Xe ghép giá đắt gấp đôi, gấp 3 xe khách nhưng vẫn đắt khách
Do sợ tắc đường và cũng cố nán lại thêm chút thời gian ở bên bố mẹ nên chị Nguyễn Thị Nga (23 tuổi), quê Thanh Hóa, sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội lựa chọn quay trở lại Hà Nội vào đêm ngày mùng 14/2 (mùng 5 Tết).
Chị Nga chia sẻ: “Những năm trước, em thường đi xe khách về quê ăn Tết và quay ra Hà Nội, nhưng xe khách chạy đúng tuyến, lại đúng giờ nên em phải di chuyển từ nhà ra bến xe hoặc bãi đậu xe rất mất thời gian. Giờ thì có xe tiện chuyến, em lên hội nhóm đặt rất tiện, họ đưa đón tại nhà, giá cao hơn chút nhưng thời gian phù hợp”.
Ông Nguyễn Duy Thiệu (quê TP Thái Nguyên, trú tại Kim Giang, Hà Nội) cho biết, từ sáng đến 16 giờ chiều mùng 4 Tết, ông liên hệ nhiều xe ghép, xe đi chung để về Hà Nội chuẩn bị cho những ngày làm việc đầu năm nhưng chưa được. Phần lớn các xe quen đều đã kín khách nên ông đành phải đi xe limousine. Tuy nhiên do khách đông ông Thiệu phải đi chuyến cuối giờ chiều.
Còn chị Nguyễn Thị Giang (43 tuổi) quê ở TP. Thanh Hóa đang sống tại Hà Nội cho biết, chị chọn xe ghép vì thời gian di chuyển linh hoạt, quan trọng nhất là họ đưa đón tại nhà và giá thì tiện chuyến vì nhà chị chỉ có 2 mẹ con.
“Nhà có 2 người đi lại thuê nguyên xe thì rất tốn kém, tôi đi xe tiện chuyến, giá rẻ được một nửa. 2 mẹ con đi từ Cầu Giấy (Hà Nội) về Thanh Hóa cũng chỉ hết 800 nghìn đồng, chiều ra đắt hơn chút, lái xe lấy 900 nghìn đồng, nhưng tôi khá hài lòng”, chị Giang chia sẻ.
900 nghìn đồng cho 2 ghế, tức mỗi ghế là 450 nghìn đồng, giá này đắt gần gấp đôi giá cho 1 ghế xe khách chất lượng cao chiều Thanh Hóa – Hà Nội, nhưng khá nhiều người dân vẫn chấp nhận đi xe ghép bởi tính tiện lợi.
Anh Nguyễn Văn Bắc, một chủ phương tiện nhận ghép xe, chở khách tiện chuyến chia sẻ: “Tôi vốn không phải là tài xế, xe gia đình đi chỉ có 2 vợ chồng và 1 con nhỏ nên thừa 3 ghế sau, tôi nhận 3 khách cho ghép xe để lấy thêm tiền xăng xe. Đi thêm người vừa vui lại vừa có tiền đổ tiền xăng”.
Trong khi các xe ghép, xe tiện chuyến thì ‘full’ khách, nhiều xe khách chiều từ Thanh Hóa – Hà Nội lại chỉ lấp đủ khách, còn chiều ngược lại từ Hà Nội về Thanh Hóa lại vắng khách, đôi khi chỉ được lèo tèo vài khách.
Anh Phạm Võ – điều hành xe tại Công ty Anh Huy (chạy tuyến Hà Nội – Hạ Long) cũng cho biết, từ sáng mùng 4 Tết, xe chạy từ Hạ Long lên Hà Nội kín chỗ, nhưng lượt về phần lớn xe chạy rỗng. Dù vậy nhưng công ty vẫn giữ nguyên giá vé 250.000 đồng/khách.
Bến xe không còn cảnh “chen chúc” như xưa
Ghi nhận tại bến xe Mỹ Đình, Hà Nội, vào chiều ngày 14/2, lượng khách xuống bến đã bắt đầu tăng so với buổi sáng, nhưng cũng ít hơn rất nhiều so với các năm trước.
Một nhân viên trực tại bến cho biết, so với những năm trước, trước và sau Tết năm 2024, lượng khách vào bến đi xe rất ít. Nguyên nhân chính do phương tiện cá nhân phát triển mạnh, cùng với đó lượng xe đi ghép, đi chung cũng phát triển.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực vận chuyển cho rằng việc người dân sử dụng xe ghép, xe tiện chuyến là xu thế của thời đại. Việc này còn diễn ra nhiều trong tương lai. Ở một góc độ nào đó thì đi xe ghép, xe tiện chuyến là rất thuận lợi vì người dân được đưa đón tận nơi, thời gian di chuyển nhanh, giá cả hợp lý.
Tuy nhiên, vị này cũng khuyến cáo, khách khi di chuyển bằng xe ghép cần lưu ý chọn các xe đảm bảo an toàn, lái xe có tay nghề. Đặc biệt phải thương lượng, đàm phán kỹ về giá, tránh trường hợp lên xe xong mâu thuẫn giá cả hoặc xe đưa đón quá nhiều người, xe bùng, bỏ chuyến…
“Nhiều xe ghép vốn không phải là xe kinh doanh, không được đăng ký với cơ quan quản lý, lái xe chủ yếu tiện chuyến nên cho đi nhờ để có thêm thu nhập, không phải kinh doanh thường xuyên vì thế cũng thiếu các kỹ năng phục vụ hành khách, tuyến đường đi không nắm được, khách hàng cần trao đổi kỹ trước khi lựa chọn”, vị chuyên gia đến từ hãng xe khách chất lượng cao có tiếng chia sẻ thêm.