòng hào hiệp thời Victoria, phải nói là đã ăn sâu bám rễ vào các kiệt tác kỳ ảo và văn học thiếu nhi của thế kỷ 20 – từ Lewis đến J.R.R. Tolkien, John Masefield và A.A. Milne – đều là những cựu chiến binh trong Thế chiến 1. Những trải nghiệm của họ trong 4 năm u ám, đẫm máu và chết chóc này đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình các vũ trụ kỳ ảo trong tác phẩm của họ, thúc đẩy họ suy nghĩ theo một cách khác về quan niệm vinh quang và lòng yêu nước truyền thống, cũng như về sự công bằng trong một số cuộc chiến nhất định.

SẦU MUỘN VÀ CHIA RẼ: CÁI NÔI VĂN HỌC CỦA “BUỔI CHIỀU EDWARD.”

Các nhà văn kỳ ảo-giả tưởng nổi tiếng của Anh trong thế kỷ 20 đa số đều lớn lên trong thời kỳ phức tạp và chia rẽ này. Sau khi chứng kiến những hậu quả thảm khốc của Thế chiến 1, nhiều người đã nhìn lại những năm đầu của thế kỷ 20 với nỗi nhớ da diết. Sau cuộc tàn sát, bom đạn và những biến động xã hội của cuộc Đại chiến, thời kỳ Edward được xem là một “buổi chiều vàng,” thoáng qua trước khi màn đêm chiến tranh buông xuống – một thời kỳ yêu nước, hoà bình và thịnh vượng tương đối. Tuy nhiên, những hồi tưởng đầy màu hồng này không nhất thiết là hoàn toàn đúng với thực tế về thời kỳ trước chiến tranh này. Thật tế, thời kỳ Edward vượt lên tất cả, được đánh giá là một trong những thời kỳ có nhiều biến chuyển xã hội và địa chính trị nhất. Như giáo sư đại học Princeton là Samuel Hynes viết trong cuốn “The Edwardian Turn of Mind,” thời kỳ Edward có thể được:

“… xem như một bữa tiệc trà ngắm vườn dài vào một buổi chiều – đối với những người ở trong vườn. Nhưng những sự kiện quan trọng hơn lại diễn ra ở ngoài vườn: chính ở ngoài kia mà thế kỷ 20 đã được hình thành. Nỗi nhớ là một cảm xúc tuyệt vời, nhưng nó lại quá đơn giản hoá [8].”

Với sự phát triển của các cường quốc như Hoa Kỳ và đe doạ hơn cả – Đế quốc Đức, đã có một lượng lớn tranh cãi về vấn đề quốc tế diễn ra, với lo ngại rằng sức mạnh của Đế quốc Anh đang suy yếu dần. Trong khi đó, các vấn đề trong nước cũng không hề khá hơn, gây chia rẽ sâu sắc vì những biến động xã hội và cải cách như quyền bầu cử cho phụ nữ và quyền của công nhân [9]. Có một mối lo ngại lớn về tác động lâu dài đến xã hội và môi trường của sự công nghiệp hoá và cơ giới hoá hàng loạt. Nền văn học thời kỳ Edward – đặc biệt là nền văn học kỳ ảo – đã phản ánh rõ những lo lắng này, cùng với tâm lý tập thể rằng những người sống qua những năm đầu của thế kỷ 20 đang bước vào thời kỳ đầy rủi ro và khó lường.

Lo lắng về những thay đổi và mâu thuẫn giữa các giai cấp là điều dễ thấy trong các tác phẩm như “Gió qua rặng liễu” của Kenneth Grahame, trong khi các tác giả khác, thông qua việc sử dụng lại chủ nghĩa huyền bí dân gian và truyện cổ tích, đã khiến con người ta phải chú ý đến những tác động của sự đô thị hoá hàng loạt đến đời sống nông thôn ở Anh. Thời kỳ này không chỉ chứng kiến sự đón nhận nhiệt tình của đại chúng đối với thần thoại Arthur, mà còn là sự phát triển rộng rãi của chủ nghĩa Arcadia coi người Anh đang đe doạ đến vẻ đẹp tự nhiên của hòn đảo và sự khác biệt về lịch sử, bản sắc thời tiền Thiên Chúa giáo của nó. Khi ta mở ra những trang sách văn học giả tưởng và văn học thiếu nhi ở thời kỳ này, là khi ta bước vào một buổi hoàng hôn tuyệt đẹp nhưng đầy khó chịu [10]. Dường như không còn gì giống với vẻ ngoài của nó, một sự ngây thơ nào đó đã biến mất (có thể thấy đây là chủ đề chính của “Peter Pan”), và những ngày vui tươi, hạnh phúc đang ngày càng mờ dần phía cuối chân trời. “Tất cả những Người ở Đồi đều đã bỏ đi cả,” Rudyard Kipling viết trong “Quả bóng từ đồi Pook.” “Ta thấy thấy họ tới nước Anh cũ, rồi ta lại thấy họ đi, đi sạch hết rồi [11].”

Như các sử gia văn học cũng đã viết, thời kỳ Edward cũng đánh dấu sự hồi sinh của tôn giáo Pagan hiện đại hay cult of Pan và Lạp Hộ, cả hai thường được coi là ví dụ điển hình của lối sống nông thôn và nhất quyết chống lại mối đe doạ từ thời hiện đại [12].

Về lĩnh vực thơ ca cũng thấy xuất hiện sự phát triển của phong trào Georgian, trong đó bao gồm nhiều nhà thơ lớn như John Masefield, Rupert Brooke, D.H. Lawrence, và Siegfried Sassoon [13]. Với sự biên tập và tài trợ nhiệt tình từ Sir Edward Marsh, người từng là thư ký riêng của Winston Churchill – các nhà thơ Georgian đã phát triển ra một loại thơ mới – một sự kết hợp giữa chủ đề đồng quê, chống hiện đại hoá và sự bi thương với chủ nghĩa hiện thực lớn hơn và phong cách rời xa chủ nghĩa hình thức cổ thời Victoria [14]. Nói ngắn gọn, ngay trước cả khi những phát súng đầu tiên nổ ra trên Mặt trận phía Tây, nền văn học và thơ ca của Anh có những bước biến chuyển đáng kể với sự lo lắng trong xã hội kết hợp với chủ nghĩa dân tộc lãng mạn.

Thật tế, sự nhấn mạnh của phong trào Georgian vào chủ nghĩa thực tế không đi đôi với việc từ bỏ truyền thống hào hiệp và chủ nghĩa yêu nước thượng võ. Mà ngược lại. Phần lớn các nhà thơ chiến tranh nổi tiếng của Anh – ngoại trừ trường hợp của Wilfred Owen – đều là sản phẩm của hệ thống trường công Anh. (Hơi khó hiểu với những người xa lạ với nước Anh xíu, thì “trường công” ở Anh thực tế là… trường tư, trái ngược với “trường nhà nước” được miễn học phí [15]). Các trường học này, nơi đã đào tạo vô số thế hệ sĩ quan đế quốc, luôn đề cao thứ gọi là “đạo đức hào hiệp” – tôn vinh tinh thần thể thao, lòng yêu nước được lãng mạn hoá và tôn trọng những giá trị truyền thống – cùng với đó là niềm đam mê với chủ nghĩa khắc kỷ, tinh thần sẵn sàng hy sinh bản thân và võ thuật.

THẾ CHIẾN 1 VÀ TINH THẦN HÀO HIỆP BỊ ĐƯA LÊN BÀN CÂN.

Chính những cậu bé học trường công này, với cái đầu chất đầy Horace, Tennyson và Malory, là những người ở trong quân đoàn sĩ quan của Anh nhiều nhất, và cũng là những người – do nhiệm vụ của họ phải đi đầu trong các cuộc tấn công chiến hào – phải gánh chịu số lượng thương vong cực lớn. Những hình ảnh, quan niệm tuyệt đẹp của chủ nghĩa anh hùng Homer được thể hiện rõ qua những vần thơ “Lính tình nguyện” của Herbert Asquith, con trai của H. H. Asquith, cựu Thủ tướng Anh. Được viết năm 1912, hai năm trước khi Thế chiến 1 nổ ra, bài thơ đã hợp nhất cả hình ảnh người anh hùng thời trung đại và cổ đại – đồng thời cũng làm nổi bật vinh quang khi được hy sinh trong chiến trận:

“Here lies a clerk who half his life had spent
Toiling at ledgers in a city grey,
Thinking that so his days would drift away
With no lance broken in life’s tournament
Yet ever ‘twixt the books and his bright eyes
The gleaming eagles of the legions came,
And horsemen, charging under phantom skies,
Went thundering past beneath the oriflamme.

And now those waiting dreams are satisfied
From twilight to the halls of dawn he went;
His lance is broken; but he lies content
With that high hour, in which he lived and died.
And falling thus, he wants no recompense,
Who found his battle in the last resort
Nor needs he any hearse to bear him hence,
Who goes to join the men of Agincourt [16].”

Sự kinh hoàng và bẩn thỉu của cuộc sống trong chiến hào, hiệu quả ghê gợn, đáng sợ của vũ khí hiện đại và quy mô lớn của các cuộc tắm máu tại lục địa – tất cả đều có những ảnh hưởng lâu dài đến nền văn học Anh (và châu Âu). Các nhà thơ thời Đại chiến đã nhanh chóng nhận được một bài học nghiệt ngã rằng:

“mặt trận phía Tây không phải là Agincourt, cũng không phải là một sân chơi cho các trường công cổ đại, cũng không phải nơi để thử thách lòng dũng cảm, mà là một thế giới công nghiệp hiện đại thu nhỏ, hiện đại đến mức kinh hoàng [17].”

Cảm giác vỡ mộng và bất mãn này là trung tâm của một số câu thơ nổi tiếng nhất trong thời Thế chiến 1, từ bài thơ Horace cay đắng “Dulce et Decorum Est” của Owen:

“Bent double, like old beggars under sacks,
Knock-kneed, coughing like hags, we cursed through sludge,
Till on the haunting flares we turned our backs,
And towards our distant rest began to trudge.
Men marched asleep. Many had lost their boots,
But limped on, blood-shod. All went lame; all blind;
Drunk with fatigue; deaf even to the hoots
Of gas-shells dropping softly behind.

Gas! GAS! Quick, boys! —An ecstasy of fumbling
Fitting the clumsy helmets just in time,
But someone still was yelling out and stumbling
And flound’ring like a man in fire or lime.—
Dim through the misty panes and thick green light,
As under a green sea, I saw him drowning.

In all my dreams before my helpless sight,
He plunges at me, guttering, choking, drowning.

If in some smothering dreams, you too could pace
Behind the wagon that we flung him in,
And watch the white eyes writhing in his face,
His hanging face, like a devil’s sick of sin;
If you could hear, at every jolt, the blood
Come gargling from the froth-corrupted lungs,
Obscene as cancer, bitter as the cud
Of vile, incurable sores on innocent tongues, –
My friend, you would not tell with such high zest
To children ardent for some desperate glory,
The old Lie: Dulce et decorum est
Pro patria mori [18].

May mắn là cái này tôi tìm được một bản dịch:

“Người gấp đôi lại như ăn mày ôm bao tải
Lưng quay về khói lửa của chiến tranh
Khản cổ vì ho, chúng tôi khập khễnh lê chân
Mệt mỏi rã rời, khát khao về nơi nghỉ.
Chúng tôi lê chân, đôi mắt mơ màng ngủ
Giày dép không còn, mong thoát cho mau
Mò mẫm đi, không phân biệt nổi phía sau
Tiếng lựu đạn, tiếng bom đì đùng nổ.

Hơi độc! Nhanh lên! Những bước chân luống cuống
Tìm để đeo vào mặt nạ chống hơi cay
Ai đó lề mề, giẫm chân phải chất nhầy
Rồi giãy giụa như trong thùng lửa bỏng
Trong ánh sáng có màu xanh đặc quánh
Tôi thấy mình bất lực tựa trong mơ
Muốn giúp mà không giúp được anh ta
Anh ta vẫy vùng và rồi chìm nghỉm.

Giá mà bạn đã cùng lê bước với chúng tôi
Sau cái xe mà chúng tôi chất xác chết
Nhìn khuôn mặt và đôi mắt trắng bệch
Nhưng đôi mắt không còn thấy nữa rồi.
Bạn nhìn thấy máu me cùng bao xác chết
Thì bạn sẽ hiểu ra, bạn của tôi ơi
Thì bạn sẽ không còn dạy cho lớp trẻ
Những lời dối gian xưa nghe đầy cám dỗ:
Dulce et decorum est
pro patri mori
Được chết vì tổ quốc
sung sướng và ngọt ngào thay [19].”

cho đến những lời thơ phản đối của Sassoon về việc lòng hào hiệp sẽ làm cuộc chiến trở nên đẹp đẽ [20]. Thật tế, chủ đề anh hùng trung cổ không chỉ có mặt trên khắp nền văn học Anh trong thế kỷ 19, mà nó còn hình thành một khía cạnh cốt lõi trong việc tuyên truyền chiến tranh thời kỳ đầu của Anh [21]. Những người lính Anh được miêu tả là hiệp sĩ Arthur trên các áp phích và bưu thiếp, và “cuộc chiến chống Hun” được miêu tả dưới dạng tôn giáo như một cuộc thập tự chinh chính đáng – một điều mà các nhà thơ như Sassoon và Owen đã rất chán ghét.

KINH NGHIỆM THỜI CHIẾN CỦA CÁC NHÀ VĂN KỲ ẢO ANH.

Chính những vết thương và sự thất vọng này đã hình thành nên những nền móng cho vô số các nhà văn kỳ ảo của Anh thế kỷ 20 xây dựng và phát triển vũ trụ trong các cuốn tiểu thuyết của mình.

John Masefield – người sau này đi đầu trong phong trào văn học thiếu nhi kỳ ảo và được phong chức Poet Laureate – đã đủ tuổi để được miễn nghĩa vụ quân sự, thay vào đó phục vụ ở trung tâm y tế miền bắc nước Pháp. Ban đầu với ông, nước Anh thời Edward rất cần phải lấy lại thứ gì đó đã mất; đất nước đã “phát triển máy móc quá mức,” “quên đi linh hồn của mình,” và “tiêu hủy Jerusalem với các nhà máy Satan đen tối của mình [22].” Giống với nhiều nhà thơ khác, những suy nghĩ của ông vào mùa hè trước chiến tranh năm 1914 tràn ngập sự tự tin và tinh thần bất khuất. Ông không tin rằng cuộc chiến sẽ kéo dài và sự trỗi dậy của chủ nghĩa yêu nước trong xã hội Anh ban đầu đã làm ông say mê – ông sau này khẳng định rằng “trước tiếng còi kêu gọi cảnh tỉnh,” có vẻ như nước Anh cuối cùng đã “nhớ lại linh hồn mình, đó là linh hồn của Thánh George chiến đấu với rồng [23].” Bài thơ của ông, “Tháng 8 Năm 1914,” với phong cách Georgian điển hình, cho thấy sự khác biệt giữa thiên đường làng quê Anh, những cánh đồng Anh “chín muồi tâm hồn và chất đầy những đặc sản mùa hè,” với “sự khốn khổ của chiến hào ẩm ướt, cái lạnh giá vào mùa đông, và sự tuyệt vọng trong giây phút chiến đấu khi từng linh hồn một bay vào không trung,” và lặng lẽ ca ngợi sự hy sinh của những người lính Anh chiến đấu xa nhà và người thân [24].

Khi cuộc chiến tiếp tục kéo dài, tuy nhiên, văn phong của Masefield cũng từ đó nhanh chóng trở nên ảm đạm, trước nỗi kinh hoàng mà ông phải chứng kiến khi thấy từng chàng trai một trên hòn đảo xanh tươi bị đưa đến nơi chiến hào khói lửa, bẩn thỉu và đau khổ. Chính sự đau khổ này đã khiến nhà thơ mất đi khả năng thi ca của mình, ông đã thú nhận với vợ trong lá thư của mình, “điều gì đang diễn ra trên các chuyến tàu dài chậm chạp, đầy những người đàn ông khóc lóc điên cuồng [25].” Đến cuối cuộc chiến, ông được thuê bởi Wellington House – cơ quan tuyên truyền của Anh – và viết một tác phẩm tuyệt vời về Trận Gallipoli, với chủ đề bi thảm và lòng hào hiệp (kết hợp với nhiều trích dẫn từ bản ballad thời trung cổ “Trường ca Roland”). Các tác phẩm phi kỳ ảo khác của ông cũng dạng vậy bao gồm “Tiền tuyến cũ,” viết năm 1916, và “Trận đánh Somme,” viết năm 1919. Khi đến thăm chiến trường tại Somme, ông đã miêu tả một cách rợn người cảnh tượng chết chóc và tàn bạo tại đây:

“Nói rằng mặt đất bị cày nát bởi vỏ đạn là nói như một đứa trẻ. Nó bị cắt đứt, nổ tung và trằn trọc bởi sự tàn phá của chiến tranh, và mỗi bước đi của bạn ở đây là mỗi bước đi qua đống đổ nát của chiến tranh, và ở phía trên kia sườn núi, không có gì ngoài những cái hố không cỏ mười feet rộng và mười feet sâu, với sự ô uế và xác chết và tay và chân và những bộ quân phục rách nát cháy rụi và những bộ da người phủ khắp nền đất, đào ra đào vô rồi đào lại, như thể không còn gì trên đất của Chúa [26].”

Chính giữa những địa ngục này, trên chiến trường tại Somme, là nơi mà A.A Milne, tác giả của “Gấu Pooh xinh xắn,” phải chịu đựng vết thương vô hình đã ám ảnh ông, cùng với vô số các cựu chiến binh khác, suốt phần đời còn lại, một vết thương mà bộ phim gần đây, “Tạm biệt Christopher Robin,” đã làm rất tốt trong việc diễn tả lại [27]. Ngay sau khi đến Mặt trận phía Tây, Milne đã chứng kiến người bạn thân nhất của ông, Ernest Push, bị giết ngay trước mặt mình. “Ngay khi anh ấy vừa ngồi xuống trà, một quả pháo bay tới và thổi bay Ernest thành từng mảnh,” ông sau này kể lại. Vào tháng 8 năm 1916, gần như toàn bộ trung đội bộ binh của Milne đã hy sinh bởi súng máy địch, trong khi chưa ai trong số họ có thể đến gần “hai mươi thước cách chiến hào của Đức.” Sự kiện này đã khắc sâu vào trong tâm lý của Milne, ông được mô tả lúc bấy giờ là “ốm yếu về mặt thể chất, méo mó về mặt tinh thần và xuống cấp về mặt đạo đức [28],” cũng bởi do chiến tranh chiến hào.

J.R.R Tolkien và C.S Lewis đồng thời cũng từng chiến đấu trong Thế chiến 1. Trước khi được đưa đến chiến tuyến, họ đều có một tình yêu sâu sắc với văn học cổ điển, văn hoá dân gian cổ đại và truyền thuyết Arthur. Được định sẵn để trở thành bạn thân tại Oxford, cả hai đều thừa nhận thứ mà Tolkien gọi là “nỗi kinh hoàng xúc vật của chiến tranh chiến hào” có thể đã truyền cảm hứng cho một số yếu tố trong vũ trụ giả tưởng phức tạp của họ. Trong lời nói đầu của cuốn “Chúa tể của những chiếc nhẫn” tái bản lần thứ hai, Tolkien đã viết rằng một người phải “đến dưới cái bóng của chiến tranh để cảm nhận đầy đủ sự áp bách của nó,” và rằng “đến năm 1918, tất cả ngoại trừ một người thân duy nhất của tôi đều đã hy sinh [29].” Các khía cạnh chính trong thần thoại của ông, Tolkien hồi tưởng, đã được phát thảo dưới “ánh đèn nến của lều chuông” và trong lúc đào hào một cách run rẩy dưới hoả lực của pháo binh. Mặc dù ông khẳng định rằng cả hai cuộc thế chiến đều “không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến cốt truyện của “Chúa tể của những chiếc nhẫn,”” ông cũng miễn cưỡng thừa nhận rằng một số cảnh quan đáng sợ trong tiểu thuyết, như “đầm lầy chết chóc và con đường dẫn tới Morannon nợ một thứ gì đó ở miền bắc nước Pháp sau Trận Somme [30].” Thực tế, không ngạc nhiên lắm khi phát hiện những miêu tả của Boromir về Mordor – “một vùng đất cằn cỗi, bao trùm bởi lửa, tro và bụi,” với không khí “toàn là khói độc,” với những gì mà miền Bắc châu Âu phải trải qua trong những năm chiến tranh tàn phá.

Lấy một số ví dụ, hãy so sánh đoạn văn từ “Hai Toà Tháp” này với những mô tả về vùng nằm giữa hai chiến hào, hay “vùng không người” trong Thế chiến 1 – những vạch nứt tàn khốc, đầy sát chết của đất chia cắt giữa chiến tuyến ta và địch:

“Những hồ ao ngoác miệng bị bóp nghẹt bởi tro bụi và bùn lầy lúc nhúc, một màu trắng xám bệnh hoạn, như thể dãy núi đã nôn những cặn bã trong ruột nó ra khắp xung quanh. Những đống đá vụn vỡ hoặc bị nghiền nát như bột chất cao, những gò đất lớn khô cháy và vấy độc, đứng như một bãi tha ma tởm lợm thành những hàng bất tận, từ từ lộ ra trong ánh sáng miễn cưỡng.”

Những mô tả của ông về những người Hobbit xứ Shire, Tolkien thừa nhận, ít nhiều được ông lấy cảm hứng từ ngôi làng Warwickshire trong giai đoạn Diamond Jubilee của Nữ hoàng Victoria năm 1897 [31]. Rõ nhất có lẽ là hình tượng người anh hùng Samwise Gamgee “thực tế là phản ánh những người lính Anh” chiến đấu trong chiến hào mà ông tự nhận là vĩ đại hơn mình [32].

Lewis, về phần mình, đã thừa nhận một cách cởi mở rằng những trải nghiệm thời chiến đã có sức ảnh hưởng đến các tác phẩm của bạn ông. Trong một bài phê bình năm 1955, ông đã nhận xét rằng cuộc chiến căng thẳng giữa các lục địa trong “Chúa tể của những chiếc nhẫn” đã “chất chứa rất nhiều miêu tả về cuộc chiến mà thế hệ tôi trải qua [33].”

Bản thân Lewis đã bị thương bởi hoả lực pháo binh đồng minh, khi một quả đạn pháo của Anh bị lạc hướng và xé toạc hai người bạn thân của ông và khiến Lewis bị thương nặng – những mảnh đạn ấy nằm sâu trong da thịt của ông đến cuối đời. Một số học giả nhận định rằng nhà văn này cũng phải vật lộn với căng thẳng hậu chiến thương, và với những kỳ thị đến từ xã hội sau đó với những người công khai thừa nhận về vết thương tâm lý này [34]. Trước khi Thế chiến 2 bùng nổ, Lewis thừa nhận rằng từ lâu ông đã gặp rắc rối với những cơn ác mộng tái diễn đi tái diễn lại về cuộc chiến trước đó và đưa ra những lời miêu tả khủng khiếp về những gì ông đã chứng kiến:

“Những nỗi sợ hãi, lạnh lẽo, hôi thối – những người đàn ông bị đập nát kinh khủng vẫn bò lúc nhúc như những con bọ bán sống bán chết, những xác chết đứng đó và ngồi đó, một khung cảnh mặt đất tuyệt nhiên không có cỏ, với đôi giày mang ngày và đêm cho đến khi nó là dính hẳn vào đôi chân bạn – tất cả những điểu này đều xuất hiện mờ nhạt trong ký ức của tôi [35].”

Tham khảo thêm: “From the Trenches to Mordor and Back: World War I and British Fantasy Literature” của Iskander Rehman.

[1] http://pinkmonkey.com/dl/library1/digi038.pdf

[2] https://www.jstor.org/stable/43485993?seq=1

[3] https://www.gutenberg.org/files/82/82-h/82-h.htm

[4] https://www.amazon.com/Romances-William-Morris…/…/0521154928

[5] https://d.lib.rochester.edu/…/t…/tennyson-idylls-of-the-king

[6] https://www.jstor.org/stable/43485993?seq=1

[7] https://www.gutenberg.org/files/8480/8480-h/8480-h.htm

[8] https://www.amazon.com/dp/B004XIVPYA/ref=dp-kindle-redirect…

[9] https://www.amazon.com/Edwardians-Roy-Hattersl…/…/B011I2MMRC

[10] https://books.google.com.vn/books…

[11] http://www.online-literature.com/kipl…/puck-of-pooks-hill/1/

[12] https://books.google.com.vn/books…

[13] https://www.jstor.org/stable/440596?seq=1

[14] https://www.amazon.com/Georgian-Revolt-Poetic-…/…/0809301644

[15] https://www.britannica.com/topic/public-school

[16] https://www.google.com/…/m.poemhunt…/poem-amp/the-volunteer/

[17] https://www.jstor.org/stable/1880230?seq=1

[18] https://www.poetryfoundation.org/…/465…/dulce-et-decorum-est

[19] https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Dulce_et_Decorum_Est

[20] https://www.poetryfoundation.org/poems/57368/glory-of-women

[21] https://press.uchicago.edu/…/…/book/chicago/B/bo3629949.html

[22] https://www.amazon.com/St-George-dragon-John-M…/…/B0067JX7FI

[23] https://www.amazon.com/St-George-dragon-John-M…/…/B0067JX7FI

[24] http://www.blueridgejournal.com/poems/jm4-august1914.htm

[25] https://www.amazon.com/dp/B00DN5U3EW/ref=dp-kindle-redirect…

[26] https://www.amazon.com/dp/B00DN5U3EW/ref=dp-kindle-redirect…

[27] https://thestrategybridge.org/…/alan-went-to-war-reviewing-…

[28] https://www.theguardian.com/…/aa-milne-letter-features-in-i…

[30] https://www.amazon.com/Letters-J-R-R-Tolkien-…/…/ref=sr_1_1…

[31] https://www.amazon.com/Letters-J-R-R-Tolkien-…/…/ref=sr_1_1…

[32] https://www.amazon.com/J-R-R-Tolkien-Biograph…/…/ref=sr_1_1…

[33] https://earthandoak.wordpress.com/…/cs-lewis-response-to-c…/

[34] https://www.amazon.com/C-S-Lewis-Poetry-Great-…/…/0739171526

[35] https://www.amazon.com/dp/B01EFM8NKC/ref=dp-kindle-redirect…



Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *