Chó mèo là vật nuôi quen thuộc và được nhiều người dân quý mến, nâng niu nhưng đây lại là nguồn lây nhiễm giun đũa chó mèo gây ra nhiều khổ sở, sợ hãi.
Tại buổi làm việc với Bộ Y tế chiều 10/5, TS Hoàng Đình Cảnh – Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết, thống kê tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương) cho thấy, chỉ riêng trong năm 2023, bệnh viện đã tiếp nhận thăm khám, điều trị cho 15.527 người nhiễm giun đũa chó mèo.
Nhiều người nhập viện trong tình trạng dị ứng, ngứa, nổi mẩn kéo dài, đi khám và điều trị da liễu khắp nơi nhưng không khỏi, cuối cùng đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ mới được phát hiện nhiễm giun đũa chó mèo.
Có người được chẩn đoán u, ung thư não, gan, phổi nhưng thực chất lại là ổ ấu trùng giun sán làm tổ trong gan, não…
Theo TS Cảnh, bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo là bệnh ký sinh trùng mới nổi trong những năm gần đây do thói quen nuôi thú cưng tăng lên ở giới trẻ.
Bệnh gây ra các tổn thương ở gan, ở não, ở lách, thận và gây ra hiện tượng miễn dịch dị ứng, ngứa, nổi mẩn kéo dài.
Mỗi năm có khoảng 20.000 người nhiễm bệnh ấu trùng giun đũa chó, mèo được phát hiện và điều trị ở tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc.
Để hạn chế nguy cơ nhiễm giun sán từ chó mèo, TS Cảnh khuyến cáo người dân nuôi thú cưng, cần tẩy sạch giun cho vật nuôi chó mèo định kỳ 3-6 tháng/lần.
Bên cạnh đó, không để phân chó mèo phát tán ra môi trường, bởi đây là nguồn chứa trứng giun đũa. Nếu vệ sinh không sạch sẽ, người nuôi rất dễ nhiễm trứng giun.
Người dân cũng cần ăn chín uống sôi, không ăn đồ sống, đồ tái chín để tránh bị nhiễm giun sán.
Trước đó, bác sĩ Trần Huy Thọ, Phó giám đốc Bệnh viện thường trực Đặng Văn Ngữ cũng đã thăm khám cho nhiều người bị ngứa 5-10 năm mà không tìm ra bệnh. Cuối cùng thủ phạm lại là ký sinh trùng giun sán lây nhiễm từ chính là vật nuôi mình ôm ấp, yêu quý.
Theo bác sĩ Thọ, ấu trùng giun móc chó, mèo tạo đường hầm và gây tổn thương trên da người. Đa phần, mọi người khi bị ngứa trong tiềm thức người bệnh thường nghĩ ngay tới các bệnh về da liễu và đi khám chuyên khoa da liễu, chuyên khoa dị ứng, miễn dịch nhưng điều trị bệnh không thuyên giảm.
Không chỉ nhiễm giun đũa, giun móc mà nhiễm sán dây, giun lươn, sán máng… từ chó mèo cũng gây ngứa rất nhiều.
Bác sĩ Thọ cho biết, ấu trùng giun sán chó mèo nằm trong phân và có thể lây nhiễm vào con người qua đường ăn uống. Không chỉ gia đình nuôi chó mèo mới có nguy cơ mắc bệnh mà ấu trùng giun sán chó mèo có thể bám vào thức ăn không được nấu chín, dính vào tay chân và nhiễm qua đường ăn uống.
Theo báo cáo của Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, hiện nay, một số bệnh ký sinh trùng có tỷ lệ nhiễm, lưu hành cao ở một số vùng.
Bệnh sán dây ấu trùng sán lợn gặp rải rác ở 60/63 tỉnh, thành phố, mỗi năm có khoảng 10.000-11.000 bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị trên toàn quốc. Bệnh gây ra các tổn thương và triệu chứng tại hệ thần kinh trung ương, tại mắt, cơ vân, cơ tim, gan thận.
Bệnh sán lá phổi đã giảm nhiều, mỗi năm có 20 trường hợp, bệnh gặp ở các tỉnh miền Bắc là chủ yếu.
Ngoài ra các bệnh ấu trùng giun đầu gai, bệnh giun lươn, giun xoắn, giun rồng, bệnh do nấm, đơn bào … ngày càng gặp nhiều gây ra các tổn thương tại gan, não, phổi, thận, đường tiêu hoá, gây ảnh hưởng cấp tính và lâu dài đến sức khỏe của người dân…
Nguyên nhân chủ yếu là do tập quán vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn rất kém làm tăng các nguy cơ lây nhiễm bệnh và làm hạn chế của các biện pháp phòng chống bệnh giun sán.