Người Trung Quốc nghĩ gì về các chu kỳ thống nhất và chia cắt liên tục?

Trung Quốc nổi tiếng với các chu kỳ thống nhất tạo thành các đế chế mạnh mẽ, mà theo sau là chia rẽ và nội chiến. Nhưng liệu những thần dân của các quốc gia cát cứ thời đó có coi đó là một “cuộc nội chiến” hay là một cuộc chiến giữa các quốc gia độc lập không? Liệu họ có kì vọng rằng Trung hoa sẽ thống nhất trở lại vào 1 lúc nào đó không?


Câu trả lời ngắn gọn là: “còn tùy :)))))”
Ngoại trừ các xương bói (Giáp cốt) của nhà Thương, và các bản khắc đồng của nhà Chu, các văn bản sớm nhất chúng ta có (của Khổng Tử và những tác giả kinh điển) đều đến từ thời Xuân Thu và Chiến Quốc. Từ các văn bản này, chúng ta có thể thấy rằng người dân đã có khái niệm về ‘người ngoài’ và ‘người bản xứ’, dưới hình thức ‘khách’ (客人) và ‘chủ’ (主人). Tuy nhiên, cùng lúc đó, với một kho tàng sách vở phong phú của nhà Chu, những “người ngoài” – những người sống ở phần rìa của nên văn minh Hoa hạ, có thể thể hiện sự gắn kết văn hóa với nhà Chu khi điều đó có lợi cho họ. Ví dụ, “Kế sách của các quốc gia thời Chiến Quốc” (戰國策) ghi lại giai thoại sau:
Ngày xưa có một người đàn ông từ nước Ôn di cư đến Chu, nhưng không cho được phép vào. Họ hỏi ông, “Ông là người nước ngoài à (nghĩa đen là khách)?”. Ông trả lời, “Không, tôi là người bản xứ (nghĩa đen là chủ nhà)”. Sau đó, họ hỏi ông sống ở ngõ nào, nhưng ông dường như không biết. Vì thế, một viên chức đã đưa ông đến nhà giam. Vua sai người đến hỏi ông: “Tại sao ông lại tự xưng là người bản xứ khi thực tế ông là người nước ngoài?” Người đàn ông đáp: “Khi tôi còn trẻ và học Kinh Thi, tôi đã đọc những câu thơ sau trong đó: ‘Mọi vùng đất dưới thiên hạ là đất của vua. Mọi người trên thiên hạ đều là tôi tớ của vua’ Vì ngày nay nha Chu cai trị toàn thiên hạ, và tôi là tôi tớ của Thiên tử, làm sao tôi có thể được coi là người ngoại quốc? Đó là lý do tôi nói rằng tôi là người bản xứ” Sau đó, vua nha Chu đã ra lệnh cho viên chức thả người đàn ông đó ra.
Trong thời kỳ Xuân Thu và Chiến Quốc, sự gần gũi về văn hóa với nhà Chu được dùng làm cái cớ để các chư hầu phát động chiến tranh lẫn nhau. Ví dụ, chính trị gia kiêm thi sĩ Khuất Nguyên (340–278 TCN), từ nước Sở ở phía nam – tuy mạnh mẽ nhưng tham nhũng – đã nổi tiếng tự vẫn bằng cách nhảy xuống sông Mịch La sau khi biết rằng thủ đô của mình đã bị chiếm bởi quân đội của nước Tần, nơi thường bị cáo buộc bị ảnh hưởng quá mức bởi các nền văn hóa ‘man di’ của các bộ tộc Nhung 戎 ở phía tây và các bộ tộc Di 狄翟 ở phía bắc.
Sử gia Tư Mã Thiên (145–86 TCN) đã đề cập đến điều này khi bàn về thành công bất ngờ của Tần trong việc chinh phục các chư hầu khác của nhà Đông Chu:
Ban đầu Tần là một quốc gia nhỏ và xa xôi, tất cả các nước khác đều xa lánh nó, coi nó như Nhung và Di [“man di”]; [chỉ] sau thời Tần Hiến công (384–362), nó mới trở nên hùng mạnh và tranh bá với các nưóc khác. Xét về đức hạnh và chính nghĩa, nhà Tần bạo lực và tàn ác hơn cả nước Lỗ 魯 và Vệ 衛. Xét về quân đội, chúng không mạnh bằng quân đội của ba nước Tấn ( Vị 魏, Hàn 韓 và Triệu 趙), nhưng cuối cùng [Tần] mới chinh phạt được thiên hạ. Điều này không chỉ do lợi thế của núi non hiểm trở và vị trí địa lý chiến lược của Tần. Thật vậy, [Tần] đã được ông Trời phù hộ
Sau khi Nhà Tần thành lập vào năm 220 TCN, khái niệm về 1 chu kỳ “tan và hợp” liên tục của Trung hoa bắt đầu xuất hiện. Điều này được trình bày rõ ràng nhất trong câu đầu tiên của “Tam Quốc Diễn Nghĩa” 三國演義:
“Phàm thế cuộc trong thiên hạ, chia rồi lại hợp, hợp rồi lại chia” 話說天下大勢,分久必合,合久必分。
Cuốn tiểu thuyết này, được soạn cuối thời nhà Nguyên đến đầu thời Minh (~1315 – ~1400 CN), là một phiên bản kể lại 120 chương của “Lịch Sử Tam Quốc” 三國志, được biên soạn bởi Trần Thọ (233–297 CN).
“Tam Quốc” xoay quanh sự sụp đổ của triều đại Hán 漢 (202 TCN – 220 CN) và sự thành lập sau đấy của triều đại Tấn 晉 (266–420 CN) sau cuộc loạn Khăn Vàng vào các năm 184-205 CN, một cuộc nổi loạn của nông dân liên quan đến các hội kín Đạo giáo. Không giống như các thời kỳ Xuân Thu và Chiến Quốc, các nhà văn trong thời kỳ hậu Tần ngày càng đưa ra các bàn luận về nhà nước dưới góc độ thống nhất và phân chia triều đại dưới một hoàng đế duy nhất. Ngược lại, dưới hệ thống phong kiến của Chu, các nhà văn nhấn mạnh đến giá trị tương đối của một vị vua của một vương quốc nhất định, căn cứ vào mức độ gần gũi về mặt văn hóa với nền văn minh Hoa Hạ mà người ta cảm nhận về vị vua đó.
Về cách mọi người nhận diện các xung đột cụ thể giữa các quốc gia hoặc bên trong một quốc gia, (giống như mọi người ngày nay) phần lớn phụ thuộc vào những gì họ có thể được hoặc mất từ xung đột đó. Như đã thấy ở trên, một người cố gắng di cư từ một quốc gia này sang quốc gia khác có thể đã nhấn mạnh ‘tính Trung Hoa’ của mình, trong khi một người như Khuất Nguyễn, người đã phục vụ một nhà nước đang sụp đổ, sẽ luôn coi mình là 1 người “nước Sở”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *