Căn bệnh khiến cô gái lúc hưng phấn lại quan hệ tình dục dễ dãi, khi buồn lại muốn tự tử
Bác sĩ Ngô Tuấn Khiêm, Phòng Rối loạn cảm xúc, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mới đây, bác sĩ đã tiếp nhận bệnh nhân N.T.A (19 tuổi) bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực khiến cô có hành vi bất thường, quan hệ tình dục bừa bãi với nhiều người.
3 tuần trước khi vào viện, A xuất hiện triệu chứng như cách đây 2 năm khi vui vẻ quá mức, thấy nhiều năng lượng, làm việc không biết mệt mỏi… Dù mất ngủ nhưng A vẫn thấy mình khỏe, có thể làm việc được.
Đặc biệt, A tăng nhu cầu, ham muốn tình dục, thậm chí quan hệ tình dục bừa bãi với nhiều người, chỉ cần thấy đối tác đẹp trai và nói chuyện hợp là quan hệ.
Khai thác tiền sử, mẹ bệnh nhân cho biết, A là con gái đầu, khi sinh và quá trình phát triển bình thường, gia đình vui vẻ, không mâu thuẫn, kinh tế ở mức trung bình. A học hết lớp 12 rồi nghỉ học, đi bán quần áo thuê và được bạn bè, hàng xóm đánh giá là ngoan ngoãn, hiền lành, ít bạn bè, học lực khá.
2 năm trước, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng vui vẻ quá mức, bệnh nhân thấy mình rất nhiều năng lượng, làm mọi việc không biết mệt mỏi. Bệnh nhân hay cười nói, bắt chuyện với mọi người, nói hết chuyện này sang chuyện khác. Tự nhiên lại thích đi giúp đỡ mọi người như đi quét rác trong trường, đi giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn mà trước đây không bao giờ làm.
Bệnh nhân ngủ ít nhưng vẫn thấy mình rất khỏe, có thể làm mọi việc tốt. Bệnh nhân tăng mua sắm đồ đạc như quần áo, giày dép vượt quá khả năng chi tiêu (tiền bố mẹ cho). Các triệu chứng trên kéo dài 3 tháng rồi giảm dần, bệnh nhân không đi khám và điều trị ở đâu.
1 năm trước, bệnh nhân xuất hiện buồn bã, chán nản, bi quan, không còn thiết tha làm việc gì nữa. Bệnh nhân không tập trung làm được việc gì, kém ăn, ăn ít, sụt 2 cân trong 2 tuần.
Cô gái ngủ ít, lúc đầu nằm khó vào giấc ngủ, sau đó chỉ ngủ được 2-3 tiếng/đêm, gần đây có nhiều đêm thức trắng. Bệnh nhân có nhiều lúc thấy bi quan, tuyệt vọng, sau đó có nhiều lần nghĩ đến cái chết, bệnh nhân thường nghĩ đến tự tử vào buổi tối, khi nằm 1 mình, không ngủ được và thấy tương lai ảm đạm.
Các triệu trên xuât hiện trong 2 tháng rồi tự đỡ, bệnh nhân không đi khám và điều trị ở đâu, bố mẹ cũng chỉ nghĩ là con thay đổi tình tình tuổi mới lớn.
Trước khi nhập viện 3 tuần, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng vui vẻ quá mức, bệnh nhân thấy mình rất nhiều năng lượng, làm mọi việc không biết mệt mỏi. Bệnh nhân hay cười nói, bắt chuyện với mọi người, nói hết chuyện này sang chuyện khác.
Cô gái trước kia không bao giờ đi làm từ thiện, nay hay cho tiền mọi người, hay thích giúp đỡ người khác, thậm chí còn lên chùa cầu nguyện cho những người khó khăn.
Cô gái giảm nhu cầu ngủ, nhưng vẫn thấy mình rất khỏe, có thể làm mọi việc. Bệnh nhân có nhiều ý tưởng, kinh doanh, buôn bán. Bệnh nhân còn định mở mấy cửa hang bán quần áo, định mở mấy công ty buôn bán xuyên quốc gia.
Mọi người khuyên bảo rằng cô gái chưa có kinh nghiệm quản lí, tiền bạc không đủ nhưng cô gái không nghe.
Bệnh nhân còn rất dễ dãi trong quan hệ tình dục
Ngay cả đối với trai lạ chỉ cần “vừa mắt” là theo và nhanh chóng có quan hệ tình dục. Các triệu chứng ngày càng tăng nặng, làm ảnh hưởng đến cuộc sống nên gia đình đưa A vào Viện Sức khỏe Tâm thần thăm khám.
Bác sĩ Khiêm cho biết, qua thăm khám và khai thác tiền sử, gia đình A không có ai bị tâm thần, động kinh. Sức khỏe thể chất A bình thường, không có bệnh lý nền. Khám tâm thần cho thấy, bệnh nhân nói nhiều, cho rằng mình có khả năng tài giỏi, siêu phàm.
Chấn đoán cho thấy, cô gái trẻ có những triệu chứng sau: Hội chứng hưng cảm; Hoang tưởng tự cao; Có 1 giai đoạn trầm cảm và 1 giai đoạn hưng cảm trước khi vào viện. Đây là các triệu chứng của bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực hiện giai đoạn hưng cảm có triệu chứng loạn thần.
Từ chẩn đoán trên, bệnh nhân đã được cho điều trị nội trú 15 ngày, kết hợp điều trị dùng thuốc và trị liệu tâm lý. Hiện các triệu chứng thuyên giảm như đỡ hưng phấn, cảm xúc phù hợp hơn, hết hoang tưởng, ăn ngủ được, hợp tác điều trị.
Cần nhận biết các triệu chứng “vui quá mức”
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ái Vân (Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương) cho biết, rối loạn cảm xúc lưỡng cực khiến 1 người sẽ rơi vào 2 trạng thái: Vui quá mức (hưng cảm) và buồn quá sức (trầm cảm).
Ở giai đoạn hưng cảm nhẹ, người bệnh sẽ có các biểu hiện như: Tăng hoạt động hoặc đứng ngồi không yên; Nói nhiều; Phân tán tư tưởng hoặc khó tập trung; Giảm nhu cầu ngủ; Tăng hoạt động tình dục hoặc phô trương tình dục; Tiêu pha nhiều, hoặc có hành vi liều lĩnh, vô trách nhiệm; Tăng giao tiếp xã hội hoặc quá suồng sã…
Ở giai đoạn trầm cảm, bệnh nhân có thể có những suy nghĩ bi quan, chán đời, nảy sinh ý tưởng tự tử hoặc tự tử…
“Nếu một người có các biểu hiện hưng cảm trên 4 ngày thì có thể mắc rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Do đó, mọi người cần nâng cao nhận thức về bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực để đưa người bệnh đi khám và điều trị sớm, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc”, bác sĩ Vân chia sẻ.
Theo bác sĩ Vân, trong 10 năm đầu khi đã được chẩn đoán: người bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực sẽ trải qua trung bình 4 giai đoạn rối loạn khí sắc nặng. Hầu hết bệnh nhân, sau 1 thời gian dài, ghi nhận ít giai đoạn hưng cảm hơn so với trầm cảm. Các giai đoạn hưng cảm có khuynh hướng khởi đầu đột ngột và kéo dài khoảng 2 tuần đến 5 tháng.
Nếu không được điều trị, một bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực phải trải qua hơn 10 giai đoạn trong suốt đời.