Nói về Napoleon I – Phần 16: Viễn chinh Ai Cập (1798) – Syria, cát, máu và bệnh tật
Tên các địa danh sẽ được in đậm để phân biệt với tên người.
Tên người Pháp trừ Napoleon sẽ in nghiêng để phân biệt với những người thuộc các thế lực khác.
Quân Ottoman tiến công: Trong khi Napoleon đang loay hoay quản lí Ai Cập, thì ở Constantinople (ngày nay là thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ), người Ottoman đã nghe được tin tức về chuyện hạm đội Pháp ôm hận tại Aboukir và tin rằng đây chính là điềm báo cho hồi kết của Napoleon cùng cuộc viễn chinh của ông khi đạo quân đã mắc kẹt tại Ai Cập. Sultan Selim III quyết định tấn công người Pháp, và đã cho hai đạo quân tiến về Ai Cập. Đạo quân đầu tiên, dưới sự chỉ huy của Jezzar Pasha, xuất phát với 12,000 quân; nhưng sau đó được tiếp viện với quân từ Damascus, Aleppo, Iraq (10,000 người) và Jerusalem(8,000 người). Đạo quân thứ hai, dưới sự chỉ huy của Mustafa Pasha, xuất phát từ Rhodes với khoảng 8,000 quân. Ông này cũng biết rằng mình sẽ có viện quân từ Albania, Constantinople, Tiểu Á và Hy Lạp với tổng cộng khoảng 42,000 quân. Người Ottoman dự tính sẽ tổ chức hai mũi tấn công Cairo: từ Syria, xuyên qua sa mạc El Salheya-Bilbeis-El Khankah, và từ Rhodesđổ bộ tại khu vực Aboukir hoặc tại thành phố cảng Damietta.
Phản ứng của người Pháp: Tháng 01/1799, trong chuyến đi thăm kênh đào, người Pháp đã phát hiện ra các hành động thù địch của người Ottoman cũng như Jezzar đã chiếm lấy pháo đài sa mạc El-Arish chỉ các biên giới Ai Cập – Syria có16 km. Chắc chắn rằng chiến tranh với Ottoman sắp diễn ra và bản thân không đủ khả năng để phòng thủ trước đạo quân đông đảo của họ, Napoleon quyết định cách phòng ngự tốt nhất chính là tấn công họ tại Syria trước. Nếu thắng lợi, ông sẽ có nhiều thời gian để chuẩn bị cho việc chống lại đạo quân đến từ đảo Rhodes.
Napoleon triệu tập 13,000 binh sĩ được chia thành các sư đoàn dưới quyền chỉ huy của tướng Reynier (2,160 người), Kléber (2,336 người), Bon (2,449 người), Lannes (2,938 người), một sư đoàn kỵ binh do tướng Murat chỉ huy (900 người), một lữ đoàn bộ binh và kỵ binh do tướng Bessières chỉ huy (400 người), một đại đội lạc đà (89 người), pháo binh do tướng Dommartin chỉ huy (1,387 người), và công binh do Caffarelli chỉ huy (3,404 người). Mỗi sư đoàn bộ binh và kỵ binh có 6 khẩu pháo. Napoleon đem theo 16 khẩu pháo công thành và đặt trên tàu tại Damiettadưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Standelet. Ông cũng lệnh cho phó đô đốc Perrée đến Jaffa với những khẩu pháo công thành. Tổng cộng chiến dịch có 80 khẩu pháo.
Regnier và hậu quân nhanh chóng đến trước Arish, chiếm giữ rồi phá hủy một phần quân đồn trú, khiến lực lượng còn lại phải trú nạn trong lâu đài. Đồng thời ông khiến kỵ binh Mamluk của Ibrahim phải tháo chạy và chiếm luôn doanh trại của họ. Quân Pháp của Napoleon rời Ai Cập ngày 05/02/1799 và 7 ngày sau khi rời khỏi Cairo, Napoleon cũng đến Arish và bắt đầu nã pháo vào một tháp canh của lâu đài. Quân đồn trú đầu hàng 2 ngày sau đó và một phần quân đồn trú đã tham gia vào quân Pháp.
Tại Jaffa: Sau khi hành quân 100 km xuyên sa mạc, đạo quân đã đến được Gaza, sau đó nghỉ ngơi hai ngày và tiếp tục tiến về Jaffa. Thành phố này được bao quanh bởi những bức tường cao và các tòa tháp canh. Jezzar đã giao việc phòng thủ thành phố cho một đội quân tinh nhuệ, các khẩu pháo được 1,200 pháo thủ Ottoman phụ trách. Thành phố nằm trên một trong những con đường đi vào Syria, và bến cảng có thể để cho hạm đội sử dụng, một phần lớn thành bại của cuộc viễn chinh phụ thuộc vào thành phố này nằm trong tay ai. Điều này có nghĩ Napoleon phải chiếm được thành phố trước khi hành quân xa hơn, và thế là ông đã bắt đầu công thành từ 03-07/03.
Tất cả các công sự vòng ngoài đều nằm trong tầm bắn của quân công thành và họ có thể đục một lỗ hổng trong hệ thống phòng ngự này bất kỳ lúc nào. Khi Napoleon cho một người Thổ Nhĩ Kỳ vào thành phố để yêu cầu chỉ huy quân phòng giữ đầu hàng. Đáng tiếc chỉ huy quân phòng giữ đã chặt đầu sứ giả trái ngược với quy định không giết sứ. Viên chỉ huy này đã chỉ huy một cuộc phá vây nhưng bị đánh bật ngược trở lại và đạn pháo của quân Pháp đã phá hủy một tòa tháp canh vào tối đó. Mặc dù quân phòng thủ chiến đấu rất dũng cảm, Jaffa vẫn thất thủ. Hai ngày hai đêm tàn sát đã đủ để làm dịu cơn thịnh nộ của lính Pháp – 4,500 tù bị đã bị bắn hoặc bị chém đầu bởi một đao phủ bị bắt tại Ai Cập. Cuộc tàn sát đầy thù hận này đã có người giải thích là do Napoleon không đủ sức giữ số lớn tù nhân như vậy và cũng không thể thả họ để họ chạy về đầu quân cho Jezzar.
Trước khi rời khỏi Jaffa, Napoleon đã thành lập một hội đồng thành phố ‘divan’ cùng với một bệnh viện lớn trên khu vực tu viện Carmelite trên ngọn núi Carmel để chữa trị cho những người lính đang bị dịch hạch. Bệnh dịch đã bắt đầu xuất hiện khi người Pháp bắt đầu tấn công thành phố. Một báo cáo từ tướng Bonvà Rampon về bệnh dịch hạch đã khiến Napoleon rất lo lắng. Để trấn an quân đội, người ta kể lại rằng, Napoleon đã đến chỗ những người lính mắc bệnh nằm, nói chuyện với họ, trấn an đồng thời chạm vào người họ, ông nói “Thấy chưa? Có bị gì đâu”. Sau đó ông rời khỏi bệnh viện và nói với những tướng lĩnh đang nghĩ rằng ông đã hành động không khôn ngoan: “Đó là nghĩa vụ của ta, ta là tổng tư lệnh”. Về sau, một số sử gia nói Napoleon đã tránh chạm vào thậm chí đã không gặp những người lính bị dịch hạch để tránh bị lây bệnh.
Quan điểm của các bạn thế nào? Comment bên dưới thử nhé. Riêng phần mình, mình nghĩ không phải tự dưng mà Napoleon lại được quân đội yêu quý đến thế, dù là một vị thường thắng tướng quân đi chăng nữa. Ceasar lúc cầm quân, ông đã ngủ cùng quân lính của mình dưới đất, và kết quả ông nhận được là quân đoàn của ông chỉ trung thành với ông và người thừa kế của ông, Augustus, thậm chí họ đã cùng ông hành quân về Rome, bước lên con đường phản lại Nghị viện La Mã, cơ quan quyền lực tối cao trong nền Cộng hòa La Mã khi đó. Tất nhiên đối lặp, có người cho rằng bức tranh vẽ cảnh Napoleon thăm binh sĩ và câu chuyện này là tuyên truyền, nhất là khi bức tranh vẽ năm 1804, năm Napoleon lên ngôi hoàng đế nước Pháp.
Trận chiến tại ngọn Tabor 16/04/1799: 4,000 quân Pháp (tính luôn 2,500 quân do Napoleon dẫn đầu đến khi gần cuối cuộc chiến) do tướng Jean Baptiste Kléber và Napoleon chỉ huy, đối đầu với 35,000 quân Ottoman do tướng Abdullah Pasha al-Azm chỉ huy. Bối cảnh trận này là Napoleon đang vây thành Acre, nên chính quyền Ottoman tại thành Damascus gần đó cho quân đến giải cứu, để đáp lại, Napoleon cho Kléber đem quân đánh chặn.
Từ Jaffa quân Pháp tiến về thành phố ven biển Acre.Trên đường hành quân, họ công chiếm Haifa, chiếm được đạn dược và quân nhu đang được dự trữ tại đây, họ cũng chiếm lâu đài Jaffe, lâu đài Nazareth và thậm chí cả thị trấn Tyre xa hơn phía bờ biển. Trận vây hãm thành Acre bắt đầu vào ngày 18/03 nhưng người Pháp đã không thể chiếm được thành trì này, khiến cho chiến dịch Syria của Napoleon buộc phải ngừng lại. Thành phố có lực lượng phòng thủ là một đơn vị bộ binh tinh nhuệ mới thành lập của người Ottoman (Nizam-ı Cedid) dưới sự chỉ huy của tướng Jezzar Pasha. Đồng thời thành phố nằm ngay trên bờ biển nên có thể liên tục nhận được tiếp tế từ hạm đội của Anh và Ottoman.
Sau 60 ngày không ngừng tiến công nhưng không hiệu quả, rốt cuộc thành phố vẫn không rơi vào tay người Pháp. Hơn nữa, thành phố vẫn còn viện binh sẽ đến bằng đường biển cùng một lực lượng viện quân tương tự đang tập trung tại phía châu Á theo lệnh vua. Để tìm đường ra, tướng Jezzar đã lệnh cho một tướng dưới quyền tiến hành phá vây với sự yểm trợ của pháo binh từ thành phố và hạm đội cảu Anh. Tuy nhiên, với khả năng quân sự của mình, Napoleon đẩy lùi quân của Jezzar ngược trở lại thành phố và sau đó hành quân đến cứu Kléber, người hiện tại đang phải chống cự quân Ottomans với chỉ 4,000 quân.
Từ 6 giờ sáng ngày 16/04 đến tận 4 giờ chiều, quân Pháp đã đứng vững trước những đợt tấn công của người Ottoman. Quân Pháp có một số thương vong nhưng vẫn dễ dàng thủ vững đội hình ô vuông của mình. Tuy nhiên theo thời gian trôi qua, đạn dược của họ dần dần cạn kiệt và binh sĩ phải chịu những cơn đói và khát do chiến đấu liên tục trong thời gian dài. Người Ottoman chịu thương vong lớn, nhưng họ có thể dễ dàng thay thế người bị thương bằng lực lượng tiếp viện. Vốn được tiếp tế đầy đủ, người Ottoman hoàn toàn đủ khả năng tiếp tục chiến đấu cả ngày dài.
Ngay lúc thất bại đã gần kề, tướng Kléber đã chuẩn bị cho một cuộc phá vây để rút về dòng Jordan, một số binh sĩ nói họ đã nhìn thấy một đạo quân đang hướng đến từ phía bắc. Kléber cố gắng xác nhận báo cáo của họ, ông cảm thấy đó có thể là quân của Napoleon nhưng không thể xác nhận được. Tuy nhiên, chỉ lát sau, Kléber đã nhìn thấy quân cứu viện: ngay lúc Kléber lần đầu tiên nhìn thấy họ, quân cứu viện, dưới sự chỉ huy của chính Napoleon Bonaparte, đã hành quân thẳng vào một chỗ đất trũng. Mặc dù quân cứu viện đã đến, nhưng người Ottoman vẫn còn rất nhiều thời gian hơn cả Napoleon và Kléber.
Napoleon phát hiện quân của ông lúc này đã nằm giữa quân Ottoman và doanh trại của họ. Ông quyết định đánh lạc hướng người Ottoman bằng cách cho 300 lính cướp bóc và đốt phá doanh trại. Hành động lần này có kết quả vượt qua cả mong muốn của Napoleon: khi thấy doanh trại bị đốt, người Ottoman nghĩ rằng họ đã bị bao vây. Ngay lập tức, quân Ottoman bắt đầu rút lui về phía nam và vượt sông Jordan. Kléber lệnh cho quân của mình đuổi theo và họ được hỗ trợ bởi quân của Napoleon – những người vừa mới đến và vẫn còn rất khỏe mạnh – đợt tấn công lần này đã biến cuộc rút lui của người Ottoman thành một cuộc tàn sát.
Tổng cộng, Kléber có 2 người chết và 17 người bị thương. Tuy nhiên chỉ cần Napoleon đến trễ khoảng 1 giờ nữa, đạo quân kiệt sức này chắc chắn sẽ chịu thương vong lớn hơn nhiều. Trong khi đó, người Ottoman chịu thương vong ước tính lên đến 6,000 người, cộng thêm 500 người bị bắt. Chiến thắng này đảm bảo không có bất kỳ mối đe dọa này cho quân Pháp đang vây thành Acre, mà còn khiến những quân sĩ sống sót của Ottoman không tập hợp lại được cho đến khi Napoleon quyết định dừng cuộc vây thành lại.
Trong khi trận đánh tại ngọn Tabor là chiến thắng vang dội, thì trận vây thành Acre (20/03-21/05/1799) lại là thất bại mang tính quyết định của quân Pháp tại Syria. Liên quân Anh-Ottoman, dựa vào vị trí địa lý thuận lợi của thành phố khi nó nằm ngay trên bờ biển, đã không ngừng dùng hạm đội tiếp tế cho thành phố, khiến cuộc vây hãm của Napoleon phá sản, và ông phải từ bỏ kế hoạch dùng Syria làm bàn đạp trở về châu Âu.
Trận vây thành Acre khiến 4,500 trong tổng số 9,000 quân Pháp thương vong, trong khi phía liên quân Anh-Ottoman là 2,300 trên tổng số 30,000 quân. Nói về thất bại cay đắng trong cuộc vây hãm lần này, năm 1805 Napoleon đã nói: “Nếu ta chiếm được Acre, ta sẽ đội một mũ khăn, ta sẽ cho quân lính mặc áo choàng của Ottoman, ta sẽ chỉ cho họ ra chiến trường khi thực sự cần thiết. Ta sẽ tổ chức họ thành đạo quân Bất tử của ta (The Immortals – đơn vị quân tinh nhuệ nhất của đế chế Ba Tư, bạn nào coi phim ‘300’ rồi thì chắc nhớ mấy ku lính mang mặc nạ màu bạc). Ta sẽ chiến thắng cuộc chiến với người Ottoman với quân lính người Arab, người Hy Lạp, người Armenian. Thay vì trận chiến tại Moravia, ta sẽ thắng trận Issus (trận quyết định giữa quân Macedon dưới trướng Alexander Đại đế và quân Ba tư, sau khi thắng trận này Alexander đã chiếm quyền kiểm soát vùng đông nam tiểu Á). Ta đã có thể phong mình là hoàng đế của phương Đông và ta đã có thể trở về Paris bằng đường quaConstantinople”. Nói thiệt, đọc đoạn này xong mình thấy cái sự ‘cuồng’ không sợ trời không sợ đất của anh Na.
Tuy nhiên đến đây cơn ác mộng của quân viễn chinh Pháp tại Trung Đông vẫn chưa kết thúc, nếu như Alexander Đại đế khi rút quân về từ Ấn Độ thì họ trở về trong tư thái của người thắng. Còn Napoleon và quân đội của ông, đang trong một tình thế rất nguy hiểm, khi vừa thất bại trong việc chiếm thành Acre, vừa hứng chịu bệnh dịch hoành hành trong quân ngũ. Napoleon giờ đây, với quân đội đang mệt mỏi của mình, chắc cũng chẳng thể ngờ rằng, chỉ mười mấy năm sau, ông khi đang trên tột đỉnh vinh quang và quyền lực, cũng sẽ phải rút lui một lần nữa cùng với quân đội của mình, nhưng lần đó, cách nơi cát, nắng và gió này rất xa, với tuyết, gió và cơn lạnh thấu xương.
https://www.youtube.com/watch?v=X36EXVwholY&t=626s
Đây là series phim truyền hình về Napoleon năm 2002, đây là một đoạn về chiến dịch Ai Cập, có cảnh Napoleon đến thăm binh sĩ bị bệnh.
Hết phần 16.
#Napoleon #Napoleonphan16