Nếu bạn muốn có một cây cảnh thân thiện và thú vị, không cần mất công chăm sóc thì hãy xem xét đến cây hành leo này.
Đặc điểm của cây cảnh hành leo
Hành leo hay còn gọi là hành biển, có tên gọi tiếng Anh là Climbing Sea Onion, Climbing Onion, Sea Onion, Zulu Potato, Climbing Potato (nghĩa là hành biển leo, hành leo, hành biển, khoai tây leo), tên khoa học là Bowiea volubilis.
Mặc dù cây cảnh này có tên gọi “hành” và có hình dáng như củ hành tây nhưng lại không liên quan gì đến hành tây. Hành leo là thành viên của gia đình hoa huệ Asparagaceae và cũng được coi là 1 loài cây mọng nước.
Cây cảnh mảnh khảnh này lại có sức sống mãnh liệt, là cây nhiệt đới lâu năm, thân mềm. Cây hành leo phát triển từ 1 “củ hành” xanh khoảng 20-25cm nếu ở ngoài tự nhiên và khoảng 10cm nếu ở trong chậu.
Thân củ của nó gần như nhô lên trên mặt đất, chỉ có khoảng 10% được vùi trong đất. Thân cây mảnh khảnh phát triển từ củ, thân leo xanh mướt và có tốc độ leo của cây tóc tiên (cây hoa sao) hay cây măng tây nhưng mềm hơn, có thể dài đến 2,5m và không có lá.
Cây cảnh này là dây leo phát triển nhanh, xoắn lại, lan man. Nó có sức sống mạnh mẽ và độ quyết tâm cao độ, có thể leo lên bất cứ vật gì chúng tìm thấy trên đường đi. Khi cây trưởng thành, các nhanh cây xanh non ken dày đặc, nhìn rất lạ mắt.
Dọc theo thân cây xuất hiện nhiều bông hoa màu vàng lục và trắng, tạo thành những ngôi sao 6 cánh tinh tế nhìn như hoa măng tây. Hoa nở từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm ở nơi ấm áp sẽ nở được 2 lần.
Hoa chỉ được sản xuất trong điều kiện nắng vừa đến đầy đủ, tuy nhiên hoa có mùi khá khó chịu. Khi cây cảnh đi vào trạng thái ngủ đông, chỉ còn lại một củ đặc biệt to màu xanh nằm lăn lông lốc trong chậu.
Khi trời ấm áp, cây lại bắt đầu mọc dây leo trở lại. Bạn có thể trồng cây cảnh rất lạ này ở nhà để ngắm, khá thú vị. Cây cảnh này chưa được bán rộng rãi ở các cửa hàng cây cảnh nhưng bạn có thể tìm ua chúng trên mạng xã hội.
Cách chăm sóc cây cảnh hành leo
Trong việc trồng và chăm sóc cây cảnh hành leo hiếm khi gặp phải vấn đề, điều nó sợ nhất là nhiệt độ quá thấp hoặc đất quá ẩm.
Do đó, bạn cần chú trọng nhất là tránh tưới quá nhiều nước, đảm bảo đất khô hoàn toàn rồi mới tưới. Nếu đất ẩm dễ dẫn đến nhiễm khuẩn, thối rễ, thậm chí thối trực tiếp toàn bộ củ.
Các lưu ý khi chăm sóc cây cảnh này.
1. Môi trường tăng trưởng
Hành leo rất dễ trồng và đặc biệt thích hợp cho việc trồng trọt rộng rãi. Chúng có nguồn gốc từ miền đông và miền nam châu Phi, với khí hậu khô và ấm quanh năm.
Môi trường sinh trưởng ban đầu của chúng tràn ngập ánh nắng, giống như môi trường sa mạc nên cây cảnh có khả năng chịu hạn tốt và yêu cầu về độ thoáng khí cao hơn.
Cây cảnh có thể phát triển tốt ngay cả trên bậu cửa sổ trong nhà, không tốn nhiều diện tích, chỉ cần có ánh nắng chói chang và môi trường ấm áp là có thể phát triển bình thường.
Đường kính của củ hành leo có thể tăng lên 15 đến 20 cm trong môi trường phát triển tự nhiên, nhưng đường kính của củ trồng ở nhà nói chung là khoảng 5 đến 10 cm.
Cây cảnh sẽ phát triển nhiều thân cây không có lá trong mùa sinh trưởng và chúng sẽ tiếp tục vươn ra bên ngoài, mặc dù khả năng leo trèo của nó không quá tốt nhưng các cành uốn lượn, mềm mại của chúng có thể phát triển thành một loại cây bán leo tương đối thấp.
2. Sinh sản
Muốn nhân giống cây cảnh này, bạn thường dựa vào cách phân chia, cứ sau vài năm, những cây hành leo khỏe mạnh sẽ ra một số củ tương đối nhỏ, chúng ta thường gọi là củ giống (chồi bên).
Trong giai đoạn này, chúng ta hãy tách các củ giống và trồng vào chậu mới. Mỗi củ hành sẽ phát triển thành một chậu cây mới trong thời gian ngắn.
3. Nắng
Hành leo cần đủ ánh sáng để phát triển nhanh hơn, nhưng cây cảnh cũng có thể phát triển trong bóng râm bán phần, thậm chí có thể trồng trong nhà và phát triển tốt dưới ánh đèn cây.
Nếu cây cảnh tiếp xúc với nhiệt độ cao thì phải che nắng hợp lý, nhất là nhiệt độ cao hơn 33 độ C. Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời sẽ khiến cành bị cháy. Vào những mùa nắng nóng, cây cảnh cũng sẽ dần đi vào trạng thái ngủ đông.
4. Tưới nước
Cây cảnh này không có nhu cầu nhiều về nước, nếu tưới quá thường xuyên sẽ dễ dẫn đến thối rễ và thân.
Trước mỗi lần tưới, hãy kiểm tra độ khô và độ ẩm của đất bầu, nếu đất bầu đặc biệt nhẹ thì tưới từ từ cho nước thấm đẫm.
Ngoài ra, trong thời gian củ ngủ đông, thân trên củ sẽ héo, cần tiết kiệm nước, thỉnh thoảng tưới một ít nước xung quanh bầu đất để củ tiếp tục sống.
5. Đất trồng chậu
Để duy trì cây cảnh này, bạn cần sử dụng đất tơi xốp, thoáng khí và thoát nước tốt, có thể sử dụng đất mọng nước thông thường hoặc đất trồng xương rồng.
Có thể sử dụng đất dinh dưỡng thông thường và đất dạng hạt, trộn theo tỷ lệ 1:1, sao cho đất có thể thoát nước tốt là được.
Ngoài ra, hãy cẩn thận không chọn chậu hoa quá sâu vì rễ của cây cảnh sẽ phát triển tương đối nông. Lỗ thoát nước của chậu hoa phải lớn, tốt nhất nên chọn loại chậu có khả năng thoát nước và thông gió tốt hơn, chẳng hạn như chậu đất nung.
6. Nhiệt độ
Hành leo thích môi trường ấm áp quanh năm, nhiệt độ để cây cảnh sống tốt phải trên 5 đến 10 độ. Nếu nhiệt độ thấp nhất giảm xuống dưới 10 độ ở khu vực có sương giá thì nên chuyển vào trong nhà.
Khả năng chịu nhiệt độ cao của cây cảnh này khá tốt. Nhưng cây cảnh này ngủ đông cả khi nhiệt độ khá cao và khá thấp, bạn phải lưu ý điều này.
Cây cảnh cũng có thể chịu được độ ẩm thấp, nhưng tránh độ ẩm liên tục.
7. Phân bón
Hành leo có thể thích nghi với đất tương đối nghèo dinh dưỡng, không cần bón phân quá thường xuyên, chỉ cần đất thoát nước tốt thì về cơ bản không có vấn đề gì.
Chỉ cần bón phân cho cây cảnh này vào mùa xuân hoặc mùa thu. Bạn rắc một ít phân tan chậm lên mép đất trong chậu, lượng ít hơn bình thường là được.
8. Cắt tỉa
Sau khi ngừng nở hoa, thân cây sẽ khô và cây sẽ ngủ đông vào cuối mùa hè. Cắt bỏ thân cây khi chúng có màu nâu. Nếu tán lá khô trong mùa sinh trưởng, hãy cắt bớt và để những chồi mới xuất hiện.
9. Sâu bệnh
May mắn thay, hành leo không dễ thu hút sâu bệnh. Bệnh thực vật duy nhất có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với cây cảnh này là bệnh thối rễ – một vấn đề có thể được giải quyết bằng cách thoát nước đầy đủ và lưu ý khi tưới nước.
Như vậy, hành leo là loại cây cảnh dễ chăm sóc, không cần tưới nước và bón phân thường xuyên, cũng có thể thích nghi với môi trường ánh sáng yếu, môi trường trong nhà ấm áp quanh năm.
Đây là loại cây củ quý hiếm dành cho những người lười biếng.