muon-nhan-viec-lam-them,-sinh-vien-can-canh-giac-truoc-nhung-chieu-tro-lua-dao-nay

Muốn nhận việc làm thêm, sinh viên cần cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo này

Vào hè, sinh viên tất bật làm thêm kiếm thu nhập

Khi thành phố còn đang say nồng trong giấc ngủ thì trên tuyến đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội), anh Lê Kiều Quý (22 tuổi) đã bắt đầu ngày làm việc mới. Là sinh viên năm 4 tại một trường Đại học ở Thủ đô, mùa hè này, anh Quý tranh thủ chạy xe ôm công nghệ từ 20 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau để kiếm thêm thu nhập.

Anh Quý cho rằng, nhờ sự chủ động về thời gian làm việc và thu nhập tốt nên anh đã chọn công việc này để làm thêm dịp hè. “Trong năm học, mình cần giữ sự tỉnh táo để đi học trên giảng đường vào buổi sáng nên không thể chạy xe ôm ban đêm được. Nhưng giờ đã nghỉ hè, sau khi đi làm về mình có thể ngủ đến trưa. Chiều mình làm một công việc khác tới 18 giờ rồi về ăn uống, tắm rửa và lại chạy xe tiếp”, anh Quý chia sẻ.

Vào dịp hè, anh Quý tranh thủ chạy xe ôm công nghệ từ 20 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau. Ảnh: Trung Hiếu

Vào dịp hè, anh Quý tranh thủ chạy xe ôm công nghệ từ 20 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau. Ảnh: Trung Hiếu

Chàng trai 22 tuổi cho biết thêm: “Những hôm cao điểm, mình có thể kiếm được khoảng 500.000 đồng sau một đêm đi làm, đã trừ chi phí, xăng xe. Đặc biệt là vào những ngày mưa, ít tài xế nhận chạy xe nên mình sẽ được nhiều đơn hơn”.

Theo anh Quý, làm công việc này tuy phải “lấy đêm làm ngày”, nhưng đổi lại có thể kiếm tiền ngay, cũng không phải đau đầu tìm cách “cạnh tranh” với tài xế khác vì ứng dụng của ai báo thì người đó chạy xe.

Anh Quý trải lòng về công việc làm thêm “lấy đêm làm ngày”. Clip: T.H

Vừa nói, giọng anh vừa phảng phất nỗi buồn: “Cả năm đi học xa nhà, có dịp nghỉ hè thì bố mẹ cũng muốn mình về quê cho đỡ nhớ. Nhưng mình cũng chỉ tranh thủ về 1 – 2 hôm rồi lại quay lại Hà Nội làm việc vì chỉ có giai đoạn này mới có thể sắp xếp thời gian để chạy xe ôm buổi đêm được. Bù lại, mình cũng nói với bố mẹ là mình sẽ cẩn thận, tránh nhận đơn đến những nơi vắng vẻ để họ yên tâm”.

Khác với anh Quý, chị Đỗ Thị Thu Hoài (21 tuổi, quê Tuyên Quang) – sinh viên năm 3 chuyên ngành Ngôn ngữ Anh tại một trường Đại học ở Hà Nội lại tìm công việc thời vụ ở quê để có thể tranh thủ về thăm nhà dài ngày nhân dịp nghỉ hè. Là người thích chia sẻ, chị quyết định mở lớp dạy tiếng Anh cho học sinh trung học cơ sở tại địa phương trong những ngày các em không phải đến trường.

Sinh viên tranh thủ mở lớp dạy tại nhà vào dịp nghỉ hè. Ảnh: Chụp màn hình (T.H)

Sinh viên tranh thủ mở lớp dạy tại nhà vào dịp nghỉ hè. Ảnh: Chụp màn hình (T.H)

Chị Hoài cho hay: “Nhiều phụ huynh có con nhỏ vẫn đi làm bình thường vào dịp hè, họ có nhắn tin với mình muốn tìm chỗ học thêm ngoại ngữ cho các con. Từ đó, mình quyết định nhận dạy phụ đạo môn Tiếng Anh cho các bạn ấy. Mình tự tin vì đây là môn học có liên quan đến chuyên ngành học Đại học của mình. Địa điểm dạy chính tại nhà mình luôn nên không mất chi phí thuê mặt bằng”.

Với hy vọng lớp học được nhiều người biết tới, chị Hoài quyết định đăng thông tin về khóa học mà chị đứng lớp lên mạng xã hội. Chị nói: “Mình mong muốn có thể giúp các bạn học sinh ôn tập để nhớ lại kiến thức cũ, tránh để các bạn ấy học quá sức và áp lực. Học phí mình để ở mức 30.000 đồng/buổi với mỗi bạn học sinh, mình tranh thủ kiếm thêm chút thu nhập để đóng tiền trọ cho năm học mới (cười)”.

Cảnh giác bẫy lừa đảo việc làm thêm dịp hè cho sinh viên trên mạng xã hội

Thời điểm hè, nhiều sinh viên mong muốn kiếm tiền phụ giúp gia đình nên quyết định tìm đến các công việc làm thêm được giới thiệu trên mạng xã hội. Tuy nhiên, không ít người đã bị các đối tượng lừa đảo dụ dỗ khi xin việc dẫn đến “tiền mất tật mang”.

