Từ những vết lở loét của cha đến quyết tâm trở thành bác sĩ thẩm mỹ
Gần trưa muộn, PGS.TS.BS Phạm Thị Việt Dung, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai bước ra từ phòng phẫu thuật. Sau nhiều giờ xử lý một ca tái tạo ngực, khuôn mặt bác sĩ Dung vẫn tràn đầy năng lượng. Chị vừa giúp thêm một người đẹp lên, giúp họ bước sang trang mới bớt tự ti với bản thân.
Trong câu chuyện với PV Dân Việt, bác sĩ Dung cho biết, những ca phẫu thuật thẩm mỹ kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, quá đỗi quen thuộc với chị. Nó đã gắn bó với chị gần 20 năm qua.
Để có một bác sĩ Dung như ngày hôm nay, đã trải qua những ngày tháng khổ luyện. Với chị được “đắm chìm” vào công việc là điều hạnh phúc. Chị yêu ngành y, đặc biệt là phẫu thuật thẩm mỹ. Thế nhưng, ít ai biết rằng, trước đó để được vào trường y, vị nữ bác sĩ đã phải trái lời cha mẹ.
Bác sĩ Dung tâm tình, trước đây chị không được gia đình đồng ý cho theo nghề, bố muốn chị theo Công nghệ Sinh học, sẽ có một công việc nhàn nhã, học xong 4 năm sớm có thể học lên thạc sĩ, tiến sĩ và nhiều cơ hội ra nước ngoài. Còn mẹ thì nhìn thấy sau 4 năm ra trường lấy chồng cuộc sống an nhàn, nếu học y sẽ mất 10 năm sợ con gái ế.
“Bố đưa tôi tới Đại học Quốc gia nhập học chuyên ngành công nghệ sinh học, không quên vận động hành lang các thầy cô khuyên tôi ngoan ngoãn từ bỏ ý định học y khoa. Thế nhưng, sau khi học được 2 tuần ở Đại học Quốc gia, tôi luôn buồn bã vì ước mơ trở thành bác sĩ đang tuột dần khỏi tầm tay nên quyết tâm gọi điện cho bố mẹ thông báo chuyển sang Đại học Y. Lúc ấy, bố mẹ không ngăn cản được nữa”, bác sĩ Dung cười nói.
Nữ bác sĩ bộc bạch, niềm yêu thích nghề xuất phát từ người cha. Bởi bố chị là một thầy thuốc ở huyện. Thế nhưng, cũng chính bố là người ngăn cản chị vào nghề vì sợ con gái vất vả.
“Ngày bé tôi hay quan sát bố khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Sau đó tôi hay rủ bạn bè quanh nhà chơi trò bác sĩ với bệnh nhân. Tôi vào vai bác sĩ, thăm khám cho bệnh nhân. Nhớ lại những thao tác của bố, tôi thường lấy những chiếc gai bưởi để làm kim tiêm, mảng áo rách làm bông gạc. Nhiều lần đâm bạn chảy máu, khiến hàng xóm dắt con qua nhà bắt đền”, bác sĩ Dung bật cười kể.
May mắn dù nhập học muộn sau 2 tuần, nhưng vì có số điểm trong top cao của trường, bác sĩ Dung nhanh chóng được nhập học và bắt kịp chương trình với các bạn. Năm 2004, chị chuẩn bị tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, thì bất ngờ gia đình gặp biến cố. Bố chị gặp chấn thương sọ não nặng, phải nằm điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong thời gian dài.
Suốt 2 tháng ròng rã, ông nằm thở máy, mê man, nhiễm trùng phổi và xuất hiện những vết loét do tỳ đè. Rồi những đêm trông bố ở viện, chị chứng kiến những cuộc cấp cứu tạo hình cam go cho các bệnh nhân nặng. Chị quyết tâm nuôi dưỡng ước mơ trở thành bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.
“Thời đó, phẫu thuật tạo hình chưa được đưa vào chương trình giảng dạy cho sinh viên. Cuối cùng, nhờ sự tình cờ ấy, tôi đã dốc hết sức thi nội trú và theo ngành phẫu thuật tạo hình. Thực ra, từ hồi nhỏ tôi đã thích làm bác sĩ phẫu thuật. Tôi cũng sớm có nhiều hình mẫu lý tưởng là các bác sĩ ngoại khoa nổi tiếng thời đó cũng như các nhân vật là bác sĩ khoa ngoại rất giỏi trên phim ảnh. Trong quá trình học y, thấy tôi thích những việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và sáng tạo nên bạn bè thường đùa bảo ‘mày rất hợp ngoại khoa'”, bác sĩ Dung kể.
Lý do đặc biệt hơn là khi gia đình đưa bố chị đi nhiều nơi để tái tạo, thế nhưng nhận lại chỉ là cái lắc đầu vì khó. “Chính vì thế ao ước học sâu về phẫu thuật thẩm mỹ của tôi càng có cớ. Trước hết là vì muốn tái tạo những vết loét của bố, sau đó là cho những người có số phận tương tự”, chị tâm sự. Chính quyết tâm của cô sinh viên sắp tốt nghiệp đã tạo nên một nữ bác sĩ Dung như ngày hôm nay.
Người “chữa lành” những khiếm khuyết
Và bệnh nhân đầu tiên trong chuyên ngành phẫu thuật tạo hình của chị cũng chính là bố. Ca phẫu thuật đầu tiên trong nghiệp làm bác sĩ của chị thành công ngoài mong đợi. Những vết thương của người chacũng dần lành lại, điều đó khiến chị rất vui và hạnh phúc. Cũng là động lực giúp nữ bác sĩ có niềm tin trên con đường mình đã chọn.
Nhiều năm làm nghề, bác sĩ Dung chứng kiến vô số ca bệnh vì hỏng, vì khuyết phải tìm đến bác sĩ tạo hình thẩm mỹ. Nhưng cũng không ít người hiểu nhầm về cụm từ này. Họ chỉ nghĩ thẩm mỹ là làm đẹp, là hoàn thiện dáng vẻ bề ngoài.
“Làm đẹp chỉ là một trong những khía cạnh của phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Ngoài giá trị làm đẹp, thẩm mỹ còn có ý nghĩa cao cả hơn, nhân văn hơn. Thẩm mỹ mang lại hạnh phúc cho những bệnh nhân kém may mắn, những bệnh nhân đang ở tột cùng của sự tự ti, tuyệt vọng vì khiếm khuyết của cơ thể do dị tật bẩm sinh, bỏng, chấn thương hay sau cắt bỏ khối ung thư… trở nên lành lặn cả về thể xác lẫn tâm hồn”, bác sĩ Dung nói.
Chị lấy ví dụ như câu chuyện tái tạo ngực cho bệnh nhân. Nữ bệnh nhân quyết tâm sửa ngực sau khi mắc ung thư, phải cắt bỏ một bên vú. Đau lòng hơn, mắc bệnh không lâu, nữ bệnh nhân ấy bị chính người chồng tay má kề “lạnh nhạt”. Và chỉ trong vòng vài tháng, người chồng ấy đã đề nghị ly hôn vì khiếm khuyết trên cơ thể vợ sau căn bệnh quái ác.
“Chị tìm gặp tôi để muốn được tái tạo ngực, để sớm cân bằng trong cuộc sống, lấy lại tinh thần để sống tốt và mạnh mẽ hơn”, nữ bác sĩ chia sẻ.
Hay như câu chuyện của cô gái mắc dị tật không âm đạo từng được bác sĩ Dung phẫu thuật tạo hình âm đạo bằng niêm mạc miệng thành công. Sau khi phẫu thuật, cô gái đã lấy chồng, có thể quan hệ tình dục bình thường.
“Hai vợ chồng nhờ người mang thai hộ và có một gia đình trọn vẹn. Từ niềm hạnh phúc của mỗi bệnh nhân như động lực cho tôi cố gắng hơn mỗi ngày”, bác sĩ Dung chia sẻ.
Nữ bác sĩ thẩm mỹ được tôi luyện từ người thầy khó tính Sau mỗi ca phẫu thuật sửa lỗi cho bệnh nhân, bác sĩ Dung lại thấy bản thân làm thêm được một việc có ích. Và để có được chị ngày hôm nay, nữ bác sĩ luôn nhắc đến người thầy của mình – GS Trần Thiết Sơn (vị GS đầu ngành về phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ).
“Thầy vô cùng nghiêm túc trong nghề, say mê với nghề, thầy có thể ngồi hàng giờ đồng hồ để nghiên cứu về một ca bệnh khó. Và đặc biệt thầy luôn khắt khe với học trò. Từ đó chính bản thân tôi cũng học hỏi được nhiều đức tính từ thầy. Chắc có lẽ tôi là học trò bị thầy mắng nhiều nhất”, bác sĩ Dung bật cười.
Bác sĩ Dung cũng bộc bạch, từ khi được thầy giảng dạy, truyền nghề, chị luôn trân trọng việc thầy luôn xem chị không khác “đàn ông” mà dạy dỗ, vì thực tế ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ vô cùng vất vả và áp lực. Hầu hết, phái nam sẽ lựa chọn ngành này nhiều hơn là nữ.
“Thời tôi lựa chọn chuyên ngành này, các nữ bác sĩ đăng ký học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cũng chính vì lẽ đó, những năm học với thầy, ngày lễ, hay ngày kỷ niệm, mọi người được đi chơi, nhưng tôi thì “được” đi học vì thầy bảo “nó có phải con gái đâu đi chơi làm gì?. Cũng chính khoảng thời gian đó mới có tôi ngày hôm nay”, nữ bác sĩ bật cười tâm sự.
Bác sĩ Dung kỳ vọng trong 3-5 năm tới sẽ phát triển khoa thành trung tâm phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tương lai sẽ phát triển thành các chuyên khoa tạo hình khác nhau như tạo hình ung thư; tạo hình nhi; tạo hình dị tật bẩm sinh… để các bệnh nhân được điều trị tốt nhất.