Giá rau tại Trung Quốc đang tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong gần một thập kỷ do thời tiết cực đoan đã gây ra nhiều thiệt hại cho các vùng nông nghiệp trọng điểm. Thời tiết khắc nghiệt không chỉ làm giảm sản lượng mà còn gây ra nhiều khó khăn cho quá trình thu hoạch và vận chuyển, khiến giá thực phẩm leo thang nhanh chóng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, từ ngày 16/6 đến 15/8, giá rau trung bình trên toàn quốc đã tăng hơn 40%, từ 4,27 nhân dân tệ (0,60 USD) mỗi kg lên 6,01 nhân dân tệ (0,84 USD) mỗi kg. Tại một số khu vực, mức tăng giá còn cao hơn, ví dụ ở tỉnh Tứ Xuyên, người mua phải trả thêm hơn 50% để mua các loại rau như cải xanh, dưa chuột và cà tím. Thời tiết khắc nghiệt năm nay, với các đợt nắng nóng và lũ lụt liên tiếp, đã khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
Vì sao giá nông sản Trung Quốc tăng đột biến, dù thu nhập người dân “chững”?
Mùa hè 2024, một số khu vực tại Trung Quốc đã trải qua lượng mưa kỷ lục, các trận lũ quét gây ảnh hưởng lớn đến những vùng nông nghiệp quan trọng từ tỉnh An Huy ở miền đông đến tỉnh Tứ Xuyên ở phía tây nam. Theo ông Hu Bingchuan, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, các điều kiện thời tiết cực đoan này đã làm giảm sản lượng rau tại nhiều khu vực trong mùa hè.
Nông dân tại nhiều nơi đã phải đối mặt với thiệt hại nặng nề do lũ lụt. Một nông dân ở An Huy cho biết, thay vì thu hoạch được 1.000 kg dưa chuột như thường lệ, năm nay họ chỉ thu hoạch được 250 kg. Để bù đắp thiệt hại, họ đã phải tăng giá bán từ 4 nhân dân tệ lên 8 nhân dân tệ mỗi kg. Các trận lũ không chỉ tàn phá mùa màng mà còn làm hỏng các con đường giao thông, khiến việc thu hoạch và vận chuyển rau ra thị trường trở nên khó khăn hơn. Đồng thời, nhiệt độ cao cũng làm giảm thời gian bảo quản của rau, khiến người tiêu dùng phải trả giá cao hơn.
Không chỉ gây ra sự tăng giá tạm thời, thời tiết khắc nghiệt còn ảnh hưởng lâu dài đến ngành nông nghiệp Trung Quốc. Những năm gần đây, thời tiết khó lường đã khiến nhiều nông dân từ bỏ việc trồng rau, thay vào đó họ chuyển sang trồng các loại cây chịu hạn tốt hơn như khoai tây hoặc các sản phẩm sinh lợi cao hơn như trái cây. Một số nông dân thậm chí đã bỏ ngành nông nghiệp để tìm kiếm cơ hội trong các ngành khác.
Việc làm nông trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là đối với những nông dân lớn tuổi. Ông Hu cho biết: “Hầu hết nông dân ngày nay đều đã lớn tuổi. Nếu họ phải ra ngoài làm vườn và có nguy cơ bị say nắng phải nhập viện, thì công việc đó không đáng để thực hiện.”
Theo ông Hu, giá rau có thể sẽ đạt đỉnh trong tháng tới trước khi trở lại mức bình thường sau kỳ nghỉ Quốc khánh vào tháng 10. Nhiệt độ cao chủ yếu đã qua và các thảm họa lũ lụt cũng đã kết thúc. Ông cũng nhận định rằng, nhiều người bị thiệt hại bởi các thảm họa trước đó có thể sẽ chọn trồng thêm rau khi cánh đồng của họ đã rút nước, và những loại rau mới trồng này có thể sẵn sàng đưa ra thị trường trong khoảng 30 ngày.
Trước tình hình này, ông Hu cho rằng chính phủ Trung Quốc nên để thị trường tự điều chỉnh thay vì can thiệp để ổn định giá cả. Việc can thiệp của chính phủ, theo ông, sẽ tốn kém nhiều hơn so với lợi ích thực tế mà công chúng có thể nhận được trong ngắn hạn. Ông nhấn mạnh, nếu chính phủ trợ giá cho việc sản xuất dưa chuột, giá có thể giảm đáng kể trong mùa tới, khiến can thiệp tài chính trở nên không hiệu quả và quá tốn kém. Thay vào đó, cung cấp trợ cấp ngắn hạn cho các hộ gia đình có thu nhập thấp có thể là một cách tiếp cận hiệu quả hơn nếu chính phủ quyết định hành động.
Trong dài hạn, thời tiết cực đoan có thể thúc đẩy sự hợp nhất của ngành nông nghiệp Trung Quốc. Các doanh nghiệp nông nghiệp lớn, với nguồn lực tài chính dồi dào, quản lý rủi ro tốt hơn và kỹ thuật canh tác tiên tiến, sẽ có lợi thế hơn so với các nông dân nhỏ lẻ trong việc đối phó với thiên tai. Ông Vương Chính Quân, một nhà quản lý tại một doanh nghiệp nông nghiệp ở Ninh Hạ, cho biết: “So với các nông dân trồng rau thông thường, các công ty lớn có nguồn lực tài chính dồi dào, quản lý rủi ro tốt hơn và kỹ thuật trồng trọt, phân bón, và thuốc trừ sâu tốt hơn.”
Theo ông Hu, ngành nông nghiệp Trung Quốc cần đầu tư nhiều hơn vào công nghệ nông nghiệp mới để thích ứng với khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Ông nhấn mạnh rằng: “Sản xuất nông nghiệp phải chuyển sang hướng canh tác quy mô lớn, chuyên nghiệp và thông minh. Chúng ta cần nghiên cứu và cải thiện các giống cây trồng để tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, chẳng hạn như phát triển các giống cây trồng có khả năng chống chịu tốt hơn với nhiệt độ cao và hạn hán.”
Sự phát triển này không chỉ giúp nông nghiệp Trung Quốc đối phó tốt hơn với thiên tai mà còn tạo ra cơ hội để ngành này tiến xa hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu.