Bạn đã gặp ai có nhân cách cao cả khiến người ta phải nghiêng mình thán phục chưa?

Dì giúp việc đầu tiên của nhà tôi trông rất bình thường, sống rất tiết kiệm. Một năm bốn mùa dì chỉ mang một đôi giày vải tự may phối với một đôi tất hoa. Thế mà đột nhiên có một ngày, chiếc đồng hồ hàng hiệu trên tay dì đã thu hút sự chú ý của tôi, kể từ đó, tôi biết dì giúp việc của mình không hề đơn giản.
Tôi gặp dì trên trung tâm giới thiệu việc làm. Tôi ngồi trên bàn đợi người ta đến phỏng vấn. Đó cũng là lần đầu tiên dì đi phỏng vấn tìm việc. Lúc đó tôi không có ấn tượng sâu sắc với dì lắm, cũng không có thiện cảm, bởi vì trông dì bình thường đến mức không thể bình thường hơn. Nhưng cách dì nói chuyện, giao tiếp thì vô cùng khéo léo, nhẹ nhàng, không hề thô lỗ hay cộc cằn gì cả.
Dì nói dì đến phỏng vấn làm giúp việc, nguyên văn là: “Tôi chưa từng làm giúp việc, nhưng cái gì tôi cũng biết làm, chỉ là không chuyên nghiệp bằng người ta thôi”
Tôi hỏi: “Làm sao để tôi tin dì được?”
Dì bảo: “Dựa vào tín ngưỡng của tôi, tôi sẽ không nói dối. Cả đời tôi đã làm giúp việc rồi, giúp việc cho gia đình, bố mẹ chồng sống thì hầu bố mẹ chồng, bố mẹ chồng mất thì hầu chồng, chồng mất không còn việc gì nên tôi mới ra ngoài tìm kế sinh nhai”
Câu nào dì nói cũng rất nghiêm túc, không giống như đang nói đùa, tôi bảo: “Tôi tin dì. Trong nhà không có việc gì nhiều, chủ yếu là chăm trẻ nhỏ. Dì chỉ cần trông đứa nhỏ, tập thói quen tốt, dạy thêm một số thường thức trong sách cho con. Có thời gian thì dọn dẹp nhà cửa, nấu bữa cơm nữa là được”
Dì bảo: “Không thành vấn đề, đảm bảo cô sẽ hài lòng”
Tôi nói: “Mức lương mong muốn của dì là bao nhiêu?”
Dì bảo: “3000 tệ (~10 triệu), không ở lại”
Một tháng 3000 tệ? Ít như vậy? Không phải tôi nghe nhầm chứ: “Dì chắc chắn là 3000 tệ?”
Dì bảo: “Đúng vậy, nếu cô cảm thấy không đáng thì 2500 tệ cũng được” (~8.7 triệu)
Tôi càng ngơ ngác hơn nữa. Ở chỗ tôi, thuê dì giúp việc một tháng 6000 tệ còn không ai làm, tôi nghĩ mình được hời rồi: “Vậy một tháng 3000 tệ. Dì theo tôi về nhà trước đã, đứa nhỏ nhà tôi nghịch ngợm lắm, chắc dì phải chuẩn bị tâm lý trước”
Dì nói: “Tôi không sợ trẻ nhỏ nghịch ngợm, tôi thích nhất là những đứa nhỏ hoạt bát sôi nổi như vậy, dù có nghịch cỡ nào tôi cũng thích”
Tôi nói tiếp: “Nhà có một đứa nhỏ thôi nên tôi cũng không nỡ nói nặng lời với con bé”
Dì: “Tôi thích trẻ nhỏ lắm, cô cứ yên tâm”
Dì theo tôi về nhà, gặp đứa nhỏ rồi, lại thấy nhà tôi hơi to thì hỏi: “Có phải lau nhà mỗi ngày không?”
Tôi bảo: “Không cần, sàn nhà sạch sẽ là được rồi”
Dì: “Vậy thì tốt rồi, tôi sợ mình không đủ sức lau nhà mỗi ngày, còn việc khác thì không sao”
Dì nấu cơm rất ngon, chẳng khác gì đầu bếp chuyên nghiệp trong nhà hàng. Ăn xong dì còn rửa bát đũa, dọn dẹp nhà bếp sạch bong sáng bóng nữa.
Dì bảo tôi ngủ trưa đi, để dì trông bé cho. Đứa nhỏ mới một tuổi, trước giờ không chịu ngủ trưa, cả ngày đều thích vọc cái này vọc cái kia. Tôi cố tình ngủ để xem dì xử lý như thế nào.
Tôi vừa vào phòng ngủ, dì đã ôm nhóc con bảo: “Con gái, bà dẫn con đi rửa mặt rửa tay nha, bà dạy con đếm ngón tay này, còn dạy con gõ trống nữa. Bà sẽ đọc sách con nghe, hát ru con ngủ nha”
Chẳng được bao lâu, nhóc con quậy phá của tôi đã lăn càng ra ngủ rồi. Thấy bên ngoài im ắng, tôi cố ý đi ra, dì thấy thế mới bảo: “Đứa nhỏ ngủ rồi, cô tranh thủ vào phòng ngủ đi”
Tôi ngạc nhiên: “Nhóc con ngủ rồi á? Trước giờ con bé không ngủ ngày, buổi tối còn quậy đến nửa đêm. Dì dùng cách nào để dỗ con bé ngủ vậy?”
Dì bảo: “Mỗi đứa nhỏ mỗi tính tình, chỉ cần mình thuận theo tính của chúng thì rất dễ dỗ, nếu không ngủ trưa dễ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ lắm”
Tôi tò mò: “Trước đó dì làm nghề gì vậy?”
Dì bảo: “Tôi làm giáo viên mầm non, trông trẻ cũng được hai mươi mấy năm rồi. Tôi còn học thêm tâm lý học nữa”
Khó trách, xem ra tôi tìm đúng người rồi.
Sau khi dì đến nhà tôi ở, thói quen và tính cách của đứa nhỏ nhà tôi thay đổi như có phép tiên tác động vậy. Đôi khi tôi ở nhà nói con bé không nghe, nhưng dì nói thì lại nghe, hơn nữa còn rất ngoan. Đứa nhỏ rất mến dì, dì cũng rất tốt với đứa nhỏ, tốt đến mức tôi còn bất ngờ nữa mà. Tuy dì không mắng, không chửi, nhưng lúc nghiêm khắc thì cũng cực kỳ nghiêm khắc.
Tôi rất hài lòng, nhưng chồng thấy tôi tìm một người không rõ quê quán nhân thân thì vô cùng phản đối, anh không yên tâm giao đứa nhỏ lại cho người như vậy. Anh muốn tìm giúp việc chuyên nghiệp, học vấn cao, trẻ tuổi. Bởi vì anh nghĩ, trẻ tuổi thì tư tưởng cấp tiến hơn người lớn tuổi nhiều.
Khó khăn lắm tôi khuyên được chồng từ bỏ ý định đó. Tôi bảo, thời gian đầu ngày nào tôi cũng ở nhà xem tình hình hết, chưa kể, dì cũng đưa tôi xem căn cước công dân với hộ khẩu rồi, nếu cần thì cũng có cái mà dùng.
Nhưng lâu rồi mà dì vẫn chỉ mặc có mấy bộ đồ thay qua thay lại, đôi giày vải tự may mang đã lâu dì cũng không thay mới, đôi vớ hoa đã sờn cũng mang lại cảm giác năm tháng trôi nhanh nữa, lúc nhỏ tôi mang đôi tất hoa giống hệt dì mà. Chưa kể, trên đôi tất dì còn có mấy chỗ vá nữa, quần áo cũng giặt sờn bạc màu cả rồi, chúng tôi đều nghĩ điều kiện kinh tế nhà dì không tốt, chồng còn bảo tôi dẫn dì đi mua giày và quần áo mới.
Mãi đến một ngày dì đang lau nhà, tôi thì đang dọn dẹp đồ đạc, dì mới xắn tay áo lên, làm lộ ra chiếc đồng hồ trên tay. Chiếc đồng hồ đó rất đẹp, tôi lại gần nhìn mới giật mình, không có 50, 60 nghìn tệ (~200 triệu) là không mua nổi thương hiệu đó đâu.
Tôi nói: “Đồng hồ của dì đẹp thật đấy”
Dì bảo: “Đúng vậy, đây là quà kỉ niệm 30 ngày cưới lão chồng tôi tặng đấy”
Tôi không hỏi thêm nữa, chỉ là cảm thấy hơi khó hiểu, nếu dì đã đeo chiếc đồng hồ đắt như vậy thì sao lại mặc quần áo cũ như vậy? Sao dì lại chịu đi nhà người ta làm giúp việc? Mà dựa vào công việc trước đó của dì, nếu về hưu thì cũng có lương hưu sống nhàn nhã mà.
Đến một tối nọ, lúc dì chuẩn bị về nhà, thì tôi đang chuẩn bị gói quần áo cũ của con gái mang đi vứt, dì thấy thế mới bảo: “Đừng vứt nữa, cho tôi đi, quần áo còn mới mà vứt đi thì phí”
Trước giờ dì chưa từng lấy món gì của nhà tôi, chỉ khi nào tôi định vứt, dì mới hỏi ý để xin.
Đợt Tết trung thu nọ, bánh với trái cây trong nhà còn dư nhiều, tôi gói hết đưa dì mang về nhà cho người thân ăn.
Do đồ đạc quá nhiều nên tôi tiễn dì ra tận cổng, bảo dì đặt xe về cho tiện. Đến lúc đi vào phòng ngủ tôi mới nhớ ra là chưa vứt rác. Thế là tôi lại ra ngoài vứt rác, lúc đấy mới thấy dì đang ở trong cửa hàng mẹ và bé mua tã, sữa và quần áo cho trẻ nhỏ. Tôi tưởng mình nhìn nhầm mới tò mò lại gần xem, quả đúng là dì giúp việc, thậm chí dì còn mua rất nhiều đồ nữa.
Tôi lại càng khó hiểu hơn nữa, dì mua những cái đó làm gì? Dì lớn tuổi rồi, chẳng lẽ mua về cho cháu? Nhưng trước giờ chưa từng nghe dì bảo có cháu mà. Dì tiếc tiền không gọi taxi mà gọi một chiếc xe ba bánh đến. Tôi lập tức lái xe theo sau, lúc đấy mới thấy dì xuống xe ở trước cổng viện phúc lợi rồi xách đồ đi vào trong. Tôi đợi hơn một tiếng đồng hồ dì vẫn chưa đi ra. Lúc đó tôi mới nghĩ đến, dì bảo dì không ở lại nhà tôi, vậy chắc chắn là sống ở viện phúc lợi rồi.
Hôm sau, tôi hỏi dì buổi tối về nhà thường làm gì? Có phải trông cháu không?
Dì bảo: “Hối tiếc lớn nhất đời này của tôi là không có một đứa con nào”
Tôi hỏi: “Tại sao?”
Dì: “Chồng tôi bị vô sinh”
Tôi: “Vậy sao dì không xin con nuôi?”
Dì: “Bố mẹ chồng là cán bộ cấp cao, không chấp nhận nuôi cháu nhà khác. Vì danh dự của chồng nên chúng tôi vẫn bảo là do tôi không sinh được. Cho nên mẹ chồng rất ghét tôi”
Tôi: “Bây giờ dì chỉ có một mình thôi phải không? Dì ở nhà dì hay sao?”
Dì do dự rất lâu mới nói: “Đúng vậy, ở nhà của tôi”
Tôi: “Có phải là ở viện phúc lợi không?”
Dì: “Tại sao cô biết?”
Tôi: “Chuyện đó không quan trọng, tại sao dì lại ở viện phúc lợi?”
Dì: “Nếu cô đã biết thì tôi nói thật vậy. Viện phúc lợi do chồng tôi lập ra, ông ấy không có con được nên muốn giúp đỡ những đứa nhỏ cơ nhỡ, xem chúng như con ruột của mình, để chúng cảm nhận được tình thương của cha”
“Tiền tiết kiệm trong nhà đều đổ dồn vào để xây viện phúc lợi, kể cả lương hưu của bố mẹ chồng cũng đổ dồn vào đấy. Bố mẹ chồng với chồng đều mất nên cũng không còn lương hưu, tiền quỹ ngày càng eo hẹp hơn. Tôi lấy toàn bộ tiền tiết kiệm với tiền lương hưu mỗi tháng cho viện phúc lợi cũng không đủ, cho nên mới tranh thủ ban ngày ra ngoài đi làm kiếm thêm một chút”
Ẩn giấu đằng sau vẻ ngoài bình thường là một tấm lòng vĩ đại, tôi bảo: “Sao dì không nói sớm? Nếu vậy thì một tháng tôi trả dì 5000 tệ, sau này nếu dì cần thêm gì thì cứ nói với tôi, tôi sẽ cố gắng”
Dì làm ở nhà tôi ba năm, chưa từng gây gổ với tôi một lần, dì dạy đứa nhỏ rất ngoan, rất hiểu chuyện. Nếu để tôi tự tay chăm con gái, có khi còn không được như thế, cho nên trong lòng tôi vẫn rất biết ơn dì.
Sau khi đứa nhỏ vào mầm non, nhà cũng không cần giúp việc nữa, tôi giới thiệu dì sang nhà bạn thân làm. Ban ngày dì vẫn đi làm, tối về vào viện chăm mấy đứa nhỏ, tôi có thời gian cũng mua ít đồ, dẫn con gái sang viện thăm dì và đám nhỏ.
Năm ngoái dì đi khám phát hiện bị bệnh gout, không thể làm giúp việc được nữa, chỉ ở lại trong viện thôi.
Tôi luôn tự nhủ với chính mình, nếu không thể làm được những điều lớn lao như dì, thì cứ làm những chuyện nhỏ nhặt đều đặn là được. Nhiều là nhiều, mà ít thì cũng không phải ít.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *