tet-ramuwan-cua-nguoi-cham-co-gi-doc-dao-ma-thu-hut-hang-tram-nghin-nguoi-du-xuan-chuc-tet

Tết Ramưwan của người Chăm có gì độc đáo mà thu hút hàng trăm nghìn người du xuân chúc Tết

Rõ nhất là các công trình giao thông, cổng làng, chợ, nhà sinh hoạt cộng đồng… được xây dựng khang trang. Khắp đường làng ngõ xóm trang trí rực rỡ cờ hoa đón Tết Ramưwan 2024. Tết Ramưwan năm nay chính thức diễn ra từ ngày 9 – 11/3/2024.

Độc đáo Tết Ramưwan của người Chăm Hồi giáo Bàni

Tết Ramưwan của người Chăm có gì độc đáo mà thu hút hàng trăm nghìn người chiêm ngưỡng?- Ảnh 1.

Đường liên thôn Tuấn Tú được trang trí cờ hoa rực rỡ mừng Tết Ramưwan. Ảnh: Đức Cường

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, những ngày này không khí Tết Ramưwan đã ngập tràn khắp nhà nhà người Chăm ở thôn Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận)Quần áo mới, chén đĩa mới, hoa thơm trái ngọt được thương lái đưa về địa phương phục vụ nhu cầu tiêu dùng của mọi người dịp Tết. Phụ nữ các gia đình khéo léo làm cốm gói giấy hoa, đổ bánh phục vụ Tết Ramưwan truyền thống.

Đang tất bật chuẩn bị các món lễ vật đón Tết Ramưwan, Sư cả Châu Minh Hương – Chủ tịch Hội đồng chức sắc Hồi giáo Bàni tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ramưwan năm nay bà con ở làng Chăm Tuấn Tú rất phấn khởi vì được sự quan tâm chúc mừng của nhiều cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Đầu năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, những cánh đồng măng tây xanh được mùa, giá cả ổn định nên ai nấy đều vui đón Tết cổ truyền.

Tết Ramưwan của người Chăm có gì độc đáo mà thu hút hàng trăm nghìn người chiêm ngưỡng?- Ảnh 2.

Sư cả Châu Minh Hương cùng vợ chuẩn bị bánh trái phục vụ Tết Ramưwan. Ảnh: Đức Cường

Theo Sư cả Châu Minh Hương, Tết Ramưwan của người Chăm theo Hồi giáo Bàni là Tết cổ truyền có từ lâu đời, có sự pha trộn giữa văn hóa truyền thống của Vương quốc Chămpa cổ và Hồi giáo nên sẽ có những điểm khác biệt riêng so với Tết Ramưwan (còn gọi là Ramadan) của người Chăm theo Hồi giáo Islam.

“Tết Ramưwan của người Chăm theo Hồi giáo Bàni có 3 phần chính gồm: Lễ tảo mộ, lễ lễ cúng gia tiên và lễ chay niệm tại chùa Hồi giáo Bàni. Trong đó, lễ tảo mộ là phần khởi đầu, cũng là phần quan trọng nhất của Tết Ramưwan của người Chăm Hồi giáo Bàni…”, Sư cả Châu Minh Hương cho hay.

Tết Ramưwan của người Chăm có gì độc đáo mà thu hút hàng trăm nghìn người chiêm ngưỡng?- Ảnh 3.

Các vị chức sắc tiến hành các bước nghi lễ tại lễ tảo mộ trong Tết Ramưwan. Ảnh: Đức Cường

Lễ tảo mộ được người Chăm theo Hồi giáo Bàni thực hiện rất trang nghiêm, thường bắt đầu vào ngày đầu tiên của Tết Ramưwan.

Để thực hiện lễ tảo mộ, ngay từ sáng sớm những vị chức sắc và các thế hệ trong gia đình người Chăm Hồi giáo Bàni sẽ khoác lên mình bộ trang phục truyền thống. Họ mang theo những lễ vật như trầu cau đã têm sẵn, bánh trái, thuốc lá, nước… để làm lễ tại phần mộ người thân.

Các vị chức sắc làm lễ tại các phần mộ và hát mời tổ tiên tề tựu về dự lễ. Sau đó sẽ là phần đọc kinh cầu nguyện và khấn vái ông bà tổ tiên. Lễ xong, người nhà quây quần bên mộ phần nhằm thể hiện tấm lòng nhớ thương ông bà tổ tiên.

“Với những nét riêng trong văn hóa, lễ tảo mộ của người Chăm Hồi giáo Bàni ở Ninh Thuận không chỉ mang màu sắc tín ngưỡng hay tôn giáo mà còn có giá trị nhân văn sâu sắc, là cách để răn dạy các thế hệ trẻ hiểu về hiếu đạo và hướng về cội nguồn…”, Sư cả Châu Minh Hương cho hay.

Tết Ramưwan của người Chăm có gì độc đáo mà thu hút hàng trăm nghìn người chiêm ngưỡng?- Ảnh 4.

Các vị chức sắc té nước lên những phiến đá đánh dấu các phần mộ người đã khuất trong lễ tảo mộ. Ảnh: Đức Cường

Sau khi hoàn thành lễ tảo mộ, Tết Ramưwan sẽ tiếp tục với nghi thức lễ cúng gia tiên tại nhà của mỗi gia đình người Chăm theo Hồi giáo Bàni.

Mỗi nhà sẽ chuẩn bị đồ lễ, con cháu sum họp đông đủ để dâng cúng ông bà tổ tiên về ăn Tết. Sau khi hoàn tất, các gia đình sẽ tổ chức ăn uống theo dòng tộc hoặc theo xóm làng. Đây cũng là lúc mọi người quây quần bên nhau, tổ chức phần Hội với những tiết mục hát múa đặc sắc.

Tết Ramưwan của người Chăm có gì độc đáo mà thu hút hàng trăm nghìn người chiêm ngưỡng?- Ảnh 5.

Các gia đình chuẩn bị lễ vật để cúng tại gia trong Tết Ramưwan. Ảnh: Đức Cường

Các chức sắc Hồi giáo Bàni chay tịnh tại chùa

Sau 2 nghi thức trên sẽ bước vào nghi lễ chay niệm tại chùa Hồi giáo Bàni, lúc này Hội đồng sư cả mỗi làng Chăm Bàni sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong các nghi thức cúng bái.

Tết Ramưwan của người Chăm có gì độc đáo mà thu hút hàng trăm nghìn người chiêm ngưỡng?- Ảnh 6.

Sư cả Châu Minh Hương và các thành viên trong Hội đồng sư cả. Ảnh: Thái Sơn Ngọc

Hội đồng sư cả của làng Bàni thường có 13 người, theo thứ tự gồm 1 người chức sắc Sư cả, 6 người Muncụ, 1 người Muntân, 1 ông Tiếp, 2 ông Tình và 2 ông Chang. Hội đồng sư cả Hồi giáo Bàni cũng là những người bước vào chay tịnh trong Tết Ramưwan (không ăn uống từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều) kéo dài trong 5 ngày tại chùa Bàni.

Riêng cộng đồng người Chăm theo Hồi giáo Islam sẽ thực hiện nghi thức chay tịnh tại thánh đường, thường kéo dài 1 tháng. Theo quan niệm, thời gian này là để gột rửa thể xác, cho tinh thần được trong sạch.

Đối với đời sống tinh thần của đồng bào Chăm Bàni thì việc chay tịnh có ý nghĩa rất to lớn về mặt tôn giáo và tín ngưỡng, là đức tin hướng họ đến những điều tốt đẹp.

Cùng với đó, toàn bộ nghi thức trong lễ tảo mộ của người Chăm Hồi giáo Bàni ở Ninh Thuận cũng góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam, thúc đẩy sự đoàn kết cộng đồng, góp phần phát triển du lịch địa phương.

Cơ hội quảng bá nét đẹp văn hóa Chăm

Hằng năm, dịp Tết Ramưwan thường thu hút rất đông người dân và du khách trong và ngoài nước về chung vui và khám phá nét văn hóa độc đáo của người Chăm. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất của địa phương, trở thành điểm sáng trong du lịch Ninh Thuận thu hút những du khách muốn tìm hiểu về văn hóa, tín ngưỡng.

Tết Ramưwan của người Chăm có gì độc đáo mà thu hút hàng trăm nghìn người chiêm ngưỡng?- Ảnh 7.

Người dân và du khách tham dự lễ tảo mộ tại nghĩa trang người Chăm dịp Tết Ramưwan. Ảnh: Đức Cường

Do đó, để phục vụ du lịch thì ngày nay sau khi phần lễ kết thúc sẽ là phần hội với những tiết mục biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao và những trò chơi dân gian tại các làng Chăm.

Sư cả Châu Minh Hương – Chủ tịch Hội đồng chức sắc Hồi giáo Bàni tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong những ngày Tết Ramưwan chúng tôi luôn lồng ghép tuyên truyền, vận động bà con chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, hăng hái lao động sản xuất để phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới ngày càng khang trang hơn.

“Với truyền thống hiếu khách, người Chăm nói chung và cộng đồng người Chăm theo Hồi giáo Bàni, Islam nói riêng dịp này sẽ tiếp đón bạn bè đến chúc Tết chu đáo. Càng đông khách đến chúc Tết thì Ramưwan càng vui tươi, năm mới mưa thuận gió hòa, vụ mùa thuận lợi, gia đình bình yên và sung túc…”, Sư cả Châu Minh Hương cho hay.

Tết Ramưwan của người Chăm có gì độc đáo mà thu hút hàng trăm nghìn người chiêm ngưỡng?- Ảnh 8.

Theo quan niệm, càng nhiều khách đến chung vui thì Tết Ramưwan với gia chủ càng thêm ý nghĩa, vui tươi. Ảnh: Thái Sơn Ngọc

Người Chăm sinh sống tại tỉnh Ninh Thuận theo 3 tôn giáo chính là cộng đồng người Chăm Ahier theo đạo Bàlamôn, cộng đồng người Chăm Awal theo Hồi giáo Bàni và cộng đồng người Chăm theo Hồi giáo Islam. Vì tín ngưỡng khác nhau nên mỗi cộng đồng sẽ có một điểm khác biệt trong phong tục, trong đó lễ hội Katê là lễ hội đặc trưng của người Chăm Bàlamôn còn lễ hội Ramưwan là của người Chăm Bàni và Islam.

Từ Ramưwan có nguồn gốc từ từ Ramadan trong tiếng Ả Rập, có nghĩa là tháng 9 theo lịch âm của đạo Hồi. Lâu dần người Chăm đọc trại đi nên mới thành Ramưwan, còn mọi người thì quen gọi là đây là Tết Chăm Bàni.

Ninh Thuận là tỉnh có đông người Chăm sinh sống nhất trong cả nước với hơn 74.000 người sinh sống tập trung tại 22 làng, thuộc 6 huyện, thành phố trong tỉnh.

Trong đó, đồng bào Chăm theo Hồi giáo Bàni và Islam có trên 31.500 người (Hồi giáo Bàni hơn 27.000 người, Hồi giáo Islam hơn 4.300 người), hiện sinh sống tập trung tại 6 xã thuộc 4 huyện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *