ĐỪNG QUÁ GIỎI MÀ HẠI LẤY CÁI THÂN

Cô bạn của tôi rất thông minh. Ý tôi là vậy.

“Cậu nên thử đọc sách của Shakespeare bằng tiếng Đức”, cô ấy từng nói với tôi điều này. “Nó thực sự thú vị đấy. Chắc chắn là cậu sẽ rất thích thú cho xem”.

ấy ngập ngừng.

“Thì là, cậu sẽ phải học tiếng Đức trước đã…”

Mấy chuyện tương tự như vầy thường khiến tôi cảm thấy khá khó chịu. Nhưng mà, cô bạn của tôi không hề cố ý khoe mẽ. Cô ấy chỉ là đang thể hiện ra bộ óc thông thái của bản thân thôi.

Đó là cô gái thông tuệ nhất tôi từng gặp gỡ. Cô ấy biết bốn thứ ngôn ngữ, không kể đến tiếng Anh hay tiếng Nhật mà cô học được khi sinh sống tại Tokyo. Với tất cả những điều này, bạn có thể băn khoăn rằng tại sao cô bạn của tôi phải mất gần 10 năm để bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, một khoảng thời gian nhiều hơn gấp đôi so với những người bạn khác cô ấy.

Như tôi đã nói với bạn rồi đó.

Cô ấy quá thông minh.

Người bạn của tôi không phải chiến đấu với những vấn đề thông thường.

Cô ấy không ghét công việc của mình. Cô ấy cũng chẳng phải kiểu người thích trì hoãn. Trong nhiều năm qua, cô ấy đã viết hàng trăm trang luận án.

Cô ấy thích dành toàn bộ thời gian, cả ngày lẫn đêm để ngồi trong thư viện.

Cô ấy không hề nhút nhát.

Cô ấy hết sức quyến rũ. Bạn có thể đi uống cà phê với cô bạn của tôi và sẽ có cảm tưởng rằng bản thân như trở thành một con người khác vậy.

Cô ấy khiến cho mọi người ở xung quanh mình trở nên thông minh hơn.

Cô ấy cũng không gặp bất kỳ vấn đề gì về sự tự tin hay chuyện hẹn hò. Và bằng cách nào đó, cô ấy có thể xoay xở cho cuộc sống một cách đầy đủ.

Và cuối cùng thì, cô gái đó đã tìm được một người đánh giá cao sự thông minh của mình và có mọi thứ mà cô yêu cầu.

Có điều, cô ấy đã không thể hoàn thành luận án.

Một số người quá giỏi giang có thể là một bất lợi.

Cô bạn của tôi không phải người duy nhất có tài năng xuất chúng nhưng lại phải mất một khoảng thời gian dài để thực hiện xong một điều gì.

Bạn có nhớ cuốn tiểu thuyết Cold Mountain (Núi Lạnh) của Charles Frazier chứ?

Nó đã làm nên lịch sử vào năm 1997 với 61 tuần nằm trong hạng mục sách bán chạy nhất của New York Times với 3 triệu bản.

Nhờ vào những thành công này, Frazier nhận được một hợp đồng trị giá 8 triệu đô cho cuốn sách thứ hai của mình, chẳng có gì hơn ngoài đề xuất dài một trang giấy. Và Cold Mountain đã càn quét lễ trao giải năm đó và bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết này tiếp tục trở thành bộ phim ăn khách giành được bảy đề cử giải Oscar.

Đôi khi, nó cần một sự can thiệp.

Có thể bạn không hay biết, Frazier đã phải dành gần một thập kỷ để viết ra Cold Mountain và không thể ngừng việc tiếp tục hoàn thiện nó.

Một trong những người bạn của ông đã lén đưa bản sao chép tay chưa hoàn chỉnh của cuốn tiểu thuyết này cho nhà đại diện xuất bản văn học – người đã ký hợp đồng với Frazier ngay tức khắc. Và đây là lý do duy nhất mà mọi người biết bất cứ điều gì về Charles Frazier. Thật khó có thể tưởng tượng rằng, ông ấy sẽ chỉnh sửa lại cuốn sách ấy thêm bao lâu nữa.

Frazier không thiếu sự tự tin.

Sẽ là dễ dàng khi nói Frazier không tự tin vào tác phẩm của mình hoặc ông ấy đã mắc hội chứng kẻ mạo danh.

ND: Hội chứng “kẻ mạo danh” (Impostor Syndrome) là một hội chứng tâm lý gặp ở những người luôn có mô thức nghi ngờ những thành quả mình đạt được. Mặc dù ở bên ngoài, họ có thể sở hữu những kỹ năng tốt, có những thành tích nhất định, thế nhưng ẩn sâu bên trong mình, họ luôn tồn tại một nỗi sợ rằng mình là một kẻ lừa đảo, lừa gạt người khác, là một kẻ kém cỏi và không xứng đáng có được thành công. (Nguồn: TâmLý.blog)

Tuy nhiên, những điều này chẳng thể giải thích được tất cả mọi thứ. Nếu Frazier thiếu sự tự tin, ông ấy đáng ra phải từ bỏ công việc với tư cách là một giáo viên dạy tiếng Anh để hoàn thành cuốn sách. Ông ấy hẳn đã phải có niềm tin vào tác phẩm của mình ở mức độ nào đó.

Vấn đề của Frazier nằm ở chỗ, ông ấy quá giỏi trong những thứ bản thân đã làm. Frazier yêu thích việc thực hiện nó quá đỗi. Đó là một vấn đề khá lạ lẫm để chúng ta suy ngẫm về, nhưng nó không hề hiếm hoi như bạn nghĩ. Tất cả chúng ta đều biết có một số người cũng gặp vấn đề tương tự. Và cũng có khả năng, bạn chính là người giống như tác giả của cuốn sách nổi tiếng trên. Nếu chẳng phải như vậy, thậm chí, còn có một tin tốt hơn cho bạn là: Hoàn toàn chẳng có lý do gì khiến chúng ta phải ghen tị cả.

Hiệu ứng Cold Mountain giải thích những gì chúng ta lầm tưởng là chủ nghĩa hoàn hảo.

Có thể, bạn đã từng nghe đến Dunning-Kruger, hiệu ứng lý giải tại sao những kẻ bất tài vô dụng lại cho rằng bản thân rất thông minh. Đó là nơi giúp chúng ta nhận ra rằng “kiến thức thì ít ỏi mà lại tỏ vẻ chuyên gia là một điều nguy hiểm”.

Cold Mountain giải thích điều ngược lại.

Một số người có thể biết rất nhiều thứ. Họ có thể quá tài năng. Họ có thể biến bất kỳ dự án nào trở thành một cuộc hành trình vĩ đại băng qua dãy Himalayas. Họ không hề mệt mỏi khi làm việc. Họ không muốn nhìn thấy sự kết thúc. Họ thậm chí không hoàn hảo. Nhưng có điều, họ yêu thích công việc của mình quá đỗi.

Hãy cẩn trọng với hiệu ứng Cold Mountain.

Bạn không muốn trở thành một người giống như Charles Frazier.

Nó là một câu chuyện thật hài hước. Hầu hết chúng ta chỉ nhìn vào sự nghiệp của Frazier với sự thán phục xen lẫn chút ghen tị. Cơ hồ, đây mới chính là vấn đề. Có lẽ, bạn sẽ chẳng bao giờ có người bạn nào lại tiến hành một hành động bí mật để tiết lộ dự án chưa được hoàn thành của bạn với người đại diện xuất bản văn học hay các nhà đầu tư thiên thần nào đó. Chúng ta phải tự thân vận động.

Giống như Charles Frazier, có hàng trăm người tài năng xuất chúng chưa từng học được cách làm sao để hoàn thành được công việc của mình. Họ không bao giờ biết rằng khi nào phải nói “Như vậy là đủ tốt rồi”.

Họ chờ đợi một ai khác sẽ nói điều này với họ.

Bạn phải leo xuống từ Cold Mountain.

Bất kỳ ai cũng có thể mắc kẹt ở trên Cold Mountain. Chúng ta có thể biến những mục tiêu của mình thành một cuộc hành trình leo núi bất tận. Và câu hỏi đặt ra là, tại sao lại như vậy?

Con người hoàn toàn có khả năng thực hiện được những gì mình mong muốn. Thậm chí, chúng ta có thể hoàn thành nó. Chúng ta có thể kết thúc việc lên dốc. Tuy nhiên, chúng ta lại từ chối cắm một lá cờ báo hiệu lên trên. Chúng ta vẫn chỉ ở ngay dưới đỉnh núi vì không muốn leo xuống dưới.

Nó sẽ khiến bạn cảm thấy ổn vì bản thân đã đến gần hơn với những mục tiêu.

Cảm giác gần như hoàn thành mọi thứ tốt hơn so với thành quả đạt được. Bạn nhìn thấy đỉnh núi. Thay vì cố gắng thúc đẩy phương hướng của bản thân với đến vị trí đó, chúng ta lại lưỡng lự.

Những người tài năng sợ thành công hơn thất bại.

Gần như không một ai lo sợ việc thất bại nữa. Chúng ta đã thấy đủ những quảng cáo như vậy rồi. Chúng ta đã đọc đủ những bài báo về điều này.

Thất bại chỉ là những tin tức cũ.

Thành công, đó mới là phần thực sự đáng sợ. Hầu hết chúng ta không có tư tưởng ban đầu về những gì cần phải làm khi đạt được thứ gì đó.

Hoàn thành những mục tiêu thường không mang lại cảm giác hưng phấn mà con người mong đợi. Nếu thứ cảm giác phấn khích đó xuất hiện, nó chẳng bao giờ kéo dài được bao lâu. Nó sẽ tạo ra nhiều áp lực và những kỳ vọng hơn nữa. Sau sự thành công phi thường, một số người thậm chí còn bị nhấn chìm vào vực thẳm của sự đình trệ. Họ bắt đầu lạm dụng ma túy và rượu. Họ không biết phải làm thêm gì khác với chính mình. Họ đeo đuổi những đỉnh cao mà bản thân nghĩ rằng một sự thành công to lớn sẽ đến.

Không có lý do gì để sợ hãi sự thành công to lớn.

Cứ vài tháng, bạn lại thấy một câu chuyện về mấy ông tướng bán công ty với giá hàng tỷ đô. Và rồi sau đó, anh ta rơi vào một cuộc khủng hoang hiện sinh thay vì tận hưởng điều đó. Chúng ta ắt cũng từng thấy những câu chuyện tương tự với tất cả mọi người, từ các nhà văn nổi tiếng đến những vận động viên và nhạc sĩ đẳng cấp thế giới. Kiếp số ấy làm cho những người tài năng xuất chúng sợ hãi hơn tất thảy, ngay cả khi họ không hay biết về nó.

Nhưng bạn không nên sợ hãi điều này.

Tỷ lệ chúng ta tận hưởng sự thành công vang dội là rất nhỏ và nó không đáng để lo lắng. Có nhiều khả năng bạn sẽ phải dành cả đời mà chẳng bao giờ đạt được những mục tiêu lớn đầu tiên của mình, mặc dù bản thân có thể.

Không có lý do gì để sợ một cú ngã uỵch.

Những người tài xuất chúng sợ một thứ thậm chí còn hơn cả việc thành công vang dội gây nhiều áp lực hơn lên họ.

Họ sợ một cú ngã uỵch.

Đó không phải là sự thất bại. Một cú ngã uỵch là việc thành công nhưng lại không đáp ứng được những kỳ vọng của bản thân theo bất kỳ thước đo đánh giá nào. Nó không mang lại sự đỉnh cao. Nó không mang lại tiền tài hay sự chú ý mà họ khao khát.

Khi ai đó uỵch ngã, những cuốn sách, những album hay công ty mới thành lập của họ vẫn hoạt động khá tốt. Những người tài năng xuất chúng cũng sợ hãi điều này. Họ nghĩ rằng nếu mình đắm chìm với một lượng thời gian và năng lượng khổng lồ mà không được đền đáp bằng việc nghỉ hưu sớm hay nhận một giải thưởng danh giá thì sau đó, cuộc sống của họ sẽ kết thúc và họ sẽ không bao giờ làm được bất kỳ điều gì nữa.

Điều này hoàn toàn sai lầm.

Bạn không thể sống ở trên đỉnh của Cold Mountain.

Khi hoàn thành một việc, chúng ta phải bắt tay vào để thực hiện những thứ khác. Hoặc là, bạn sẽ nghỉ ngơi và tìm ra hướng đi tiếp theo là gì.

Điều này lại này phần khó khăn nhất đối với những người thông minh và tài năng. Họ không nôn nao chạy theo những thành tựu. Họ bị đánh gục bởi việc tự so sánh bản thân với khả năng vốn có của bản thân. Họ cố gắng bứt phá chính mình.

Và hãy nghĩ về nó theo cách này:

Họ cố gắng viết Cold Mountain, hết lần này đến lần khác.

Giải pháp chính là hãy ngừng lo âu quá nhiều.

Những nghệ sĩ và người sáng tạo nội dung hài lòng và ổn định về mặt cảm xúc nhất không phải mất nhiều năm để đổ mồ hôi cho một tác phẩm, ngay cả khi họ giả bộ rằng, đó là điều bản thân không muốn làm.

Sau Cold Mountain, Charles Frazier tiếp tục xuất bản thêm ba cuốn sách. Và không một tác phẩm nào trong số đó xuất sắc bằng cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông. Thậm chí, bạn có thể nói rằng, chúng đã không đạt được thành công như trước nữa.

Điều quan trọng là, ông ấy đã học được cách làm thế nào để ngưng tác phẩm tại đây và chẳng phải dựa vào việc ai đó đánh cắp tác phẩm của mình.

Đừng quá tài giỏi mà hại lấy cái thân.

Cuối cùng, cô bạn của tôi cũng chấp nhập luận án của mình. Cô ấy bảo vệ nó vài năm trước, khi mà hầu hết bạn bè của cô đã hoàn thành xong và kiếm được những công việc nghiên cứu học thuật trong biên chế mà cô ấy thừa khả năng đạt được.

Cô ấy đã viết hàng ngàn trang luận án và hàng trăm chú thích. Giờ thì, cô ấy đã kết hôn và sinh được một bé cùng với công việc ổn định. Sự thông minh và tài năng vẫn gây bất lợi nhưng cô ấy đã không cho phép chúng cản bước mình thêm lần nữa.

Và chúng ta cũng nên như vậy.

Khi bạn là một người cực kỳ thông minh và tài giỏi, bạn cũng sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến riêng biệt. Và hãy cho phép bản thân được dừng lại khi công việc đó dường như là ổn thỏa.

Bởi lẽ, phiên bản ổn đó của bạn cũng có thể làm nên điều đáng kinh ngạc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *