Các nước như Trung Quốc thời nhà Thanh hay Đế quốc Ottoman đã phản ứng ra sao trước tác phẩm Nguồn Gốc Các Loài của Charles Darwin?

Hỏi hay đấy! Tôi có thể đưa ra một câu trả lời căn bản dành cho bạn. Nguồn Gốc Các Loài của Darwin có một tác động rất sâu sắc và tương đồng lên cả Trung Quốc thời nhà Thanh lẫn Đế quốc Ottoman.
Ở Trung Quốc, tác phẩm của Darwin đã không được biết tới cho đến khoảng 40 năm sau khi nó được viết. Khi cuốn sách được dịch thuật vào cuối những năm 1890, nó xuất hiện trong bối cảnh Trung Quốc đã có những phản ứng vào đầu thế kỷ 20 trước thách thức về ưu thế quân sự của phương Tây. Sự thống trị của phương Tây đã không thể bị bỏ qua nữa sau khi sự xâm lược của người Anh buộc phải đưa ra những điều khoản nhục nhã sau Chiến tranh Nha phiến, thêm vào đó giới trí thức trên khắp châu Á cũng đang ở trong quá trình tự vấn tâm hồn về mặt văn hóa và tinh thần. Một số tìm cách vay mượn công nghệ và khoa học của phương Tây và hoà hợp nó với những cách thức “phương Đông”, trong khi những người khác lại tìm cách lật đổ hoàn toàn những cách thức truyền thống để ủng hộ những ý tưởng có nguồn gốc từ thời kỳ khai sáng của châu Âu. Chiến thắng của Nhật Bản trước Nga trong Chiến tranh Nga-Nhật 1904-1905 đã đánh dấu lần đầu tiên một quốc gia châu Á đánh bại một quốc gia phương Tây trong một cuộc xung đột quân sự hiện đại. Nó cũng được ca ngợi như là một kết quả kỳ diệu của việc Nhật Bản đã nhanh chóng bắt chước và áp dụng tổ chức và giáo dục chính trị và quân sự của phương Tây. Một thập kỷ trước đó, chiến thắng của Nhật Bản trước Trung Quốc trong Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất năm 1895 đã thuyết phục nhiều người rằng Trung Quốc sẽ bị nuốt chửng nếu không noi gương Nhật Bản.
Vào thời điểm này Nghiêm Phục (嚴復) đã xuất hiện, ông là một học giả và dịch giả từng giảng dạy tại Học viện Quân xưởng Phúc Kiến và Trường Sĩ quan Hải quân Bắc Dương. Được truyền cảm hứng từ chiến thắng của người Nhật, Nghiêm đã dịch nhiều tác phẩm văn học của phương Tây, bao gồm Wealth of Nations của Adam Smith và Evolution and Ethics của Thomas Huxley. Nghiêm đã chỉ trích Darwin trong bài viết của mình, từ đó lần đầu tiên giới thiệu với khán giả Trung Quốc những ý tưởng của ông. Có lẽ quan trọng hơn, ông cũng đã giới thiệu cho họ ý tưởng “thích nghi thì sống sót”, vốn là chủ đề chính trong các tác phẩm của các nhà cải cách và cách mạng như Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi và Tôn Trung Sơn. Đối với họ, phân tích xã hội của Darwin đã củng cố một ý tưởng mà người Anh đã dạy cho họ – kẻ mạnh săn kẻ yếu và chỉ khi thích nghi thì họ mới có thể sống sót.
Ý tưởng về các giai đoạn tiến hóa và của Thuyết Darwin xã hội cũng rất quan trọng trong lịch sử Trung Quốc. Nghiêm tin rằng tiến bộ của xã hội sẽ tiến triển một cách tự nhiên theo từng giai đoạn. Những quốc gia bỏ qua chế độ quân chủ lập hiến và nỗ lực thực hiện dân chủ trực tiếp đã chìm vào hỗn loạn và đấu tranh giai cấp. “Vậy thì bây giờ chúng ta có nên vứt bỏ mọi sự trung thành với đấng cai trị của mình không?” ông đặt ra câu hỏi trong bài luận của mình. “Chắc chắn là không nên! Bởi vì thời cơ chưa chín muồi… Nhân dân chúng ta vẫn chưa sẵn sàng để tự cai trị” Những người khác tin rằng các định luật của Darwin có nghĩa rằng cuộc cách mạng là điều không thể tránh khỏi; nhóm này bao gồm những người Cộng sản, nhưng cũng có những người dân chủ cấp tiến và những người theo chủ nghĩa dân tộc như Tôn Trung Sơn. Một trong những người theo Tôn, Trâu Dung, đã viết rằng: “Cách mạng là quy luật của Tiến hóa”.
Các đế quốc châu Âu, các nhà truyền giáo và các chính quyền thuộc địa ở Trung Quốc cũng sử dụng lý thuyết của Darwin để biện minh cho sự bành trướng của mình. Điều này cũng xảy ra ở những nơi khác trên thế giới và chính yếu tố này đã có tác động lớn nhất đến việc tiếp nhận các lý thuyết của Darwin ở Đế quốc Ottoman. Mặc dù tôi không biết rõ lắm về phần lịch sử này nhưng tôi sẽ cung cấp một cái nhìn tổng quan ngắn gọn từ những gì tôi đã tìm được trong quá trình đọc của mình.
Darwin xuất hiện ở Đế quốc Ottoman vào thời điểm tương tự như Nhà Thanh. Trích lời Alper Bilgili như sau,
“Từ chiến trường đến công nghệ in ấn, từ giáo dục đến tài chính, trong hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống, trí thức Ottoman đều cảm nhận được sự vượt trội của các cường quốc châu Âu. Do đó, bất kỳ cuộc đấu tranh nào nhằm giành lại sức mạnh trước đây của đế chế chắc chắn sẽ phải có kinh nghiệm Khai sáng của phương Tây đi kèm. Đối với nhiều trí thức Ottoman, tái tạo điều đã tồn tại cũng chẳng ích gì; tất cả những gì họ cần làm là đi theo con đường hiện đại hóa và Khai sáng của phương Tây. Quả thực, ngay cả một số người Hồi giáo ở thế kỷ 19 cũng đang bảo vệ quá trình phương Tây hóa trong một số lĩnh vực chọn lọc của đời sống – chẳng hạn như việc tích hợp khoa học phương Tây vào chương trình giảng dạy ở trường học” Ở phía đối lập với những người Hồi giáo theo chủ nghĩa cải cách là những người Thổ Nhĩ Kỳ trẻ, những người theo chủ nghĩa duy vật cấp tiến và những người ủng hộ việc tiếp nhận văn hóa phương Tây và là những người công khai khinh miệt tôn giáo.
Giống như ở Trung Quốc, thuyết tiến hóa đã trở thành một cách để chỉ trích văn hóa truyền thống và ủng hộ việc thay thế nó bằng một lối sống mới và hiện đại. Điều này có nghĩa là chúng mang theo những ý nghĩa không chỉ đơn giản là liệu chúng có thể hòa hợp được với tôn giáo hay không.
“Việc sử dụng lý thuyết tiến hóa và sinh học nói chung đã vượt ra ngoài các cuộc tranh luận về tôn giáo, và chúng đã sớm biến thành vũ khí được sử dụng trong cuộc chiến chống lại chế độ cũ”
Tuy nhiên, không phải tất cả trí thức Ottoman đều là người ủng hộ chủ nghĩa Darwin. Ví dụ như trường hợp của Ismail Fennî, một trí thức quá cố của Ottoman chẳng hạn, ông là người đã viết một cuốn sách ngay sau phiên tòa Scopes-Monkey nhằm mục đích vạch trần chủ nghĩa duy vật khoa học.
Một lần nữa, tôi sẽ để ở đây một trích dẫn dài từ Bilgili:
“Đối với những người phản đối, học thuyết Darwin, cùng với những thứ khác, phải chịu trách nhiệm về chủ nghĩa quân phiệt Đức, thứ mà cuối cùng đã dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ nhất… [Fennî] tuyên bố rằng học thuyết Darwin đã làm mờ đi sự phân biệt giữa con người và quái vật và do đó đã phá hủy nền tảng của đạo đức. Tuy nhiên, bất chấp lập trường chống chủ nghĩa Darwin của mình, Ismail Fennî đã lập luận chống lại luật cấm giảng dạy học thuyết Darwin trong trường học và nhấn mạnh rằng ngay cả những lý thuyết sai lầm cũng góp phần cải tiến khoa học. Thật vậy, vì niềm tin của mình vào khoa học, ông tuyên bố rằng người Hồi giáo không nên bác bỏ học thuyết Darwin nếu nó được hỗ trợ bởi bằng chứng khoa học trong tương lai. Nếu điều này xảy ra thì những giải thích tôn giáo nên được sửa đổi cho phù hợp”
Điều thú vị là ngày nay học thuyết Darwin vẫn còn là một cuộc tranh luận ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại. Theo một bài báo khác của Bilgili, đây đã là một cuộc tranh luận xã hội lớn kể từ những năm 1980, khi nền chính trị tôn giáo bảo thủ đã trỗi dậy:
“Trong trường hợp của người Thổ Nhĩ Kỳ, những bình luận của Darwin có liên quan đến mối quan hệ Anh-Ottoman, và Darwin bị đổ lỗi vì đã khơi dậy cảm xúc chống lại Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Âu. Điều này được cho là đã dẫn đến việc Anh chiếm đóng Ai Cập vào thế kỷ 19, sự sụp đổ của Đế chế Ottoman, cũng như các cuộc tấn công đốt phá của Tân Quốc xã đương thời ở Đức nhằm vào người di cư Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, những người theo chủ nghĩa chống Darwin ở Thổ Nhĩ Kỳ coi học thuyết Darwin không chỉ đơn thuần là một lý thuyết khoa học sai lầm mà còn là một công cụ chính trị-tư tưởng của quyền bá chủ phương Tây nhằm chống lại Thổ Nhĩ Kỳ và Thế giới Hồi giáo. Mặt khác, những người theo chủ nghĩa Darwin ở Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả lại những tuyên bố đó đã thể hiện Darwin là một người theo chủ nghĩa quân bình, người có thể vượt qua những định kiến ​​của tầng lớp xã hội của mình”
Hy vọng rằng câu trả lời này đã giải đáp được thắc mắc của bạn!
Nguồn:
Bilgili, Alper. “Beating the Turkish hollow in the struggle for existence: Darwinsocial Darwinism and the Turks” Studies in History and Philosophy of Biological andBiomedical Sciences (2017)
Bilgili, Alper. “An Ottoman response to Darwinism: Ismail Fennî on Islam and evolution” British Society for the History of Science 48(4): 565-582, (2015)
Pusey, James Reeve. China and Charles Darwin. Harvard University Press (1983)
Pusey, James Reeve. “Global Darwin: revolutionary road: in China, under the threat of Western imperialism, interpretations of Darwin’s ideas paved the way for Marx, Lenin and Mao, argues James Pusey in the third in our series on reactions to evolutionary theory” Nature, Vol 462, Issue 7270. (2009)
Xu, Jilin. “Social Darwinism in Modern China”. Journal of Modern Chinese History, Vol 6, Issue 2, pp 182-197 (2012)
Edit: I had the wrong date for the Russo-Japanese War (1904-1905), was mixing it up with the First Sino-Japanese War (1895).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *