dieu-it-biet-tai-trung-tam-mo-phong-y-khoa-hang-dau-viet-nam

Điều ít biết tại Trung tâm Mô phỏng Y khoa hàng đầu Việt Nam

Từng thao tác, lời nói, ánh mắt… sẽ được phân tích, sửa từ “đầu” giúp mang lại kỹ năng, kiến thức và cả sự thấu cảm của người làm ngành y.

“Sửa “đầu” chứ không chỉ sửa tay”

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long – Giám đốc Chương trình Điều dưỡng, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng Y khoa (SIM) – cho biết triết lý hoạt động của SIM trước hết phải là “thật”, từ cơ sở vật chất, thao tác đến cảm xúc của người học.

Chẳng hạn, một ca học xử trí sốc phản vệ sau khi dùng thuốc cho bệnh nhân diễn ra tại phòng cấp cứu mô phỏng sẽ có mô hình thông minh nằm trên giường, trang thiết bị cấp cứu như tại bệnh viện. Tùy mục đích đào tạo mà có thể có một hoặc một nhóm sinh viên sẽ được giao nhiệm vụ xử lý cấp cứu. Tất cả phải ở trong phòng, thực sự đương đầu với tình huống nguy nan của người bệnh.

Giảng viên ở trong phòng bên cạnh, tách biệt với người học bằng gương một chiều, điều chỉnh tần số tim, huyết áp và các phản ứng của mô hình để tạo nên các tình huống như một ca cấp cứu thực tế. Có lúc bệnh nhân đáp ứng, bình phục nhưng cũng có lúc tình hình diễn biến xấu, đòi hỏi học viên phải xử lý phù hợp. Khi làm sai, giảng viên có thể để mô hình “chết” và người học sẽ hiểu rằng nếu ở bệnh viện thì họ đã không thể cứu sống được một người bệnh…

Điều ít biết tại Trung tâm Mô phỏng Y khoa hàng đầu Việt Nam- Ảnh 1.

Cơ sở hiện đại của Trung tâm Mô phỏng Y khoa VinUni.

Để trải nghiệm đào tạo y khoa không khác gì ngoài đời thực, theo ông Nguyễn Hoàng Việt – Trưởng phòng Vận hành trường Đại học VinUni, SIM mô phỏng một bệnh viện thực tế với trang thiết bị tân tiến nhất: 4 phòng thực hành kỹ năng, 1 phòng cấp cứu, 6 phòng mổ/Hồi sức tích cực, 4 phòng Nội trú, 1 mô phỏng căn hộ, 10 OSCE (phòng thi thực hành kỹ năng lâm sàng), 2 phòng thực tế ảo (VR/AR), 2 quầy điều dưỡng, 1 phòng pha thuốc, 8 phòng học lý thuyết, 1 phòng điều khiển trung tâm. Những trang bị này cho phép SIM đào tạo đa dạng, từ kỹ thuật y khoa/điều dưỡng, tới kỹ năng giao tiếp, tình huống cấp cứu người bệnh theo nhóm, chăm sóc người bệnh tại nhà, hay thậm chí là điều phối luồng bệnh nhân ra vào phòng khám.

“Tôi đã được tham quan nhiều trung tâm đào tạo tiền lâm sàng, cơ sở vật chất thực sự ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đào tạo. Ví dụ nếu giảng viên chỉ được trang bị một mô hình cánh tay dạy sinh viên cả về kỹ thuật tiêm lẫn giao tiếp và thái độ cho người học thì cảm giác sẽ bị hạn chế. Ở SIM, học viên sẽ cảm giác giống như một bệnh viện thật, người bệnh thật. Tính thật là điều cốt lõi trong đào tạo mô phỏng vì nó giúp người học thực sự trải qua những điều chân thực, qua đó học và nhớ được nhiều hơn”, ông Việt nói.

Điều ít biết tại Trung tâm Mô phỏng Y khoa hàng đầu Việt Nam- Ảnh 2.

Giảng viên cùng sinh viên theo dõi hoạt động thực hành khám chữa bệnh tại SIM.

Một điều khá đặc biệt là toàn bộ quá trình học viên thực hành liên tục được ghi lại bởi hệ thống camera bố trí dày đặc trên trần nhà. Theo đó, giảng viên có thể quan sát mọi thao tác của học viên từ nhiều góc độ. Trung tâm còn sử dụng hệ thống Simboost – hệ thống duy nhất tại Việt Nam cho phép ghi hình mọi thao tác của học viên theo thời gian thực và lưu trữ trên cloud. Cùng với đó là thiết bị mic vô hướng trên trần nhà để ghi lại âm thanh một cách chân thực nhất. Học viên không phải đeo mic cài áo bất tiện và cho cảm giác đang phải diễn.

Sau bước thực hành, tất cả học viên sẽ được quay lại phòng học chung. Học viên có cơ hội được xem lại phần thực hành của chính mình, tự nhận xét và rút kinh nghiệm dưới sự hướng dẫn của giảng viên.

Từ những hình ảnh được ghi lại đủ mọi góc, giảng viên và học viên cùng thảo luận tình huống dựa trên video, từ đó hoàn thiện kỹ năng cho học viên cũng như các bạn cùng khóa.

“Trải nghiệm với mô hình là điều ở trung tâm mô phỏng nào cũng có nhưng cốt lõi là người học phải được ngồi lại soi xét lại từng cử chỉ, hành vi. Tại SIM, các giảng viên rất chú trọng bước phân tích, nhìn lại và rút ra bài học. Giảng viên có cách tiếp cận mà tôi cho là đơn nhất tại Việt Nam để đào sâu tư duy của học viên, tìm ra lý do tại sao họ có thao tác đó, hành động đó, lời nói, ánh mắt đó… Giảng viên tập trung sửa hành vi từ gốc, tức là sửa “đầu” chứ không phải chỉ sửa tay”, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long chia sẻ.

Điều ít biết tại Trung tâm Mô phỏng Y khoa hàng đầu Việt Nam- Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long trong một giờ lên lớp tại VinUni.

Chính những điều đó tạo nên sự khác biệt và thế mạnh tại SIM là đào tạo toàn diện bao gồm kỹ năng, kiến thức và thái độ thực hành.

Đặc biệt, tại SIM, thay vì chỉ để học viên trải nghiệm trên “đường bằng”, giảng viên sẽ gài vào những tình huống phát sinh, thậm chí là “đánh lừa” học viên để nếu học viên không chú tâm, họ sẽ phạm sai. Chẳng hạn, giảng viên xoay mô hình để học viên dễ dàng truyền vào tay liệt của bệnh nhân, dù đã được học là cần tránh bên liệt khi cắm đường truyền, hoặc cho diễn viên đóng vai người nhà bệnh nhân khóc lóc ở cửa khi bác sĩ đang dốc sức cấp cứu trong phòng.

“Nếu không dạy, học viên ra ngoài sẽ phạm lỗi. Ở đây, chúng tôi liên tục “bẫy” để họ học được những bài học nhớ đời. Sai trên mô hình có thể sửa. Còn nếu sai trên bệnh nhân thật, cái giá phải trả vô cùng đắt”, PGS.TS Long nói về triết lý “gài bẫy” mà mình tâm đắc. Ông cho rằng đây là triết lý nhân văn mà SIM theo đuổi, từ đó giúp học viên trang bị được những bài học, kỹ năng và bản lĩnh rất vững chắc để sau này hành nghề.

Điều ít biết tại Trung tâm Mô phỏng Y khoa hàng đầu Việt Nam- Ảnh 4.

Chú trọng sự thấu cảm trong y tế.

Trung tâm Mô phỏng (SIM) hiện không chỉ đào tạo cho sinh viên, mà còn mở rộng với nhân viên y tế từ hệ thống Vinmec khắp cả nước và các bệnh viện, trường học. Trưởng phòng Vận hành VinUni Nguyễn Hoàng Việt cho biết một mảng rất quan trọng khác đang được chú trọng là kỹ năng giao tiếp.

“Chúng tôi đã đào tạo cho Vinmec đội ngũ chăm sóc khách hàng, thu ngân từ các tình huống đơn giản, thường gặp ví dụ như nhầm tiền của khách, khách cáu giận, sai thông tin… Ngoài ra còn là những tình huống vô cùng phức tạp như đào tạo cho bác sĩ ung bướu trong trường hợp đưa tin xấu như thông báo cho người mẹ về thông tin con bị ung thư máu. Chúng tôi có các bước chuẩn để làm sao người bệnh tiếp nhận những thông tin đó đỡ đau đớn nhất”, ông Việt cho hay.

Nói thêm về điều này, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long chia sẻ: “Cách chúng tôi làm là đập bỏ tư duy cũ của người giao tiếp. Nhiều bác sĩ lâu năm họ phản ứng rằng tôi làm cả 30 năm nay rồi, ngày nào tôi chả báo 2-3 cái tin ung thư, sao lại bắt tôi học. Nhưng khi được đưa vào các tình huống như thế, họ được trải nghiệm, được tự suy ngẫm và thay đổi cách ứng xử, thậm chí quay trở lại thành người chia sẻ các quy trình đó tới đồng nghiệp”, ông nhìn nhận.

Điều ít biết tại Trung tâm Mô phỏng Y khoa hàng đầu Việt Nam- Ảnh 5.

Để phục vụ đào tạo, SIM có đội ngũ diễn viên được đào tạo về diễn xuất phù hợp các tình huống mô phỏng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Việt, hệ thống y tế hiện nay đang phát triển rất nhanh. Một trong các điểm yếu và bất cập của y tế Việt Nam hiện nay là vấn đề giao tiếp giữa nhân viên y tế với người bệnh. Giao tiếp tốt là phương tiện cốt yếu để xây dựng mối quan hệ chuyên nghiệp và sẻ chia sự thấu cảm với người bệnh. Ông mong muốn nhân rộng mô hình đào tạo kỹ năng giao tiếp để cải thiện chất lượng về giao tiếp trong hệ thống y tế nói chung.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *