TẠI SAO NGÀY NAY VẪN CÒN NHIỀU NGƯỜI QUAN TÂM ĐẾN VÀI ĐỒNG BẠC LẺ?

Tôi đã từng nhìn thấy một bà lão, đi xe buýt bỏ nhầm tiền, vốn dĩ phí đi xe buýt chỉ 1 tệ (~4k) nhưng bà ấy lại bỏ nhầm 5 tệ (~18k) vào. Bà ấy van xin phụ xe suốt cả buổi. Vì trên xe đông người nên phụ xe liên tục chối rằng ông ta không thấy, dù bà lão có nói thế nào ông ta cũng không quan tâm, bà lão liền ôm mặt khóc nức nở bên cạnh.

Một cô bé đứng gần đó thấy vậy liền lấy trong túi ra 5 tệ (~18k) đưa cho bà lão, nói bà không bỏ nhầm tiền, mà tiền của bà bị rơi xuống đất.

Bà lão nhìn kỹ, nắm lấy tay cô bé rồi nói: “Cảm ơn cháu, nhưng tiền của bà không mới thế này.”

Tôi từng thấy hai vợ chồng bán quẩy và sữa đậu nành ven đường, vào lúc đông khách đã không may trả nhầm tiền, không biết là thừa mấy tệ, họ đã đuổi theo người khách đó vài phút. Người khách đó đi xe máy, không biết là không nghe thấy hay giả vờ không nghe thấy, người đó vặn ga rẽ một cái là không thấy đâu nữa.

Người phụ nữ ngã sõng soài xuống đất, đầu gối chảy máu, vừa khóc vừa mắng chồng mình là đồ ngốc.

Chồng cô đỏ mặt tía tai, không nói lời nào, tiến đến kéo cô ấy dậy và tát mình một cái thật mạnh.

Tôi từng gặp một cô bé đeo chiếc cặp sách bị rách, mặc quần jean cũ, cúi đầu đi lòng vòng trên con đường tối tăm. Khi ấy đã vào đông, cô bé bị lạnh đến mức mặt tái nhợt.

Chúng tôi dừng xe bên cạnh cô bé, bạn gái tôi hỏi: “Em ơi, em đang làm gì thế?”

Cô bé mếu máo, mắt đỏ hoe: “Em bị mất tiền.”

Bạn gái tôi nói: “Em về nhà nhanh đi, trời tối thế này mà chưa về bố mẹ em sẽ lo lắng đó.”

Cô bé nghẹn ngào nói: “Chị không biết đâu, số tiền đó là bà nội cho em mua sách vở, bà nhặt chai nhựa cả tháng mới kiếm được đó ạ.”

5 tệ chỉ mua được một ly nước giải khát, 10 tệ chỉ đủ 2 tiếng đi Net, 3 mấy tệ cũng chỉ mua được một bao thuốc lạ. Nhưng đối với họ, số tiền này là hy vọng của họ, cuộc sống đè nặng lên họ, số tiền này là cọng rơm cứu mạng họ khi họ đang chìm trong biển nước.

Thế giới này thích đánh giá người khác dựa trên góc nhìn từ bản thân mình. Bạn quen với cuộc sống xa hoa của những người nổi tiếng, mỗi ngày đi qua những con phố sầm uất và những tòa nhà cao tầng, mua sắm ở những cửa hàng sang trọng, bạn sẽ cảm thấy những người nghèo khổ và bệnh tật dường như không tồn tại.

Chúng ta không chỉ cần ngước nhìn bầu trời, mà còn phải học cách nhìn xuống bụi trần.

Những người nói rằng tiền không quan trọng, thường là những người chưa trưởng thành.

Hồi học cấp 3, tôi tiêu xài rất hoang phí, tiền sinh hoạt hàng tháng hơn một 1000 tệ (~3tr5), chỉ riêng tiền nạp game và mua quần áo đã ngốn mất mấy trăm tệ, cứ hễ hết tiền là tôi lại đi vay mượn khắp nơi, vay không được thì về nhà “lấy” tiền trong tủ của bố. Một lần nọ tôi lén lút về nhà, lấy 1000 tệ (~3tr5) định đi ăn nhậu với đám bạn thân. Bất ngờ bố tôi về nhà và bắt quả tang. Tôi vô cùng ngượng ngùng và xấu hổ, trong lòng tôi thầm nghĩ “Xong đời rồi, chuyến này toi rồi”.

Bố tôi chỉ hỏi: “Tiêu hết tiền rồi à?”

Mặt tôi đỏ bừng, gật đầu, chuẩn bị tinh thần đón nhận một trận đòn roi. Nhưng kết quả, ông chỉ nói một câu: “Đi học phải cố gắng học tập, đừng suốt ngày la cà chơi bời lêu lổng bên ngoài.”

Nhìn thấy bố xách theo một túi nilon, bên trong có bốn chiếc bánh bao, tôi lại nhớ đến trên bàn chỉ có hai đĩa rau xanh, đó chính là bữa trưa tạm bợ của ông.

Lúc ấy, tôi mới cảm thấy hối hận, bản thân sống sung sướng, vô tư chỉ vì có người âm thầm gánh vác những khó khăn thay mình. Tôi hỏi: “Trưa nay bố chỉ ăn vậy thôi ạ?”

Bố tôi cười: “Dù sao nhà cũng không có ai, ăn tạm cho qua bữa thôi.”

Tôi cúi đầu, không biết nói gì, bố lại vỗ vai tôi, nói một câu khiến tôi không kìm được nước mắt.

“Đúng rồi, con chưa ăn cơm nhỉ, đi, bố con mình ra ngoài ăn nhé.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *