Thứ sáu, ngày 11/07/2025 17:52 GMT+7
Gia Khiêm Thứ sáu, ngày 11/07/2025 17:52 GMT+7
Sau loạt vụ việc liên quan đến án “chạy” kết luận tâm thần, đưa hối lộ, xảy ra tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ban hành công điện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường quản lý trong lĩnh vực giám định pháp y, pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh tâm thần.
Ngày 11/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã ban hành công điện gửi Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2; Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, Trung tâm pháp y tâm thần các khu vực; Viện Pháp y quốc gia; bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; – Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… về tăng cường quản lý trong lĩnh vực giám định pháp y, pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh tâm thần.

Trong công điện, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, trong những năm qua, công tác giám định pháp y, pháp y tâm thần, bắt buộc chữa bệnh đã được quan tâm, củng cố, kiện toàn, phát triển; các đơn vị đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; chất lượng giám định cơ bản đáp ứng yêu cầu của cơ quan tố tụng.
Bộ Y tế, các Bộ, ngành và các địa phương đã tích cực, chỉ đạo, phối hợp giám sát, giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, góp phần đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.

Tuy nhiên thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng một số vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật nghiêm trọng tại Viện Pháp y tâm thần trung ương, Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hoà, Trung tâm pháp y tâm thần Miền núi phía Bắc gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên là do một số cán bộ Lãnh đạo và cán bộ y tế chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, các hướng dẫn chuyên môn, các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế và các Bộ, ngành; một số người đứng đầu đơn vị, cán bộ y tế chưa gương mẫu, chưa giữ vững bản lĩnh chính trị, dễ bị mua chuộc, bị lôi kéo tham gia các hành vi phạm tội hoặc tiếp tay cho kẻ xấu lợi dụng vi phạm pháp luật.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đảm bảo tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp và kịp thời ngăn chặn những biểu hiện hành vi tiêu cực trong xử lý công việc, Bộ Y tế yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, các hướng dẫn chuyên môn, các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế và các Bộ, ngành; giữ vững bản lĩnh chính trị, không để kẻ xấu mua chuộc, lôi kéo tham gia các hành vi phạm tội; trong đó khẩn trương, nghiêm túc thực hiện ngay các nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện công tác giám định pháp y, pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh.
Thứ 2, tăng cường giám sát, chỉ đạo công tác chuyên môn và phối hợp với cơ quan chức năng để siết chặt quản lý đối tượng bắt buộc chữa bệnh tâm thần và đảm bảo thực hiện giám định khách quan, minh bạch đáp ứng nhu cầu giám định của các cơ quan tố tụng, tổ chức, cá nhân.

Thứ 3, thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 64 Chính phủ quy định việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh và các hướng dẫn chuyên môn, các quy định của Bộ Y tế liên quan đến bắt buộc chữa bệnh; thực hiện nghiêm quy định về quản lý người bệnh bắt buộc chữa bệnh, không để người bệnh tự ý ra khỏi cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần hoặc bỏ trốn khỏi nơi điều trị gây nguy hiểm cho xã hội và tiếp tục hành vi phạm tội.
Thứ 4, các Bệnh viện tâm thần, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về tâm thần phải thực hiện nghiêm các quy định về chuyên môn và quy định về cấp bản tóm tắt hồ sơ bệnh án, cấp giấy khám sức khoẻ (có nội dung về tình trạng tâm thần); không để các đối tượng lợi dụng các giấy tờ này đề nghị các cơ quan tố tụng cho bị can, bị án đi giám định tâm thần nhằm trốn tránh hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi phạm tội.
Thứ 5, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07 của Bộ trưởng Bộ Y tế; Công văn của Bộ Y tế về tăng cường quản lý, trong lĩnh vực giám định pháp y, pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh tâm thần. Người đứng đầu đơn vị phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra sai phạm tại đơn vị.
Thứ 6, đảm bảo an ninh, an toàn cho nhân viên y tế khi thực hiện nhiệm vụ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, công tác chuyên môn trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh. Đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị, phương tiện phục vụ giám định pháp y, pháp y tâm thần, điều trị bắt buộc chữa bệnh tâm thần đồng bộ, hiện đại phù hợp xu hướng phát triển của chuyên ngành và đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn.
Mới đây, cơ quan công an đã khởi tố 36 lãnh đạo, cán bộ Viện Pháp y tâm thần trung ương với cáo buộc nhận hối lộ khi kết luận giám định tâm thần. Thậm chí, những người này đã bố trí một phòng riêng, có điều hòa và các thiết bị âm thanh, để các đối tượng đang điều trị bắt buộc tại đây tổ chức ăn chơi, sử dụng ma túy.
Quá trình điều tra mở rộng vụ án chạy kết luận tâm thần, đưa hối lộ, xảy ra tại Viện Pháp y tâm thần trung ương, Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an TP Hà Nội đã bắt giữ Hoàng Tất Thành (58 tuổi) – giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực miền núi phía Bắc, Lục Thị Thanh Bình (52 tuổi) – phó giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực miền núi phía Bắc và Lại Thành Trung (46 tuổi, cùng trú Phú Thọ) – phó trưởng khoa cận lâm sàng, giám định viên Trung tâm Pháp y tâm thần miền núi phía Bắc về tội nhận hối lộ.
Theo điều tra, trong khoảng thời gian từ đầu năm 2025, qua móc nối của một số bác sĩ tại Viện Pháp y tâm thần trung ương, vợ chồng Nguyễn Thị Mai Anh và Lê Văn Đông (trú tại Hà Nội) đã làm quen với ba lãnh đạo của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực miền núi phía Bắc là Hoàng Tất Thành, Lục Thị Thanh Bình và Lại Thành Trung để xin “chạy” kết luận giám định tâm thần.
Thông qua quen biết, Mai Anh đã hai lần hối lộ nhóm cán bộ trên với tổng số tiền khoảng 450 triệu đồng nhằm chạy giám định kết quả tâm thần.Sau khi nhận tiền, tại cuộc họp hội đồng giám định, Hoàng Tất Thành đã chỉ đạo Lại Thành Trung và Lục Thị Thanh Bình làm sai lệch hồ sơ bệnh án tâm thần, nhằm ra kết luận giữ nguyên chẩn đoán cũ của Viện Pháp y tâm thần trung ương.
Dù biết rõ các nghi phạm liên quan đều chưa đến mức mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, nhưng Thành, Trung, Bình vẫn cố tình viết vào hồ sơ các triệu chứng bệnh tâm thần để hợp thức hóa kết luận giả mạo.Cơ quan chức năng đang tiếp tục mở rộng điều tra để làm rõ toàn bộ đường dây và xử lý nghiêm minh các đối tượng liên quan.
Trước đó ngày 18/6, Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tàng trữ trái phép chất ma túy, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Viện Pháp y tâm thần trung ương, Hà Nội và tỉnh Thanh Hóa.
Đồng thời ra quyết định khởi tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 40 người (trong đó có 36 bị can là lãnh đạo, cán bộ Viện Pháp y tâm thần trung ương; hai bị can là bệnh nhân đang chữa bệnh tâm thần bắt buộc).
Đáng chú ý, trong số này có ông Trần Văn Trường – Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần trung ương, bà Đặng Thị Hòa – vợ ông Trường, ông Lâm Văn Thành – Phó viện trưởng, ông Dương Văn Biết – Trưởng khoa giám định – Phó phòng kế hoạch tổng hợp, Nguyễn Thị Thu Hoài – Phó phòng tổ chức, Đỗ Khắc Doanh – Phó khoa phụ trách khoa nam.
Trước đó, vụ việc ở Viện pháp Y tâm thần trung ương Biên Hòa cũng khiến dư luận bức xúc.