Danh sách những nhân vật tham gia cuộc kháng chiến chống Minh do vua Lê Lợi khởi xướng

Danh sách những nhân vật tham gia cuộc kháng chiến chống Minh do vua Lê Lợi khởi xướng. Tham khảo từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Đại Việt Sử Ký Tiền Biên, Lam Sơn Thực Lục, Đại Việt Thông Sử. (phần I)
Đây là một bản danh sách còn nhiều thiếu sót vì các nguồn tài liệu sử dụng để tổng hợp đều là bản dịch tiếng Việt từ bản gốc tiếng Hán nên không khỏi có chỗ chưa chuẩn. Ngoài ra vì đa phần những người trong danh sách đều được ban quốc tính nên đôi khi có trường hợp cùng một tên (Lê Lễ) mà lại là hai người khác nhau, bởi vậy có thể sinh ra nhầm lẫn. Sự phân loại các nhân vật theo tiêu chí: tướng cận chiến, tướng cầm quân, tướng toàn năng… hoàn toàn dựa trên nhận định chủ quan. Mong được các bạn kiểm chứng, sửa lỗi.
I Các tướng cận chiến: Là những người được nhắc đến với vai trò là tướng tiên phong trong các cuộc giao chiến, xung trận ở tuyến đầu cùng binh sĩ. Những tướng chức vị hơi thấp, phụ giúp cho các chỉ huy trong các chiến dịch lớn cũng được liệt kê ở đây.
– Lê Thạch: là cháu của vua Lê Lợi, được phong làm chỉ huy quân thiết kỵ thời kỳ đầu khởi nghĩa. Sử sách chép ông là người can đảm, khỏe mạnh, thích đọc sách, được lòng quân sĩ, đánh đâu thắng đấy tuy nhiên lại “hữu dũng vô mưu”. Ông đã chiến đấu trong trận thắng đầu tiên của quân Lam Sơn ở Lạc Thủy năm 1418, hy sinh trong trận ải Kinh Lộng năm 1421, sau khi đánh tan quân Ai Lao tới phối hợp với quân Minh rồi bị trúng tên trong khi mải truy kích. Khi vua Lê Lợi làm biển vinh danh ông được xếp trên các công thần khác.
– Lê Lai: tính cương trực, hầu cận bên vua Lê Lợi. Năm 1418 đổi áo cho vua Lê Lợi làm nghi binh để vua chạy thoát. Ông cưỡi ngựa tốt, xông pha một trận oanh liệt giết được quân giặc rất nhiều rồi bị bắt và xử cực hình. Sau này ông là người đứng hàng đầu trong số các khai quốc công thần được vinh danh.
– Lê Lư: con trưởng của Lê Lai, tham gia vây thành Nghệ An năm 1425, hy sinh tại trận.
– Lê Lộ: con thứ của Lê Lai, xung trận Ải Kinh Lộng năm 1421, năm 1424 tham gia trận Trà Lân, cùng năm đó bị trúng tên hy sinh.
– Lê Lâm: con út của Lê Lai, theo hầu vua, được xếp hạng công thần hàng thứ 3. Năm 1430 đi đánh Ai Lao bị chúng chông độc hy sinh.
Cả gia đình Lê Lai gồm cha và ba con trai đều hy sinh trong chiến đấu, là tấm gương quên mình vì nước. Các cháu nội của Lê Lai đều có công trạng, được phong quan tước to.
– Lê Thận: chơi với vua Lê Lợi từ khi chưa khởi nghĩa, tên tuổi gắn liền với truyền thuyết Rùa thần cho mượn gươm. Chỉ huy kỵ binh Thiết Đột, làm cận vệ cho vua Lê Lợi suốt thời chiến có nhiều công lao phò tá. Xếp hạng công thần bậc 2 theo Đại Việt thông sử. Trong Đại Việt sử ký toàn thư thì không thấy tên ông được phong công thần bậc 2 (phong Á thượng hầu), không rõ là vì tài liệu sai lầm hay có thăng bậc về sau.
– Lê Lý: chỉ huy kỵ binh Thiết Đột. Chiến đấu ở tuyến đầu mấy chục trận: Lạc Thủy 1418, Mường Thôi 1420, phòng thủ Lam Sơn, chiến dịch Trà Lân, trận Khả Lựu 1424, bao vây Nghệ An, hạ thành Xương Giang 1427, trận Mã Yên chiến công chém Lương Minh chép ở phần của ông trong Đại Việt Thông Sử, trận đồng Xương Giang. Ông đứng bậc thứ 3 trong các khai quốc công thần.
– Lê Văn An: chỉ huy kỵ binh Thiết Đột, trải qua hơn 100 trận đánh lớn nhỏ, xung trận Khả Lựu 1424, đánh Tân Bình, Thuận Hóa, vây Tây Đô, trận Mã Yên, trận đồng Xương Giang 1427. Xếp hạng công thần bậc 4.
– Đinh Liệt (Lê Liệt): em trai danh tướng Đinh Lễ, là tâm phúc hầu cận bên vua, xung trận Khả Lựu năm 1424, tham gia chiến dịch Chi Lăng – Xương Giang năm 1428, làm chức Thứ thủ quân Thiết Đột. Đứng bậc 4 trong danh sách khai quốc công thần.
– Lê Lễ: gia thần của vua Lê Lợi, sức mạnh hơn người, thường theo sát bên vua hộ vệ, nhiều lần vua bị vây đều nhờ sức một mình ông phá vây cả. Vua thưởng bảo công lao của ông đáng làm chức Thái Sư, chỉ tiếc là tài năng không xứng mà thôi. Đứng bậc 4 trong các khai quốc công thần.
– Lê Khôi: cháu vua Lê Lợi, khỏe mạnh và can đảm. Khi ra trận thường đeo theo hai túi mũi tên. Xông pha trận Khả Lựu 1424, cùng Phạm Vấn đem 3000 quân Thiết Đột đánh trận đồng Xương Giang. Xếp hạng công thần bậc 4. Trong các triều vua sau có chiến công hiển hách, được Lê Thánh Tông ca tụng: “Vũ Mục hung trung liệt giáp binh – Bụng ông Vũ Mục Lê Khôi chứa đầy binh giáp.”
– Lê Chiến: xung trận Khả Lựu, trận Tốt Động. Xếp hạng công thần bậc 4.
– Trịnh Lỗi (Lê Lỗi): theo vua từ thời kỳ đầu, chịu nhiều gian khổ, vây cửa Nam thành Đông quan, là công thần bậc 4.
– Nguyễn Xí (Lê Xí): làm gia thần của vua Lê Lợi từ nhỏ, vũ dũng hơn người, nuôi một đàn chó săn 100 con, buổi đầu khởi nghĩa làm chỉ huy đội Thiết đột thứ nhất. Cùng vua phá vây năm 1418 để vào núi Chí Linh. Xung trận Khả Lựu năm 1424. Năm 1426 được phong làm Đại tướng quân, theo danh tướng Đinh Lễ ra Bắc, đánh trận Tốt Động. Trong Đại Việt Thông Sử, chiến công chém Binh bộ thượng thư Trần Hiệp được chép ở phần của ông. Năm 1427 cùng Đinh Lễ đem 500 quân Thiết Đột giải vây Tây Phù Liệt, vì ham đuổi nên bị giặc bắt. Nhân đêm mưa gió ông đánh lừa quân canh trốn về được. Năm 1428 xông trận Xương Giang. Trong danh sách khai quốc công thần ông đứng ở bậc 5. Sau này ông còn tham gia triều chính và làm đến chức to ở các đời vua sau nhưng tạm không kể ở đây.
– Trịnh Khả (Lê Khả): theo vua từ thời kỳ đầu, cùng Bùi Bị lấy được hài cốt thân phụ vua Lê Lợi khỏi tay giặc Minh. Xung phong mấy chục trận ở chiến trường Thanh –Nghệ, theo Phạm Văn Xảo ra Bắc. Tham gia trận cầu Xa Lộc, trận ải Lê Hoa. Xếp hạng công thần bậc 5.
– Đỗ Bí (Lê Bí): cùng vua phá vây lên Chí Linh năm 1418, theo tướng Lý Triện ra Bắc, tham gia trận Ninh Kiều, trận cầu Nhân Mục, bị bắt sống tại trận Cổ Mục, sau chiến tranh được thả về. Xếp hạng công thần bậc 5.
– Lê Khuyển: tham gia phòng thủ Bắc Giang, Lạng Giang, đánh thành Tam Giang 1426, tham gia trận ải Lê Hoa 1427. Đứng hàng công thần bậc 5.
– Bùi Bị (Lê Bị?): cùng Trịnh Khả lấy được hài cốt của thân phụ vua Lê Lợi bị giặc Minh khai quật về. Tham gia đánh úp Tây Đô 1425, phòng thủ Bắc Giang, Lạng Giang 1426, tham gia vây Đông Quan. Đứng hàng công thần bậc 5.
– Đinh Bồ (Lê Bồ?): một trong 200 quân nhân Thiết Đột thời kỳ đầu. Xung trận lập công tại Lạc Thủy năm 1418. Sống sót sau chiến tranh và được ban tước Minh Tự.
– Lê Đạp: cùng vua Lê Lợi phá vây rút lên núi Chí Linh lần thứ nhất năm 1418. Sau đó không thấy ghi chép gì thêm.
– Lê Lĩnh: xung trận Sách Khôi 1422, tham gia vây thành Nghệ An.
– Lê Hào: tham gia phá trại Quan Du 1420, xung trận Khả Lựu 1424
– Lê Bôi: xung trận Khả Lựu 1424, đánh Tân Bình Thuận Hóa, vây Nghệ An, đánh Khâu Ôn 1426, trận Pha Lũy 1427.
– Lê Nỗ: đánh Tân Bình – Thuận Hóa.
– Lê Thụ: đánh thành Xương Giang, tham gia chiến dịch Chi Lăng dưới quyền Lê Sát.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *