chuyen-gia-du-lich-ly-giai-vi-sao-“dut-gay”-chuoi-trai-nghiem-cua-du-khach

Chuyên gia du lịch lý giải vì sao “đứt gãy” chuỗi trải nghiệm của du khách

Bà Trương Thị Bích Ngọc, là giảng viên Khoa Thương mại du lịch, trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, là chuyên gia du lịch nông thôn tham gia dự án Cải thiện sinh kế vùng ven đô Giang Biên, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội; Phát triển du lịch cộng đồng tại Tri Tôn, tỉnh An Giang; Phát triển du lịch bền vững tại Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã có những chia sẻ khá thẳng thắn về những vấn đề khó khăn, thách thức trong du lịch nông nghiệp, những thực tế mà bà và ê kíp gặp phải khi tham gia các dự án tại địa phương.

Du lịch nông nghiệp còn thiếu tính liên kết vùng miền

Chuyên gia du lịch lý giải vì sao

Bà Trương Thị Bích Ngọc, là giảng viên Khoa Thương mại du lịch, trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, là chuyên gia du lịch nông thôn, tham gia nhiều dự án tại Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Là người có kinh nghiệm tham gia nhiều dự án du lịch nông thôn, bà đánh giá thế nào về loại hình du lịch nông nghiệp trong thời điểm hiện nay?

– Du lịch nông thôn đang trở thành một trào lưu, hầu như bất cứ tỉnh, thành nào cũng có và mục tiêu xây dựng là du lịch cộng đồng, du lịch xanh và định hướng từ năm 2023, các tỉnh, thành phố sẽ bắt đầu làm với mục tiêu này. Tuy nhiên mỗi địa phương có mục đích, cách triển khai khác nhau, có thể từ các địa phương, từ các dự án có quỹ tài trợ từ nước ngoài, hoặc một chuyên đề nào đó được triển khai. Dường như Việt Nam đang ở bước đầu đồng bộ chương trình tại nhiều địa phương, cùng nhau chung tay thống nhất định hướng là du lịch xanh, du lịch bền vững.

Chuyên gia du lịch lý giải vì sao

Bà Trương Thị Bích Ngọc đang tập huấn cho bà con. (Ảnh: NCVV)

Từng tham gia ba dự án du lịch nông thôn ở ba tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hà Nam và An Giang, bà có thể chia sẻ về những dự án này, những khó khăn khi tập huấn cho bà con nông dân?

– Việt Nam tính vùng miền, đặc trưng khá rõ rệt, ví dụ như tôi đang tham gia dự án Cải thiện sinh kế vùng ven đô Giang Biên, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội thì thấy rằng, đặc tính du lịch nông nghiệp rất rõ, còn ở Duy Tiên (Hà Nam) lại là đặc trưng về văn hóa, danh nhân lịch sử.

Tại dự án sinh kế ở Giang Biên, Long Biên (Hà Nội), tôi gặp 18 hộ dân và cảm thấy họ rất vui, thích khi có khách du lịch đến để được giới thiệu lịch sử của vùng Giang Biên. Họ cảm thấy tự hào với mảnh vườn, ứng dụng nông nghiệp sạch của mình.

Cái khó khi chúng tôi gặp gỡ với 18 hộ dân là hầu hết họ đều lớn tuổi, vì vậy nếu training (tập huấn – PV) theo một cách thông thường với tập tài liệu dày cộp trên tay, họ sẽ không thể nhớ và làm theo được. Vì vậy, chúng tôi đã ngồi bàn bạc và thay đổi cách tập huấn. Chúng tôi nói ngắn gọn, xúc tích để bà con dễ hiểu, ví dụ nấu ăn là quy trình 6Đ, phục vụ lưu trú là 4S.

4S ở đây được hiểu là sẵn sàng, sạch sẽ, săn sóc, sắp xếp và đưa hình ảnh, thậm chí có hình cô chú trong đó, mọi người rất thích và hiểu, nhớ ngay những quy trình đó.

Chuyên gia du lịch lý giải vì sao

“Chúng tôi thực hiện dự án mang tính phục dựng lại phần nào câu chuyện văn hóa truyền thống, lịch sử thời cha ông” – bà Trương Thị Bích Ngọc chia sẻ. (Ảnh: NVCC)

Tại Duy Tiên (Hà Nam), tôi khá bất ngờ bởi ở đây còn lưu giữ được những di tích từ thời Hai Bà Trưng. Các hộ dân ở Duy Tiên có tính cộng đồng rất cao, những gì chúng tôi chỉ dẫn bà còn đều làm đúng. Ngoài ra bà con ở Duy Tiên (Hà Nam) còn rất am hiểu về văn hóa truyền thống, lịch sử nơi đây, đó là một lợi thế và là nguồn tài nguyên quý giá mà chúng tôi không cần phải tốn quá nhiều công sức để xây dựng mô hình nữa.

Còn ở Tri Tôn (An Giang), là mô hình sản phẩm du lịch về dược liệu. Người dân Tri Tôn có một đặc trưng rất hay đó là mỗi một xã là có một phòng đông y được chính quyền địa phương quản lý. Những phòng đông y này có các bác sĩ đông y rất giỏi và chữa bệnh miễn phí cho bà con, tôi cho đó là một tài nguyên quý giá cần được xây dựng thành sản phẩm du lịch. Tuy nhiên khi làm việc với bà con ở đây lại khác với bà con miền Bắc. Người miền Nam tiếp thu nhanh nhưng cũng quên nhanh, không có sự quy củ, nề nếp và đôi lúc hơi khó khăn trong tính hệ thống. Ở đây tôi không chê trách, đả phá mà chỉ là cách chúng tôi hiểu đặc tính để biết cách trao đổi, trainning cho bà con ở quy mô vừa với sức của bà con.

Việc tham gia các dự án, tập huấn, training cho bà con cũng gặp nhiều khó khăn và thách thức, mỗi vùng, mỗi địa phương là một khó khăn. Đôi lúc vấp phải những vấn đề chưa giải quyết được ngay tôi cũng lo nghĩ, tuy nhiên khi giải quyết được, đặc biệt thấy bà con làm theo chỉ dẫn, kết quả du khách đến thì tôi dường như quên hết mệt mỏi, lo âu, thấy đó là niềm vui và hạnh phúc khi giúp được phần nào cho bà con.

Du lịch nông nghiệp: Đứt gãy chuỗi trải nghiệm của du khách vì thiếu sản phẩm đặc trưng, riêng biệt nổi bật

Chuyên gia du lịch lý giải vì sao

Du khách tham gia trải nghiệm tại mô hình du lịch nông nghiệp Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội. (Ảnh: Huy Hoàng)

Có ý kiến cho rằng, loại hình du lịch nông nghiệp đang phát triển ở Việt Nam, đa phần vẫn còn manh mún và chưa thực sự thu hút được nhiều khách du lịch. Bà nghĩ sao về nhận định này?

– Tôi nghĩ, đó là thiếu sự liên kết. Tức là không có liên kết vùng miền, liên kết các ngành nghề, các doanh nghiệp với nhau. Nguyên nhân tiếp theo là các chuyên gia khi đến địa phương thường áp đặt mô hình, áp đặt ý kiến, chuyên môn của họ và không tương thích với địa phương đó. Vì thế, sau khi chuyên gia rời đi thì bà con ở đó đã không biết vận hành mô hình nên không làm được.

Nói du lịch nông nghiệp còn manh mún, tôi hoàn toàn đồng ý. Bởi mỗi địa phương đều có chính sách từ trên chỉ đạo xuống thực thực hiện như nhau, tức là đều phát triển du lịch và chú trọng nông nghiệp. Tuy nhiên, để hiểu sâu về phát triển du lịch nông nghiệp thì hầu hết mọi người loay hoay với câu hỏi trong đầu là làm thế nào và khai thác cái gì?

Tôi ví dụ, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu long, tại các trạm dừng chân như ở Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ… du khách sẽ thấy các sản phẩm nông sản, sản phẩm du lịch na ná giống nhau, khiến du khách không biết mình đang ở vùng nào, địa phương nào.

Thậm chí chính những người làm du lịch địa phương đó khi hỏi ở đây có những sản phẩm đặc trưng nào nổi tiếng và vì sao lại nổi tiếng thì họ cũng không nói được. Đây cũng là vấn đề mà du khách nước ngoài họ rất quan tâm.

Vì vậy điều tôi muốn nói đến là nhiều địa phương chưa xây dựng được sản phẩm đặc trưng, riêng biệt nổi bật mang tính của địa phương đó. Và hệ lụy của nó là xảy ra tình trạng đứt gãy trong chuỗi trải nghiệm của khách. Thay vì khách được hưởng quá trình hưởng thụ, trải nghiệm tour đó được xuyên suốt thì bị mất hứng thú, không thoải mái.

Chuyên gia du lịch lý giải vì sao

Các hộ dân làm du lịch nông nghiệp tại Giang Biên, quận Long Biên (Hà Nội) đang chỉ dẫn du khách trải nghiệm đan võng. (Ảnh: Huy Hoàng)

Nguyên nhân tiếp, nhiều địa phương cùng khai thác một tài nguyên du lịch nhưng lại không khai thác được khía cạnh khác biệt. Tôi có thể ví dụ trường hợp Đồng Tháp Mười là nguồn tài nguyên được cả hai tỉnh, Long An và Đồng Tháp sở hữu và khai thác, nhưng khi hỏi cả hai khai thác điều đặc trưng gì ở Đồng Tháp Mười thì đều không trả lời được.

Từ những nguyên nhân bà đã chỉ ra, chúng ta cần phải làm gì để khắc phục, thu hút được nhiều du khách hơn?

– Theo tôi nên có chiến lược và truyền thông một cách bài bản, có kế hoạch đề ra deadline cụ thể. Với chiến lược thì cần có cách làm để tiếp cận được với khách hàng một cách hiệu quả nhất. Ví dụ với loại hình sản phẩm du lịch nông nghiệp, chúng ta cần nắm rõ và phân loại khách hàng nào sẽ đi tour du lịch nông nghiệp, sau đó xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp đúng với sở thích, nhu cầu của khách du lịch.

Ngoài ra, là chính sách từ trên đưa xuống, cơ quan quản lý địa phương và các bên liên quan cùng vào cuộc để vận hành đồng bộ mô hình du lịch nông nghiệp.

Chuyên gia du lịch lý giải vì sao

Ruộng cà chua sạch được bà con Giang Biên, quận Long Biên (Hà Nội) chăm sóc và giới thiệu, để du khách trải nghiệm hái cà chùa. (Ảnh: Huy Hoàng)

Tiếp đến là xác định được nguồn tài nguyên nông nghiệp tại địa phương đó là gì. Ví dụ khi nói đến nông sản quả vải thiều mọi người nghĩ ngay đến Lục Ngạn, Bắc Giang, nói đến nhãn lồng là nghĩ ngay đến Hưng Yên…

Chuyên gia du lịch lý giải vì sao

“Tôi làm du lịch dựa trên tiêu chí tôn trọng chủ thế cộng đồng và đến để giúp”, bà Trương Thị Bích Ngọc cho hay. (Ảnh: NVCC)

Điều tiếp theo là chúng ta cần đưa ra chiến lược trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản đó. Tôi ví dụ ở Thái Lan, họ đã đưa ra chiến lược và xây dựng thương hiệu quả sầu riêng rất tốt. Quả sầu riêng nổi tiếng của Thái Lan là ngon và giá khá đắt lên tới vài triệu một quả sầu riêng, nhưng vì họ đã tạo được thương hiệu nên dù đắt khách mua và cảm thấy mãn nguyện khi mua được quả sầu riêng.

Hay như ở Nhật Bản, họ có một chiến lược bài bản tạo ra thương hiệu cho nông sản của họ khiến giá thành nông sản khi xuất khẩu giá cao gấp nhiều lần so với các nước trong khu vực.

Và điều cuối cùng tôi muốn nói đến là, mình cần có quy trình chuẩn để giới thiệu, bán hàng và tạo được điểm chạm cho du khách.

Xin cám ơn bà!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *