TRỞ THÀNH TRẺ MỒ CÔI LÀ CẢM GIÁC THẾ NÀO?

Từ nhỏ tôi đã được đưa vào cô nhi viện.

  • Mặt khách quan:

Không cần lo về các nhu cầu cơ bản như ăn uống, giáo dục, quần áo.

Mỗi tháng chỉ có vài đồng tiêu vặt, Tết thiếu nhi 1/6 sẽ có nhiều cơ quan chức năng đến thăm hỏi và tặng quà.

Ở đây có các trường từ tiểu học cho đến cấp 2 và trung cấp nghề, Họ sẽ chịu trách nhiệm nuôi dưỡng đến khi tốt nghiệp cấp 2, sau này nếu như đứa trẻ nào học giỏi thì có thể học nghề trong trường hoặc học cấp 3 công lập bên ngoài.

Quản lý theo kiểu quân đội, nội trú. Mỗi lớp sẽ có một giáo viên đời sống, chịu trách nhiệm chăm sóc cuộc sống thường ngày. Cung cấp đồ dùng sinh hoạt theo quý, vào dịp nghỉ lễ có thể về nhà thăm người thân (nếu có).

Nếu đậu đại học (công lập) thì sẽ được hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí (hình như hồi đó mỗi tháng tôi được cho 1200 tệ (~ 4tr2)), cứ thế cho đến khi tốt nghiệp (học lên tiến sĩ luôn cũng được).

Mọi trẻ em không nơi nương tựa đều có thể vào cô nhi viện, bao gồm trẻ bị bỏ rơi, mồ côi cha mẹ, cha mẹ đi tù,…

Không yêu cầu về năng lực dân sự của trẻ mồ côi. Bạn tôi hồi đó có người bị bại não, liệt, hở hàm ếch, khuyết tật,…

  • Hiện thực chủ quan (Hồi tôi đi học, còn giờ không biết như nào)

Bị bắt nạt nhiều, hồi bé không ít lần phải nhặt tàn thuốc trong thùng rác để cuộn lại thành điếu thuốc nộp cho bọn đầu gấu trong viện, chưa kể hàng ngày còn phải giặt đồ và gấp chăn, còn bị trấn lột tiền tiêu vặt.

Chất lượng cuộc sống tệ. Ăn cơm tập thể, 6 người 1 bàn, thức ăn hầu như hôm nào cũng giống nhau, trưa thứ 2 còn đỡ hơn chút (có xúc xích hoặc thịt gà). Tay nghề đầu bếp nấu không được ổn lắm, cháo loãng, ăn rau còn sâu, bánh bao hay bánh mì đều không được hấp chín, ăn bị sượng, thức ăn cũng không được nấu chín, cho muối lúc thì quá nhiều, lúc lại quá ít,….

Quần áo do trường phát, đồ mùa hè, mùa đông với cả đồng phục đi học, nếu muốn mặc đồ khác thì kêu người nhà mua. Cuối tuần cắt tóc và tắm.

Hồi nhỏ tôi thường lén hái trái cây trong vườn, nhặt thức ăn thừa trong thùng rác (học sinh cấp 2 được ăn ngon hơn, tôi thường nhặt được phần trái cây bị dập, gia vị mì tôm, xương gà còn thịt, nửa ổ bánh mì, vỏ khoai lang nướng…., lâu lâu còn ăn đồ cống phẩm bên ngoài trường).

Để làm gì cho đỡ chán thì tôi thường quan sát mấy con kiến với mấy con bọ, chơi cờ, đọc sách, trèo rào xem người ta bắn game ngoài quán net, 5 giờ sáng cuối tuần sẽ đến nhặt máy chơi game người khác chơi ké đến 7 giờ.

Chất lượng giáo viên dạy kém, mỗi cấp học sẽ có 1 giáo viên cho mỗi môn học. Không ai trong số họ tốt nghiệp trường danh tiếng, lương tuy thấp nhưng công việc ổn định.

Sau khi tốt nghiệp cấp 2, học sinh được phân thành:

5% học lên cấp 3

70% học nghề ở trường

25% tốt nghiệp cấp 2

Hồi đó đi học nghề có 3 chuyên ngành, tin học, giáo viên mầm non và chăm sóc người cao tuổi. Tôi không đậu được vào ngành tin học máy tính mà đậu vào chăm sõc người cao tuổi.

Sau khi học nghề, hiện tượng bắt nạt giảm bớt, chất lượng cuộc sống được cải thiện hơn (ít nhất tôi không phải lục tung đống rác nữa), mỗi quý được cho 1 200 tệ (~350k – 700k) tiêu vặt, ăn uống như cũ, vẫn ăn tập thể.

Trường dạy cả văn hóa và chuyên ngành. Văn hóa bao gồm ngữ văn, toán và ngoại ngữ, chuyên môn bao gồm nấu ăn, massage, dinh dưỡng và điều dưỡng.

Khi tôi học năm thứ ba học nghề, chuyên ngành này tương ứng với trường đại học (chỉ có thể thi vào trường công lập trong tỉnh) đã ngừng tuyển sinh. Do đó tôi may mắn chuyển sang học ngành máy tính, bắt đầu học lập trình, phần cứng, điện tử, thiết kế web, v.v.

Trong giai đoạn này, các vấn đề tâm lý bắt đầu bộc lộ. Khi còn học tiểu học và trung học, do xung quanh đều là trẻ mồ côi nên tôi không cảm thấy mình có gì khác biệt. Khi học nghề, tôi tiếp xúc với học sinh từ xã hội, nhận thức về thẩm mỹ, trang phục, thói quen tiêu dùng, quan niệm về tình cảm gia đình, lối sống và thái độ học tập đều có sự thay đổi.

Về khả năng sinh tồn, khả năng tự lập, khả năng chống áp lực và tính kỷ luật, trẻ mồ côi có ưu thế hơn trẻ lớn lên trong xã hội. Tuy nhiên, về giao tiếp giữa người với người, cách thức giao tiếp và quan niệm về giới tính, trẻ mồ côi thường kém hơn.

Học sinh thi đỗ đại học sẽ tiếp tục học lên. Không đậu đại học thì sẽ về nhà. Hoặc đi nghĩa vụ quân sự cũng được.

Khi học đại học, số lượng người cùng cảnh ngộ với tôi ngày càng ít, chi phí sinh hoạt ngày càng cao. Mỗi khi người khác biết được thân thế của tôi, họ sẽ bày ra vẻ mặt ngỡ ngàng, phức tạp, thương hại, không nói nên lời khiến tôi không biết phải đối mặt thế nào. Tất nhiên, sau khi học đại học, tôi mới biết rằng mình vừa bất hạnh vừa may mắn. Ưu đãi của chính phủ giúp tôi có ăn có mặc mà không cần phải vừa học vừa làm. Ngay cả khi sau này tiếp xúc với xã hội, chính phủ cũng sẽ đặc biệt thành lập một trường trung cấp để chúng tôi có thời gian hòa nhập trước, tìm hiểu cách giao tiếp và ứng xử của người bình thường trong xã hội.

Chúng tôi, những đứa trẻ lớn lên trong trại mồ côi, là một bầy sói. Khi không có đối thủ cạnh tranh bên ngoài, việc cắn xé nhau là luật ở rừng xanh, kẻ yếu luôn ở dưới đáy. Khi có đối thủ cạnh tranh, có vật để so sánh, chúng tôi lại bắt đầu đoàn kết. Những kẻ bắt nạt trước đây bỗng chốc trở thành người bảo vệ, những kẻ yếu đuối bắt đầu dần dần tiếp thu nguồn lực và tự lập. Nhưng cuối cùng, chúng tôi vẫn phải tự mình bước đi ngoài xã hội, rời khỏi tập thể, đơn độc một mình.

Giây phút bước ra khỏi viện, trước không có con đường nào, chỉ có vô số chông gai, bạn không có xẻng, chỉ có một đôi tay. Mỗi bước đi là một ngã rẽ trong cuộc đời, nếu bạn bước sai bạn sẽ quay lại, đổi hướng và tiếp tục lặp lại câu chuyện trước đó.

(*) Bây giờ chủ thớt đã trở thành nhân viên IT ở đặc khu kinh tế, thường xuyên quyên góp tiền cho cô nhi viện.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *