Ngày 5/7, Vụ Pháp chế phối hợp cùng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của thuốc lá mới (thuốc lá điện tử) và đề xuất biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ, quảng cáo các sản phẩm này.
Gia tăng các ca nhập viện do ngộ độc thuốc lá điện tử
TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế lo ngại về tình hình sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là trong giới trẻ.
TS Khoa cho biết, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi đã tăng nhanh chóng từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023.
Xu hướng này cũng xuất hiện ở người trưởng thành, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm này tăng nhanh từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020.
Ở người trên 15 tuổi: Sử dụng thuốc lá điện tử cao ở nhóm tuổi trẻ (15 – 24 tuổi) với tỉ lệ là 7,3%. Nhóm tuổi 25 – 44 tuổi là 3,2%. Nhóm tuổi 45 – 64 tuổi là 1,4%.
Theo TS Khoa, các nghiên cứu đã chứng minh tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không kém gì thuốc lá truyền thống. Số ca ngộ độc do thuốc lá điện tử ngày càng gia tăng. Năm 2022-2023, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận gần 130 ca ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử.
Thuốc lá gây ra 28 nhóm bệnh khác nhau, đặc biệt ung thư (điển hình là K phổi, 96,8% người K phổi hút thuốc lá); bệnh tim mạch (đặc biệt bệnh tim, mạch vành, mạch não; các bệnh hô hấp (đặc biệt là viêm đường hô hấp và bệnh phổi tắc ngẽn mãn tính): 1,1 triệu người (năm 2009); ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản và sinh dục ở cả 2 giới. Mỗi năm khoảng 70.000 người Việt chết vì các bệnh do thuốc lá.
Còn tổng hợp qua gần 700 cơ sở khám chữa bệnh cho thấy, năm 2023, có hơn 1.200 ca nhập viện do ngộ độc thuốc lá điện tử. Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp.
TS Khoa cũng dẫn chứng, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8% (theo nghiên cứu Bệnh viện K). 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Trung tâm thường xuyên tiếp nhận các ca ngộ độc cấp sau dùng thuốc lá điện tử. Các biểu hiện nhẹ thì lơ mơ, rối loạn ý thức, kích động, la hét, ảo giác, không kiểm soát được hành vi…, một số trường hợp nặng rơi vào hôn mê, co giật, tổn thương tim, sốc, suy thận, đột quỵ não…
“Thành phần hóa chất, ma túy của thuốc lá điện tửphức tạp hơn rất nhiều so với thuốc lá truyền thống. Thống kê mới nhất có tới 700 các loại ma túy cần sa tổng hợp nhưng hiện tại ở Việt Nam chúng ta mới xác định được khoảng 200 chất.
Đáng lo ngại hơn nữa là sự xuất hiện các chất can thiệp cơ chế tự bảo vệ của cơ thể, làm tăng tác dụng ma túy của cần sa tổng hợp”, TS Nguyên chia sẻ.
Chuyên gia chống độc khẳng định, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các loại thuốc lá mới khác hoàn toàn có hại sức khỏe.
Nó mở đầu xu hướng lạm dụng, nghiện, phơi nhiễm các hóa chất tổng hợp của con người không thể kiểm soát và hàng loạt bệnh tật mới, vấn đề y tế khác. Đồng thời làm nặng, phức tạp thêm vấn đề thuốc lá thông thường, ma túy. Vì vậy tuyệt đối không cần đánh giá, nghiên cứu hay cho dùng thử các sản phẩm này.
“Tác hại của thuốc lá điện tử đối với sức khỏe là không còn phải bàn cãi. Cần ngay lập tức cấm lưu hành thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác ở Việt Nam. Cần cấm hoàn toàn, không thử nghiệm, không cần đánh giá, theo dõi…”, TS Nguyên khẳng định.
Đề xuất cấm toàn diện các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá mới
Tại Hội thảo, BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết: “Hiện có một số hiểu lầm về vấn đề giảm hại của thuốc lá nung nóng so với thuốc lá thông thường; những bằng chứng này đến nay chủ yếu là do ngành công nghiệp thuốc lá đưa ra.
Có một số chất độc mới trong khói của thuốc lá nung nóng mà không có trong thuốc lá thông thường. Cụ thể, trong khói tỏa của một số sản phẩm thuốc lá nung nóng phổ biến được tìm thấy nhiều chất độc mới; 4 trong số những chất này có thể gây ung thư và 15 chất có thể gây tổn thương gen ở người”.
Bà Đinh Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, thuốc lá mới là vấn đề đang rất nóng, dư luận cực kỳ quan tâm và cần khẩn trương có biện pháp để ngăn chặn kịp thời. Điều này sẽ tránh cho cả một thế hệ tương lai nghiện nicotine, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ em và thanh thiếu niên.
Với sự xuất hiện của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Quốc hội lần đầu tiên có Phiên họp giải trình trách nhiệm quản lý nhà nước về thuốc lá mới. Hồi tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Công điện số 47 về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Sau khi nghiên cứu và trên cơ sở ý kiến các Bộ, ngày 22/5/2024, Bộ Y tế đã có báo cáo số 626/BC-BYT trình Chính phủ về thực trạng, tác hại, kinh nghiệm quốc tế và đề xuất biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Trong đó, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai.
Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá để bổ sung quy định này vào Luật để bảo đảm tính ổn định trong triển khai thực hiện.
“Cần phải quy định cấm toàn bộ việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bao gồm mọi tổ chức, cá nhân có liên quan.
Bởi lẽ, nếu chỉ đề xuất cấm người dưới 18 tuổi mua, bán, sử dụng; không bán cho người dưới 18 tuổi hay không sử dụng người dưới 18 tuổi mua, bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thì công tác phòng, chống tác hại thuốc lá sẽ không đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong cộng đồng, tạo “cửa ngõ” cho trẻ em sử dụng thuốc lá và phát sinh các nguy cơ khác”, bà Thủy nói.
“Với mẫu mã đa dạng, các loại thuốc lá mới rất hấp dẫn thanh thiếu niên, tạo ra thế hệ trẻ nghiện nicotine và các chất gây nghiện khác. Việc sử dụng các loại thuốc là này còn có nguy cơ cao phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ và an ninh trật tự xã hội.
Chính vì vậy, Bộ Y tế kiến nghị Quốc hội và Chính phủ kịp thời ban hành quy định để cấm toàn diện các sản phẩm này trước khi việc sử dụng trở nên phổ biến hơn. Cụ thể: cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai.
Việc cấm sử dụng thuốc lá mới cũng góp phần hạn chế sự gia tăng sử dụng các sản phẩm này, là cơ sở để xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn ngừa và phát hiện kịp thời việc sử dụng ma túy, đặc biệt là trong giới trẻ”.
TS Nguyễn Trọng Khoa