1.
Có một điều rất kỳ lạ.
Đối với hầu hết các loại bệnh khác, từ cảm lạnh, sốt đến cao huyết áp và bệnh tim, mọi người đều nói “Đừng bận rộn quá, đừng làm cho bản thân kiệt sức”. Riêng đối với bệnh trầm cảm, người ta lại nói: “Bạn phải bận rộn, khi bạn bận rộn thì bạn sẽ không có thời gian để chán nản”
Đều là bệnh, nhưng điểm nào lại khiến người khác nghĩ rằng chỉ cần bận rộn thì sẽ không trầm cảm nữa chứ?
Rốt cuộc thì mọi người cũng chỉ là không xem nó là một căn bệnh thôi.
Nếu bạn đánh đồng nó với sự khác người hay lười biếng, vậy thì chỉ cần bạn bận rộn tất nhiên bạn có thể điều tiết nó.
Mọi người dường như đã bỏ qua cơ sở bệnh lý của bệnh trầm cảm (là cơ chế mất sinh lực do mất cân bằng dẫn truyền thần kinh, rối loạn hệ thần kinh).
Cơ chế sinh năng lượng trong cơ thể người đã bị căn bệnh này cướp đi, dẫn đến sự mất năng lượng và khó khăn trong việc hoạt động. Do đó, mọi người thường cho rằng họ lười biếng và không chịu làm việc.
Nếu bận rộn liền hết trầm cảm, vậy y học còn có tác dụng gì?
Những học sinh trung học học cả ngày ở trường, tụi nhỏ có rảnh rỗi không? Nghiên cứu sinh ở các trường đại học, họ có nhàn rỗi không? Bác sĩ yêu cầu nghỉ học, mọi người lại nói rằng bận rộn lên thì sẽ hết trầm cảm, tranh cãi với bác sĩ, chỉ khi nào nhảy từ tòa nhà trường học xuống thì mới thực sự được xem là bị trầm cảm. Thế giới này thật kỳ lạ.
Thực tế chứng minh, những bệnh lý của căn bệnh trầm cảm không thể giảm đi chỉ vì bận rộn. Những người bệnh mà bạn thấy họ bận rộn làm việc, thực sự là họ vẫn đang chịu đựng những cơn đau mà bạn không hề biết. Bạn chỉ thấy họ đang làm việc, nhưng không thể thấy được sự vướng mắc của căn bệnh phía sau.
Sống chung với trầm cảm.
Và việc liên tục bận rộn có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Cũng giống như việc người bị sốt không chú ý nghỉ ngơi mà cứ bận rộn làm việc thì sẽ làm cơn sốt ngày càng trầm trọng hơn thôi.
Bất kể là loại bệnh gì, nếu người bệnh vẫn còn khả năng hoạt động xã hội, thì họ chỉ nên tiếp tục làm mọi việc bình thường và dừng lại khi cần thiết, thay vì mù quáng “bận rộn”.
Làm việc, và bận rộn là hai khái niệm khác nhau. Làm việc là hoạt động được thực hiện trong phạm vi có thể làm được. Bận rộn là làm việc vượt ngoài khả năng hoặc phạm vi công việc thường ngày, có quá nhiều việc và không có thời gian trống.
Làm việc có thể làm giảm nhẹ tình trạng bệnh. Trong khi đó, bận rộn có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh.
Lịch trình làm việc liên tục của tôi sẽ dẫn đến sự tái phát các triệu chứng về thể chất.
Một ngày bận rộn, đến tối tan làm, trong lúc lái xe về nhà tôi sẽ bắt đầu đau đầu. Tôi sẽ cảm thấy chóng mặt hoặc tim đập không đều, nhịp tim tăng cao, gây ra các triệu chứng của hội chứng thần kinh tim. Một tay cầm vô lăng, một tay ôm chặt vùng tim, lo sợ không kiểm soát được và sẽ gây ra tai nạn.
Vì vậy, những người cứ la lên rằng bận rộn lên thì sẽ không bị trầm cảm nữa, kiếm việc vô mà làm thì sẽ không có thời gian trầm cảm, tôi đều cho là họ đang hại người khác.
—— Cập nhật:
Về vấn đề “làm việc để chuyển hướng sự chú ý”.
Mọi người nhất định không được mắc phải trầm cảm, người bị bệnh này thật sự khổ quá đi.
Một khi mắc phải, bạn sẽ mãi mãi không thể tách khỏi các từ ngữ như “lười biếng, làm màu, rảnh rỗi, ăn không ngồi rồi”
Khi được chẩn đoán mắc bệnh, tôi vẫn còn là học sinh cấp hai, cả ngày học ở trường, một ngày học N tiết. Sau khi được chẩn đoán, người khác lại nói rằng do tôi rảnh rỗi mà bị.
Tôi nghĩ nát óc cũng không nghĩ ra, làm sao mà những học sinh được sắp xếp lịch học tập một cách rõ ràng như vậy lại bị xem là rảnh rỗi?
Sau khi được bác sĩ yêu cầu chữa trị, tôi ở nhà “ăn không ngồi rồi”. Những sở thích, đam mê của tôi không được người lớn công nhận, tôi nuôi thú cưng, có việc để làm nhưng trong mắt họ cũng chỉ là rảnh rỗi.
Sau này, tôi phát triển sở thích thành công việc, tự kiếm sống nuôi bản thân. Đó cũng là vì sở thích khiến tôi có động lực lớn hơn trong công việc. Nhưng trong mắt bố mẹ tôi, điều này cũng chỉ là việc vô nghĩa, rảnh rỗi.
Tóm lại là do rảnh rỗi sinh nông nỗi.
Chỉ được làm những việc họ công nhận, đổi công việc khác làm, chỉ có thể bận rộn, bận đến khi bệnh lý về thể chất tái phát, cũng không được dừng lại. Chỉ cần ngừng bận rộn, ở nhà nghỉ ngơi, họ sẽ nói bạn rảnh rỗi, ăn không ngồi rồi.
Ngay cả khi tôi đang trong quá trình điều trị và phục hồi, cũng bị xem là lười biếng.
Tôi không có cách nào nói ra, lên tiếng giải thích thì sẽ bị cho là không nghe lời, không hiểu chuyện, không hiểu rằng người lớn đều vì tốt cho tôi. Chính tôi đang rảnh rỗi, làm màu thôi.
Tôi đã từng nghĩ rằng, chỉ cần tôi chết đi, có lẽ căn bệnh trên người tôi mới được công nhận nhỉ. Bởi vì mọi người đã luôn hình dung rằng người mắc bệnh trầm cảm thực sự sẽ không bao giờ nói ra được, họ đã bị tước đi quyền phát biểu, chỉ có thể chứng minh qua cái chết.
Trong phần bình luận, có một người bệnh nói rằng chơi game là niềm đam mê cuối cùng của anh ấy, nếu anh ấy mất đi sở thích đó, thì mọi thứ sẽ trở nên tăm tối.
Người khác không thể hiểu được sự mất mát không ngừng về đam mê. Trước cái hứng thú ít ỏi còn lại, thậm chí chơi game cũng sẽ trở thành cứu cánh. Mọi người chỉ nghĩ rằng sự trầm cảm của người này chỉ là vì muốn về nhà chơi game, vì lười biếng, vì ăn chơi.
Chẳng lẽ có hứng thú để vui chơi không phải là điều đáng mừng sao? Tôi không hứng thú với hầu hết mọi thứ, mọi việc, đến con người, hoặc thậm chí là ăn uống.
Đúng vậy, bạn có thể nhịn ăn một ngày ngay cả khi bạn không thích ăn uống. Bạn nói đây là lười biếng, tôi thừa nhận đúng là tôi lười. Lười đến mức độ, đến cả ăn cũng không muốn ăn, sống cũng không muốn sống nữa. Nếu có thể lười đến mức không muốn sống, tôi sẵn lòng không sống nữa.
Cái gọi là làm việc để chuyển hướng sự chú ý, đều là người ngoài cuộc nói cho người ngoài cuộc nghe.
Bệnh về tâm lý rất khó dùng công việc để chuyển hướng sự chú ý, làm xong việc vẫn sẽ trầm cảm thôi. Tôi đây, cũng mười mấy năm rồi, làm được không ít việc. Tôi cố gắng tìm kiếm các hoạt động liên quan đến sở thích, đam mê để làm.
Cuối cùng, niềm đam mê duy nhất còn lại cũng biến mất, chỉ còn lại một cảm giác trách nhiệm đang thúc đẩy tôi tiếp tục sống.
Rất nhiều người bệnh đã từng nỗ lực, nỗ lực trở thành một người bình thường, cũng bán mạng nỗ lực bảo vệ sự hứng thú của mình để không bị cướp mất. Những lời khuyên của mọi người, họ đều đã thử qua cả rồi.
2.
Để tui nói cho bạn biết cái này.
Những bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm nặng khi mới bắt đầu điều trị thuốc, tỉ lệ người đó tự tử sẽ tăng lên đáng kể, nên mọi người cần phải chú ý điều này.
Tại sao à?
Bởi vì những bệnh nhân có xu hướng tự tử do bị trầm cảm nặng, nhưng vì trầm cảm quá mức nên họ sẽ không có đủ sức lực để hành động. Do đó, khi được điều trị bằng thuốc, sức lực của họ có thể được khôi phục trở lại, làm cho hành vi tự tử trở nên khả thi hơn, dẫn đến tăng tỷ lệ tự tử một cách đáng kể.
Người trầm cảm nặng có thể trở nên bận rộn? Nếu có khả năng đó thì họ đã dùng sức lực đó để tự tử rồi.