Hành trình xuyên biên giới: Khám phá vẻ đẹp hoang sơ, bình yên đến kỳ lạ
Là người đam mê phượt, thích được trải nghiệm, khám phá các cung đường đẹp, mạo hiểm, được ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên hùng vỹ và thơ mộng. Nguyễn Thị Tuyết Minh đến từ Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ khá thú vị với Dân Việt trong chuyến đi mới nhất của mình, cuối tháng 2/2024.
Cô gái này xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 23/2 đi qua Kon Tum, Măng Đen, đến cửa khẩu Tây Trang để sang Lào, Thái Lan và sau đó quay lại Lào về Việt Nam đi cung Tây Bắc gồm Lai Châu, Hoàng Su Phì (Hà Giang), Bắc Kạn, Hà Nội, và đi theo quốc lộ 1A (Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Bình Định, Đà Lạt) kết thúc hành trình tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 1/4. Tổng thời gian Tuyết Minh và người bạn đi là 39 ngày.
“Tôi đưa cả xe máy xuất cảnh sang Lào để thuận tiện di chuyển. Tôi xuất cảnh từ cửa khẩu Tây Trang, đây là khu vực ngã ba biên giới trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia.
Việc làm thủ tục nhập cảnh sang Lào cùng chiếc xe phân khối lớn hơi phức tạp chút xíu với thủ tục giấy tờ. Tôi nhập cảnh, chi phí đóng dấu là 20.000đ/sổ. Dắt xe đến cổng trình giấy tờ và xuất cảnh. Từ cửa khẩu Tây Trang đến cửa khẩu của Lào, tôi làm thủ tục đóng dấu 10.000 kip Lào, thêm giấy D53 với số tiền 54.000 kip Lào. Nếu không có giấy D53 thì lúc về sẽ bị phạt rất nặng. Một điều nữa khi nhập cảnh xe máy bên Lào là bắt buộc phải mua bảo hiểm khi tham gia giao thông, đi bao nhiêu ngày thì mua bấy nhiêu ngày. Tôi đã mua hẳn 1 tháng với giá khoảng 50.000 kip Lào”.
Theo Tuyết Minh, đến Lào cô đã đến các điểm như Pakse, Thakhek, Vang Vieng, Viêng Chăn, Luangpharbang, LuangNamtha, BoKeo. Còn ở Thái Lan cô đến Chiang Rai và Chiang Mai, Mai Hong Son, Ban Rak Thai.
“Tôi lưu lại ở Lào tới 20 ngày để khám phá gần như hết đất nước Lào, từ Trung Lào, Nam Lào, Bắc Lào và ở Thái Lan chỉ có 7 ngày. Thời gian lưu lại ở Lào, tôi cảm thấy rất thích thú và tuyệt vời. Tôi đã đến những làng Kong Lor Cave thuộc thị xã Thakhek (Thà Khẹt – PV), tỉnh Khammouane. Chúng tôi đã phải đi bộ rất xa, đường đi thì cực kỳ khó khăn và điện thoại hoàn toàn mất sóng. Tiếp đến, chúng tôi phải đi qua hang Kong Lo dài 7km và đi bộ tiếp 3km nữa mới đến ngôi làng.
Thực sự rất ít khách du lịch có thể tiếp cận được với ngôi làng này vì đường đi quá vất vả, xa xôi, nhưng bù lại đến đây tôi đã được khám phá hang Kong Lo, tuyệt đẹp và được hiểu biết thêm về làng Kong Lor Cave.
Hang Kong Lo được mệnh danh là “Kỳ quan địa chất khu vực Đông Nam Á” với chiều dài 7km, chiều cao đến trần lên tới 90 mét. Hang có con sông Nam Hun Bun chảy qua nên du khách có thể trải nghiệm, ngắm nhìn những ánh sáng màu xanh ngọc lấp lánh bằng thuyền nhỏ.
Làng Kong Lor Cave là một bản làng nghèo, đời sống còn nhiều thiếu thốn. Nơi đây cuộc sống dường như cách biệt với thế giới bên ngoài, chưa có điện mà người dân dùng đèn dầu thắp sáng. Người dân thân thiện, thật thà, trẻ con thì e dè người lạ vì sợ bị bắt cóc. Điều đặc biệt là ngôi làng vẫn duy trì mẫu hệ, đàn ông lấy vợ ở rể, làm tất cả các công việc của người phụ nữ từ kiếm tiền đến việc nhà, nấu cơm, chăm con. Phụ nữ ở đây chỉ ở nhà và làm chủ gia đình.
Khi đến đây, nhìn ai trông cũng khắc khổ, vất vả, để mua đồ sinh hoạt, thuốc chữa bệnh họ phải đi rất xa để đến thị xã mới mua được đồ. Tôi đã chia sẻ một phần số lượng thuốc dự trữ của mình cho người dân ở đây, đó là những loại thuốc chữa những bệnh thông thường, họ rất vui và cảm kích”, Tuyết Minh cho hay.
Theo Tuyết Minh, ngoài chuyện khám phá những điểm đến mới, những cung đường đẹp, hoang sơ, cô và người bạn đồng hành còn có những trải nghiệm tuyệt vời, thong dong đi thuyền ngắm hoàng hôn. Ngắm những tia nắng cuối ngày chiếu xuống dòng sông lấp lánh, hai bên là những ngôi nhà thấp thoáng, xa hơn là những cánh đồng, khiến cô cảm thấy bình yên đến kỳ lạ.
“Tôi cũng có những trải nghiệm cảm giác mạnh như trượt zipline từ ngọn núi này sang ngọn núi khác, thả mình trên chiếc lưới treo vắt vẻo giữa không trung, được ngắm nhìn thung lũng bao la xanh mướt.
Tôi còn khá tiếc khi không kịp thời gian để trải nghiệm tour ngủ trên cây. Bên Lào họ có những điểm trải nghiệm làm tổ trên cây, du khách có thể ngủ, sinh hoạt, tất cả mọi thứ trên cây đó. Và điều đặc biệt là kiểu trải nghiệm này họ không chặt cây, phá rừng, phá vỡ cảnh quan, môi trường, thiên nhiên ở đây, tất cả cho du khách một cảm giác hòa mình với thiên nhiên.
Có lẽ để dịp sau tôi sẽ quay lại và trải nghiệm tour này. Tôi được biết, một doanh nghiệp người Anh đã đầu tư và khai thác trải nghiệm tour này. Việt Nam mình có rất nhiều cảnh đẹp, thiên nhiên hùng vỹ, văn hóa, ẩm thực đa dang, tuy nhiên cách làm du lịch, cách khai thác du lịch của mình chưa tốt, chưa bài bản, chưa biết giữ tài nguyên thiên nhiên vì vậy mà thường du khách nước ngoài chỉ đến một lần và không quay lại. Đó quả là một điều đáng tiếc cho du lịch Việt Nam”, bạn Tuyết Minh tâm sự.
Hành trình xuyên biên giới: Vượt qua giới hạn bản thân, học hỏi và thêm kiến thức mới
Chia sẻ phượt trên những cung đường bên Lào, Thái Lan có gặp nguy hiểm, cô cho hay, cung đường biên giới Lào rất xấu, may mắn cô và bạn đồng hành đã không gặp sự cố hay tai nạn nào. Tuy nhiên điều cô ấn tượng đó là văn hóa giao thông.
“Đường biên giới từ cửa khẩu Lào đến Trung tâm thị trấn Lào là cung đường cực kỳ xấu, đường vừa quanh co, lên dốc, xuống đèo, một bên núi, bên vực, lại rất nhiều ổ gà, ổ trâu, xóc nảy đom đóm mắt, nhưng mỗi khi gặp ô tô cùng chiều, họ luôn chạy chậm lại, nhường đường cho tôi đi trước. Họ đi rất nhường nhịn, không phóng nhanh, vượt ẩu, chèn ép các xe yếu thế.
Ở Thái Lan cũng vậy. Dù trời nắng nhưng mọi người vẫn kiên nhẫn đợi đến đèn xanh mới đi mà không bóp còi inh ỏi hoặc vượt phải. Sự kiên nhẫn đó khiến tôi phải học hỏi và nhẫn nại khi đi xe ở Sài Gòn”, Tuyết Minh cho biết.
Là cô gái đam mê xê dịch, khám phá các cung đường, cảnh đẹp của Việt Nam, Tuyết Minh đã từ bỏ công việc văn phòng nhàn hạ và chọn công việc tự do để có thời gian đi phượt. Cô đã đi qua 63 tỉnh, thành Việt Nam và hai năm nay, cô đã chọn phượt xuyên biên giới, đến những vùng đất mới.
Hỏi Tuyết Minh, khi đi phượt xuyên biên giới như vậy, Minh có lo sợ?
Cô cho hay, cách đây một năm, cô đã có chuyến đi đầy chông gai, một mình với hành trình xuyên biên giới 65 ngày, chi tiêu hết 35.000.000 đồng đi các nước Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia.
“Ban đầu của hành trình, tôi có chút e ngại, thậm chí có lúc sợ hãi khóc nức nở nhưng rồi tôi chấp nhận và quen dần, mỗi ngày tôi lại có kinh nghiệm, tự tin hơn. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy, nếu không thử đi thì làm sao biết giới hạn của mình ở đâu và chuyến đi độc hành đã cho tôi nhiều cảm nhận.
Tôi nhận thấy, thứ duy nhất tôi chuẩn bị cho chuyến đi là sức khoẻ, niềm tin cho những hành trình điểm đến, còn lại tôi đón nhận mọi thứ như là nhân duyên vốn có.
Ở mỗi nơi tôi chạm đến biết được nhiều điều mới, học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, học cách vượt qua khó khăn và chống chọi với sinh tồn”, Tuyết Minh chia sẻ.
Nói về chi phí bên Lào và Thái Lan, Tuyết Minh cho biết, mọi chi phí đều rẻ, đặc biệt bên Lào, từ ăn uống tới cơ sở lưu trú đều rẻ đến bất ngờ. Con người nơi đây thật thà, dễ mến và không nói thách, chặt chém khách du lịch. Mỗi bữa ăn của cô chỉ mất 25 kíp Lào (20 kíp tức là 22,86 VND).
Trong hàng chục món ăn tại hai nước Lào, Thái Lan, cô “mê” nhất món salad đu đủ ba khía và phở Lào ăn cùng với thịt lợn quay thái sợi, nước dùng vị thanh và chua nhẹ. Theo cô, món ăn Lào gần giống với Thái Lan nhưng hương vị mặn hơn.
Chia sẻ về kinh nghiệm của chuyến đi, Tuyết Minh cho biết, cô cùng bạn đã chuẩn bị thật kỹ hành trang như thẻ visa, điện thoại 2 sim và chuyển vùng quốc tế; bộ vá xe cơ bản vá nấm, vá lụi, bộ lục giác, mỏ lết đa dụng, dây rút bảng lớn và nhỏ, băng keo; Máy sấy; Túi ngủ; Quần áo chọn những loại mỏng dễ khô bỏ vào bọc ni lông từng bộ hoặc từng cái; Giày chọn những loại giày leo núi giúp đôi chân thoải mái và bền.
Thuốc các loại thông thường hay gặp như tiêu chảy, cảm sốt, dị ứng, giảm đau, băng gạc vô trùng, thuốc đỏ…
Bên cạnh đó là những giấy tờ cần thiết khi mang xe máy sang đất bạn gồm hộ chiếu, thẻ căn cước công dân, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe chính chủ.
Ngoài ra, Tuyết Minh cũng khuyên những du khách đam mê phượt nên đi xe số hoặc xe côn, đường ở Lào rất xấu, đường đèo quanh co, sạt lở nên việc đi xe tay ga sẽ không thuận tiện.
Theo Tuyết Minh, chuyến đi xuyên biên giới của cô và bạn lần này, tổng chi phí hết 45.000.000 đồng.