Anh Nguyễn Văn Nguyên (21 tuổi) – sinh viên một trường Đại học tại TP.HCM không khỏi bất ngờ khi nhận được vô số lời mời tuyển dụng hấp dẫn trên mạng xã hội. Anh nói: “Nhiều bài đăng đều giới thiệu rằng, các công việc không yêu cầu người làm phải có kinh nghiệm. Thế nhưng, thời gian làm việc lại linh hoạt, thu nhập cao. Bên tuyển dụng việc làm sẽ yêu cầu người tìm việc đặt cọc tiền trước. Tuy nhiên, càng đặt cọc thì các đối tượng tuyển dụng lừa đảo càng tăng số tiền lên và đây là cách thức lừa đảo mà bản thân mình đã gặp phải”.

Nhiều sinh viên bị các đối tượng lừa đảo dụ dỗ khi xin việc dẫn đến “tiền mất tật mang”. Ảnh: Chụp màn hình (T.H)

Nhiều sinh viên bị các đối tượng lừa đảo dụ dỗ đặt cọc khi xin việc dẫn đến “tiền mất tật mang”. Ảnh: Chụp màn hình (T.H)

Anh Nguyên không giấu được sự phẫn nộ: “Mới đầu, họ tư vấn cho mình là họ có công ty được cấp chứng từ đàng hoàng. Công việc của mình là nhập mã tương tác cho các sản phẩm của một hãng thời trang, lương 250.000 – 300.000 đồng cho 1 ngày làm việc từ 1-2 tiếng. Bên đó yêu cầu mình cọc trước thì mới được nhận vào làm. Vậy mà sau khi nhận cọc rồi thì họ viện lý do để ‘nuốt chửng’ số tiền và chặn số điện thoại của mình. Số tiền mình bị lừa đảo tổng cộng là 3 triệu đồng”.

Đầu tháng 6 năm nay, chị Lê Ngọc Mai (21 tuổi) đang sinh sống và học tập tại Hà Nội cũng gặp phải tình huống tương tự khi tìm việc làm gia sư trên mạng xã hội. Thấy bài viết về một lớp phù hợp với bản thân, chị Mai chủ động nhắn tin hỏi xem lớp đã có ai nhận dạy hay chưa và bày tỏ mong muốn nhận lớp. Tài khoản đăng bài khẳng định chắc nịch rằng lớp chưa có ai nhận và hứa hẹn sẽ giao lớp cho chị Mai ngay sau khi chị đặt cọc tiền.

Sinh viên bị các đối tượng lừa đảo dụ dỗ khi xin việc trực tuyến. Clip: T.H

Chị Mai chia sẻ: “Người ta nói rất hay, mình cũng cả tin. Thế rồi mình đặt cọc số tiền tương ứng với tiền lương của một nửa khóa dạy là 640.000 đồng. Ngay sau đó, mình nhận được một bản hợp đồng online. Có một người tự xưng là đại diện của trung tâm gia sư đó gọi điện đến để xác nhận thông tin rằng mình là sinh viên trường nào, mã sinh viên là gì và có thể dạy được các bạn học sinh lớp mấy…? Mình cũng nói đầy đủ. Nhưng sau đó, người ta lại không giao lớp cho mình”.

Chị Mai tiếp lời: “Ngay ngày hôm sau, mình tìm đến địa chỉ được đối tượng gửi thì phát hiện không có trung tâm gia sư nào cả. Tất cả thông tin trao đổi qua mạng xã hội cũng đã bị đối tượng lừa đảo thu hồi, tài khoản cũng không còn tồn tại và không liên hệ được”.

Theo khảo sát của Google về an toàn thông tin trực tuyến đối với người dùng Việt Nam, 90% người dùng đã từng tiếp xúc với lừa đảo trực tuyến và hơn 70% từng là nạn nhân. Ông Lưu Khang Anh – thành viên đoàn Luật sư Thành phố Hải Phòng cho biết, tùy vào mức độ, tính chất của hành vi lừa đảo việc làm trực tuyến qua mạng xã hội mà đối tượng sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ông Khang Anh cũng đưa ra lời khuyên: “Người dân cần cảnh giác trước các đối tượng tự nhận là làm việc cho các trung tâm, doanh nghiệp lớn, hứa hẹn thu nhập cao mà không đòi hỏi kinh nghiệm hay kỹ năng. Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng tài khoản ảo và sim rác để nhắn tin, gọi điện. Vì chỉ trao đổi với nhau qua mạng với nạn nhân, nên các thông tin liên hệ cũng như nhân thân về các đối tượng này rất mơ hồ, không xác thực”.

“Đặc biệt, khi phát hiện có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần nhanh chóng liên hệ với cơ quan Công an để trình báo kịp thời, có thể giúp hỗ trợ ngăn chặn hành vi lừa đảo”, ông Khang Anh nhấn mạnh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *