Sáng 15/10, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị thông tin báo chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm quý IV năm 2024.
Chi trả lương hưu không dùng tiền mặt: Không ép buộc, không áp dụng máy móc
Trước thông tin các đối tượng người già gặp khó khăn khi tỉnh Bắc Giang thực hiện chi trả lương hưu không dùng tiền mặt, ông Mai Sơn – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang lưu ý việc thực hiện chi trả này không được áp dụng máy móc hay ép buộc. “Những đối tượng nào không có khả năng thì đừng có ép và cũng đừng cố gắng để tìm một người nào đó để chi trả qua tài khoản ủy quyền” – ông Sơn nhấn mạnh.
Liên quan đến về vấn đề này, ông Trần Văn Hà – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh Bắc Giang cho biết, từ tháng 4/2023, Sở tham mưu cho UBND tỉnh triển khai việc thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng mà ngành đang quản lý, cụ thể là đối tượng người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội.
“Triển khai từ năm 2023, chủ trương của Sở là chúng tôi thực hiện theo lộ trình và quan điểm là không ép đối tượng, đối tượng đồng thuận thì mới thực hiện và trước khi thực hiện có bước các huyện, các địa phương phát phiếu thăm dò cụ thể các đối tượng lựa chọn hình thức. Với các đối tượng Sở Lao động, Thương binh và xã hội chi trả, nhìn chung cũng không gặp nhiều phản ứng” – ông Hà nói.
Theo ông Hà, gần đây bên ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang đang triển khai chi trả lương lưu không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng. “Qua nắm tình hình, Sở thấy một số nơi chưa thể hiện rõ nội dung việc nó phải thực hiện theo lộ trình, nhiều nơi cũng có sự ép buộc cho nên dẫn đến phản ứng và một số người thực sự không thể tiếp nhận hình thức nhận lương qua tài khoản được” – ông Hà nói
Ông Nguyễn Quang Quyền – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang lý giải, chỉ tiêu chuyển đổi số của đơn vị hiện chưa cao, đang có những nỗ lực để cải thiện. Hiện toàn tỉnh có 55.0000 đối tượng hưu trí. Khi ngành áp dụng chính sách không dùng tiền mặt trong chi trả lương hưu, ban đầu gặp ý kiến từ người dân.
“Đây là tự nguyện không ép buộc, nên khi chúng tôi nắm được thông tin đã xuống tận cơ sở để vận động, tuyên truyền. Sau đó, về cơ bản các cụ đã đồng thuận. Nếu các cụ không có điện thoại thông minh, không có tài khoản ngân hàng thì có thể uỷ nhiệm chi cho con cháu, người thân. Sau đó, người được uỷ nhiệm sẽ đi rút tiền mặt đưa lại cho các cụ”, ông Quyền đưa giải pháp.
Không đồng tình với cách làm này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn nêu quan điểm chuyển đổi số là phải vì người dân. “Những gì thuận lợi cho người dân thì chúng ta phải quyết tâm làm tới nơi tới chốn, những gì bất tiện cho người dân thì cần tránh” – ông Sơn nói và cho biết với trường hợp người già, người không có điện thoại thông minh, người dân ở vùng sâu xa không được áp dụng máy móc, không ép buộc và không bằng mọi cách để chi trả qua tài khoản ủy quyền.
Đứng đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế
Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành và địa phương đã trả lời nhiều nội dung như: công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Yagi), chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo; công tác xúc tiến thu hút lao động cho các doanh nghiệp ở khu công nghiệp; quản lý tài nguyên khoáng sản; biện pháp tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công…
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, công tác phòng chống, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 (Yagi) và mưa lũ được triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, hạn chế tối đa mức độ thiệt hại. Đến nay, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân đã cơ bản ổn định, các hoạt động trở lại trạng thái bình thường, tuy nhiên tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh xuất hiện nguy cơ sạt trượt mất an toàn, nhất là khu vực miền núi.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh Bắc Giang vẫn giữ ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực so với cùng kỳ năm 2023. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý III ước đạt 12,23%, 9 tháng ước đạt 13,89%, đứng đầu cả nước. Dự báo cả năm tăng trưởng GRDP của Bắc Giang có thể đạt trên 14%.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, năng lực sản xuất của ngành được mở rộng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9 tăng 24,52%, 9 tháng tăng 27,69%. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 499.048 tỷ đồng, tăng 28,5% so với cùng kỳ.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng thời tiết bất lợi và bão lũ, riêng quý III ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng liên tiếp bởi 2 cơn bão số 2 và bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp cũng như thu nhập của người nông dân và mục tiêu tăng trưởng cả năm của ngành. Giá trị sản xuất 9 tháng toàn ngành giảm 2,3%, trong đó lĩnh vực nông nghiệp giảm 2,89%, lâm nghiệp tăng 2,66%, thủy sản tăng 2,7%.
Ngành dịch vụ tiếp tục phục hồi toàn diện; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng ước đạt 39,8 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư 9 tháng đạt hơn 1,7 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, bằng 84,8% so với cùng kỳ, riêng thu hút đầu tư vốn FDI đứng thứ 9 cả nước và đứng đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Chất lượng các hoạt đồng văn hóa – xã hội tiếp tục được nâng lên với nhiều sự kiện quy mô lớn được tổ chức, thu hút đông đảo người dân tham gia. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đời sống nhân đân được cải thiện. Phong trào thi đua “xóa nhà tạm, nhà dột nát” được triển khai sâu rộng, toàn dân, toàn diện, tạo sức lam tỏa trong các tầng lớp nhân dân.