CÓ ĐIỀU GÌ ĐÓ Ở PHIM “NGƯỜI HÙNG THÀNH TROY” MÀ CHÚNG TA KHÔNG THƯỜNG THẤY TRONG NHIỀU PHIM ĐIỆN ẢNH KHÁC

(Tựa gốc: Troy – 2004)
Bất chấp những phản hồi trái chiều và nội dung không sát với Iliad, nhưng tôi vẫn thích phim này lắm lắm. Có điều gì đó về lời thoại và cách dàn diễn viên đã truyền tải những đối thoại đó rất hiệu quả, hoặc diễn xuất của họ, nhìn chung, thật sự độc đáo và đầy thuyết phục. Nhất là Brian Cox và Brendan Gleeson, họ khiến tôi sững sờ mỗi lần xuất hiện trên khung hình. Chẳng hạn như trận chiến giữa Paris và Menelaus, khi Agamemnon đứng phía sau và cười to để chế nhạo sự hèn yếu của Paris. Ý là, ồ quao! Thật là diễn xuất tuyệt vời và khắc họa hình tượng phản diện xuất sắc. Tôi thích cách mà Menelaus hết sức tập trung vào mục tiêu, và câu thoại “Thấy đàn quạ đó chứ? Chúng chưa bao giờ nếm thịt một Hoàng tử” quả thật ấn tượng phi thường. Cũng như câu “nàng rời bỏ ta vì thứ này ư?” vừa đơn giản vừa rúng động. Hoặc, phân cảnh giữa vua Priam và Achilles cũng tuyệt vời. Tất cả những điều đó đều thật tài tình. Lời thoại thông thái, dù nhân vật là chính hay tà. Và nữa là, tôi phải công nhận đây là một trong những màn diễn xuất đỉnh cao nhất của Pitt!


Cảnh Peter O’Toole cầu xin mang xác Hector trở lại thuộc top 10 trong lòng tôi. Một màn diễn thượng hạng.


“Nếu ta để ông mang hắn đi, thì chẳng thay đổi điều gì cả. Trời tảng sáng, ta và ông vẫn sẽ là kẻ thù”
“Đêm nay, ngươi và ta vẫn là kẻ thù đấy thôi. Nhưng giữa kẻ thù vẫn cần có sự tôn trọng”


“Đêm nay, ngươi và ta vẫn là kẻ thù đấy thôi. Nhưng giữa kẻ thù vẫn cần có sự tôn trọng”
Nghe mà thấm vãi. Thế giới này sẽ tốt đẹp hơn biết bao nhiêu nếu đây là luật lệ chứ không phải là ngoại lệ?


Ừ. Ông ta căm ghét Achilles, nhưng phải kìm nén để đưa xác con về. Diễn quá hay.


“Ồ, điều đó nghe có vẻ hào hùng với em, nhỉ? Chiến đấu đến chết. Em trai của anh, hãy nói cho anh, em đã từng g!ết người bao giờ chưa? Em đã từng chứng kiến người nào chết trong trận chiến? Anh đã g!ết rất nhiều người, tai anh đã nghe, mắt anh đã thấy bọn họ chết đi. Và chẳng có gì huy hoàng hết, chẳng có gì thơ mộng”


Một nhân vật làm nền tuyệt vời, nhằm tôn lên Achilles của Pitt. Anh ta chiến đấu vì đó là bổn phận, và nếu anh không làm thế thì những điều khủng khiếp hơn sẽ diễn ra.
Trong khi đó Menalaus chẳng quan tâm đến chết sống của ai hết, miễn là hắn đạt được quyền lực.


“Em nói rằng mình sẽ chết vì tình yêu, nhưng em không biết gì về cái chết, cũng không biết gì về tình yêu!”


“Không có hiệp ước nào giữa sư tử và người”… lời thoại ưa thích của tôi!


Mình siêu thích những tác phẩm sử thi, dù chúng “hay” hay “dở”, cho nên mình sẵn lòng bỏ qua gần như tất cả những khiếm khuyết của phim này và đắm chìm vào nó.


Cảnh Peter O’Toole (Vua Priam) cầu xin mang xác con trở lại khiến mình lạnh hết cả người mỗi lần lướt qua.


“Ta đã yêu thương con trai ta từ khi nó chào đời, và đến ngày hôm qua khi ngươi làm nó nhắm mắt. Hãy để ta tắm rửa cho thân xác nó. Hãy cho ta cầu nguyện cho nó. Cho ta đặt hai đồng xu lên mắt nó cho kẻ lái đò dẫn đi”


“Ngươi đã g!ết bao nhiêu anh em họ rồi? Ngươi đã g!ết bao nhiêu người con, người cha, người anh, người chồng… bao nhiêu rồi, hỡi Achilles vĩ đại?”
Diễn hay quá!


Phần rung động nhất là khi Achilles đến bên xác Hector và không kìm được xúc động. Những gì mà Vua Priam nói đã ảnh hưởng đến anh ta và khiến anh đau đớn.


“Hãy trả nó về cho ta” Đau đớn, giận dữ, căm hờn, và tuyệt vọng, chỉ trong mấy chữ này.


Peter O’Toole xuất sắc một cách đầy mê hoặc trong phim này.


Tôi có nghe (từ một vị giáo sư nghiên cứu về khảo cổ Hy Lạp nên tuy đây không hoàn toàn là chuyên môn của họ, nhưng vẫn có giá trị tham khảo) rằng đây là cảnh đắt giá nhất trong sử thi Iliad. Rất đáng khen nếu phim đã truyền tải tốt tình tiết này.


Tôi chuyên về văn học đây, và anh bạn ơi, đúng rồi đấy! Sử thi Iliad không phải là câu chuyện về sự sụp đổ của thành Troy, mà là cuộc giao tranh giữa Agamemnon và Achilles. Achilles từ chối chiến đấu bởi vì niềm kiêu hãnh của anh đã bị tổn thương, anh chỉ quay lại vì cái chết của Patroclus, điều này dẫn đến cuộc đấu với Hector. Vua Priam đến cầu xin mang xác con trở về là cao trào của câu chuyện.
Đây là người đàn ông xứng đáng với niềm kiêu hãnh và vinh quang chẳng kém gì bản thân Achilles anh, nhưng ông đã cúi mình hết mức có thể thay vì thề thốt trả thù. Đó là chiến thắng của khiêm nhường trước ngạo mạn. Quyển sách này có ba chương tường thuật lại cuộc chiến giữa những kẻ vĩ đại, và một tình tiết phụ rằng thần Zeus tìm g!ết vị thần Ngủ, nhưng bị đánh đuổi trước sức mạnh khủng khiếp của Màn Đêm. Achilles đánh bại Hector là một tràng cảnh kì vĩ, nhưng không thay đổi được gì.
“Vua Priam thần thánh” đã từ chối ngồi xuống cho đến khi lễ tang của con trai Hector kết thúc, rồi đề nghị mang vàng tặng cho Achilles; hành động của ông đã phá vỡ vòng lặp. Khiến Achilles đến bên xác Patroclus và cầu xin em mình tha thứ vì đã trả xác Hector về. Khiến hai kẻ tử thù được ngồi ăn cùng nhau.


Rất thích cách Pitt diễn ra một Achilles đã mệt nhoài đến cay đắng vì chiến tranh.
“Hãy tưởng tượng một vị vua, chiến đấu trong cuộc chiến của chính mình”
Nhất là lúc giọng nói của anh hơi lạc đi khi cất tiếng hỏi: “KHÔNG CÒN AI KHÁC NỮA Ư?”
Vậy mà sau cùng, anh cũng không thể đứng ngoài cuộc chiến.


Một Achilles Cay Đắng và một Odysseus Nhìn xa Trông rộng đã nâng tầm bộ phim trong lòng tôi, cách truyền tải của Sean Beans thật sự đỉnh cao.
“Nếu đời sau có kể lại câu chuyện của ta, hãy nói rằng ta đã bước cùng bước với những kẻ khổng lồ. Đời người thăng trầm như những ngọn lúa mạch mùa đông, nhưng tên tuổi họ sẽ không bao giờ bị quên lãng.
Hãy nói rằng ta đã sống cùng thời với Hector, kẻ thuần hóa ngựa. Hãy nói rằng, ta đã sống cùng thời với Achilles”


Quá nhiều con người trác tuyệt.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *