[HIỆU QUẢ CỦA QUÂN ĐỘI TRIỀU TIÊN (1950-1953)]

HIỆU QUẢ CỦA QUÂN ĐỘI TRIỀU TIÊN (1950-1953)

TRIỀU TIÊN, 1950-1953

Cho đến thời điểm Triều Tiên xâm lược Hàn Quốc ngày 25 tháng 6 năm 1950, nước này đã dành nhiều năm để chuẩn bị cho cuộc chiến. Lúc đó, lực lượng của Triều Tiên – gồm Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) có tất cả hơn 130,000 binh lính, 230 chiếc T-34/85, 200 khẩu pháo và không quân với 200 máy bay chiến đấy Yak-9 và máy bay cường kích Il-10. Tất cả các loại vũ khí đều xuất xứ từ Liên Xô. Quân đội nước này đã được Liên Xô đào tạo và sử dụng học thuyết của Liên Xô. Thực tế, lính Nga cuối cùng rút khỏi Triều Tiên chỉ 1 tháng trước cuộc chiến và các cố vấn quân sự của Liên Xô vẫn ở lại sau đó. Trước thềm cuộc chiến, Moscow đã gửi một đội cố vấn mới tới Triều Tiên, nhiều người trong số này là các cựu chỉ huy trong Thế chiến 2, đã giúp lập kế hoạch xâm chiếm cho Triều Tiên. Hơn nữa, một nửa lực lượng trong KPA đã từng chiến đấu trong Nội chiến Trung Quốc. Kết quả là các cố vấn Nga dự đoán rằn quân KPA sẽ tiến công từ 15 đến 20 km mỗi ngày và tiêu diệt Hàn Quốc trong vòng chưa đầy 1 tháng.

Hàn Quốc và đồng minh Mỹ không hề chuẩn bị cho việc này. Hàn Quốc chỉ có 98,000 lính được trang bị vũ khí. Mặc dù vẫn Mỹ vẫn giữ các cố vấn quân sự tại Hàn Quốc, các cố vấn này không hiệu quả như cố vấn của Nga bên kia vĩ tuyến 38. Phần lớn quân đội của Đại Hàn Dân Quốc (ROK) lúc này vẫn còn đang bận đấu đá hoặc đàn áp các đối thủ chính trị trong nước. Trước việc cắt giảm mạnh chi phí quân sự của Mỹ sau Thế chiến 2, phương Tây dường như không hỗ trợ gì cho cuộc chiến sắp tới của ROK, không một chiếc xe tăng và chỉ vài vũ khí chống tăng. Không quân có chưa đến 20 máy bay, và những chiếc đó còn không thể gọi là “máy bay chiến đấu” được. Và trong khi có 4 sư đoàn của Mỹ tại Nhật, họ đều đang bận làm nhiệm vụ khác. Họ yếu thế hơn, trang bị vũ khí kém hơn và chỉ mới bắt đầu lại chương trình luyện tập. Tệ hơn nữa, cuộc tấn công của Triều Tiên làm ngạc nhiên cả sở chỉ huy của MacArthur tại Tokyo và bộ tư lệnh Seoul.

Ngay cả khi tính hết tất cả những lợi thế này, cuộc tấn công của KPA vẫn rất ấn tượng và cho thấy kĩ năng chỉ huy quân đội khá tốt. Các sư đoàn Triều Tiên tiến công nhanh chóng, điều động khéo léo nhằm tiêu diệt những đội hình lớn của Hàn Quốc. Chỉ trong 3 ba ngày, Triều Tiên đã tiến vào Seoul và tới ngày 30 tháng 6, quân đội ROK bị thiệt hại nặng nề và chỉ còn 20,000 lính. Hoa Kỳ nhanh chóng cử một tiểu đoàn đặc nhiệm hạng nhẹ (“Lực lượng đặc nhiệm Smith”) từ Nhật, nhưng nó nhanh chóng bị đẩy lùi bởi hai trung đoàn KPA vào ngày 5 tháng 7 tại Osan. Khi càng nhiều quân Mỹ được cử sang Hàn Quốc hơn, Triều Tiên cũng đã tạm thời xử lý được, đẩy lùi một đội quân tại Sông Kum và một đội khác Taejon. Trong cả hai trường hợp, Triều Tiên đã dùng chiến thuật tấn công mạnh, trực tiếp vào quân Mỹ, sau đó mở cuộc tấn công vào bên sườn. Theo lời mô tả của Allen Miller, “Lính Cộng sản tấn công vào đại đội bộ binh, gây ra nhiều thiệt hại. Bộ binh KPA làm thu hẹp hai bên sườn [của đơn vị Mỹ].” Vào cuối tháng 7, tàn dư quân đội ROK chạy xuống tận phía Nam, nơi Mỹ và các nước phương Tây, theo lệnh của Liên Hiệp Quốc (UN), đang xây dựng lực lượng. Hai sư đoàn của Triều Tiên đã cố thọc vào sườn phải quân UN tại Taegu, và gần như đã thành công nếu quân Mỹ không tới kịp thời.

Vào đầu tháng 8, quân KPA đã bất phân thắng bại với quân UN và ROK tại trận Vành đai Pusan. Tại đây 70,000 quân Triều Tiên muốn tiêu diệt được lực lượng UN/ROK với 92,000 quân (và sẽ còn tăng lên 180,000 về sau cuộc chiến). Quân KPA đã thua trong trận này, nhưng không phải vì lỗi của các chỉ huy hay sai lầm chiến thuật. Triều Tiên đã xác địch được 4 điểm mà họ có thể đánh được vào và tập trung lực lượng tại những điểm này để tiêu hao lực lượng quân phòng thủ và chọc sâu vào phòng tuyến. Tuy giờ họ buộc phải tấn công trực tiếp vào phòng tuyến, KPA làm việc này khá tốt, phối hợp lực lượng thiết giáp, bộ binh, đặc công, pháp binh để phá vỡ phòng tuyến ở nhiều điểm, sau đó, đội hình thiết giáp của KPA sẽ thọc sâu vào phòng tuyến của UN và tiến hành bao vây. Họ thất bại, nhưng thất bại bởi vì không thể vượt qua được lực lượng đông đảo và hoả lực (chủ yếu từ không quân) quá mạnh của UN, dưới sự chỉ huy của tướng Walton Walker, quân UN đã lợi dụng được địa hình và đánh bại từng đợt thọc sâu của Triều Tiên.

Tháng 9 năm 1950, quân KPA rơi vào khó khăn, họ đã thất bại trong việc đánh bật lực lượng UN, giờ đã tăng lên 225,000 quân và 500 xe tăng. Triều Tiên giờ chỉ còn 40 xe tăng có thể sử dụng được, và tuy nước này đã bù đắp được nguồn nhân lực bị tiêu hao, lực lượng này chỉ là những người dân thường Nam Hàn bị bắt đi lính thay cho 60,000 quân tinh nhuệ của Triều Tiên đã chết trên chiến trường. Có một điều đáng lưu ý là cho tới thời điểm này, thương vong của UN cũng ngang với Triều Tiên mặc dù có được lợi thế về nhân lực và hoả lực, có thể cho thấy chất lượng của quân KPA như thế nào.

Hơn nữa, quân UN còn phải gặp nhiều khó khăn khi họ cố chọc thủng phòng tuyến của Triều Tiên vào tháng 7, trong chiến dịch phản công nhằm phối hợp với cuộc đổ bộ ở Inchon để cắt đường vận chuyển hậu cần của KPA. Quân Triều Tiên đã chiến đấu rất kiên cường, rút quân chỉ khi phải miễn cưỡng và chỉ sau khi tiến hành nhiều cuộc phản công. Ngay cả khi sau đó, sau khi KPA chịu tổn thất nặng nề sau cuộc đổ bộ Inchon và quân UN phá vỡ Vành đai Pusan, lực lượng UN cũng rất mệt mỏi trong những trận chiến ngày càng đẫm máu với quân KPA khi họ càng đẩy về phía Bắc. Khi Trung Quốc tham chiến vào tháng 12 năm 1950, phần lớn quân đội nước này đã thay thế tàn dư của KPA, nhưng chính quân Triều Tiê cũng đã đánh bại được nhiều lực lượng Hàn Quốc trong những trận sau đó.

HIỆU QUẢ CỦA QUÂN ĐỘI TRIỀU TIÊN

Tổng kết lại, KPA đã làm rất tốt trong cuộc tấn công vào Hàn Quốc, và ngay cả trong những chiến dịch sau đó khi quân Mỹ đổ bộ vào Inchon và đảo ngược được tình thế. Chỉ huy cấp độ chiến lược cùa Triều Tiên làm khá tốt, mặc dù kế hoạch tấn công phần lớn là do các cố vấn Liên Xô vẽ ra. Các tướng KPA đã làm tốt khi gặp những việc nằm ngoài dự đoán, như việc Mỹ kéo quân đông đảo vào Hàn Quốc. Họ tiếp tục cho tiến quân và tìm cách để đánh bại lực lượng ROK và Mỹ mà không làm giảm tiến độ tấn công. Họ đã nghĩ ra được cách để phá vỡ Vành đai Pusan. Tuy thất bại nhưng cũng khó đổ lỗi cho các chỉ huy cấp cao của KPA. Hơn nữa, một số tướng của Triều Tiên đã cho thấy tài chỉ huy của mình, đặc biệt là vào giai đoạn sau khi tái cấu trúc quân đội đầu tháng 7, đưa nhiều sĩ quan cấp thấp có kinh nghiệm hơn vào chỉ huy các quân đoàn và sư đoàn so trước khi chiếm Seoul.

Tuy nhiên, các tướng Triều Tiên vẫn mắc một số sai lầm quyết định cả cuộc chiến. Cụ thể, Bình Nhưỡng đã quá đề cao lực lượng hỗ trợ ít ỏi của Mỹ và tàn dư quân đội ROK vào cuối tháng 7 năm 1950. Vì vậy, Triều Tiên tìm cách thọc sườn quân Mỹ và ROK khi họ rút vào Vành đai Pusan, thay vì cứ lấy thịt đè người và cho quân đánh tràn vào. Lực lượng Mỹ và ROK tới thời điểm này có lẽ vẫn còn yếu và không thể ngăn chặn được những đòn tấn công trực tiếp của KPA, trong khi tập trung phát triển lực lượng để mở chiến dịch gần Taegu đã giúp Mỹ và Hàn Quốc có thời gian tập hợp thêm lực lượng vào xây dựng phòng tuyến. Trong khi việc này có thể hiểu được, đây là một lỗi làm ảnh hưởng đến cả cuộc chiến.

Ở cấp độ chiến thuật, lực lượng Triều Tiên làm việc cũng rất tốt. Các chỉ huy cấp chiến thuật của Triều Tiên luôn tìm cách giành được và giữ được thế chủ động. Kết quả là họ rất ít khi bỏ lỡ cơ hội tạo ra bởi sai lầm của đối phương. Họ khá linh hoạt khi đối diện với những trường hợp đặc biệt trong cuộc chiến. Họ di chuyển quân liên tục, tới nỗi các đơn vị của Mỹ mới gặp đã nghĩ mình bị KPA thọc sườn. Cụ thể, chỉ trong vài tuần khi bắt đầu cuộc chiến, KPA đã học được cách “mở một đợt tấn công nhỏ, trực tiếp vào các đơn vị của Mỹ và ROK, và sau đó tấn công sâu vào sườn và bao vây quân địch.” Họ cố giữ được tiến độ chiến dịch nhanh và không cho quân địch thời gian để tập hợp và lấp lại chiến tuyến. Họ sử dụng xe tăng hợp lý – không quá tốt – nhưng đủ để phá vỡ được phòng tuyến bằng cách cho đội hình thiết giáp đi trước để thọc sườn và bao vây quân địch, đội hình bộ binh theo sau để kiểm soát lực lượng bị bao vây.

Về mặt phòng thủ, lực lượng KPA cấp chiến thuật rất chủ động, lừa lực lượng UN vào tầm bắn, phản công mạnh mẽ, đưa lực lượng dự bị lên để ngăn chặn đợt tấn công khác của UN, và bất ngờ tấn công vào sườn của quân UN để ngăn không cho phá vỡ phòng tuyến. Cuối cùng, tại Vành đai Pusan, KPA chỉ bị áp đảo bởi quân số, hoả lực, không quân và hậu cần của Mỹ (và Hàn Quốc). Khi lực lượng UN vượt vĩ tuyến 38 và tiến vào lãnh thổ Triều Tiên, lợi thế này áp đảo hơn nữa vì KPA phải đưa những lực lượng chưa kịp huấn luyện ra chiến trường. Họ vẫn kiên cường chiến đấu nhưng tệ hơn nhiều so với lực lượng ban đầu.

Các chiến dịch của Triều Tiên còn cho thấy họ có một số kiến thức nhất định về hiệp đồng tác chiến và càng được cải thiện theo thời gian. Xe tăng, bộ binh, pháo binh và công binh của KPA được phối hợp trong những trận chiến rất tốt – đặc biệt là trong các chiến dịch về sau – khi mà mỗi đội hình đều bù đắp cho những điểm yếu của nhau. Có những lúc, xe tăng của KPA hổ báo xông thẳng vào trận chiến, đặc biệt là thời gian đầu khi quân của ROK không có gì để chống lại được tăng của đối phương. Vấn đề này không còn nữa khi Mỹ đưa xe tăng và vũ khí chống tăng vào chiến trường, gây nguy hiểm cho mấy chiếc T-34 và SU-76 đứng riêng lẽ. Pháo binh của Triều Tiên cũng khá tốt, và đã hỗ trợ hoả lực rất nhiều trong những chiến dịch tấn công và phòng thủ. Millett đặc biệt viết rằng pháo binh KPA rất hiệu quả bởi họ sử dụng phương pháp của Liên Xô.

Thất bại của Triều Tiên vào năm 1950 không phải vì quân đội họ kém hiệu quả. Chỉ có hai việc duy nhất mà quân đội Triều Tiên tự gây ra và ảnh hưởng đến cuộc chiến: hậu cần và phòng không. Lực lượng không quân nhỏ bé, hệ thống phòng không ít ỏi của Triều Tiên đã giúp Mỹ có được ưu thế trên không và từ đó đánh bom vào các đường vận chuyển hậu cần của Triều Tiên. Các phi công Triều Tiên phải chiến đấu với các phi công Mỹ giàu kinh nghiệm qua Thế chiến 2, lái những máy bay chiến đấu hiện đại và tối tân hơn so với KPA. Hậu cần của Triều Tiên đã thiếu hiệu quả ngay cả khi không có không quân Mỹ, giờ lại càng kém hơn. Tại thời điểm của trận đánh quyết định ở Vàng đai Pusan, xe tăng của KPA đã dần cạn kiệt nhiên liệu.

Những lý do vì sao Triều Tiên thất bại khác không liên quan đến hiệu quả chiến đấu của KPA, bao gồm: (1) sai lầm chiến dịch ban đầu của Bình Nhưỡng khi chọn đánh vào sườn của UN thay vì tấn công trực tiếp với số lượng áp đảo, (2) quân Mỹ ngày càng tập trung nhiều binh lính và hoả lực tại bán đảo, (3) tổn thất nghiêm trọng của các lính tinh nhuệ trong KPA buộc Triều Tiên phải thay thế bằng tân binh từ Nam Hàn, và (4) bất lợi trong vấn đề tình báo, khi tình báo Mỹ giải được một số mật mã quan trọng của Triều Tiên và có được nhiều thông tin chiến dịch quan trọng. Thực tế, Mỹ phá được phòng tuyến của KPA tại Pusan chỉ nhờ vào lợi thế tình báo khi biết được quân Triều Tiên định tấn công ở đâu và rồi tập trung hoả lực cực lớn vào nơi đó để đánh bật đợt tấn công của KPA. Nhờ cách này, Mỹ đã gây nhiều thiệt hại cho KPA đến nỗi Triều Tiên không thể giữ vững phòng tuyến kéo dài liên tục và cho Mỹ cơ hội tấn công. Nếu không, Triều Tiên rất có thể đỡ được đòn tấn công của Mỹ và Hàn Quốc sau đó.

TRIỀU TIÊN VÀ HỌC THUYẾT QUÂN SỰ CỦA LIÊN XÔ

Việc dựa vào hệ thống quân sự của Liên Xô – cách tổ chức, học thuyết và chiến thuật – đã giúp họ có được nhiều lợi thế. Có thể thấy, Triều Tiên có một quân đội đáng gờm với cách tấn công và phòng thủ khá tốt. KPA đã cho thấy cách điều binh trong chiến tranh thiết giáp không thua gì một quốc gia hiện đại với sự linh hoạt, sáng tạo và thiện chiến. Có một điều đáng chú ý là các phi công và lái tăng của Triều Tiên không giỏi bằng của Mỹ, có thể liên quan tới việc Liên Xô nhấn mạnh vào khả năng chỉ huy cấp độ chiến dịch thay vì chiến thuật.

Triều Tiên được lợi từ học thuyết của Liên Xô rất nhiều. Liên Xô đã dạy họ cách tấn công táo bạo, liên tục, tiến hành bao vây và sử dụng hiệp đồng tác chiến tại mọi cấp độ, tập trung lực lượng lớn tại các điểm tấn công và thọc sâu vào phòng tuyến đối phương, dùng chiến thuật phòng thủ chủ động sau đó mở chiến dịch phản công. Đây chính xác là những gì KPA đã thể hiện trong Chiến tranh Triều Tiên. Đây cũng là lý do vì sao Triều Tiên gần như chiến thắng trong tháng 8 năm 1950, và gây nhiều thiệt hại cho quân địch vào tháng 9 và tháng 10 sau đó. Nếu không nhờ có lực lượng hỗ trợ khổng lồ của Mỹ, Triều Tiên đã có thể chiếm được cả Hàn Quốc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *