Cuối năm 2024, tôi gọi điện cho chị và bày tỏ mong muốn chị dành cho Dân Việt một cuộc trò chuyện nhân ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bởi lúc đó, chị là nữ tướng duy nhất tại Việt Nam còn đang công tác. Nhưng chị đã từ chối. Mãi tới sau này tôi mới biết lý do từ chối bởi chị rất ngại nói về mình với vai trò một “nữ tướng Quân đội”. Chị muốn trò chuyện về những công việc của một nhà chuyên môn trong lĩnh vực y khoa mà chị đam mê và được cống hiến trong những năm qua.
Với 36 năm công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chị đã dành nhiều thời gian học tập, nghiên cứu sâu về bệnh lý đột quỵ não và được biết đến là một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực đột quỵ ở Việt Nam, với 3 đề tài nghiên cứu khoa học đa trung tâm quốc tế cùng nhiều đề tài cấp Bộ, Nhà nước; tác giả của nhiều bài báo khoa học trên các tạp chí y học trong nước, quốc tế uy tín…
Gặp chị trong những ngày cuối tháng 2, khi cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2025), vinh danh đội ngũ y, bác sĩ trên cả nước với những cống hiến về y thuật, y đức, chị vẫn “mặc cả”: “Mình nói chuyện về công việc chuyên môn thôi nhé“. Nhưng rồi, với một sự hồn hậu, thân thiện, câu chuyện của chúng tôi cứ thế nối dài, từ những ngày chị bắt đầu tại Học viện Quân y, cho tới những ngày tháng đầu tiên sang Pháp để nghiên cứu về đột quỵ cách đây hơn 25 năm, đến khi chị trở thành Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với nhiều bề dày thành tích.
Chị là Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Hoàng Ngọc.
Nội dung: Anh Thư – Media: Hưng Phạm – NVCC – Thiết kế: Hữu Anh
Hành trình trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu về vấn đề đột quỵ đối với chị như thế nào? Điều gì đã khiến chị theo đuổi lĩnh vực này khi ở thời điểm cách đây hơn 25 năm, Việt Nam chưa nhiều người nghiên cứu về đột quỵ?
– Cách đây 36 năm (1989), sau khi tốt nghiệp Học viện Quân y, tôi là một trong 10 bác sĩ trẻ được tuyển chọn về làm việc ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 – một bệnh viện lớn, chuyên sâu của Quân đội. Tôi được sự dìu dắt của các thầy, các thế hệ anh chị đồng nghiệp đi trước chỉ dẫn trong chuyên môn. Những năm cuối của thập kỷ 80, đầu 90, ngày ấy người ta thường gọi là tai biến mạch máu não, không gọi là đột quỵ như bây giờ. Sau này đổi tên là stroke – đột quỵ. Với các bệnh nhân bị tai biến mạch máu não thực sự điều trị vô cùng khó khăn; chất lượng cuộc sống bệnh nhân (nếu cứu được) cũng rất hạn chế. Sự tàn phế của họ là gánh nặng cho cả gia đình và xã hội.
Căn bệnh này vào thời điểm đó chẩn đoán thể bệnh khó vì chưa có máy móc trang thiết bị hiện đại như máy chụp cắt lớp vi tính (CT) hay máy chụp cộng hưởng từ (MRI), chủ yếu chẩn đoán bằng thăm khám lâm sàng. Và kể cả khi chẩn đoán lâm sàng rồi cũng chưa có thuốc để điều trị đặc hiệu. Cuộc sống của bệnh nhân sau khi đã bị tai biến mạch máu não thì bán thân bất toại, hoặc nằm liệt tại giường.
Tháng 11/2022, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Hoàng Ngọc được thăng quân hàm Thiếu tướng và hiện là Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Gia đình tôi cũng có người bị tai biến mạch máu não mà bất lực, mặc dù bản thân tôi lúc đó là một bác sĩ chuyên khoa Thần kinh. Chính vì thế, sau khi tôi học xong chuyên khoa I, tôi rất muốn tìm hiểu bệnh lý về tai biến mạch máu não, muốn đi sâu xem có cách thức nào giúp bệnh nhân cải thiện hơn về các chức năng. Được các thầy định hướng, tôi tiếp tục học cao học Thần kinh với đề tài luận án thạc sĩ về “Nghiên cứu tình trạng hẹp động mạch cảnh ngoài sọ ở bệnh nhân nhồi máu não”. Sau khi bảo vệ thành công luận án thạc sỹ (1997), tôi được Hội đồng đề nghị tiếp tục làm nghiên cứu sinh – nghiên cứu chuyên sâu về bệnh lý mạch máu não. Năm 1999 – 2000, tôi may mắn có cơ hội sang thực tập sinh tại Pháp, được tiếp cận với nền y học hiện đại, được các giáo sư bên đó tận tình hướng dẫn, tạo điều kiện nên tôi học hỏi được rất nhiều và về nước tôi đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 2002. Vào thời điểm đó Bệnh viện Trung ương quân đội 108 là bệnh viện đầu tiên trong cả nước thành lập Trung tâm đột quỵ não. Giáo sư Nguyễn Văn Thông làm Giám đốc đầu tiên và tôi là phó Giám đốc trung tâm.
Những năm đầu thành lập, chúng tôi được trang bị nhiều máy móc, phương tiện hiện đại chẩn đoán thể bệnh đột quỵ chính xác hơn, nên tôi cùng các đồng nghiệp có điều kiện áp dụng các phác đồ điều trị theo hướng dẫn của hội đột quỵ thế giới. Chặng đường hơn 20 năm từ đó đến nay, bản thân tôi và các đồng nghiệp của trung tâm với những kinh nghiệm thực tiễn lâm sàng, cộng thêm có rất nhiều cơ hội đi dự các hội thảo quốc tế, tham gia các chương trình nghiên cứu đa trung tâm quốc tế, cấp Bộ, ngành và cấp Nhà nước, Trung tâm đột quỵ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã trở thành một địa chỉ tin cậy, có uy tín cao, được tín nhiệm trong cả nước về cấp cứu và điều trị bệnh nhân đột quỵ não.
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Ngọc trò chuyện cùng phóng viên báo điện tử Dân Việt.
Theo chị, những thách thức lớn nhất trong việc điều trị và phòng ngừa đột quỵ tại Việt Nam hiện nay là gì?
– Bệnh đột quỵ là bệnh có thể phòng ngừa được, tuy nhiên thách thức lớn là phải phát hiện sớm và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ của đột quỵ. Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khi phát hiện sớm yếu tố nguy cơ và kiểm soát tốt yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, vữa xơ động mạch, các bệnh lý về tim mạch thì đã giảm đáng kể nguy cơ bị đột quỵ.
Nhưng hiện nay, trình độ dân trí ở Việt Nam chưa phải ai cũng hiểu hoặc có điều kiện để đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ sàng lọc các yếu tố nguy cơ tim mạch trong đó có nguy cơ đột quỵ một cách đầy đủ. Chỉ khi có triệu trứng đột quỵ xảy ra, lúc ấy người bệnh mới biết là bản thân đã mang các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, loạn nhịp tim, dị dạng mạch máu não….
Một thách thức nữa ảnh hưởng đến kết quả điều trị đột quỵ đó là xử lý ban đầu các bệnh nhân đột quỵ vẫn còn nhiều sai lầm. Đến bây giờ một số nơi vẫn quan niệm đó là cảm mạo thông thường, không đưa bệnh nhân đi điều trị sớm. Mà đột quỵ thì phải tận dụng “thời gian vàng” 4,5 đến 6 giờ đầu từ khi xuất hiện triệu chứng đột quỵ để cứu chữa có hiệu quả, nếu để ở nhà xử trí sai như bấm huyệt, chích máu…, hoặc những cách thức không chính thống sẽ mất đi cơ hội, dẫn đến bệnh nhân có thể tử vong hoặc bị tàn phế rất nặng. Vấn đề này không thể ngày một ngày hai mà có thể thay đổi được cần phải tuyên truyền tích cực hơn nữa các dấu hiệu sớm của đột quỵ và ý nghĩa của việc đưa bệnh nhân đến viện trong thời gian vàng.
