Trận Baitag Bogd – 10 lính Mông Cổ cân hàng trăm lính Trung Quốc (đấy là Mông Cổ bảo…

Trận Baitag Bogd – 10 lính Mông Cổ cân hàng trăm lính Trung Quốc

Trận Baitag Bogd – 10 lính Mông Cổ cân hàng trăm lính Trung Quốc (đấy là Mông Cổ bảo thế).
Ảnh: poster phim ”Nhiệm vụ tuyệt mật: Baitag Bogd” – phim hay nhất Mông Cổ năm 2018, kỷ niệm 70 năm trận chiến Baitag Bogd.
Không có ”trận đánh” chính xác nào ở đây. Các sự kiện xung quanh vùng Baitag Bogd là một chuỗi các xung đột biên giới giữa Trung Hoa Dân Quốc và Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ từ năm 1947 đến 1949 tại biên giới phía Tây, tức vùng Tân Cương. Nếu các bạn đã đọc những bài trước đây, sẽ biết thời điểm này là gian đoạn Liên Xô và quân Cộng hòa Turkestan đệ nhị của Tân Cương đang tấn công quân Quốc Dân Đảng ở Tân Cương để giữ cho Tân Cương độc lập khỏi Trung Quốc.
Trong một cuộc chiến như thế, Mông Cổ – đồng minh quan trọng của Liên Xô – cũng khó tránh khỏi liên đới. Vì vậy, họ đã bị kéo vào một cuộc xung đột không lớn nhưng dai dẳng với Trung Quốc từ năm 1947 đến 1949. Vấn đề là dù không lớn, nhưng cả 2 bên đều tận dụng cuộc chiến này vào mục đích tuyên truyền. Trong khi phía Trung Quốc tập trung vào các trận đánh trong năm 1947, thời điểm mà họ đã chiến thắng và bắt được nhiều lính Mông Cổ cũng như thu nhiều vũ khí, trang bị Liên Xô để đưa ra tố cáo trước quốc tế, thì Mông Cổ lại tập trung vào một cuộc chiến bi hùng giữa 10 người lính Mông Cổ và hàng trăm lính Trung Hoa vào ngày 8/7/1948.
*Bối cảnh trước trận:
Trước đó, từ năm 1947, Trung Hoa Dân Quốc nghi ngờ có sự dính líu của Mông Cổ tới các cuộc tấn công của Liên Xô và quân Cộng hòa Turkestan (quân ly khai Tân Cương) vào lực lượng của họ ở Tân Cương. Nhưng vì lực lượng không đủ, Quốc Dân Đảng đã nhờ một lực lượng quân đội người dân tộc Hồi (thuộc phái Mã Gia Quân ở Thanh Hải-Cam Túc) hành quân lên biên giới Mông Cổ trấn thủ nơi này. Vào tháng 6 năm 1947, lực lượng này phục kích một nhóm biên phòng Mông Cổ ở một khu vực không xác định trong lãnh thổ nước nào. Hậu quả giết hàng chục lính Mông Cổ, bắt 8 người.
Vụ việc trở nên ồn ào trên quốc tế, vì sau đó Trung Hoa Dân Quốc đã trưng bày vũ khí và quân phục Liên Xô được lính Mông Cổ sử dụng cho Đại sứ Mỹ, rồi tiếp tục đưa ra quốc tế tố cáo Liên Xô thông qua Mông Cổ can thiệp vào Trung Quốc. Đáp lại, hãng tin TASS của Liên Xô lại trưng bày các bức ảnh binh lính và dân thường Mông Cổ bị sát hại và cắt xẻo dã man, tố cáo rằng chính quân Trung Quốc vượt qua biên giới sát hại thường dân và binh lính Mông Cổ. Họ cũng tố cáo rằng ”quân đội” của Trung Hoa Dân quốc thực chất là những tên cướp vũ trang được tuyển dụng chứ không phải là quân nhân.
Dù gì, thì nó cũng thúc đẩy 2 bên tập trung một lực lượng lớn ở vùng biên giới Trung Quốc – Mông Cổ ở Tân Cương. Phía Trung Quốc có ít nhất một trung đoàn, do tướng Tướng Ma Xizhen (người Hồi) và Osman Batur (người Kazakh) chỉ huy. Còn phía Mông Cổ, dù quân số rất ít (cả quân đội Mông Cổ hồi đó chỉ có chừng 30.000 người), nên chỉ có các đơn vị biên phòng lẻ tẻ. Bù lại, các máy bay chiến đấu Liên Xô trong lãnh thổ Mông Cổ được lệnh xuất kích bất kỳ lúc nào nếu có yêu cầu.
*Trận chiến Baitag Bogd (tư liệu từ phía Mông Cổ).
Sáng ngày 7/7/1949, ở đồn biên phòng Buduun Khargait gần núi Baitag Bogd, lính biên phòng Mông Cổ phát hiện hàng trăm lính cưỡi ngựa từ phía Trung Quốc vượt biên. Lúc đầu họ tưởng là người Kazakh du mục, nhưng sau đó phát hiện rằng đó chính là lực lượng người Kazakh của tướng Osman Batur, chỉ huy Quốc Dân Đảng.
Đồn biên phòng lúc đó đứng đầu bởi đồn trưởng tên Givaan (rất tiếc không tìm thấy họ tên đầy đủ), cùng 9 binh sĩ khác tên B.Tegshee, L.Davaadorj, N.Dandarkhaidav, E.Arkhad, T.Bayan, L. Gonchigzegve, D.Choijin, Ch.Peljee và Chính trị viên Khayankhyarvaa. Vũ khí gồm 2 súng máy hạng nhẹ và vũ khí cá nhân (súng trường, dao, lựu đạn,…).
Đồn biên phòng quyết định giữ vị trí đối đầu với quân Trung Quốc xâm nhập trong khi chờ tiếp viện. Sáng ngày 8/7/1949, các ghi chép ước tính hơn 170 ”tên cướp” có vũ trang đã bao vây khu vực quanh đồn biên phòng Buduun Khargait .
Khi thấy bị bao vây, chính trị viên Hayankhyarvaa đã ra lệnh tấn công bằng súng máy phủ đầu vào quân Trung Quốc. Lính Trung Quốc chỉ có súng trường nên bị áp đảo, nhưng họ xông lên với số lượng lớn để gây áp lực lên lính biên phòng Mông Cổ.
Sau hơn 4 giờ chiến đấu, hầu hết binh sĩ Mông Cổ đều bị thương nặng. 3 binh sĩ Khayankhyarvaa, L.Gonchigzegve và D.Choijin thoát khỏi vòng vây đi tìm cứu viện mang theo N.Dandarkhaidav bị thương nặng về hậu phương cứu chữa nhưng đã không về kịp cứu đồn biên phòng. 6 binh sĩ Mông Cổ ở lại tiếp tục chiến đấu trong vòng vây và lần lượt hy sinh.
Trong các binh sĩ Mông Cổ ở lại, 3 người sống sót cuối cùng là Givaan, Tegshee và Davaadorj được cho là đã ôm lựu đạn tự sát khi quân địch đến gần, hy sinh cả 3 người nhưng cũng giết nhiều lính Trung Quốc khi lựu đạn nổ.
Cuối cùng, xác nhận 6 lính Mông Cổ hy sinh trong trận chiến. Nhưng lực lượng Trung Quốc cũng thiệt hại nặng, trong đó có nhiều chỉ huy. Họ không thể tiến sâu thêm vào biên giới và phải rút về.
*Tưởng niệm trận chiến.
Trận chiến tuy không lớn nhưng rất có ý nghĩa về mặt tuyên truyền, đặc biệt là phía Mông Cổ. Với 10 người lính chiến đấu can trường và hy sinh trong vòng vây hàng trăm đối phương, câu chuyện về cuộc chiến đấu ở Baitag Bogd trở thành biểu tượng mẫu mực về tinh thần ái quốc để giáo dục ở Mông Cổ thời kỳ đó (cần nhớ là Thành Cát Tư Hãn từng bị xóa sổ trong chương trình giáo dục Mông Cổ).
Để ghi nhớ sự hy sinh của những người lính biên phòng, 3 binh sĩ tự sát bằng lựu đạn là Givaan, Tegshee và Davaadorj được trao danh hiệu ”Anh hùng Quốc gia” năm 1949, và các tiền đồn biên giới được đổi theo tên họ. Các binh sĩ còn lại đều được tặng Huân chương, và tên tuổi của họ được ghi vào sách vở giáo dục những thanh niên và thiếu niên Mông Cổ về lòng yêu nước.
Vào năm 1988, kỷ niệm 40 năm trận chiến bảo vệ biên giới, Mông Cổ đã xây hàng loạt tượng đài binh sĩ và đài tưởng niệm trận chiến Baitag Bogd quanh khu vực biên giới. Ngày nay, hàng năm Mông Cổ đều tổ chức tưởng niệm lớn tại khu vực này.
(Tư liệu của Trung Quốc cũng có, nhưng lời lẽ ngược 720 độ. Đại khái là: dân du mục Trung Quốc đẩy lùi lính Mông Cổ xâm nhập. Dĩ nhiên là Trung Quốc cũng ca ngợi trận chiến và tinh thần ”ái quốc” nhưng theo hướng này).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *