CHIẾN TRANH NHÂM THÌN.(Lược dịch: Imjin War – Samuel Hawley.)Kì 1: Cuộc chạm trán đầ…

CHIẾN TRANH NHÂM THÌN – Kì 1

CHIẾN TRANH NHÂM THÌN.
(Lược dịch: Imjin War – Samuel Hawley.)
Kì 1: Cuộc chạm trán đầu tiên.
Đó là năm Imjin – Nhâm Thìn trong lịch Hàn Quốc, năm 1592 theo lịch Tây phương. Sáng ngày 23/5, một làn sương mù che khuất tầm nhìn xa tại cảng Pusan. Chong Pal, người chỉ huy tuổi đã lục tuần của đồn Pusan rời cảng sớm để tham gia cuộc đi săn hươu ở hòn đảo gần đó. Chiều hôm ấy, khi phóng tầm mắt ra khỏi các rặng cây, ông có lẽ là người đầu tiên nhận thấy dấu hiệu của sự nguy hiểm: một hàng những con tàu lấp ló dưới đường chân trời, đang tiến về từ phía nam. Nghi ngờ đây có thể là mở màn cho cuộc xâm lược của người Nhật, vốn chỉ được vài người cảnh báo trước đó một năm, chỉ huy Chong ngay lập tức quay lại đảo Pusan để gióng hồi chuông cảnh báo. Khi màn đêm buông xuống, 400 con tàu đã cập bến, và những người dân trong thành Pusan đều tự hỏi nhau rằng: “Rốt cuộc, chúng đến để làm gì?”.
Câu trả lời nằm ở cách Pusan 250km về phía đông, trong một trụ sở chiến lược nằm trên bờ biển Kyushu. Tại đây, người điều hành nước Nhật thống nhất, Toyomi Hideyoshi đã sẵn sàng bắt đầu chiến dịch của mình với 158.800 binh lính sẽ cập bến Hàn Quốc, cùng với đó là 76.200 lính thường trực bảo vệ Hideyoshi tại trụ sở để đề phòng các cuộc phản công.
Toyomi Hideyoshi không phải là một người đàn ông quá ấn tượng về mặt ngoại hình. Một lão già nhăn nheo, ốm yếu với thân hình nhỏ thó cao khoảng 1,5m và chắc chỉ nặng không đầy 50kg. Nhưng trong cương vị của một nhà chinh phạt, ông già này là một người khổng lồ. Sinh năm 1537 trong một gia đình nông dân ở vùng phụ cận Nagoya ngày nay. Hideyoshi lớn lên giữa thời Sengoku (Chiến Quốc), thời đại nội chiến của các lãnh chúa địa phương kéo dài hơn một thế kỷ, chia cắt nước Nhật thành nhiều vùng cát cứ. Cha ông làm việc trong gia đình Oda, gia tộc kiểm soát khu vực ông sống. Khi Hideyoshi đủ tuổi, ông bắt đầu tham gia vào quân đội của nhà Oda. Trưởng thành từ một người lính trơn, ông nhanh chóng leo lên vị trí chỉ huy cấp cao, rồi thành thuộc tướng của nhà Oda.
Năm 1582, thủ lĩnh gia tộc Oda, Oda Nobunaga, bị sát hại bởi chính thuộc tướng dưới quyền mình. Vài ngày sau sự kiện, Hideyoshi trả thù cho chủ nhân, đặt đầu của kẻ phản bội bên nấm mồ của Nobunaga. Ông chiếm lấy những vùng đất trước đây của Oda Nobunaga, khoảng 1/3 Nhật Bản. Đó là khởi đầu cho hành trình thống nhất Nhật Bản trong chín năm của cậu bé nông dân làng Nakamura, được Nobunaga đặt cho biệt danh “con khỉ” hay “chuột hói”. Năm 1592, ông bắt đầu mở rộng các cuộc chinh phạt của mình ra nước ngoài. Ý tưởng có thể đã nảy ra trong đầu Hideyoshi từ vài năm trước đó, trong bức thư gửi vợ mình năm 1589, ông viết: “Bức thư yêu cầu sự thuần phục của Hàn Quốc đối với Nhật Bản của ta đã được gửi đi cấp tốc trên những chuyến tàu. Nếu họ không chịu thuần phục, ta sẽ gửi thư đe dọa trừng phạt họ vào năm sau. Kể cả Trung Quốc cũng sẽ nằm trong tay ta và ta sẽ cai trị nó cho tới cuối đời.”
Hideyoshi tin ông có thể chinh phục Trung Quốc vì ông đánh giá Trung Quốc lúc này đang rất suy yếu, đánh giá này không hoàn toàn thiếu căn cứ. Trung Quốc cuối thế kỷ 16, dưới triều đại nhà Minh thật sự yếu kém. Toàn đế chế, không có nhiều hơn 2 triệu binh lính ở trạng thái sẵn sàng ứng chiến, ngoài đội quân lạc hậu trú tại thành Bắc Kinh. Thậm chí, triều đình Minh đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tập hợp 10 vạn người để đối phó với các hoạt động quân sự đầy đe dọa, diễn ra thường xuyên: người Mông Cổ ngoài trường thành, người Nữ Chân nổi dậy ở phía đông, cướp biển hoành hành dọc duyên hải, giải quyết các rắc rối với Miến Điện. Về phần Hideyoshi, ông sở hữu đội quân gần như tinh nhuệ nhất toàn cầu, 1/4 triệu binh lính trang bị hiện đại, được đào tạo tốt và có thể còn điều động được nhiều hơn nữa. Hơn hết, sau hàng trăm năm loạn đả, hàng chục vạn người này thấm nhuần học thuyết về sống còn của Darwin, họ hiếu chiến, sẵn sàng và cuồng nhiệt với chiến tranh. Làm một phép so sánh, thì hạm đội Tây Ban Nha tấn công nước Anh vài năm trước đó chỉ khoảng 30.000 người; toàn bộ quân đội của Nữ hoàng Elizabeth I không quá 20.000 người. Nếu có khả năng chuyển lực lượng của mình tới châu Âu, Hideyoshi hoàn toàn có thể trở nên đáng sợ với quân số của mình.
Hideyoshi chính thức bắt đầu công việc của mình ở Hàn Quốc vào ngày 23/5/1592. Đội viễn chinh đầu tiên cập cảng Pusan trong đúng ngày này, gồm 18.700 lính dưới quyền chỉ huy của Konishi Yukinaga. Hắn vẫn ở trên tàu của mình trong tối hôm đó. Tới 4 giờ sáng hôm sau, cuộc đổ bộ mới diễn ra. Người Hàn trong thành Pusan dõi theo quân đoàn hung tợn trên bước đường hành quân của chúng. Chỉ huy Chong Pal quay sang người của mình và hét lớn: “Ta ra lệnh cho các ngươi chiến đấu và hy sinh một cách thật anh dũng! Kẻ nào lùi bước, đích thân ta sẽ lấy đầu kẻ đó!”
Cuộc chiến diễn ra ác liệt nhưng nhanh chóng kết thúc. Tại đây, người Hàn lần đầu tiên được trải nghiệm sức mạnh tuyệt vời của súng hỏa mai. Lính thủ thành Pusan lần lượt ngã quỵ trước những viên đạn chì tròn, được bắn ra như mưa bởi những chiếc “chân chó” kỳ lạ. Họ vẫn tiếp tục chiến đấu trước quân Nhật cho tới khi không còn mũi tên nào nữa. Chính ngài Chong Pal cũng tử trận, tới 9 giờ sáng thì thế cục hoàn toàn ngã ngũ, với không còn bất cứ sự chống cự nào từ quân Hàn.
Khi quân Nhật tràn vào thành, Biên niên sử Samurai, Yoshino Jingozaemon ghi lại: “Chúng tôi bắt hết những người đang chạy loạn khắp nơi và cả những người cố gắng trốn trong khe vách giữa các căn nhà. Những người không tìm được chỗ trốn thì chạy tới cổng phía đông, họ nắm tay nhau tới chổ chúng tôi và nói tiếng Trung: ‘Mano! Mano!’, như thể đang cầu xin sự khoan dung. Không màng tới điều này, quân của chúng tôi lao tới tàn sát họ như để hiến tế máu cho thần chiến tranh vậy…”. Trong số nạn nhân, có cả người vợ lẽ mới chỉ 18 tuổi của ngài Chong Pal. Thi thể của cô được tìm thấy ngay bên cạnh chỉ huy Chong. Cô đã tuẫn tiết bên cạnh chồng mình.
Trong những ngày sau đó, liên tiếp hai đơn vị bổ sung cập bến Pusan: Kato Kiyomasa với 22.800 quân; Kuroda Nagamasa với 11.000 quân. Tướng Konishi, với đội đầu tiên tới Pusan của mình hào hứng tiến thẳng về kinh đô ở Seoul, lộ trình hướng vào trung tâm bán đảo. Kato không chấp nhận trước viễn cảnh mất công đầu, cũng bắt đầu dẫn quân chạy đua theo tuyến đường phía đông đã được định sẵn. Kuroda thì theo hướng tây. Cứ thế, ba cánh quân hành quân thần tốc tới mức người Hàn rất khó thám báo kịp vị trí của quân địch.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *