dan-ong-sao-phai-theo-hinh-mau-“trai-trang-ma-di-trong-rau,-nuoi-lon”?

Đàn ông sao phải theo hình mẫu “Trai tráng mà đi trồng rau, nuôi lợn”?

Vượt qua định kiến giới để giảm nghèo bền vững. Clip: Trung Hiếu.

Bình đẳng giới: Hướng đi mới trong công cuộc giảm nghèo bền vững

Nguyễn Hoàng Anh – Chàng trai 34 tuổi, sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo của tỉnh Tuyên Quang. Trong khi nhiều người chọn rời quê hương để tìm kiếm cơ hội ở Thủ đô, anh đã quyết định ở lại quê nhà và khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch.

“Hoàn cảnh gia đình khó khăn, không được học nhiều nên tôi quyết định mày mò tìm kiếm cơ hội làm nghề cha truyền con nối. Nghĩ cảnh gia đình nghèo khó mãi nên quyết tâm làm bằng được”, anh Hoàng Anh nói. 

Theo anh Hoàng Anh, khi nói về dự định làm nông nghiệp sạch, anh gặp không ít lời chê cười. Nhiều người bảo: “Đàn ông trai tráng mà đi trồng rau, nuôi gà? Chẳng có tương lai đâu!”.

Bỏ ngoài tai mọi định kiến, anh Hoàng Anh quyết tâm khởi nghiệp. Với vốn vay ít ỏi, anh cải tạo mảnh vườn của gia đình, tìm hiểu kỹ thuật trồng rau sạch. Nhờ sự hỗ trợ từ các chương trình phát triển nông thôn cho vùng nông thôn còn khó khăn, anh học cách sử dụng công nghệ để tối ưu hóa sản xuất như hệ thống tưới tự động, nhà kính.

Vượt qua định kiến giới để giảm nghèo bền vững - Ảnh 1.

Vượt qua định kiến giới, anh Hoàng Anh quyết định khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch tại quê nhà. Ảnh: T.H

“Tôi mạnh dạn đầu tư gần chục triệu đồng để trồng cây ăn quả và vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo chương trình ưu đãi cho hộ nghèo để đầu tư xây dựng một chuồng chăn nuôi lợn với diện tích 65 mét vuông. Một thời gian sau, tôi chuyển sang trồng rau.

Để lấy ngắn nuôi dài, tôi còn đầu tư trồng thêm các loại cây ngắn ngày như: dưa leo Nhật, dưa leo Baby, dưa Kim Thái, dưa lê Thúy Kiều, dưa bở, đỗ, rau sạch theo mùa. Tổng thu nhập từ nông nghiệp của tôi đến nay trung bình ở mức 40 – 50 triệu đồng/năm”, anh Hoàng Anh nói thêm.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, chị Cao Trang Nhung – Bí thư Đoàn phường Nông Tiến (Tuyên Quang) chia sẻ, mô hình kinh tế trồng rau, dưa nhà lưới và chăn nuôi lợn sinh sản của anh Hoàng Anh tại phường Nông Tiến là một mô hình điển hình trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo tại địa phương.

“Anh Hoàng Anh cũng tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn bà con địa phương cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế và giảm nghèo. Mô hình này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình anh mà còn tạo động lực phát triển kinh tế cho toàn cộng đồng, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống”, chị Nhung cho biết thêm.

Câu chuyện của anh Hoàng Anh không chỉ là hành trình vượt qua định kiến giới để giảm nghèo, mà còn cho thấy thông điệp phá bỏ rào cản giới trong lao động. Khi nam giới và nữ giới đều có quyền tự do chọn lựa nghề nghiệp dựa trên đam mê và khả năng, xã hội sẽ tiến tới bình đẳng thực sự. Và từ đó, việc giảm nghèo bền vững không còn là giấc mơ xa vời.

Một số liệu thống kê của Đảng bộ phường Nông Tiến (Tuyên Quang) chỉ ra rằng, địa bàn này có diện tích tự nhiên là 12,7 km2, tổng dân số là 2.192 hộ/8.054 khẩu, phường có 11 tổ dân phố với 322 hộ, 895 khẩu dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 14,9% dân số trên địa bàn phường. Năm 2023 trên địa bàn phường còn 30 hộ nghèo, 108 khẩu (trong đó có 14 hộ nghèo với 67 khẩu là dân tộc thiểu số chiếm 46,67%).

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, bình đẳng giới có mối quan hệ mật thiết với nạn đói nghèo và không chỉ riêng vấn đề đói nghèo của phụ nữ. Bất bình đẳng vừa là nguyên nhân của tình trạng đói nghèo, vừa là rào cản đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Ông Lê Thiệu Tân – Cán bộ Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang cho hay, trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2 – 2,5%/năm. Để đạt được mục tiêu này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ giảm nghèo, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới.

Xóa bỏ định kiến giới với nam giới: “Chìa khóa” giúp giảm nghèo bền vững

Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 được phê duyệt, thực hiện trên nguyên tắc lồng ghép bình đẳng giới. Nhiều chuyên gia giảm nghèo nhận định, định kiến giới không chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ mà còn tạo áp lực đáng kể đối với nam giới, đặc biệt trong việc lựa chọn nghề nghiệp và vai trò trong gia đình.

Quan niệm truyền thống như “đàn ông phải làm việc lớn” hoặc “phải đi xa mới có sự nghiệp” khiến nhiều nam giới e ngại tham gia vào các công việc gắn với cộng đồng hoặc gia đình, dù những công việc này có thể phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của họ.

Vượt qua định kiến giới để giảm nghèo bền vững - Ảnh 2.

Nhiều nam giới e ngại tham gia vào các công việc gắn với cộng đồng hoặc gia đình. Ảnh minh họa: T.H

Một số nghiên cứu và thực tiễn đã chứng minh, giữa phụ nữ và nam giới chỉ có sự khác biệt về mặt sinh học chứ không có sự khác biệt về mặt xã hội. Để điều chỉnh, giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ định kiến giới là một quá trình khó khăn đòi hỏi phải tiến hành liên tục, đồng bộ, kiên trì và sáng tạo.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội từng nhấn mạnh: “Mẫu người nam giới thành công là mạnh mẽ, có công việc thành đạt, quản lý, lãnh đạo gia đình, còn người phụ nữ phải là hậu phương vững chắc, chăm lo cho gia đình. Tuy nhiên giới trẻ ngày nay đã có nhiều thay đổi, họ tiếp nhận thông tin mới, vậy người đàn ông tại sao phải theo hình mẫu truyền thống?

Chúng ta cần thúc đẩy mẫu hình nam tích cực, tôn vinh đóng góp của nam giới, thúc đẩy tinh thần nam giới tiến tới quan hệ nam giới bình đẳng chung”, ông Hiếu chia sẻ thêm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *