Lịch sử của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo [Islamic extremism] (hiện đại) là gì? Từ khi nào và tại sao mọi chuyện lại bắt đầu?

Tôi nghĩ câu hỏi này rất phù hợp vào thời điểm hiện tại và rất nhiều người trong cộng đồng muốn biết mọi chuyện khởi đầu như thế nào. Gợi ý về sách cũng sẽ hữu ích.
[ND: Từ đây mình sẽ dẫn lời giải thích một số thuật ngữ trong bài từ sách “Con đường Hồi giáo” của TS Nguyễn Phương Mai]


Đây là hai cái tên chính cần biết: Muhammad ibn Abd al-Wahhab (1703-1792, ở Bán đảo Ả Rập) và Sayyid Qutb (1906-1966, ở Ai Cập).
Bạn có thể đã nghe nói về những kẻ khủng bố Jihad chủ nghĩa “Wahhabi”. Nhìn chung, chúng không tự gọi mình là Wahhabi, mà là Salafi. Chủ nghĩa Salafi [Salafism] ra đời trước Abd al-Wahhab, nhưng ông là người đã ra sức hồi sinh nó. Có lẽ quan trọng hơn, ông đã liên minh với triều đại al-Saud (Ả Rập Xê-út [Saudi Arabia] thực ra là Nhà nước Xê-út thứ ba – gia tộc này rất quan trọng đối với khu vực kể từ thời Al-Wahhab), điều này đã mang lại cho phong trào trên một chốn dung thân được hỗ trợ về mặt hệ tư tưởng. Kể từ khi Ả Rập Xê-út và các quốc gia vùng Vịnh khác bắt đầu xuất khẩu dầu, họ cũng được cung cấp nguồn lực tài chính để bắt đầu xuất khẩu thương hiệu Hồi giáo ưa thích của mình.
[Từ sách đã dẫn:
Jihad: “Chiến đấu” vì Thượng Đế. Từ này có hai nghĩa, cuộc chiến trong tâm khảm và cuộc chiến vũ lực, hiện nay thường được dùng với nghĩa cuộc chiến vũ lực. Các “chiến binh của Thượng Đế” gọi là Jihadist.
Salafi: Các tín đồ Hồi giáo bảo thủ ở thế kỷ 20-21 nhưng rập khuôn theo cách sống của thiên sứ Muhammad và tổ tiên ba đời đầu của Islam ở thế kỷ thứ 7 vì họ cho rằng chỉ có Hồi giáo ở thời kỳ này là còn tinh khiết. Một số tín đồ salafi không những rập khuôn về tư tưởng mà còn về cách sinh hoạt với nhiều cấp độ, từ việc để râu, xỉa răng, mặc quần áo, đi chân nào vào nhà vệ sinh trước, đến việc nhai bằng hàm bên phải, không ăn dưa hấu (!)…
Wahhabi: Một nhánh tư tưởng bảo thủ và cực đoan trong việc diễn giải Islam [đạo Hồi] dựa trên các học thuyết của người sáng lập Muhammad Abd al-Wahhab đến từ một bộ lạc trên bán đảo Ả Rập. (hết trích)]
Vậy chủ nghĩa Salafi là gì? Chủ nghĩa Salafi rõ ràng là một phong trào cải cách. Tôi đã bình luận vài ngày trước rằng theo tôi, nếu chúng ta tìm kiếm một “cuộc cải cách Hồi giáo” (và rất nhiều người đang làm như vậy, bởi vì toàn bộ ý tưởng của họ về tôn giáo đều được mô phỏng theo đạo Cơ đốc Tin lành [Protestant Christianity] – đây thậm chí còn là một vấn đề trong tôn giáo học, hãy đọc Drudgery Divine của Jonathan Z. Smith, Invention of World Religions của Tomoko Masuzawa, vài cuốn của Donald Weib mà tôi quên nhan đề, vv) thì đích đến xác đáng nhất là chủ nghĩa Salafi. Đó không phải là cái kiểu cải cách mà “phương Tây” mong muốn (mặc dù ở bài trên, tôi đã lập luận rằng phong trào chống đối của nó, cái phong trào không tên mà tích cực chống đối chủ nghĩa Salafi, có lẽ chính xác là điều mà “chúng ta”, những người phương Tây tự do chủ nghĩa thiện lành, mong muốn). Chủ nghĩa Salafi rõ ràng muốn “hoàn trả” đạo Hồi trở lại “thời kỳ hoàng kim” tưởng tượng của các salaf (vài thế hệ đầu tiên sau nhà tiên tri Muhammad). Họ bác bỏ rất nhiều thứ như bid’ah (sự đổi mới) hoặc shirk (thờ linh tượng). Có thể bạn sẽ nhận thấy rằng nghệ thuật Hồi giáo gắn chặt với kiến trúc. Nếu đến bất kỳ thành phố lớn nào ở Thổ Nhĩ Kỳ, bạn sẽ thấy những nhà thờ Hồi giáo cổ kính nguy nga này. Nếu đến bất kỳ thành phố Hồi giáo nào ở Nam Á, bạn cũng thấy những nhà thờ Hồi giáo cổ kính nguy nga. Bạn tới Cairo, hay bất kỳ thành phố nào ở Iran, vẫn là những nhà thờ Hồi giáo cổ kính nguy nga đó. Thông thường, những nhà thờ này có lăng mộ của những người thần thánh quan trọng. Một ngôi mộđền thờ mà tôi đã khảo cứu ở Kayseri, Thổ Nhĩ Kỳ, đều xoay quanh một người chỉ có tiếng là thầy của một người khác (Mevlana Rumi [nhà thơ thần học nổi tiếng]) nhưng vẫn có hàng trăm người đến mỗi ngày. Hàng nghìn người đến thăm lăng mộ của Rumi ở Konya hằng ngày. Bạn không thấy điều đó ở Ả Rập Xê-út, bởi vì họ cố tình phá bỏ bất cứ thứ gì đã quá cũ kỹ, họ che đậy nghĩa địa cũ bằng những bãi đậu xe, chỉ để tránh những kẻ “chiêm bái” các lăng mộ thánh và nhà thờ Hồi giáo cổ – họ coi đó là sự đồi trụy hóa tahwid (Chúa chỉ có một). Thực tế có một trang Wikipedia khá hay về nó: Destruction of early Islamic heritage sites in Saudi Arabia.
Tôi vừa đọc được một đoạn phát biểu thú vị, của Osama bin Laden hoặc một số chiến binh Al Qaeda cấp cao khác trong thời gian được Taliban bảo vệ ở Afghanistan, về cơ bản là “Chúng tôi biết những gì Taliban đang làm là shirk, nhưng chúng ta cần phải lịch sự với họ”. Mullah Omar, người đứng đầu Taliban, đã lên nóc nhà thờ Hồi giáo chính tòa ở Kandahar và quấn mình trong chiếc áo choàng mà được cho là chính Muhammad đã mặc để thể hiện tính chính danh của mình với tư cách nhà lãnh đạo Hồi giáo. Những người Al Qaeda ghét điều đó, nhưng Taliban lại thích nó. Những kẻ Salafi chủ nghĩa của Al Qaeda cũng ghét việc văn phòng của Mullah Omar ở Kabul nằm ngay cạnh đền thờ một vị thánh Sufi (cụ thể đó chính là lý do tại sao Taliban chọn nơi đó làm trung tâm hành chính). Mặc dù Taliban cũng là những kẻ cực đoan chủ nghĩa, nhưng tôi cho rằng bạn đang hỏi về loại cực đoan hơi hướng al Qaeda hơn. Tức là có nhiều loại Chủ nghĩa Salafi trầm lặng. Bản thân chủ nghĩa Salafi không đồng nghĩa với bạo lực. Hầu hết những phong trào Salafi trên khắp thế giới không muốn giết những người không theo Salafi, mà muốn khiến họ ăn năn hối lỗi. Ví dụ, người Salafi ở Ai Cập gắn liền với dân nghèo thành thị. Để hiểu được quy mô của họ, hãy xét đảng Salafi al Nour rõ ràng đã nhận được ~ 25% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử tự do duy nhất ở Ai Cập.
Sayyid Qutb là người đã tiến hành một cuộc đổi mới quan trọng khác, vốn tách biệt với Chủ nghĩa Salafi, nhưng rồi được được thêm vào một phân khúc nhất định của phong trào này. Như al Wahhab, ông không phải là người phát minh ra khái niệm trên, mà là người đã phổ cập nó trong thế giới hiện đại. Qutb là một Huynh đệ Hồi giáo. Nhóm Huynh đệ Hồi giáo [Muslim Brothers], hay Ikwhan, được thành lập vào năm 1928, với tư cách là tổ chức chính trị, tôn giáo kiêm dịch vụ xã hội (họ nổi tiếng vì việc điều hành các bếp nấu súp trong các khu ổ chuột của các thành phố Ai Cập, cùng với những việc khác). Ngay cả vào thời Qutb, Huynh đệ Hồi giáo có lẽ là tổ chức quần chúng lớn nhất không chỉ ở Ai Cập mà còn trong thế giới dân Hồi (họ đã lan rộng ra khỏi Ai Cập và nhóm duy nhất có uy tín ngang bằng với họ là Đảng Cộng sản, có địa bàn phổ biến tại Iraq). Tôi sẽ rút gọn phần lớn lịch sử của họ, nhưng vấn đề là từng có một phe cực đoan rất không hài lòng với nền cai trị thế tục của Nasser. Qutb – thú vị một phần là được truyền cảm hứng từ chuyến du học Mỹ – không muốn đi theo lối mòn hiện đại hóa thế tục của phương Tây, nơi bạn có thể đi khiêu vũ vào tối thứ Bảy và sau đó vẫn đến Nhà thờ vào Chủ nhật. Ông không muốn thấy tôn giáo bị chia cắt như vậy. Ông coi các nhà lãnh đạo của Thế giới Ả Rập, đặc biệt là Nasser, là những kẻ đạo đức giả Hồi giáo. Sự bổ sung chính của ông cho hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan, ngoài việc phổ cập và thiết lập ý tưởng về việc sử dụng bạo lực cá nhân, là takfir. hay khả năng tuyên bố người Hồi giáo là kuffar (kẻ ngoại đạo) của các học giả (nhiều người trong số họ, giống như ông hoặc Osama bin Laden, không được đào tạo bài bản – Qutb là một giáo viên thế tục, bin Laden là kỹ sư). Điều này sau đó đã hợp pháp hóa về hệ tư tưởng việc sát hại dân Hồi giáo vì tội bội đạo, hoặc phát động thánh chiến chống lại họ, vv. Qutb có tầm ảnh hưởng trong nhóm Huynh đệ Hồi giáo, nhưng chưa bao giờ là một nhà lãnh đạo. Qutb bị bắt giữ và rốt cuộc bị xử tử vì âm mưu ám sát Nasser. Thủ lĩnh thứ hai của hội Huynh đệ, Hassan al-Hudaybi, đã viết một cuốn sách tên là Du’at la Qudat (Hãy là nhà thuyết giáo, đừng là thẩm phán) lần đầu tiên được lưu hành nội bộ giữa các Huynh đệ Hồi giáo trong tù (Nasser thực sự đã cố gắng phá vỡ toàn bộ tư cách lãnh đạo của họ, vì họ là một trong những giặc nội xâm đối với sự cai trị của ông), và sau đó đã được xuất bản. Nó không hề nhắc đến cái tên Qutb, thay vào đó nhắm vào người có quan điểm tương tự nhưng có tầm vóc thấp hơn, nhưng mọi người đều biết đó là sự bác bỏ Qutb. Nó lập luận rằng hội Huynh đệ Hồi giáo không thể tham gia vào takfir và thay vào đó cần phải ra giữa quần chúng và thay đổi quan điểm của họ. Điều này đã thay đổi hầu hết Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo và ngày nay, họ là một chính đảng phần lớn ôn hòa, nhưng tàn dư của phe Qutb vẫn phục vụ – ví dụ, bác sĩ Ai Cập Ayman al-Zawahiri, cánh tay đắc lực của Bin Laden (ông ta trở thành nhân vật đứng thứ hai trong sự hợp nhất của hai nhóm cực đoan) và hiện là người đứng đầu Al Qaeda. Chẳng hạn, bạn chứng kiến được Takfir ở quy mô lớn trong các cuộc xung đột hiện hành, xoay quanh cái gọi là Nhà nước Hồi giáo.
Tôi nghĩ Bin Laden là nhà đổi mới đã kết hợp cả hai yếu tố đó. Cũng cần lưu ý rằng hầu hết những người ủng hộ các cuộc tấn công của al Qaeda thực ra không ủng hộ hệ tư tưởng của chúng. Họ thích nhạc đại chúng phương Tây, cầu nguyện tại lăng mộ Sufi và những thứ khác mà người Salafi chủ nghĩa từ chối. Họ thích khía cạnh “kháng chiến”. Tom Wolf, khi mô tả sự ủng hộ của cánh tả tư sản đối với các nhóm cấp tiến như Black Panthers và Weatherman, đã đúc kết thuật ngữ “cánh tả thời thượng” (radical chic). Ngày nay, bạn thấy được điều đó ở nhiều người mặc áo Che Guevara nhưng không muốn sống ở những quốc gia cộng sản chủ nghĩa với quyền tự do ngôn luận có hạn mà Che muốn thiết lập. Họ đánh giá cao sự phản kháng lãng mạn chứ không phải hệ tư tưởng thực tế đã làm nền tảng cho sự phản kháng đó. Charles Kurzman đi sâu vào vấn đề này trong chương thứ hai của cuốn sách The Missing Martyrs, có tên là “Sheikh cấp tiến” (hiểu chứ?). Nếu nhìn vào ngày nay, bạn sẽ thấy rất nhiều người bị ràng buộc với các tổ chức vẫn có lối sống đạo đức, Salafi chủ nghĩa, nhưng nhiều cuộc tấn công “đơn lẻ” là được phát động bởi những kẻ thất phu bị xã hội cô lập (tạm gọi thế), những kẻ đã lãng mạn hóa ý tưởng phản kháng nhưng không hiểu lý thuyết thần học cơ bản đằng sau nó. Vụ đánh bom Boston, anh chàng quán cà phê Godiva, vv. Những người này chỉ chấp nhận sự phản kháng, nhưng lại kén cá chọn canh khi nói đến thần học (có thể là vô tình).
Một điều tôi muốn chỉ ra mà hầu hết đều không đả động đó là yếu tố quan trọng đã cho phép điều này xảy ra là sự sụp đổ của Caliph quốc [Caliphate] (Tôi không có thời gian để đi sâu vào vấn đề này). Quyền lực của Caliph đã thăng trầm trong suốt lịch sử Hồi giáo nhưng, đặc biệt là trong thời kỳ Ottoman, Caliph đã tạo ra một thể thống nhất biểu tượng mạnh mẽ (xem Phong trào Khalifate chẳng hạn) và cũng là người có thể tuyên bố “hợp pháp” với một số thứ theo ý chí của nhà nước. Ví dụ như Hiến pháp. Hình tượng gần nhất mà chúng ta có ngày nay là Al Azhar, trung tâm học tập truyền thống ở Ai Cập, nhưng nó không có thẩm quyền tương đương với Caliph. Ví dụ, họ tuyên bố chủ nghĩa Shi’a Jafari là Madhhab Đệ ngũ hoàn toàn chính danh (trường phái Luật học Hồi giáo, bên cạnh bốn trường phái Sunni truyền thống) nhưng điều đó ít có hiệu quả đối với các nhóm như ISIS hoặc phe Salafi ở Ả Rập Xê-út (Ả Rập Xê-út có khoảng 20-30% là dân Shi’a).


Rất nhiều thông tin hữu ích, cảm ơn bạn.
Tôi không biết rằng những lời dạy của Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo và Xê-út lại giống nhau về mặt thần học đến vậy. Vậy mối thù giữa họ chỉ đơn giản là tranh giành quyền lực? Tôi luôn nghĩ rằng nó cũng có khía cạnh thần học.


Tổ chức Anh em Hồi giáo ngày nay (à, kể từ những năm 70) đã từ bỏ bạo lực và – nói chung – đã có quan điểm trung dung đối với hầu hết mọi thứ (Kurzman và Iqbal có một nghiên cứu hay về các Mùa xuân Ả Rập trước năm 2011 về vấn đề này). Trên thực tế, hầu hết các đảng chính trị Hồi giáo (trái ngược với các phong trào thần học, vv) đã trung dung trong nhiều tình thế chính trị khác nhau (từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Yemen đến Ai Cập) và lý do khởi đầu của những điều thực sự là một vấn đề tranh luận lớn (“lý thuyết trung dung” được phát triển chủ yếu thông qua nghiên cứu về các đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và Dân chủ Xã hội Châu Âu và chủ yếu phát hiện ra rằng sự đưa vào hệ thống chính trị là điều khiến những đảng này trung dung hóa).
Trở lại vấn dề, nhưng các Huynh đệ Hồi giáo đã ủng hộ không chỉ các cuộc bầu cử dân chủ mà (ở chừng mực nào đó) cả quyền phụ nữ. Hãy so sánh với Xê-út, nơi thiếu một hiến pháp, các cuộc bầu cử và thậm chí cả giấy phép lái xe cho phụ nữ. Chỉ cần nhìn vào phụ nữ ở cả hai nơi cũng cho thấy sự khác biệt rõ rệt về mặt thần học. Vợ của các thành viên Huynh đệ Hồi giáo nổi tiếng thường che tóc hoàn toàn bằng những chiếc khăn quàng cổ có màu sắc rực rỡ. Vợ của những người Ả Rập Xê-út nổi tiếng thường đeo khăn che mặt và abaya, che kín mọi thứ trừ mắt và tay. Điều đó sẽ đưa ra một gợi ý về sự khác biệt thần học của họ. Cả hai đều muốn có một chính phủ dựa trên đạo Hồi, nhưng họ có những tầm nhìn một trời một vực.


Cố gắng tóm tắt:
Một trí thức Hồi giáo nói rằng Hồi giáo chính thống là sống theo cách mọi người từng sống ở vài thế hệ sau thời Nhà tiên tri Muhammad. Một người khác nói rằng bạn không cần phải được đào tạo chính quy về thần học để tuyên bố ai đó (theo đạo Hồi hay không) là kẻ bội giáo và từ đấy, việc giết người đó là hợp pháp. Osama Bin Laden đã kết hợp cả hai hệ tư tưởng. Hầu hết những người ủng hộ không đồng ý với những hệ tư tưởng này nhưng thấy thật tuyệt khi làm náo loạn phương Tây vì nhiều lý do khác nhau.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *