Một giáo viên đang gây bão trên TikTok chia sẻ rằng các học sinh của mình ở độ 12-13 tuổi không phân biệt được hình dạng toán học. Điều này thật kinh khủng nhưng tôi cũng không lấy làm ngạc nhiên gì lắm.
Tôi là giáo viên trung học phổ thông. Học sinh của tôi thuộc nhóm 15-18 tuổi. Tôi đã chứng kiến những đứa trẻ này:
- Bị chậm đọc. Một vài học sinh trong lớp tôi vẫn đang đọc với tốc độ của học sinh lớp 3-4. Số ít còn không biết ráp vần.
- Không viết được một câu hoàn chỉnh. Bọn trẻ không viết hoa chữ cái đầu câu hay từ “I” (“tôi”). Các em cũng không biết chấm câu. Tôi đã từng đọc một bài luận dài hẳn một trang giấy không có một dấu chấm câu nào.
- Không biết đánh vần những từ đơn giản.
- Không thể làm phép tính cộng trừ số có hai chữ số. Ví dụ nhé, học sinh tôi dạy không biết tính nhẩm 27-13, cũng không biết giải phép tính này trên giấy. Chúng luôn dùng máy tính cầm tay.
- Không thuộc bảng cửu chương.
- Không biết làm tròn số.
- Không biết vẽ đồ thị.
- Không hiểu khái niệm số nguyên âm.
- Không hiểu khái niệm tỷ lệ phần trăm.
- Không biết giải phương trình biến một bước. Ví dụ tiếp này, tôi ra đề bài “Cho 2x = 8, tìm x” thì bọn trẻ không giải được. Chúng sẽ lấy hai vế trừ cho 2, trong khi lời giải đúng phải là lấy hai vế chia cho 2.
- Không biết ghi chép bài.
- Không thể làm theo ví dụ. Bọn trẻ rất khó nhìn ra được công thức để có thể áp dụng giải tương tự một bài toán khác.
- Không có kỹ năng tra cứu. Khi dùng Google tìm gì đó, các em sẽ viết những từ mơ hồ không rõ ràng. Ví dụ, khi tôi yêu cầu học sinh tìm 5 kiểu phản ứng hóa học (chemical reactions), chúng chỉ viết “phản ứng” (reactions) vào Google. Tôi giải thích cho các em hiểu rằng Google không thể đọc được suy nghĩ của con người và cần phải cụ thể hơn nữa. Và bọn trẻ chỉ biết tròn mắt nhìn tôi. Nhưng ngay cả khi đã viết rất rõ ràng vào Google để tìm rồi, chúng sẽ không nhấn vào các đường link kết quả hiện ra, mà chỉ đọc đoạn Google trích dẫn ra. Nếu câu trả lời không có sẵn trong trích dẫn thì coi như chúng bỏ cuộc luôn.
- Chỉ vì lũ trẻ dùng thành thạo điện thoại di động không có nghĩa là chúng biết cách dùng máy tính. Các em không rõ các phím tắt tin học thông dụng cũng không biết cách gõ bàn phím. Tôi đã từng thấy một số em gõ bằng hai ngón trỏ.
Đây mới chỉ là một số điều tôi nhớ và ghi ra. Tôi chắc chắn còn nhiều vấn đề khác tôi chưa thể kể đến.
Với tư cách một giáo viên, tôi luôn cố gắng giúp các em học sinh cải thiện kỹ năng. Nhưng tôi muốn tất cả mọi người hiểu rằng, khi các em đang có quá nhiều lỗ hổng như đã liệt kê trên, thì việc giảng dạy theo chương trình khung một cách hiệu quả gần như là không thể. Đây là một phần nguyên nhân các giáo viên hiện đang đồng loạt xin nghỉ. Các thầy cô bị yêu cầu làm những điều vượt ngoài khả năng và rồi bị phỉ báng khi không hoàn thành được. Giáo viên không thể giảng dạy chương trình khung một cách hiệu quả khi học sinh bị tụt lại tận mấy lớp liền. Các em không thể tiếp thu được những khái niệm phức tạp khi không có nền tảng vững chắc. Tôi đã tưởng điều này là hiển nhiên nhưng có lẽ tôi đã lầm (tôi đang nói dựa trên tính toán của ban giám hiệu và chính sách nhà trường).
Tôi muốn nói thêm là đương nhiên vẫn có những em học sinh với thành tích vượt trội. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, khoảng cách giữa những học sinh “có khiếu”/”danh dự” và học sinh “bình thường” đang ngày càng lớn. Một là có những em đạt thành tích xuất sắc, hai là các em khác thì bị tụt kiến thức nhiều lớp. Hiếm khi có những học sinh nào ở giữa hai mức này.
Không biết những giáo viên khác có cùng ý kiến với tôi về vấn đề này không?
_____________________
Tôi dạy Anh Văn trung học đây. Tôi đồng tình với mọi điều OP nói về khả năng đọc, viết và tra cứu của học sinh hiện nay. Bọn trẻ thậm chí còn chẳng thèm lướt xuống xem kết quả tra trên Google, chỉ sao chép y nguyên từ trích dẫn, không viết hoa “I” hay tên riêng. Chúng còn chẳng biết tính từ là gì chứ đừng nói là động từ hay danh từ. Trình độ đọc của hầu hết học sinh tôi dạy đều dưới trình độ lớp học thật. Phần lớn các em mù chữ, có thể phân biệt được các con chữ và từ vựng nhưng không hiểu được nghĩa. Chín tuần đầu tiên tôi phải giảng về cấu trúc câu cơ bản và kĩ năng đọc hiểu. Dù tôi có cố gắng tâm huyết như nào đi chăng nữa, học sinh vẫn không chịu xem và sửa lại lỗi của mình.
____________________
Ba năm qua tôi dạy học sinh lớp 8. Các em học sinh không chỉ thiếu kỹ năng trầm trọng, mà dù có giảng và luyện tập nhiều đến mấy đi chăng nữa, học sinh vẫn không nhớ được kiến thức. NGÀY NÀO cũng ôn tập ngữ pháp và quy tắc viết hoa rồi, mà đến cuối học kỳ bọn trẻ vẫn không phân biệt được danh từ là gì. Điên khùng hết mức.
_____________________
Điều tôi thấy buồn nhất là sau này lớn lên các em học sinh sẽ cảm thấy như thế nào. Đương nhiên ở thời điểm hiện tại các em không nhận ra (hoặc là không chịu nhận ra) điều này. Não bộ của trẻ em chưa có khả năng nhìn nhận “toàn cảnh” những hậu quả khi không có những kĩ năng cơ bản này.
Chỉ khi đã trưởng thành và bọn trẻ THỰC SỰ bị ảnh hưởng thì chúng mới ngộ ra. Nhưng nó sẽ có hai luồng như này:
- “Nhà trường/xã hội/bố mẹ đã khiến mình không thể nên người”, và rồi bọn trẻ đổ thừa người khác.
- “Mình thật ngu ngốc khi không biết những thứ này”, và rồi bọn trẻ tự đổ lỗi cho bản thân.