HẠT NHÂN. CỐT LÕI. TRUNG TÂM THU HÚT CỦA TRUNG ĐÔNG

HẠT NHÂN. CỐT LÕI. TRUNG TÂM THU HÚT CỦA TRUNG ĐÔNG

“[…] Hầu hết mọi thứ đều đã được viết trên phương tiện truyền thông quốc tế: Tại sao Israel xây dựng lò phản ứng hạt nhân Dimona? Isarel xây dựng Dimona như thế nào? và Isarel làm gì ở đó?

Tuy nhiên, về mặt chính thức, lò phản ứng hạt nhân Dimona vẫn còn bị bao phủ trong mơ hồ. Chính sách của nhà nước Isarel không cho phép người Isarel thảo luận về Dimona công khai. Tuy nhiên, ngay cả khi mọi sự bị bao quanh bởi lớp sương mù bí ẩn, rõ ràng là Dimona vẫn ở trung tâm của câu chuyện Israel.

Về cơ bản, có thể diễn đạt như sau: Để tạo ra và duy trì một nhà nước Do Thái ở Trung Đông, một chiếc ô bảo vệ phải được giương lên trên đất nước non trẻ, một cấu trúc sẽ bảo vệ người Do Thái chống lại sự thù địch của kẻ khác khi chúng xâm nhập vùng đất. Một cái chụp thủy tinh phải được đặt phía trên để bảo vệ họ chống lại những kẻ săn mồi đang rình rập.

Chiếc chụp thủy tinh đầu tiên như vậy được người Anh cung cấp. Chỉ những bức tường mạnh mẽ của chế độ ủy trị Anh thì nhà máy mới có thể xây dựng mà không bị soi xét. Nhưng ngay cả khi người Anh rời đi, lãnh đạo phương Tây ở Trung Đông vẫn bảo vệ người Do Thái trước sự thù địch và dã tâm bành trướng của Hồi giáo Ả – rập ở nơi họ đã lựa chọn để xây dựng quốc gia của mình. Nhưng giữa thập niên 1950, các nhà lãnh đạo Isarel phát hiện ra chiếc ô bảo vệ của phương Tây đã dần cụp lại. Thời kỳ thuộc địa sắp kết thúc, châu Âu đang rút lui, và Isarel còn lại một mình trên sa mạc thù địch. Đồng thời, chủ nghĩa dân tộc Ả – rập kết thành một, chuyển mình do hiện đại hóa và củng cố quân sự nhanh.
Các nhà lãnh đạo Isarel hoảng sợ. Những điều kiện cơ bản cho nỗ lực Zion và tạo ra phép lạ Zion đã không còn nữa. Mặc dù nhà nước non trẻ đang hung thịnh, nhanh chóng tiếp nhận người nhập cư và tăng gấp ba lần dân số, nhưng giờ đây đang rất dễ bị tổn thương.

Đến năm 1955, Thủ tướng David Ben Gurion đã quyết định: chiếc ô bảo vệ cũ của chủ nghĩa thực dân phương Tây phải được thay thế bằng một cái ô mới. Thay vì dựa vào quyền bá chủ phương Tây ở Trung Đông, phải thiết lập quyền bá chủ Isarel. Mùa hè năm 1956, trong suốt nhiều giờ làm việc với các cố vấn, Ben Gurion củng cố quan điểm bắt đầu định hình từ năm 1949. Giờ thì ông công khai phát biểu: Isarel phải trang bị hạt nhân.
Năm 1956 chỉ có ba quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân: Hoa Kỳ, Liên Xô và Vương quốc Anh. Ngay cả Pháp, bốn năm sau mới sản xuất và lắp ráp một quả bom hạt nhân. Trái ngược với những quốc gia giàu có đó, Isarel năm 1956 là một quốc gia nhập cư mong manh có 1,8 triệu người, thậm chí còn chưa có khả năng sản xuất ra đài bán dẫn. Ý nghĩ đơn thuần rằng đất nước nhỏ bé, yếu ớt này sẽ thành công trong việc làm chủ năng lực hạt nhân có vẻ táo bạo, hoang tưởng, thậm chí không sáng suốt. Tuy nhiên, người sáng lập nhà nước Do Thái vẫn cứng rắn: Israel phải lựa chọn hạt nhân. Ben Gurion tin rằng xung đột Ả – rập – Isarel là sâu sắc và không thể giải quyết được. Ông lo ngại tính ưu việt quân sự của Isarel sẽ không duy trì được lâu dài. Ông cảm nhận được sự căng thẳng trong trách nhiệm cá nhân đối với quốc gia nhỏ bé của mình. Trong các cuộc họp kín, ông phân tích các mối đe dọa chiến lược Isarel phải đối mặt và đi đến kết luận, rằng an ninh tối thượng của đất nước có thể được đảm bảo bằng một chính sách hiện thời về răn đe hạt nhân.

Nhiều thành viên nội các và chính trị gia cấp cao đối lập với ông.[…] Những người phản đối đưa ra những tranh luận thực dụng: một số lo ngại phá sản kinh tế, một số khác lo sợ phá sản ngoại giao, vẫn còn những người sợ phá sản quân sự; một số cảnh báo rằng liên minh với Pháp sẽ tan rã, trong khi những người khác cảnh báo sự tức giận của Mỹ và cơn thịnh nộ của Liên Xô. Còn những người khác lại nói rằng toàn bộ ý tưởng đó là viển vông. Không có cách nào để một quốc gia nhỏ, nghèo, và chỉ mới công nghiệp hóa một phần có thể tự tạo ra một kỳ tích khoa học – công nghệ mà các quốc gia mạnh nhất vẫn chưa thử.
Lập luận chống lại lựa chọn hạt nhân một cách toàn diện, có phương pháp, được hai nhà chiến lược quân sự nổi tiếng là Yigal Allon và Israel Galili đưa ra. Lý lẽ của Allon – Galili chống lại bom hạt nhân có ba điểm: Tại Trung Đông không có khả năng tồn tại một chế độ ổn định răn đe lẫn nhau. Và nếu không có chế độ như vậy tồn tại, thì Isarel sẽ là nước gánh chịu nỗi kinh hoàng bị tấn công hạt nhân nhiều nhất. Do đó, để đảm bảo an ninh của mình, Isarel không nên có khả năng hạt nhân vì nó sẽ mở đầu cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở Trung Đông. Bởi nếu cuộc đua như vậy diễn ra tại vùng bất ổn như thế này, nó sẽ gây nguy hiểm cho chính sự tồn tại của nhà nước Do Thái.

Ben Gurion vẫn không nản lòng. Mùa hè năm 1956, ông gửi phù thủy tập sự của mình là Shimon Peres đến Paris để vẩy đũa phép. Rất bất ngờ, Tổng giám đốc của Bộ Quốc Phòng đã làm tốt những việc được giao. Ông khéo léo xử lý tình cảm chống Ả – rập của thời kỳ Suze, tình cảm ủng hộ người Do Thái một thập kỷ sau Vichy, và kêu gọi cảm thông với lòng yêu nước bị tổn thương trước Algeria, với sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân và sự suy yếu của Châu Âu. Trong một thời gian rất ngắn, người thanh niên 33 tuổi, tốt nghiệp trường làng thanh thiếu niên Ben Shemen – học trò của người theo chủ nghĩa hòa bình Siegfried Lehmann – đã lập được một trong những kỳ tích chiến lược lớn nhất những năm sau chiến tranh – thuyết phục được một cường quốc lớn ở châu Âu giúp một quốc gia Trung Đông nhỏ bé lựa chọn hạt nhân. Lựa chọn Peres nhận được bao gồm tất cả: cung cấp các kỹ sư, kỹ thuật viên, cách làm, đào tạo. Theo báo chí quốc tế, nó bao gồm một lò phản ứng hạt nhân, một thiết bị tách Plutonium, và năng lực tên lửa. Tầm nhìn của Ben Gurion, sự khôn khéo của Peres, và sự mẫn cán của vài người Isarel khác tham gia nhóm của Peres tại Paris đã thuyết phụp Pháp đặt tay vào Isarel ngọn lửa của Prometheus thời hiện đại. Lần đầu tiên trong lịch sử, người Do Thái có thể có khả năng tiêu diệt các dân tộc khác.”

—————————————————-
?Trích lược từ tác phẩm: MIỀN ĐẤT HỨA CỦA TÔI – KHẢI HOÀN VÀ BI KỊCH CỦA ISAREL

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *