67 tuổi vẫn ra vỉa hè ngồi bán rau vì không có lương hưu
Gần như ngày nào mọi người cũng nhìn thấy bà Nguyễn Thị Liên (70 tuổi) gương mặt nhăn nheo, ngồi bán mấy mớ rau, vài quả đu đủ trên vỉa hè đường Sa Đôi (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Hoàn cảnh khó khăn, chồng mất sớm, các con đi làm xa nên bà tranh thủ làm thêm rau củ trong vườn nhà đem ra vỉa hè ngồi bán để có thêm đồng ra đồng vào.
“Rét này lạnh lắm nhưng ở nhà không làm gì nên ra đây ngồi bán. Bán hết thì mua chút đồ ăn, không bán hết mang về chiều hoặc mai ra bán tiếp”, bà Liên nói.
Bà kể trước đây bà cũng đi làm công nhân, nhưng làm mệt tiền công không đáng bao nhiêu nên bỏ ngang về nhà buôn bán. Nay sức khỏe yếu, không có lương hưu nên bà đành phải bám vỉa hè mưu sinh thêm.
“Mấy lần có hỏi cán bộ chính sách phường, nhưng họ nói, người già muốn nhận trợ cấp người cao tuổi (trợ cấp hưu trí) thì phải 80 tuổi mới có tiền. Vậy phải 10 năm nữa. Biết vậy, trước đây tôi không bỏ ngang về kinh doanh cố đi làm đóng BHXH”, bà Liên buồn buồn kể.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Nguyệt, 67 tuổi (cũng ở Đại Mỗ) có hoàn cảnh khó khăn không kém. Ngày mưa cũng như ngày nắng bà ngồi cổng chung cư FLC Đại Mỗ bán rau, quả.
Bà Nguyệt chia sẻ: “Số khổ đành phải chấp nhận chứ biết sao giờ. Nghĩ cảnh về già mọi người có tiền lương hưu, tôi cũng ước, nhưng giờ già rồi chịu chẳng còn cách nào để làm hay đóng BHXH. Chỉ cố đi làm tích cóp lấy mấy đồng tới lúc yếu không đi chợ được nữa thì còn có cái ăn”.
Giảm độ tuổi, tăng quyền lợi trợ cấp hưu trí cho nhiều người già không có lương hưu
Theo thống kê của Bộ LĐTBXH tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người cao tuổi – người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Tuy nhiên, số người có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng hoặc trợ cấp xã hội chỉ hơn 5,1 triệu người (chiếm khoảng 35% số người nghỉ hưu).
Số người có lương hưu, có BHXH, BHYT thấp làm gia tăng gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội. Bởi vậy, Chính phủ đặt mục tiêu, tới năm 2030 sẽ có khoảng 60% số người sau độ tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng, bộ đề xuất sửa đổi chế độ trợ cấp hưu trí xã hội được đưa vào Luật BHXH. Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm. Mức trợ cấp hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi – Nguyên phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần thiết phải thiết kế chế độ an sinh toàn diện cho lao động tự do, tránh việc họ bị “ném” ra bên lề của xã hội. Ông ủng hộ đề xuất giảm tuổi để hưởng trợ cấp hưu trí từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi của Bộ LĐTBXH.
Tuy nhiên, ông Lợi cũng cho rằng cần tính toán kỹ lưỡng hơn về khoản tài chính nếu đề xuất giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí. Xem liệu sẽ có bao nhiêu người được hưởng lợi từ việc giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí này.
“Chỉ nên ưu tiên trợ cấp hưu trí cho người không có bất cứ khoản thu nhập nào, hoặc nếu có các khoản trợ cấp khác, thì chỉ nên hưởng 1 khoản trợ cấp cao nhất”, ông Lợi nói thêm.
Theo TS Nguyễn Thanh Huyền, Trường ĐH Luật – ĐHQG Hà Nội, sau gần 20 năm thực hiện chế độ trợ cấp hưu trí xã hội cho người cao tuổi, do độ tuổi hưởng cao (từ năm 2014 đến nay là đủ 80 tuổi) nên số người được hưởng còn ít. Bên cạnh đó, mức điều chỉnh trợ cấp còn chậm và khiêm tốn, chỉ bằng khoảng 20% mức lương cơ sở, tùy giai đoạn và hiện chỉ đạt 360.000 đồng/người/tháng.
“Do đó, để mở rộng lưới an sinh, cần giảm độ tuổi hưởng, trong đó có thể quy định độ tuổi riêng đối với một số đối tượng đặc biệt. Chẳng hạn, đối tượng hưởng bao gồm: người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo từ đủ 70 – 75 tuổi; người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo không có người phụng dưỡng, từ đủ 60 tuổi…”, bà Huyền nói.