Mạng xã hội là điều kiện thuận lợi cho việc giao tiếp của trẻ em với thủ phạm. Nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, thủ phạm gây ra xâm hại tình dục không có quan hệ họ hàng với nạn nhân, và con số này thậm chí còn cao hơn những gì được công bố: 12% trẻ em cho biết việc giao tiếp với thủ phạm đã dẫn đến việc bị xâm hại tình dục.
Độ tuổi trung bình của các nạn nhân trong nghiên cứu là 13 tuổi và 89% trong số đó là nữ, khoảng 80% thủ phạm là nam giới trưởng thành.
Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Shalon Nienow cho biết nghiên cứu tiếp theo mà bà đang tiến hành cho thấy tỷ lệ trẻ em bị xâm hại tình dục do người quen gây ra thông qua các ứng dụng mạng xã hội hiện cao hơn đáng kể.
“Mạng xã hội là một hình thức giao tiếp phổ biến đối với trẻ em và thanh thiếu niên, có thể tạo ra cảm giác an toàn “giả”với những người mà chúng gặp trực tuyến”, Nienow, giám đốc y khoa của Trung tâm Chadwick cho biết thêm.
Cách ngăn chặn hành vi xâm hại tình dục trẻ em trên mạng xã hội
1. Nói chuyện với trẻ em về sự an toàn trên không gian mạng
“Mối đe dọa từ mạng xã hội đã thay đổi cách cha mẹ cần bảo vệ con mình. Trước đây, chỉ cần biết con mình ở đâu là đủ, nhưng giờ đây, quấy rối tình dục và xâm hại có thể xảy ra ngay tại nhà mà cha mẹ không hề hay biết”, Anna Akerman, phó giáo sư khoa truyền thông tại Đại học Adelphi ở New York, người nghiên cứu tác động của phương tiện truyền thông đối với trẻ em, cho biết.
Thanh thiếu niên là nạn nhân của tình dục thường không muốn chia sẻ do cảm giác tội lỗi, sợ hãi và xấu hổ. Đó là lý do tại sao cha mẹ cần nói về những rủi ro này với con mình. Cha mẹ cần giải thích cho con cái cách những kẻ săn mồi có thể liên lạc với chúng trực tuyến, lý do tại sao chúng nên xin phép cha mẹ trước khi gặp gỡ trực tuyến với người mà chúng lần đầu tiên kết nối trực tuyến và lý do tại sao chúng nên nói không nếu được yêu cầu làm điều gì đó khiến chúng cảm thấy không thoải mái.
Nienow, cũng là phó giáo sư lâm sàng nhi khoa tại Đại học California, San Diego, cho biết: “Việc giao tiếp sớm và cởi mở về quyền tự chủ của cơ thể, các vấn đề về sự an toàn và sự đồng ý là điều bắt buộc để tạo ra cảm giác tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái, đồng thời trao quyền cho trẻ em thảo luận về bất kỳ mối quan tâm nào có thể phát sinh”.
2.Theo dõi các tài khoản mà trẻ em đang nhắn tin
Theo dõi những người mà con bạn đang nói chuyện trên mạng xã hội cũng rất quan trọng. Nienow cho biết: “Nhiều phụ huynh cho rằng đây là hành vi vi phạm quyền riêng tư của con mình. Tuy nhiên, việc sử dụng điện thoại và mạng xã hội là một đặc quyền đi kèm với trách nhiệm”.
Tháng này, Instagram đã ra mắt các tính năng an toàn mới cho phép cha mẹ xem những tài khoản mà con mình đã nhắn tin gần đây. Các biện pháp bảo vệ này là một cách để cha mẹ theo dõi những người mà con mình đang liên lạc mà không cần đọc nội dung tin nhắn của chúng.
3. Dạy trẻ em về nội dung phù hợp
Akerman cho biết cha mẹ cũng cần chú ý đến nội dung mà con mình đăng trên mạng xã hội.
“Nghiên cứu cho thấy thanh thiếu niên thường vô tình tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm khi đăng hình ảnh/từ ngữ có thể bị hiểu là khiêu dâm. Thật không may, các em thường không nhận thức được những tác động của giao tiếp do còn ngây thơ, kỹ năng phán đoán và kinh nghiệm cá nhân hạn chế hơn so với người lớn”.
Nhà nghiên cứu thấy rằng các bé gái thường cố gắng làm cho mình trông “nóng bỏng” trên MXH bởi đó là một trong những cách dễ nhất để kiếm lượt thích trên các nền tảng xã hội. Vì thế, bố mẹ cần nói chuyện với trẻ em về việc đăng những hình ảnh như vậy có thể khiến chúng trở thành mục tiêu của những kẻ săn mồi. Cha mẹ cũng nên theo dõi những gì con mình đăng.
Tuy nhiên, trẻ em thường tìm cách đăng mà không cho bố mẹ mình biết. Một bé gái mà Akerman phỏng vấn cho cuốn sách của mình, đã nói rằng mẹ cô không cho phép cô đăng ảnh bikini. Vì vậy, khi cô bé 14 tuổi, cô bé đã chia sẻ những bức ảnh mặc bikini của mình trên một nền tảng khác. Sau đó, cô nhận ra rằng những bức ảnh đó lại được đăng lại trên một nền tảng mạng xã hội khác (tài khoản được sử dụng để buôn bán trẻ em gái). Lúc này cô bé rất hoảng sợ và tìm đến mẹ để nhờ giúp đỡ.
Nhiều trẻ em sợ tiếp cận cha mẹ khi gặp phải những tình huống đáng sợ vì chúng lo lắng rằng điện thoại của mình sẽ bị tịch thu. Đó là lý do tại sao nhà nghiên cứu luôn nhắc nhở rằng, điều quan trọng nhất mà cha mẹ có thể nói với con cái của mình là ngay cả khi chúng mắc lỗi, chúng vẫn muốn nhờ cậy sự giúp đỡ của bố mẹ.