Lao động Việt có cơ hội làm nghề kinh doanh dịch vụ tại Hàn Quốc
Theo ông Nguyễn Gia Liêm – Phó cục Trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết: Ủy ban Chính sách nhân lực nước ngoài của Hàn Quốc đã quyết định mở rộng thí điểm cho phép tuyển dụng lao động nước ngoài thị thực E9 vào làm việc trong ngành kinh doanh khách sạn và căn hộ cho thuê.
Các lao động làm trong lĩnh vực này sẽ được cung cấp thị thực E9 (visa lao động phổ thông). Theo đó, các lao động sẽ làm việc tại 4 địa điểm du lịch chủ yếu của nước này, gồm: Seoul, Busan, Kangwon và Jeju.
Ngành nghề dự kiến triển khai gồm nhân viên dọn dẹp vệ sinh và nhân viên phụ bếp làm việc trong ngành kinh doanh khách sạn và căn hộ cho thuê (bao gồm cả kinh doanh nhà trọ tập thể hostel).
Dự kiến trong năm 2024, Hàn Quốc sẽ ban hành quy trình thực hiện bao gồm chỉ định quốc gia phái cử, cơ quan tuyển chọn, đơn vị đào tạo – giáo dục định hướng…
Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ thông báo rộng rãi khi Hàn Quốc chính thức tiếp nhận lao động Việt Nam các ngành nghề này.
Hiện nay, Việt Nam đang có hơn 50.000 lao động sang Hàn Quốc làm việc. Lao động làm việc chủ yếu trong ngành xây dựng, chế tạo; ngành xây dựng; ngành nông nghiệp… nếu được mở rộng sang ngành kinh doanh dịch vụ, khách sạn thì đây là cơ hội lớn cho lao động Việt Nam.
Khuyến nghị lao động nắm thông tin tránh bị lừa đảo khi sang làm việc tại Hàn Quốc
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, thời gian vừa qua, có một số cá nhân, tổ chức lợi dụng thông tin mở rộng chính sách tiếp nhận của Hàn Quốc quảng cáo, tuyển chọn trái quy định về việc đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc trong các ngành nghề giúp việc gia đình, vệ sinh, đầu bếp, nhà hàng, bốc xếp bưu phẩm… theo thị thực E9 và E5 (visa chuyên gia).
Hiện nay, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) là đơn vị duy nhất phái cử lao động đi làm việc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài theo thị thực E9 (Chương trình EPS, bao gồm các ngành nghề sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp và đóng tàu), chưa được giao phái cử lao động trong các ngành nghề nêu trên.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng chưa tiếp nhận và chấp thuận hợp đồng cung ứng lao động của bất kỳ doanh nghiệp dịch vụ nào để đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc trong các ngành nghề giúp việc gia đình, vệ sinh, đầu bếp và nhân viên khách sạn.
“Chúng tôi đề nghị người lao động tìm hiểu kỹ thông tin; nếu có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc thì liên hệ với sở LĐTBXH tại địa phương nơi cư trú, Trung tâm Lao động ngoài nước, các doanh nghiệp được Bộ LĐTBXH cấp giấy phép dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”, ông Liêm nói.
Trước đó, đầu tháng 1, Bộ LĐTBXH thông báo kế hoạch tuyển chọn lao động sang làm việc tại Hàn Quốc trong năm 2024. Theo đó, năm nay, Hàn Quốc tăng chỉ tiêu tuyển chọn lao động Việt Nam sang làm việc từ 12.000 lên trên 15.000 người, tại các ngành nghề: sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp.
Đáng chú ý, năm nay, Hàn Quốc không áp dụng các biện pháp tạm dừng tuyển chọn tại các địa phương như những năm trước đây; đồng thời mở rộng tuyển lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đối với 13 tỉnh ĐBSCL, gồm: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.