ĐIỀU GÌ NGƯỜI MỸ KHÔNG HỀ HIỂU VỀ NGƯỜI CHÂU ÂU?
A: Spencer Alexander McDaniel
#155 #quora
Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi muốn làm rõ một số điều như sau. Thật ra, tôi vẫn chưa bao giờ đến Châu Âu. Tôi đã từng có kế hoạch thực hiện một chuyến du học kéo dài một tháng ở Hy Lạp vào mùa hè này, nhưng thật không may, nó đã bị hủy do COVID-19. Vì đại dịch này có thể sẽ tiếp diễn trong nhiều năm, nên tôi vẫn chưa biết khi nào mình mới có cơ hội được đến thăm Châu Âu.
Tất cả những điều tôi nói ở đây đều dựa trên những gì tôi đã đọc được trong sách báo được viết bởi người Châu Âu, những gì tôi đã học được khi nói chuyện với người Châu Âu ở Hoa Kỳ cùng với những điều tôi đã tự mình quan sát được.
Bài viết này không có ý định chê bai tất cả người Mỹ. Vì dù sao đi nữa tôi cũng là người Mỹ. Qua câu trả lời này, tôi hi vọng có thể khuyến khích mọi người giao tiếp, giúp nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau.
Lịch sử
Hầu hết người dân Mỹ chả biết gì về lịch sử Châu Âu. Điều này chủ yếu là do hệ thống giáo dục phần lớn chỉ dạy về lịch sử Hoa Kỳ, thế nhưng rất nhiều học sinh lại còn chẳng hề tập trung. Khi tôi còn đi học, chúng tôi thậm chí còn chẳng bao giờ nói về người Hy Lạp hay La Mã cổ đại trong lớp lịch sử mãi đến khi tôi học lớp chín.
Và không chỉ riêng lịch sử Châu Âu, mà là lịch sử của toàn nhân loại trước năm 1492, cùng với tất cả những giai đoạn sau này mà không có sự góp mặt của Hoa Kỳ. Đối với hầu hết người Mỹ, thế kỷ 19 có vẻ như đã lâu lắm rồi.
Có một câu đùa như thế này: “Sự khác biệt giữa một người Mỹ và một người Châu Âu đó là người Châu Âu thì nghĩ hai trăm dặm rất xa, còn người Mỹ thì nghĩ hai trăm năm rất lâu.” Câu này thì nghe có vẻ đơn giản hóa, nhưng nó đã cho ta thấy một ý quan trọng, đó là hầu hết người Mỹ thường không biết nhiều về các sự kiện xảy ra trước năm 1492.
Tôi nhấn mạnh rằng vẫn tồn tại lịch sử Hoa Kỳ từ trước năm 1492. Vấn đề chính là hệ thống giáo dục Hoa Kỳ chẳng hề đề cập đến phần lịch sử đó, một phần vì các nguồn tư liệu khá hạn chế và một phần vì người Mỹ da trắng thường không thích nghĩ đến các nền văn hóa đa dạng phát triển rực rỡ tồn tại nơi đây trước khi họ đến. Do đó, lịch sử Hoa Kỳ thời tiền Columbus thường chỉ bị coi như là một khúc dạo đầu cho “lịch sử Hoa Kỳ thực sự” (tức là lịch sử của người da trắng).
Chủng tộc
Người Mỹ và người Châu Âu có xu hướng nghĩ về chủng tộc theo hai cách khác nhau. Người Châu Âu thường nghĩ về chủng tộc liên quan đến quốc tịch. Người Mỹ, mặt khác, thường có xu hướng nghĩ về chủng tộc theo màu da.
Do đó, khi người Châu Âu nói lục địa già vô cùng phong phú và đa dạng bởi vì nơi đây có rất nhiều quốc tịch, ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Ví dụ, ở bán đảo Balkan, có người Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Albani, Serb, Bulgari, Bắc Macedonia, Croatia, Romania, Goth, Bosnia, Herzegovina, Arvanites, Do Thái, v.v. Mối quan hệ giữa các nhóm người này rất phức tạp, nhưng người Mỹ chỉ xem tất cả họ là người da trắng. (Lưu ý rằng cũng có một số chủng tộc ở bán đảo Balkan mà người Mỹ không xem là người da trắng, ví dụ như người Romani)
Đã từng có lúc người Mỹ nghĩ về chủng tộc giống như người Châu Âu, nhưng, sau hơn hai trăm năm, người da trắng ở Hoa Kỳ đã dần dần từ bỏ nguồn gốc Châu Âu của họ và mang lên mình một bản sắc chủng tộc mới là “người da trắng”. Trong khi đó, hầu hết những người da đen ở Hoa Kỳ đã bị buộc phải cắt đứt nguồn cội Châu Phi của mình, chỉ còn màu da là bản sắc chủng tộc duy nhất còn sót lại.
Lối suy nghĩ cũ vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Vẫn còn nhiều người Mỹ xem mình là “người Ireland”, “người Đức” hay “người Ý”, thế nhưng họ thường là đã tách khỏi quốc tịch của tổ tiên, và có xu hướng nghĩ mình là “người da trắng” trước rồi mới đến “người Ireland” hay “người Đức”.
Ngôn ngữ
Phần lớn người Mỹ chỉ nói một ngôn ngữ: tiếng Anh. Điều này là do họ chưa bao giờ cần phải học bất kỳ ngôn ngữ nào khác. Ở Hoa Kỳ, việc có thể nói được một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh được coi là một khả năng ấn tượng và hiếm có.
Mặt khác, hầu hết người Châu Âu đều nói ít nhất hai ngôn ngữ, và thường là nhiều hơn thế. Lý do vì sao họ có thể nói nhiều ngôn ngữ không phải vì họ thông minh hơn người Mỹ, mà do đó là một điều cần thiết. Bởi có rất nhiều ngôn ngữ khác nhau được sử dụng trên khắp Châu Âu.
Tôn giáo
Đại đa số người dân ở Mỹ theo tôn giáo. Khoảng một phần ba dân số cực kì sùng đạo. Chính phủ Hoa Kỳ, mặt khác, được cho là hoàn toàn thế tục. Tu chính án thứ nhất Hiến pháp Hoa Kỳ nêu rõ: “Quốc hội không được làm luật liên quan đến bất cứ tôn giáo nào, hoặc ngăn cản sự tự do tín ngưỡng”. Tức là Hiến pháp cấm Quốc hội thiết lập bất kỳ quốc giáo nào. (Tu chính án này hẳn không hề được tuân thủ bởi tôn giáo chắc chắn mang tầm ảnh hưởng không chính thức rất lớn đối với chính trị Hoa Kỳ, nhưng, về mặt lý thuyết, chính phủ được coi là thế tục)
Ở hầu hết các quốc gia Châu Âu, mọi thứ đều hoàn toàn ngược lại. Phần lớn người dân không theo tôn giáo, nhưng chính phủ lại gắn liền với tôn giáo. Nước nào cũng có nhà thờ quốc gia (national church) được hỗ trợ bởi nhà nước. Chẳng hạn, Anh Quốc có Nhà thờ Anh, Na Uy có Nhà thờ Na Uy, Hy Lạp có Nhà thờ Chính thống, v.v.
Một điều khiến nhiều người Mỹ cảm thấy khó hiểu rằng, theo một cuộc thăm dò vào năm 2015, có khoảng 40% người dân Anh thậm chí không tin rằng Chúa Giêsu là một nhân vật lịch sử. Tuy nhiên, ở Anh, không hề có sự tách biệt giữa nhà thờ và chính phủ, thậm chí có một số giám mục tự động có được các vị trí trong Thượng Nghị Viện Anh.
Hơn nữa, những người sùng đạo nhất ở Hoa Kỳ thường là những người theo đạo Tin lành. Họ cho rằng Kinh Thánh là những lời tối cao của Thiên Chúa, rằng Kinh Thánh là nguồn thông tin duy nhất hoàn toàn đáng tin cậy, và bất cứ điều gì đi ngược lại với Kinh Thánh là sai trái.
Khoảng một phần ba dân số Hoa Kỳ hoàn toàn bác bỏ thuyết tiến hóa bởi vì họ cho rằng nó đi ngược lại với Kinh Thánh. Người Mỹ hẳn sẽ bất ngờ khi biết rằng phần lớn Kitô hữu thực sự tin vào một phần của thuyết tiến hóa.
Người Châu Âu nghĩ gì về người Mỹ
Từ nhỏ đến lớn, tôi được dạy ở trường rằng Hoa Kỳ là quốc gia tự do duy nhất, là quốc gia vĩ đại nhất từng tồn tại, các quốc gia khác vô cùng ghen tị với Hoa Kỳ và tất cả mọi người trên thế giới đều mong ước được sống ở Hoa Kỳ. Và theo tôi được biết, hầu hết mọi đứa trẻ ở đất nước này đều được dạy điều tương tự.
Mặc dù kiểu truyền bá này nghe có vẻ buồn cười đối với nhiều người ở những quốc gia khác, tôi đã rất tin vào điều đó trong suốt nhiều năm. Nhiều người trưởng thành ở Mỹ vẫn tin những điều này, như minh chứng cho chủ đề của bài viết gần đây nhất của tôi.
Do đó, nhiều người Mỹ hẳn sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi biết rằng hầu hết người Châu Âu chẳng hề khát khao được đến Hoa Kỳ và họ cũng chả xem Hoa Kỳ là quốc gia vĩ đại nhất từng tồn tại. Một điều đáng ngạc nhiên hơn nữa đó là nhiều người Châu Âu thực sự cho rằng Hoa Kỳ là một quốc gia đáng ghét và hiếu chiến.
Ảnh: Columbus đặt chân đến Châu Mỹ vào ngày 12 tháng 10 năm 1492, tranh được vẽ bởi họa sĩ tân cổ điển người Mỹ John Vanderlyn vào năm 1847.
Source: https://qr.ae/pNKyIY