Ngày 27/11 vừa qua, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dành nhiều thời gian nói về 2 vấn đề rất quan trọng là ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông. Trong đó, nhiệm vụ trước mắt là xử lý ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là sông Tô Lịch.
Sau chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã “chốt” ngày hồi sinh sông Tô Lịch. “Đến ngày 2/9/2025 phải hoàn thành hệ thống bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch”, ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Trước đó, Báo điện tử Dân Việt cũng đã thực hiện loạt 4 bài đề cập đến vấn đề ô nhiễm trầm trọng của sông Tô Lịch hiện nay, đồng thời, đi sâu tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm dai dẳng, tìm kiếm lời giải cho bài toán nan giải đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ qua, với tiếng nói của chuyên gia, đại diện các cấp, ngành… (Xem toàn bộ loạt bài tại đây).
Liên quan đến vấn đề này, ngày 25/12, GS.TS Nguyễn Lân Hùng đã có bức thư gửi riêng cho Báo điện tử Dân Việt với tựa đề “Hãy khẩn trưởng làm sạch sông Tô Lịch”, chúng tôi xin đăng tải lại toàn bộ bức thư của ông.
“Cách đây đúng 6 năm, trên Báo điện tử Dân Việt, chúng tôi đã có bài đề xuất việc đưa nước sông Hồng vào Hồ Tây, rồi cho nước Hồ Tây chảy vào sông Tô Lịch. Đấy là cách để làm sạch nước Hồ Tây và giúp cho sông Tô Lịch thành dòng chảy…
Trong bài báo đó, tôi còn đề xuất việc kêu gọi các nhà hảo tâm, các công ty lớn đóng góp kinh phí để thực hiện chương trình này. Rất tiếc, ý kiến của chúng tôi không được quan tâm. Nước Hồ Tây càng ngày càng bẩn, cá chết la liệt. Còn sông Tô Lịch thì tù đọng, hôi thối và nguồn nước đen sì. Đến thời ông Nguyễn Đức Chung làm Chủ tịch TP.Hà Nội, họ có ký kết để mua hóa chất làm sạch dòng nước sông Tô Lịch nhưng họ lại vướng vào tham nhũng lằng nhằng. Thế rồi, đâu vẫn nguyên đấy. Sông Tô Lịch vẫn như một cống nước tù, bẩn thỉu, hôi thối cho tới tận hôm nay. Rất mừng, vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm khi làm việc với Hà Nội có nhắc tới việc làm sạch sông Tô Lịch. Xin coi đó là một lời phê bình.
Hà Nội dứt khoát phải tìm mọi cách để biến sông Tô Lịch thành một dòng sông cuộn chảy với làn nước trong xanh. Biến nó thành niềm tự hào của thủ đô, thành một cảnh quan hấp dẫn với du khách…
Để làm được việc này, phương án đưa nước sông Hồng vào Hồ Tây, rồi dồn nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch có lẽ là cách làm hợp lý nhất. Xin để các chuyên gia về thủy lợi cho ý kiến.
Ở các đầu sông ra khỏi thủ đô, chúng ta phải làm sạch nguồn nước bằng các biện pháp sinh học, hóa học và thậm chí cả vật lý học. Vấn đề này nên trở thành đề tài để các nhà khoa học nghiên cứu và đưa ra những giải pháp hữu hiệu.
Khi sang Nga, sang Pháp và tới nhiều nước ở Châu Âu, chúng ta thấy những dòng sông chảy giữa thủ đô của họ nhưng nước luôn trong xanh, đầy hấp dẫn. Có lẽ họ có nhiều biện pháp nhưng ý thức của người dân luôn được đề cao. Tôi đi tàu thủy dọc sông Seine giữa thủ đô Paris nhưng không thấy rác nổi lềnh bềnh như nhiều nơi ở ta. Dòng sông trong xanh và nước chảy hiền hòa. Hai bên bờ, người ta ngồi trên những chiếc ghế đá, vui vẻ trò chuyện hít thở không khí trong lành và say sưa ngắm nhìn dòng sông…
Không biết tới bao giờ, Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM sẽ có được những dòng sông sạch sẽ như bên bạn!?
Chắc chắn đợt này, Hà Nội sẽ quyết tâm đưa ra nhiều giải pháp. Khi chúng ta cho nước sông Hồng vào Hồ Tây và đưa được nước Hồ Tây chuyển vào sông Tô Lịch thì bước đầu Tô Lịch không còn là một rãnh nước tù đọng nữa. Nó sẽ thành một dòng sông. Dòng sông ấy sẽ cuốn đi mọi rác rưởi và những cặn bã lâu nay vẫn lấp đầy dưới đáy sông. Trách nhiệm của người Hà Nội lúc này là cùng chung sức giữ gìn cho dòng sông Tô Lịch thành một dòng nước trong xanh. Việc này rất khó nhưng lại rất quyết định. Trách nhiệm của chính quyền và của từng người dân thủ đô đều rất quan trọng. Phải chấm dứt hoàn toàn việc xả rác xuống sông Tô Lịch. Cần có những chế tài khắt khe để giữ cho dòng sông không phải là nơi tùy tiện vứt rác bừa bãi. Có lẽ phải có những hình phạt nghiêm khắc để giữ cho dòng sông trong xanh. Luật lệ là rất quan trọng nhưng ý thức của bà con lại là điều cần thiết nhất.
Nếu chính quyền, các đoàn thể và nhân dân hai bên bờ dòng sông Tô Lịch cùng quyết tâm thì… một huyền thoại mới chắc sẽ ra đời!”.
Nguyễn Lân Hùng