Vụ cưới “cùng lúc 2 vợ” ở Quảng Nam: “Thiếu trách nhiệm, thiếu trung thực và không tôn trọng pháp luật”
Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao trước câu chuyện anh Nh. (trú phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) tổ chức đám cưới với chị D. (trú phường Vĩnh Điện) và chị L. (trú xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn). Trước khi diễn ra lễ cưới, cả chị D. và chị L. đều mang thai.
Để nắm rõ hơn về thực hư sự việc, PV liên hệ phỏng vấn lãnh đạo các địa phương, nơi 3 nhân vật trong câu chuyện đăng ký hộ khẩu thường trú. Trong đó, lãnh đạo phường Vĩnh Điện và phường Điện An xác nhận 2 phường này chưa từng giải quyết thủ tục đăng ký kết hôn giữa anh Nh. và chị D. Còn lãnh đạo xã Điện Hòa, nơi chị L. thường trú cho biết, chưa xác minh thông tin vụ việc.
Mạng xã hội lình xình chuyện chàng trai ở Quảng Nam cưới cùng lúc 2 vợ. Ảnh: FB
Theo bà T., (mẹ của cô dâu thứ 1), sự việc bắt đầu được phơi bày khi bà nhận được tin nhắn ảnh cưới của cô gái L. với chú rể Nh. Tâm sự với con gái D. thì D. bảo là đã biết sự việc từ trước nhưng giấu kín để giữ thể diện cho gia đình bên chồng. Sau vụ việc, D. quyết định dẫn theo con trai khăn gói rời nhà chồng để về nhà mẹ đẻ sinh sống. Nhưng gia đình bên nhà chồng cứ liên tục qua thăm cháu và không đưa ra bất kỳ một lời xin lỗi nào.
Khi bà T. hỏi vì sao đã đi hỏi cưới D. rồi mà còn đi dự tiệc cưới nhà người khác? Bố của chú rể N. đáp rằng “ai cũng cần phải có danh phận, chúng tôi không làm gì sai cả”.
Trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế) nhấn mạnh, hành động của người chồng và gia đình nhà chồng trong trường hợp này nếu đúng như vậy rõ ràng là thiếu trách nhiệm, thiếu trung thực và không tôn trọng pháp luật cũng như tình cảm của hai người phụ nữ.
Bác sĩ Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế) nhấn mạnh, hành động của người chồng và gia đình nhà chồng trong trường hợp này rõ ràng là thiếu trách nhiệm, thiếu trung thực và không tôn trọng pháp luật cũng như tình cảm của hai người phụ nữ. Ảnh: NVCC
Theo ông Phương, về đạo đức và tình cảm, việc tổ chức hai đám cưới trong thời gian ngắn mà không minh bạch với cả hai vợ cho thấy sự thiếu chân thành, thiếu tôn trọng đối với cảm xúc của họ. Điều này có thể gây tổn thương sâu sắc, đặc biệt là khi cả hai đều đang mang thai và có mối ràng buộc lớn với người chồng.
Về pháp luật, cả hai cuộc hôn nhân chưa được xác nhận là đã đăng ký kết hôn, tức là không có giá trị pháp lý. Điều này khiến cả hai người phụ nữ rơi vào tình trạng không có sự bảo vệ về mặt pháp lý, đặc biệt là quyền lợi liên quan đến tài sản, con cái sau này. Nếu có tranh chấp xảy ra, họ sẽ chịu nhiều thiệt thòi.
“Lý do của nhà chồng nói rằng làm vậy để ‘cho cả hai danh phận’ là không hợp lý, vì danh phận thực sự không chỉ đến từ một lễ cưới mà còn từ sự cam kết, trách nhiệm và pháp lý. Hơn nữa, luật pháp không cho phép một người kết hôn với hai người cùng lúc, dù có đăng ký hay không. Nhìn chung, cách hành xử của người chồng và gia đình anh ta không chỉ gây tổn thương cho hai người vợ mà còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm và không tôn trọng luật pháp. Dù có lý do gì, việc làm này cũng khó có thể chấp nhận được”, ông Phương nhấn mạnh.
Người thân, bà con xóm làng của D. cô gái chia sẻ câu chuyện cưới chung chồng với người khác, bày tỏ sự bất ngờ và cứ ngỡ chuyện chỉ có trong phim. Ảnh: FB
Ông Phương cũng thông tin, theo Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam, hành vi của người chồng trong câu chuyện này không vi phạm trực tiếp tội “vi phạm chế độ một vợ một chồng” (Điều 182 Bộ luật Hình sự) vì chưa đăng ký kết hôn hợp pháp. Tuy nhiên, vẫn có một số điểm cần lưu ý. Cụ thể, không đăng ký kết hôn đồng nghĩa với việc hôn nhân không có giá trị pháp lý, dẫn đến việc cả hai người phụ nữ không được bảo vệ về mặt quyền lợi (tài sản, con cái, nghĩa vụ cấp dưỡng…). Điều này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng nếu sau này có tranh chấp.
“Nếu người chồng lợi dụng việc không đăng ký để lừa dối tình cảm, tài sản hoặc có hành vi gian dối khác, có thể bị xem xét về hành vi lừa đảo hoặc vi phạm đạo đức xã hội. Tuy chưa vi phạm pháp luật một cách rõ ràng, nhưng hành vi này vẫn gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và đạo đức hôn nhân”, ông Phương đánh giá.
Vụ cưới “cùng lúc 2 vợ” ở Quảng Nam: Không ít người trẻ có suy nghĩ hời hợt tình yêu và hôn nhân
Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục cũng thẳng thắn nêu quan điểm, hiện nay, không ít người trẻ có suy nghĩ hời hợt về tình yêu và hôn nhân, dẫn đến những mối quan hệ thiếu trách nhiệm, dễ thay đổi và thậm chí gây tổn thương cho người khác.
“Hôn nhân không chỉ là cảm xúc nhất thời, việc quyết định cưới ai đó phải dựa trên tình cảm chân thành và sự sẵn sàng chịu trách nhiệm, chứ không phải là một sự lựa chọn bốc đồng. Những người có tư tưởng ‘đứng núi này trông núi nọ’ thường không bao giờ thấy đủ và có thể làm khổ chính mình lẫn những người liên quan”, ông Phương phân tích.
Ông Phương cũng thẳng thắn nêu quan điểm, hiện nay, không ít người trẻ có suy nghĩ hời hợt về tình yêu và hôn nhân, dẫn đến những mối quan hệ thiếu trách nhiệm, dễ thay đổi và thậm chí gây tổn thương cho người khác. Ảnh: NVCC
Bên cạnh đó, ông cho rằng, một mối quan hệ không minh bạch, không có sự cam kết rõ ràng có thể dẫn đến rủi ro lớn về pháp lý, tài sản và con cái. Đặc biệt, khi có con, những mâu thuẫn hôn nhân sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của đứa trẻ. Một người có hành vi thiếu trung thực trong tình yêu và hôn nhân sẽ rất khó nhận được sự tôn trọng từ xã hội, gia đình và thậm chí là con cái trong tương lai.
“Nhìn chung, câu chuyện này là một bài học cảnh tỉnh không chỉ về trách nhiệm trong hôn nhân mà còn về đạo đức và lòng trung thực trong các mối quan hệ”, ông Phương nêu.
Qua câu chuyện đáng buồn trên, bác sĩ Mai Xuân Phương khuyên các bạn trẻ thực hiện đúng Luật Hôn nhân và Gia đình, cũng như xây dựng một mối quan hệ bền vững, có trách nhiệm.
Theo đó, đăng ký kết hôn là điều kiện bắt buộc để hôn nhân có giá trị pháp lý. Nếu không đăng ký, cuộc hôn nhân không được pháp luật bảo vệ, dễ gây thiệt thòi cho cả hai bên, đặc biệt là phụ nữ và con cái. Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm việc có nhiều vợ/chồng cùng lúc. Người nào đã có gia đình mà vẫn kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Hôn nhân không chỉ là cảm xúc nhất thời: Khi quyết định kết hôn, cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng, tránh hành động vội vàng hoặc vì áp lực bên ngoài. Tôn trọng và chung thủy. Một mối quan hệ bền vững phải được xây dựng trên nền tảng của sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Nếu không còn tình cảm, hãy giải quyết dứt khoát, minh bạch thay vì lừa dối hay có mối quan hệ chồng chéo.
Khi có con, cha mẹ phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi hợp pháp và môi trường phát triển tốt nhất cho con. Không chạy theo hình thức mà quên đi pháp lý: Tổ chức đám cưới linh đình nhưng không đăng ký kết hôn sẽ không có ý nghĩa về mặt pháp luật. Điều này có thể gây ra tranh chấp lớn về sau.
“Hôn nhân không chỉ là chuyện của hai người mà còn liên quan đến gia đình hai bên. Một quyết định sai lầm có thể ảnh hưởng đến nhiều người. Việc không chung thủy, luôn muốn có thêm lựa chọn khác chỉ mang lại hệ quả tiêu cực, có thể phá hủy gia đình và gây tổn thương cho nhiều người. Hãy tập trung vào xây dựng một mối quan hệ bền vững thay vì tìm kiếm sự mới mẻ một cách thiếu trách nhiệm.
Câu chuyện trên là một bài học thực tế về hậu quả của việc không tuân thủ pháp luật hôn nhân và thiếu trách nhiệm trong tình yêu. Các bạn trẻ khi bước vào hôn nhân cần hiểu rõ luật, sống có trách nhiệm và trân trọng tình cảm để xây dựng một gia đình hạnh phúc, bền vững”, ông Phương đưa lời khuyên.