Một vấn đề nữa là điều trị dự phòng tái phát sau đột quỵ. Bởi đột quỵ rất dễ tái phát, người bệnh bị đột quỵ lần 1 sẽ có lần 2, lần 3 và những lần sau bao giờ cũng nặng hơn lần trước nếu không kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ và được điều trị dự phòng. Rất nhiều người bệnh không đến khám và theo dõi thường xuyên cũng như được tư vấn đầy đủ về vấn đề này.
So với việc điều trị về đột quỵ trên thế giới, chị đánh giá chuyên ngành đột quỵ tại Việt Nam đang ở mức độ như thế nào?
– Việt Nam đang bắt nhịp cùng với thế giới, những nghiên cứu của các nước tiên tiến, các phương tiện máy móc hiện đại, Việt Nam đã tiếp cận được. Đặc biệt Việt Nam có các chuyên gia nhiều kinh nghiệm đã triển khai công tác tổ chức cấp cứu bệnh nhân đột quỵ não ở tuyến bệnh viện với mô hình làm việc theo nhóm chuyên khoa, nên đã rút ngắn nhất thời gian cấp cứu trong viện, nhờ đó tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được xử trí trong giờ vàng ngày càng cao. Tuy nhiên có một vấn đề là xử trí ban đầu (tức là xử trí trước bệnh viện) của chúng ta chưa tốt bằng các nước tiến tiến, liên quan đến phát hiện và vận chuyển sớm bệnh nhân đột quỵ đúng cách còn hạn chế.
Hiện nay Bộ Y tế cũng đã triển khai cho các bệnh viện tuyến tỉnh trên toàn quốc, mỗi bệnh viện có một đơn vị điều trị đột quỵ giúp xử trí sớm, kịp thời các bệnh nhân đột quỵ. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là bệnh viện đã triển khai cấp cứu điều trị bệnh nhân đột quỵ toàn diện nhất theo đúng mô hình các nước tiên tiến.


Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Ngọc (thứ 3 từ phải sang) đã và đang hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh, thạc sĩ, bác sĩ nội trú và Bác sĩ chuyên khoa cấp II.
Như chị vừa nói, tôi hiểu được rằng việc dự phòng đối với bệnh đột quỵ là rất quan trọng. Vậy ở Việt Nam, vấn đề đó có được quan tâm đúng mức không? Chị nghĩ sao về tầm quan trọng trong việc giáo dục cộng đồng về các dấu hiệu và cách phòng ngừa đột quỵ?
– Về vấn đề dự phòng đột quỵ cấp 1 (tức là kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, dự phòng đột quỵ) trong thời gian qua trên các phương tiện đại chúng có nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn nên người dân đã nhận thức đúng về nguy hiểm của bệnh đột quỵ so với trước rất nhiều. Nhưng cái khó là không phải tất cả những người có yếu tố nguy cơ đều quan tâm, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ. Không phải ai cũng có điều kiện được khám và sàng lọc đầy đủ để phát hiện các yếu tố nguy cơ của đột quỵ.
Về vấn đề dự phòng tái phát đột quỵ ở những người bệnh đã bị đột quỵ lần đầu (dự phòng cấp 2) cũng cần được các bác sĩ tư vấn đầy đủ và bệnh nhân hiểu được tầm quan trọng để duy trì điều trị dự phòng lâu dài, vì có những thuốc phải dùng cả đời sau đột quỵ.
Việc giáo dục cộng đồng về phát hiện sớm các dấu hiệu của đột quỵ, xử trí ban đầu đúng và cách phòng ngừa đột quỵ vô cùng quan trọng và rất cần thiết. Tôi hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục duy trì tuyên truyền trên các phương tiện đại chúng và các chương trình giáo dục sức khỏe về đột quỵ cũng như các bệnh lý mới nổi để người dân tiếp cận được những kiến thức đầy đủ, đúng nhất góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh cũng như tỷ lệ tàn phế của các bệnh nhân đột quỵ ở Việt Nam.
Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chị Nguyễn Hoàng Ngọc đã thể hiện đồng thời với vai trò của một bác sĩ, một nhà quản lý và một nhà khoa học. Với cương vị Phó Giám đốc bệnh viện, chị đã cùng Đảng ủy, Ban giám đốc đưa ra nhiều chiến lược phát triển, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đào tạo nhân lực y tế. Chị cũng là một trong những người đi đầu trong việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào chẩn đoán và điều trị bệnh nhân đột quỵ, góp phần giúp bệnh viện trở thành một trong những đơn vị y tế hàng đầu cả nước. Những đóng góp của chị được các đồng nghiệp đánh giá cao.


PGS, TS Nguyễn Hoàng Ngọc thường xuyên tham gia các hoạt động chuyên môn, thăm khám bệnh nhân nặng.
Có những nghiên cứu nào mà chị cảm thấy hài lòng nhất, tự hào nhất?
– Nói nghiên cứu nào là hài lòng nhất thì hơi khó bởi nghiên cứu nó luôn theo thời gian. Tôi đã có khoảng 30 năm theo chuyên ngành đột quỵ nên cũng có khá nhiều nghiên cứu, từ đề tài cơ sở, đến cấp Bộ, sau này tham gia các đề tài nghiên cứu đa trung tâm quốc tế về đột quỵ, chủ yếu nghiên cứu về các thuốc dự phòng đột quỵ, các phương pháp phục hồi chức năng tốt nhất cho bệnh nhân sau đột quỵ cũng như triển khai tổ chức thực hiện cấp cứu, điều trị đột quỵ hiệu quả. Đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị bệnh nhân đột quỵ” là đề tài tôi tâm huyết và kỳ vọng về một biện pháp mới giúp bệnh nhân đột quỵ có chất lượng cuộc sống cao hơn. Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc thì cả thế giới đang nghiên cứu nên khi bắt đầu nhận đề tài đấy tôi thấy mình cũng dũng cảm, rất quyết tâm cùng với đồng nghiệp của Trung tâm đột quỵ thực hiện đề tài, góp phần nói lên tiếng nói cũng như khả năng chuyên môn của chuyên ngành đột quỵ Việt Nam.
Chị nhận định như thế nào về sự phát triển của y học trong việc điều trị đột quỵ trong 5-10 năm qua?
– Chúng ta đã có những tiến bộ trong cấp cứu điều trị bệnh nhân đột quỵ giai đoạn cấp, hiện nay ngay tại các tuyến tỉnh đã thực hiện kỹ thuật tiêu huyết khối đường tĩnh mạch góp phần điều trị bệnh nhân trong giờ vàng. Nhiều bệnh viện tuyến trung ương đã thực hiện các kỹ thuật can thiệp mạch phức tạp, cũng như phẫu thuật viện thần kinh ngày một kinh nghiệm trong phẫu thuật đột quỵ.
Chúng ta đã tổ chức hệ thống cấp cứu điều trị đột quỵ ở các tuyến, triển khai các đơn vị đột quỵ trong bệnh viện nhằm giúp điều trị đột quỵ chuyên sâu hiệu quả; triển khai các dự án đào tạo chuyên gia về đột quỵ và phục hồi chức năng tại cộng đồng giúp người bệnh sau đột quỵ phục hồi vận động nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm gánh nặng về tinh thần cho người bệnh và gia đình người bệnh.
Đặc biệt việc điều trị đột quỵ đã kết nối thành một mạng lưới ở tất cả bệnh viện tuyến tỉnh với các bệnh viện trung ương. Chúng tôi ứng dụng công nghệ 4.0 trao đổi – hội chẩn qua zalo, telemedicine, zoom… xây dựng các phần mềm quản lý theo dõi hệ thống bệnh nhân đột quỵ, cho phép các chuyên gia hỗ trợ tư vấn, đánh giá, chẩn đoán và điều trị từ xa.
Cá nhân chị đã đóng góp như thế nào để nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân đột quỵ tại đây? Bệnh viện đã áp dụng những công nghệ tiên tiến nào trong việc điều trị đột quỵ dưới sự chỉ đạo của chị?
– Ngay từ năm 2015 khi tôi còn công tác ở Trung tâm đột quỵ, xác định đối với bệnh nhân đột quỵ thì “thời gian là vàng”, tôi đã cùng với đồng nghiệp các khoa có liên quan: khoa cấp cứu ban đầu, khoa chẩn đoán hình ảnh, khoa can thiệp mạch, khoa phẫu thuật thần kinh tạo thành nhóm liên kết gọi là “nhóm cấp cứu bệnh nhân đột quỵ tối cấp”. Khi có bệnh nhân đột quỵ cấp vào cấp cứu, cả nhóm được khởi động cùng tham gia hội chẩn kịp thời để đưa ra phương pháp xử lý nhanh nhất hiệu quả nhất.
Với cách tổ chức như vậy, chúng tôi luôn có một ekip trực đầy đủ 24h/7 để xử trí bệnh nhân đột quỵ. Trước đây, nếu bệnh nhân vài tiếng sau mới được can thiệp thì bây giờ, từ lúc bệnh nhân đến viện cho đến lúc bắt đầu can thiệp bằng phương pháp điều trị đặc hiệu như tiêu huyết khối đường tĩnh mạch – lấy huyết khối đường động mạch, thời gian rút xuống chỉ còn chưa đến 60 phút. Nhờ đó chúng tôi đã tăng được số lượng bệnh nhân có thể can thiệp vào giờ “vàng” góp phần giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế. Đây thực sự là một kỳ tích, kết quả như các nước tiên tiến trên thế giới.
Không chỉ xuất sắc trong lĩnh vực chuyên môn, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Ngọc còn có khả năng cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Chị đã chứng minh rằng, với sự nỗ lực không ngừng, phụ nữ hoàn toàn có thể vươn lên và tỏa sáng trong bất kỳ lĩnh vực nào. Chị luôn suy nghĩ rằng thành công không chỉ được đo bằng những danh hiệu mà còn bằng những giá trị tốt đẹp mang lại cho cộng đồng. Sự khiêm tốn và tinh thần cống hiến của chị là những bài học quý giá cho thế hệ thầy thuốc trẻ hiện nay.
Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ngọc – Phó Giám đốc Bệnh viện 108 chia sẻ tại Ngày hội hiến tóc.
Là một trong hai nữ tướng hiện đang tại chức ở thời điểm này, chị đã vượt qua những khó khăn như thế nào để đạt được vị trí này?
– Tôi vào quân đội chỉ bởi tôi rất yêu ngành y. Ngày ấy, khi đang học lớp 12 thì Học viện Quân y về tuyển, tôi đã đăng ký. Vì thế tôi vào quân đội rất tự nhiên và trở thành một quân nhân trong quân đội. Quá trình học trong quân đội cũng rèn cho mỗi người sự bản lĩnh. Khi ra trường, với kết quả học tập, tôi may mắn được vào Bệnh viện Quân đội 108, được học tập làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, đỉnh cao cùng với sự dìu dắt của các thầy, sự giúp đỡ của các anh chị em đồng nghiệp – tôi đã cố gắng khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm phấn đấu không ngừng học tập nâng cao trình độ trở thành một bác sĩ kinh nghiệm trong chuyên ngành của mình. Và cũng phải nói thêm rằng để có được sự trưởng thành vững vàng như ngày nay tôi rất biết ơn sự quan tâm của các thủ trưởng Bệnh viện qua các thời kỳ đã luôn tạo điều kiện cho tôi cũng như tất cả chị em phụ nữ bệnh viện có những cơ hội phấn đấu trong sự nghiệp của mình.
Chị nhận định thế nào về vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện đại, khi họ ngày càng khẳng định mình trong cả lĩnh vực công việc và gia đình? Phụ nữ hiện đại cần phẩm chất gì để vừa thành công trong công việc, vừa có gia đình hạnh phúc?
– Rất khó nói bởi mỗi người có tiêu chí khác nhau, không thể áp dụng tiêu chí nào đó cho tất cả mọi người. Với cá nhân, tôi nghĩ phụ nữ hiện đại có rất nhiều may mắn. Ngày nay, phụ nữ và nam giới bình đẳng trong mọi lĩnh vực của xã hội, tuy nhiên chúng ta phải rất cố gắng hài hòa không được quên vai trò của người phụ nữ trong gia đình.
Tôi nghĩ rằng cơ hội trong công việc cho phụ nữ hay cho nam giới là tương đương. Vì thế nếu phụ nữ có đam mê, nỗ lực, quyết tâm, làm việc có kế hoạch, dựa trên năng lực của bản thân thì sẽ đạt được những điều mong muốn.
Bản thân tôi luôn làm việc có kế hoạch. Dường như mỗi chặng đường tôi đều đặt ra cho mình một mục tiêu cụ thể và nỗ lực đạt được nó. Cũng không phải là mục tiêu cao siêu mà thực lực đến đâu mình đặt ra kế hoạch đến đó. Ngoài ra cũng phải nói thêm là trong suốt quá trình đó tôi may mắn được làm trong môi trường tốt, chuyên nghiệp, chứ có nhiều phụ nữ rất giỏi, nhưng họ không may mắn có được môi trường để phát huy.
Chị có cả một sự nghiệp thành công lẫn gia đình hạnh phúc. Làm thế nào để chị cân bằng giữa các nhu cầu của gia đình với các đòi hỏi của công việc?
– Có những giai đoạn rất khó khăn nhưng tôi phải cố gắng thôi. Bởi như các bạn biết, với phụ nữ, thiên chức vẫn là làm mẹ. Tôi làm trong môi trường quân đội có tính kỷ luật cao, lại làm bác sĩ nên một tuần cũng phải trực tới 2-3 buổi. Đồng nghiệp của tôi ai cũng phải trải qua điều đó, nhưng tôi may mắn có sự ủng hộ của gia đình. Hai con gái của tôi thấy mẹ vất vả quá, đi tối ngày nên cũng tự lập, chồng tôi thông cảm, chia sẻ, giúp đỡ nên tôi mới có điều kiện để phát huy. Phụ nữ làm ngành y phải học cả đời nên tôi càng phải nỗ lực và quyết tâm hơn nữa.
Là một “nữ tướng Quân đội”, lãnh đạo của một bệnh viện, có khi nào mà chị đem vai trò lãnh đạo đó vào trong gia đình không?
– Tôi không bao giờ nghĩ như vậy!
Ngoài công việc, khi về nhà tôi luôn nghĩ mình là một người phụ nữ, phải cố gắng hoàn thành thiên chức của người vợ, người mẹ trong gia đình, luôn quan tâm đến gia đình, chồng con. Mặc dù không phải lúc nào cũng có nhiều thời gian bên con do tính chất công việc – nhưng tôi luôn đưa ra lời động viên, khích lệ và không tạo áp lực cho con để con rèn tính tự lập và chịu trách nhiệm về bản thân mình.
Trong công việc và cuộc sống cũng có những lúc gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi rèn cho mình một thứ đó là sự bình tĩnh, không nóng nảy. Điều đó khiến cho mọi hành động, suy nghĩ của tôi chậm lại. Đây cũng có thể là do tôi được làm việc trong ngành y, đã rèn luyện cho tôi một tính cách cẩn thận, điềm đạm.
Có mâu thuẫn gì trong tính cách không, bởi tôi nghĩ rằng, phụ nữ làm lãnh đạo thường phải rất quyết liệt, quyết đoán?
– Đúng là lãnh đạo cần phải quyết đoán. Nhất là trong ngành y lại càng cần sự quyết đoán bởi liên quan đến tính mạng của bệnh nhân. Gần 15 năm tôi làm ở Khoa đột quỵ, phải giải quyết rất nhiều việc, có những quyết định phải luôn và ngay. Thật ra lúc đó tôi cũng không nghĩ đó là quyết đoán đâu, chỉ nghĩ rằng mình là bác sĩ, mình phải chịu trách nhiệm, vì thế phải đưa ra các quyết định kịp thời. Và để làm được điều đó, thì không gì bằng nâng cao trình độ chuyên môn để có được quyết định đúng đắn nhất.
Cảm ơn chị về những chia sẻ!