Về Lê Long Đĩnh: Đôi điều phản hồi lại Đỗ Huy Hoàng
Ta phải là một Plato, một Aristotle, … không nên để đầu óc trói buộc vào những định kiến của người xưa. Lịch sử là một môn khoa học chứ không phải là nơi ta thuộc lòng những gì mà người khác muốn.
Bài liên quan:
Sông Hàn: https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1224575087893792/
Đỗ Huy Hoàng: https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1225531377798163/
Tôi trân trọng gọi nhà vua trẻ Lê Long Đĩnh bằng danh hiệu Long Đĩnh Đế. Tôi hoàn toàn bác bỏ cái danh hiệu xấu Ngọa Triều mà các sử gia đời sau bôi bác.
Lê Long Đĩnh Hoàng Đế lên ngôi khi tuổi đời còn rất trẻ. Chàng trai này chỉ mới 20 tuổi, trước đó cha ông là vị hoàng đễ vĩ đại Lê Hoàn lên ngôi khi đã ở tuổi 40. Vua Đinh Tiên Hoàng cũng đăng quang khi đã bước vào tuổi 45, trước nữa là Ngô Vương Quyền xưng vương khi đã ngoại 40.
Kế thừa vương quốc của Lê Long Đĩnh là Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn. Ở tuổi 40, ông ta được các tướng lĩnh, tăng lữu “bỏ phiếu bầu” để truất ngôi nhà Lê.
Thời đại của Long Đĩnh Đế cũng là thời đại của những biến động không ngừng. Sau cái chết của Ngô Vương thì Dương Tam Kha được “bầu” làm Vương, Sau cái chết của Ngô Xương Văn thì đất nước đại loạn. Sau cái chết của Đinh Tiên Hoàng chỉ tám tháng, nước về tay Lê Hoàn. Đó là những tấm gương tày liếp mà Lê Long Đĩnh không phải không nhìn thấy.
Áp lực ghê gớm dành cho nhà vua trẻ!
Loạn do đâu mà có?
Đỗ Huy Hoàng đưa ra một cáo buộc rất ất ơ và thiếu trách nhiệm rằng: “Loạn này từ đâu mà ra? Nếu suy luận thì có thể thấy việc Long Đĩnh giết vua cướp ngôi có thể đã trực tiếp kích nổ quả bom chiến loạn”. Vậy thì xin hỏi Đỗ Duy Hoàng những vụ bạo loạn dưới triều Lê Hoàn (tại khu vực Hoan, Ái, loạn Đỗ Động, Cử Long) từ đâu mà ra? Những vụ bạo loạn, hay khát vọng độc lập của họ Nùng từ đâu mà đến?
Ngay sau cái chết của Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) bạo loạn tranh ngôi nổ ra. Thái tử Phật Mã phải giết Vũ Đức Vương đánh bại Dực Thánh Vương và Đông Chinh Vương mới có thể đăng quang. Chưa kể sau đó là hàng tá các cuộc nổi dậy của các thế lực quân sự ở các địa phương xa cách kinh thành.
Chẳng nhẽ ta đổ hết trách nhiệm lên Lê Hoàn và Lý Công Uẩn sao?
Quay trở lại câu chuyện Lê Long Đĩnh. Cha ông, Lê Hoàn đã cắt đất phong vương cho các con của mình, dần hình thành nên các thế lực quân sự đủ sức tranh đoạt ngôi báu. Lê Long Đĩnh đã phải khắc phục sai lầm này, bằng cuộc chinh phạt Ngự Bắc Vương, Trung Quốc Vương, dẹp Ngự Man Vương. Vị hoàng đế trẻ đã chấm dứt chiến loạn cung đình một cách nhanh nhất có thể.
Nhà Tấn vì Bát Vương chi loạn mà mất một nửa quốc gia, Trung Nguyên rơi vào loạn Ngũ Hồ. Ngô Quyền trao quyền vào tay Dương Tam Kha mà con cả phải trốn chạy suốt sáu năm trời. Đó là những tấm gương tày liếp với Lê Long Đĩnh.
Tiếp đó vị vua trẻ phải chiến đấu với xu thế cát cứ ly tâm của các tộc người, các thủ lĩnh địa phương nhằm bảo vệ thống nhất quốc gia. Điều này Ngô Xương Văn, Ngô Xương Xí đã không làm được, để đất nước rơi vào loạn 12 sứ quân.
Chính Đỗ Huy Hoàng cũng biết rõ ngay sau khi Lê Hoàn qua đời thì chiến loạn nổ ra. Nhưng vẫn sẵn lòng cáo buộc tội lỗi kích nổ chiến loạn lên đầu Lê Long Đĩnh. Thế không phải là thiếu trách nhiệm, thiếu công tâm là gì?
2. Lê Long Đĩnh ác tới đâu?
Các bộ sử của ta, và một phần của Tầu đều chép rất rõ những việc làm man rợ của Lê Long Đĩnh, thông qua các hình phạt tàn khốc của ông. Có thể họ chép đúng.
Nhưng đó là chép Sử trên nhãn quan nhà Nho. Nho gia cho rằng “Cổ chi dục, Minh Minh Đức ư thiên hạ” cốt phải lấy tâm Chí thiện. Họ công kích Pháp gia, phỉ báng nước Tần, rồi sau là Tần Thủy Hoàng, lẽ này không thể không nói tới.
Các hình phạt như nấu vạc dầu, bỏ người vào chuồng hổ là do Đinh Tiên Hoàng đặt ra (năm 968). Nhưng sử gia chả lên án gì gay gắt. Nhưng những hình phạt mà Lê Long Đĩnh đặt ra nhằm trừng phạt phản quân thì thiên hạ ngàn năm trước sau lao vào chửi? Thế có công bằng không?
Lê Long Đĩnh ác không? Ông được cho là giết anh cướp ngôi. Nhưng Lý Công Uẩn ôm Lê Trung Tông mà khóc lại được Long Đĩnh khen là trung vẫn cho làm Điện tiền chỉ huy sứ, coi giữ cấm quân. Uẩn coi cấm quân mà vua bị hại, trách nhiệm để ở đâu? Vua Lê Long Đĩnh không nhân cớ đó mà giết mà tiếc tài, tiếc cái trung (ôm thây chủ mà khóc) giữ Uẩn lại để sau thành hậu họa.
Chi tiết này đủ cho ta thấy Long Đĩnh đế không hiếu sát!
Vẫn chưa hết. Trung Quốc Vương, Ngự Bắc Vương cấu kết làm loạn. Lê Long Đĩnh đem quân vây bức. Đáng ra hai vương phải bị giết sạch cả nhà nhưng Đại Việt sử ký toàn thư lại chép: “Chém Trung Quốc Vương, tha tội cho Ngự Bắc Vương, đem quân vây đánh khiến Ngự Man Vương phải hàng”. Đến đây thì càng khẳng định rõ Long Đĩnh đế không hề hiếu sát.
Ông đối với anh em vẫn có tình. So với Lý Thánh Tông, Trần Thái Tông thật không kém gì.
Vẫn chưa hết, dù cố gắng bôi tội cho Long Đĩnh Đế nhưng Sử cũ vẫn phải thừa nhận rằng: “Từ đấy về sau các vương và giặc cướp đều hàng phục cả” (ĐVSKTT – Ngọa triều). Nếu không có hành động quyết liệt của Lê Long Đĩnh trong việc trấn áp bạo loạn sử dụng hình phạt tàn khốc thì sao?
Đại Việt Sử Ký toàn thư chép rất rõ việc Hành Quân Vương Minh Đề chạy trốn sang Quảng Châu, dâng vua Tống bản đồ thủy bộ nước Nam. Nếu nước nhà còn bị chia cắt bởi họa tranh ngôi, thử hỏi Vua Tống có theo lời Lãng Sách (tri phủ Quảng Châu) mà thừa cơ biến Giao Châu thành quận huyện?
Đến đây có thể kết luận Lê Long Đĩnh dùng các hình phạt tàn khốc nhưng ông ân uy đủ cả, giữ yên quốc gia. Đại Cồ Việt qua cơn chao đảo đã “vững âu vàng”. Đó không phải là tế thế là gì?
Người ta không nói đến bản hùng ca của Lê Long Đĩnh, chỉ nói đến cái mặt trái của vấn đề. Ngàn năm bôi xấu một con người chỉ để phục vụ cho một mưu đồ chính trị nào đó! Ta nay đọc sử mà lại cứ bảo tại ông này nói thế, ông kia nói vậy nên ta cứ tin đó là thật, chẳng phải là để phí mất cái đầu của mình hay sao?
3. Ra tay kinh bang
Vua Minh Thái Tổ khi tiếp sứ An Nam (nhà Trần) đã ban khen:
“An Nam tế hữu Trần
Phong tục bất Nguyên nhân
Y quan Chu chế độ
Lễ nhạc Tống quần thần”
Lại tặng thêm bốn chữ: “Văn hiến chi bang”.
Nghĩa rằng
An Nam có họ Trần
Phong tục chẳng theo Nguyên
Áo mũ chế độ Chu
Lễ Nhạc vua tôi Tống
Cái “lễ nhạc vua tôi Tống”, cái “văn hiến chi bang” từ đâu mà có? Lật kỹ sử cũ, lại rất hay cuộc cải cách triều đình bắt đầu từ vị hoàng đế mà ngàn năm chịu tiếng xấu là hoang dâm, hiếu sát và ngu dốt nữa. Đại Việt Sử Ký toàn thư Ngọa Triều Hoàng đế chép: Năm 1006 “Sửa đổi quan chế và triều phục của các quan văn võ và tăng đạo, theo đúng như nhà Tống”.
Có nghĩa là chỉ một năm sau khi lên ngôi, nhà vùa trẻ đã bắt đầu cho công cuộc cải cách triều đình. Trong lời chép của Toàn thư dù ngắn ngủn nhưng cũng nói rất rõ ràng có hai vấn đề mà Long Đĩnh đế cải cách đó là: Quan chế và triều phục. Có 3 đối tượng điều chỉnh là quan văn, quan võ và tăng đạo. Và hướng cải cách là theo mô thức nhà Tống.
Ở đây vai trò của tăng lữ sánh ngang với vai trò của văn võ.
Hướng đi của Long Đĩnh Đế hơn ba trăm năm sau còn được Nghệ Tống khẳng định: Nam bắc khác nhau, dứt khoát không chịu nghe bọn học trò mặt trắng sửa pháp độ tổ tông theo phương Bắc (tức nhà Minh). Bạn Đỗ Huy Hoàng đọc sách sử nhưng lại thiếu khả năng trìu tượng, tư duy cho nên mới lên án Long Đĩnh đế ở khâu này.
Lên án Long Đĩnh Đế cải quan chế và triều phục theo Tống, thì ta cũng nên lên án Ngô Vương Quyền đã xưng Vương, định bách quan, đặt triều phục. Vì những cái đó, toàn là Tầu cả.
Về mặt chăm lo cho kinh tế thì sao? Có thể nói Long Đĩnh Đế là vị quân vương đầu tiên của nước Việt chú trọng tới vấn đề ngoại thương. Toàn thư chép: “Vua lại xin được đặt người coi việc tại chợ trao đổi hàng hóa ở Ung Châu, nhưng vua Tống chỉ cho mua bán ở chợ trao đổi hàng hóa tại Liêm Châu và trấn Như Hồng thôi”.
Ông chăm lo phát triển giao thông thủy: “Bọn Ngô đô đốc, Kiểu hành hiến dâng biểu xin đào kênh, đắp đường và dựng cột bia ở Ái Châu. Vua xuống chiếu cho lấy quân và dân ở châu ấy đào đắp từ cửa quan Chi Long qua Đỉnh Sơn đến sông Vũ Lung”. Vẫn theo Toàn Thư.
Lại vẫn việc Long Đĩnh Đế hoang dâm vô đạo, bị trĩ, nằm liệt giường. Vâng trĩ gì mà chinh chiến liên miên? Hoang dâm gì mà có thể cải quan chế, triều phục. Và độc ác gì đây khi ông… đi Ái Châu, đến sông Vũ Lung. “Tục truyền người lội qua sông này phần nhiều bị hại, nhân thế vua sai người bơi lội qua lại đến ba lần, không hề gì. Xuống chiếu đóng thuyền để ở các bến sông Vũ Lung, Bạt Cừ, Động Lung bốn chỗ để chở người qua lại”.
Chưa kể là lấy về Đại Tạng Kinh, đem Tứ Thư – Ngũ Kinh là sách tinh hoa thời đó về nước Việt, tiếp thêm động lực cho không chỉ Nho gia mà cả Phật Giáo.
Vâng chỉ có 4 năm ngắn ngủi làm vua. Lê Long Đĩnh đã dep loạn thân vương, làm nguội lạnh tâm ý xâm lăng nước Việt của quan chức nhà Tống. Cải cách triều cương, chăm lo buôn bán, sửa sang đường xá, tiếp thu văn hóa.
Trước khi mất có mấy tháng ông còn cầm quân tuần tiễu cực nam của vương quốc, dẹp loạn “sửa chữa đường từ sông Châu Giáp đến cửa biển Nam Giới để quân đi cho tiện”.
Thiết nghĩ nước Nam ngàn năm lịch sử, qua các triều Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, trong vòng 4 năm làm gì có được vị quân vương thứ 2 làm được nhiều việc như vậy? Vậy thì hãy trả lại sự công bằng cho Long Đĩnh Đế!
P/s: Thêm cái hình cho nó mát!