Công nhân được về hưu “non” khi chỉ đóng 15 năm BHXH
Thông qua việc giảm điều kiện về số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 sẽ tạo điều kiện cho nhiều lao động được hưởng lương hưu hằng tháng.
Đây là dự báo tác động của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2024 đối với lương hưu sau khi đưa vào thực hiện vừa được Bộ LĐTBXH thông tin.
Theo Bộ LĐTBXH, Luật BHXH 2024 được ban hành nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 28-NQ/T.Ư về cải cách chính sách BHXH, để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
Việc giảm điều kiện về số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm sẽ tạo điều kiện cho nhiều lao động được hưởng lương hưu hằng tháng. Dự kiến sẽ có hàng nghìn người lao động được hưởng lợi từ chính sách này. Nhiều nhất là nhóm công nhân, lao động làm trong các khu công nghiệp “buộc” phải về hưu sớm do bị sa thải, hoặc sức khỏe suy yếu không thế tiếp tục làm việc.
Tuy nhiên, ngoài điều kiện về số năm đóng BHXH, các lao động cũng phải đáp ứng đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu, tức là đủ số tuổi theo quy định.
Khi thực hiện Luật BHXH 2024, Bộ LĐTBXH dự báo sẽ có nhiều người lao động hơn được tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH bắt buộc như: chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; người lao động làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất.
Đáng chú ý, sẽ có nhiều người lao động hơn được hưởng lương hưu hằng tháng, trợ cấp hằng tháng, có nguồn thu nhập ổn định, được bảo đảm bảo hiểm y tế (BHYT) khi đến tuổi nghỉ hưu.
Điều này có được thông qua việc giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Đối với người lao động có thời gian đóng BHXH dài hơn, thì vẫn được hưởng lương hưu với tỉ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành.
Lao động được nhận trợ cấp khi lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu
Ông Nguyễn Duy Cường – Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH), cho biết ngoài điều chỉnh lương hưu theo nguyên tắc chung, những người có mức lương hưu thấp và những người nghỉ hưu trước năm 1995 sẽ được điều chỉnh tăng lương hưu thỏa đáng, nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu.
Công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi mà không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hằng tháng, thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Tới đây, trong thực hiện quy định mới của Luật BHXH, Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, đề xuất các phương án cải thiện mức lương hưu đối với những người có lương hưu thấp, vừa đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc quy định của luật, đó là điều chỉnh lương hưu thỏa đáng cho người lương hưu thấp, người nghỉ hưu trước năm 1995.
Cùng với việc thêm nhiều người có lương hưu, nhờ bổ sung chính sách trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng, giúp nhiều người cao tuổi hơn được hưởng trợ cấp BHXH, được bảo đảm BHXH.
Công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi mà không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hằng tháng, thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì bổ sung chế độ trợ cấp hằng tháng.
Bộ LĐTBXH đánh giá, Luật BHXH năm 2024 sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng giúp người dân, doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức có điều kiện thuận lợi tham gia trong lĩnh vực BHXH, nhất là trong việc tham gia đóng góp và thụ hưởng các chế độ, chính sách về BHXH, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.