Tôi không thể nào ngừng suy nghĩ về cuốn “Never let me go”

(TN: “Never let me go” là tác phẩm của nhà văn Anh Kazuo Ishiguro. Ở Việt Nam đã có bản dịch “Mãi đừng xa tôi” của dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng)
[SPOILER ALERT]
Tôi đã dành khá nhiều thời gian để “tiêu hóa” cuốn sách này, nhưng càng nghĩ càng thấy có nhiều điều để bàn luận hơn về nó. Quá trình đọc “Never let me go” đúng là khổ ải vì bất cứ người đọc bình thường nào như tôi cũng nhận ra rằng thế giới trong câu chuyện là một phản địa đàng kinh khủng. Tôi cứ chờ, cứ đợi các nhân vật nhận thức được thực tế phũ phàng của họ và đứng lên làm gì đó, hay ít nhất hãy tỏ ra một chút xíu phẫn nộ với thực tế ấy đi, bởi vì tôi đã vừa đọc vừa nổi cáu thay cho họ đấy. “Never let me go” có một cốt truyện điển hình về xã hội phản địa đàng và tôi đã nghĩ [hai tầng lớp trong xã hội này] cần phải có một giao kèo nào đó. Nhưng thay vào đó, các nhân vật chỉ mơ hồ tỏ ra hào hứng với ý tưởng hoãn lại việc hiến tạng và tôi chỉ muốn gào vào mặt họ rằng a) ấy thực sự là một ý tưởng ngu ngốc vì tôi biết xã hội không hoạt động như thế và b) hoãn lại thì thay đổi được gì chứ!
(TN 1: Từ gốc của “hoãn hiến tạng” trong truyện là “deferral”. Việc hoãn hiến tạng là một tin đồn được lan truyền giữa các học sinh. Cụ thể, nếu một cặp đôi chứng minh được mình đang yêu sâu đậm, họ có thể được hoãn việc hiến tạng của mình lại 3-4 năm để có thêm thời gian bên nhau.
TN 2: Mình thêm “[hai tầng lớp trong xã hội này]” cho dễ hiểu vì câu gốc chỉ là “I almost felt like there was a contract that needs to be followed”. Hơi khó để hiểu contract này là thoải thuận giữa những ai)
Thế rồi tôi bắt đầu nhận ra rằng mình đang áp đặt góc nhìn của một người sống trong thế giới “thực” lên các nhân vật. Kathy, Ruth, và Tommy, họ đã ở một thực tại khác hoàn toàn. Đối với họ, cuộc đời đã được định đoạt, chuyện họ bình thản hiến đi những cơ quan nội tạng quan trọng và chết trẻ thực bình thường như việc tôi biết một ngày nào đó đời mình sẽ chấm hết. Buồn vậy đấy, nhưng không có gì quá sức lệch lạc hay không công bằng. Họ nhìn sự bất công ngay trước mũi mình với đôi mắt nhắm chặt.
Câu hỏi được đặt ra: Chúng ta đã chấp nhận sự bất công nào đến với mình đơn giản vì đời ta đã được an bài để chấp nhận nó?


Sâu sắc thật đấy! Hẳn bạn cũng đã trải qua cảm giác sợ hãi cùng cực khi đọc đúng không? Sợ đến mức bạn cầu mong một thảm họa bất chợt xảy đến và quét sạch sự căng thẳng trong câu chuyện. Xin tuyên bố: tôi mê mẩn cuốn này và đồng ý hai tay hai chân với bình luận của ai đó rằng nên tiếp tục đọc “Klara and the Sun” nếu bạn thích “Never let me go”


Là một người từng cáu tiết vì các nhân vật chỉ biết chấp nhận đi theo guồng quay của hệ thống và im lặng, cuối cùng tôi đã thử đối chiếu với cuộc sống thực và thấy cách hành động của họ cũng không phải không có lý. Nhiều người chấp nhận chịu bất công; buồn hơn, nhiều người còn không biết họ đang phải chịu bất công.


Chuẩn xác. Đây chính là điều làm nên vẻ đẹp của cuốn sách này. Phải chăng cuộc sống của các nhân vật trong truyện tồi tệ hơn hay ít ý nghĩa hơn cuộc sống của con người chúng ta? Từ góc nhìn của chúng ta thì câu trả lời là “có”, nhưng từ phía họ thì là “chưa chắc”.


Tommy không nhắm mắt làm ngơ trước thực tại đâu, tôi cho rằng cậu hoàn toàn hiểu mình phải đối mặt với cái gì, điều này càng về cuối truyện càng rõ. Hẳn đó là lý do vì sao tính khí cậu thay đổi rất nhiều theo thời gian.


Lạy trời, Tommy quả thật là một nhân vật được xây dựng một cách xuất sắc. (Từ góc nhiên của Kathy thì) cậu là một kẻ bị ruồng bỏ vào những năm niên thiếu, bị coi là “kém hơn” những người khác trong thế giới của cậu. Về sau, cậu lại là nhân vật duy nhất có thể đưa ra quan điểm hợp lý mà người đọc có thể hiểu và thông cảm. Càng về cuối, tôi càng ngóng đọc những đoạn có Tommy xuất hiện.


Đúng! Tôi nghĩ sự phụ thuộc của Ishiguro vào người kể chuyện không đáng tin (unreliable narrator) có tác dụng rõ rệt ở đây. Kathy không hoàn toàn đáng tin vì cô ấy chỉ hành động vì bản thân mình, cô không biết những gì cô không được biết, và Ishiguro đã sử dụng nhân vật này rất tốt. Về cuối truyện, sự tương tác giữa Tommy và giám thị của ngôi trường (Deerling à? Tôi quên rồi) có thể được nhìn nhận dưới một góc độ khác.
Tôi cho rằng Tommy hiểu việc không đạt được “mục đích” có ý nghĩa như thế nào và nó cho cậu cái nhìn sâu hơn về lý do mục đích đó được sinh ra. Có ý kiến cho rằng Tommy tệ trong việc “thể hiện tâm hồn mình” bằng nghệ thuật nhưng tình yêu nhẹ nhàng và cách tiếp cận cuộc sống của cậu có lẽ đã là dẫn chứng rõ ràng nhất cho việc cậu thực sự có một tâm hồn, rõ ràng hơn bất kỳ đứa trẻ nào khác. Những đứa trẻ còn lại này, chúng chứng minh rằng con người ít nhiều sẵn sàng chấp nhận hoàn cảnh của mình nếu bề trên nói với họ rằng đó là tất cả những gì có thể có, chỉ có Tommy có vẻ thật sự khát khao cuộc sống và hạnh phúc cho riêng mình.


Ngay cả những bức tranh của Tommy cũng thế. Tranh của cậu không phải là không đẹp, nhưng chúng không phải kiểu tranh mà người ta trông đợi cậu sẽ vẽ (những con thú). Sau khi rời trường, Kathy mới bỏ qua những kỳ vọng về nghệ thuật từng được đặt ra ở trường và nhận ra Tommy có năng khiếu thật sự. Tommy bị cho ra rìa vì cậu đã nhận ra (có thể trong vô thức) rằng tất thảy bọn họ đều bị quây nhốt và đẩy lùi về phía sau. Có thể đây là lý do vì sao cậu là học sinh duy nhất gần như chạm đến bản chất của ngôi trường khi nói chuyện với một giám thị (TN: Miss Lucy) trước khi cô bị sa thải.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *