Điều gì mà họ không nói cho bạn về chủ nghĩa tư bản?

Chà, trả lời câu hỏi này khá là “khoai” vì có quá nhiều điều cần nói, các ý cứ nối tiếp nhau xuất hiện trong đầu khi tôi đang gõ những dòng này.

Các nhà tư bản sẽ không nói với bạn rằng thực ra họ ghét cay ghét đắng việc phải cạnh tranh trên thị trường tự do. Mục tiêu tối thượng của các nhà tư bản – điều mà họ sẽ không bao giờ ngừng theo đuổi – là lợi nhuận, còn cạnh tranh lại khiến lợi nhuận đi xuống. Cạnh tranh khiến các nhà tư bản phải chia sẻ thị trường với nhau, miếng bánh của mỗi người sẽ nhỏ lại, nhưng trong lòng ai cũng muốn giành 100% cái bánh về cho mình, tức là độc quyền. Khi các nhà tư bản ngày càng giàu có và quyền lực, động cơ lợi nhuận khiến họ muốn bẻ cong thị trường để trục lợi cho bản thân. Chà, sự giàu có cho họ sức mạnh để thực hiện điều đó, vậy tội gì mà không làm chứ?

Họ sẽ không nói với bạn rằng việc theo đuổi lợi nhuận của chủ nghĩa tư bảncần có sự trợ giúp của chính phủ. Sẽ không nhà tư bản nào sẽ muốn đổ tiền vào nghiên cứu và phát triển nếu phát minh của họ bị sao chép ngay hôm sau. Động lực để họ R&D là lời hứa bảo hộ bằng sáng chế của chính phủ. Và không ai muốn tài trợ cho việc xây nhà máy nếu không có cảnh sát ngăn một tập đoàn ma túy tiến vào hành hung công nhân xây dựng ngay khi đèn bật sáng. Chính phủ là điều tối cần thiết để đáp ứng các nhu cầu cơ bản, là chứng thư với tài sản của nhà tư bản. Nhà tư bản ghét việc chính phủ dùng luật pháp để ràng buộc và xía vào chuyện của họ, nhưng không có những quy định đáng nguyền rủa đó và bộ máy công quyền được tài trợ bằng thuế, nhà tư bản chẳng có gì cả!

Họ sẽ không nói với bạn rằng khi các nhà tư bản trong Atlas vươn mình bỏ lại công nhân/người hầu để lẻn đến Galt’s Gulch thì một điều trớ trêu là họ phải luân lạc thành công nhân để kiếm miếng ăn! Hãy tưởng tượng George Soros và Donald Trump đang hét vào mặt nhau: “Không, ông phải phục vụ tôi!”

Họ sẽ không nói với bạn rằng “Để đồng tiền tự làm việc” là một ảo tượng hão huyền. Thứ làm việc không phải tiền, mà là công nhân. Và công nhân không cần các nhà tư bản, họ chỉ cần số vốn mà chủ nghĩa tư bản sẽ giúp họ tích trữ.

Họ sẽ không nói với bạn rằng chủ nghĩa tư bản là một tòa tháp xây bằng lá bài khổng lồ và sẽ ngày càng bất ổn. Mọi chuyện gần như kết thúc vào năm 2008 với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu [1]. Nền kinh tế được cứu là nhờ sự can thiệp rộng rãi của chính phủ các nước.

Họ sẽ không cho bạn biết chu kỳ bùng nổ-phá sản đặc trưng của chủ nghĩa tư bản là một máy bơm mạnh mẽ để hút vốn từ tầng lớp trung lưu sang người siêu giàu (có thể kiếm lợi từ sự phá sản và cả bùng nổ) [2], còn người bình thường chỉ thấy tiền tiết kiệm cả đời của họ bốc hơi.

Họ sẽ không nói với bạn rằng “tăng trưởng GDP” – thước đo cơ bản của chủ nghĩa tư bản – là một mục tiêu hoàn toàn sai lầm theo quan điểm của người lao động. Ví dụ: 20% GDP của Mỹ (một con số khổng lồ, lớn nhất thế giới) được chi cho chăm sóc sức khỏe. Có một sự đồng thuận rộng rãi rằng chi phí đó lớn tới mức không thể duy trì lâu dài. Giả sử có người nghĩ ra một giải pháp hoàn hảo để giảm chi phí xuống một nửa; thật tuyệt, phải không? Chờ đã, điều này nghĩa là GDP sẽ giảm 10%: các nhà tư bản sẽ coi đó là suy thoái chỉ vì bệnh nhân phải trả ít tiền hơn khi điều trị!

Họ sẽ không nói với bạn rằng chủ nghĩa tư bản đều dựa trên lòng tham, một trong Thất Hình Đại Tội. Họ sẽ lảng tránh bằng các uyển ngữ như “tư lợi”, “thừa nhận bản chất con người” và những thứ tương tự, nhưng toàn bộ hệ thống này dựa trên lòng tham của mọi người và của cả chính họ: người ta hy vọng rằng làm việc chăm chỉ sẽ giúp họ được tưởng thưởng xứng đáng.

Họ sẽ không nói với bạn rằng những kẻ tâm thần (theo đúng nghĩa đen của từ đó) thường là những CEO giỏi nhất [3].

Họ sẽ không nói với bạn rằng giao dịch trên thị trường chứng khoán thứ cấp là hành động ký sinh. Lý do mọi người mua bán cổ phiếu trên thị trường thứ cấp là vì muốn kiếm tiền mà không cần làm việc thực sự. Cách nói của nhà tư bản khiến tôi khó chịu bậc nhất là gọi việc trả cổ tức bằng cổ phiếu là “trả lại vốn cho cổ đông”. Họ chẳng trả lại thứ gì cả, mà là đang tặng vốn cho cổ đông – thứ được tạo ra bởi người lao động của doanh nghiệp đó.

Một lý do được ưa chuộng để biện minh cho người tích cực giao dịch chứng khoán là họ nên được khen thưởng nhiều hơn “nhà sản xuất” chăm chỉ làm việc vì “đã mạo hiểm tiền của mình”. Họ không nói với bạn rằng “rủi ro” là một khái niệm không có tập giá trị xác định. Việc chấp nhận rủi ro chỉ có giá trị nếu mục tiêu ấy cao cả và quan trọng. Nhảy lầu và lạng lách-đánh võng rất rủi ro nhưng không ai cần bạn làm thế. Chạy vào tòa nhà đang cháy để cứu một đứa trẻ, hy sinh mạng sống để đi vào một nhà máy điện hạt nhân đang rò rỉ phóng xạ nhằm tắt nó đi mới là điều có giá trị cho xã hội và khiến bạn trở thành người hùng. Khác biệt nằm ở mục tiêu chứ không phải mức rủi ro. Đối với tôi, sang tay cổ phiếu không có gì khác việc chơi poker về mặt bản chất. Nó không đáng được tán thưởng, biết ơn hay một mức thuế suất ưu đãi.

Họ sẽ không cho bạn biết chủ nghĩa tiêu dùng độc hại [4] đến mức nào. Nhà tư bản biết rằng rác thải trên sàn nhà máy là xấu vì nó làm giảm lợi nhuận, nhưng rác thải trong nhà bạn lại là những đồng đô la xanh mướt với họ! Tại sao họ lại muốn bán một chiếc di động có tuổi thọ 10 năm khi họ có thể thuyết phục bạn mua điện thoại mới mỗi năm? Họ thậm chí có nhiều cách để phá hoại điện thoại của bạn [5] khi muốn bạn mua một chiếc mới.

Họ sẽ không cho bạn biết bằng cách nào mà hành tinh này có thể nuôi dưỡng và an toàn cho các sinh vật nếu nhu cầu tiêu dùng cứ tăng nữa, tăng mãi. Entropy [6] sẽ không ngừng tăng: các thùng dầu sẽ cạn và chẳng thể tự đầy lại nếu không khai thác thêm.

Họ sẽ không nói với bạn rằng marketing chỉ mang lại tác động tiêu cực, vì mục đích của nó (gần như) là khiến bạn làm những việc đi ngược với lợi ích của bản thân. (Mua TV mới và ném chiếc TV cũ vẫn còn tốt vào bãi rác, mua hàng dự trữ giá cao, ăn nhiều đường…)

Điều quan trọng bậc nhất mà họ không muốn bạn nhận ra về chủ nghĩa tư bản là càng giảm thuế thì của cải và quyền lực vốn có của chính phủ càng rơi vào tay giới tinh hoa. Bản chất của chủ nghĩa tư bản là quả cầu tuyết của cải: những người giàu nhất muốn thu thập ngày càng nhiều tiền và qua đó có nhiều quyền lực hơn, cho đến khi họ chế ngự được các chính phủ dân chủ và nắm quyền kiểm soát trực tiếp như ta đang thấy ở Mỹ và Nga ngày nay.

Họ sẽ không nói với bạn rằng những đồng thuế của bạn đang giúp họ kiếm tiền. Nếu không có những con đường được tài trợ bằng thuế, làm sao khách hàng (hoặc công nhân) của một cửa hàng lớn có thể đến đó? Họ sẽ đưa sản phẩm vào cửa hàng hoặc vận chuyển đến nhà bạn bằng cách nào? Và tất nhiên là không thể thiếu sự bảo vệ của cảnh sát, lính cứu hỏa, tòa án – những người được trả lương từ thuế. Khi các doanh nghiệp yêu cầu giảm và miễn thuế, điều họ thực sự nhắm tới là tầng lớp trung lưu phải trả nhiều tiền hơn để trợ cấp cho các dịch vụ giúp họ thu được lợi nhuận.

Họ sẽ không cho bạn biết điều gì sẽ xảy ra khi gần như mọi công việc đều được tự động hóa nhờ robot. Tại sao các nhà tư bản lại muốn robot của họ sản xuất thực phẩm nuôi sống bạn khi bạn không có tiền trả cho thức ăn đó (vì đã mất việc vào tay robot)? Tự động hóa sẽ đem lại lợi ích lớn cho thế giới khi loại bỏ những công việc tầm thường [7], nhưng do mối quan hệ không tự nhiên của chủ nghĩa tư bản (giới tinh hoa tích trữ mọi phương tiện sản xuất) nên nó trở thành làn sóng thất nghiệp ở mức thảm họa.

Họ sẽ không nói với bạn rằng cái gọi là thị trường tự do không thể bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe (bệnh nhân), vì lợi ích của họ hoàn toàn trái ngược với lợi ích của nhà cung cấp bảo hiểm tư nhân. Động cơ của công ty bảo hiểm là bán cho bạn càng nhiều loại bảo hiểm càng tốt (dù nhiều loại bạn không cần), rồi phủi tay khi bạn ốm nặng và thực sự cần bảo hiểm. Đó là lý do tại sao những quy định như Obamacare được đưa ra để điều chỉnh hệ thống bảo hiểm tư nhân đang hoạt động kém hiệu quả của Mỹ, một nỗ lực không ngừng nhằm buộc các công ty bảo hiểm tư nhân hành động vì lợi ích của khách hàng. Nếu bạn cho rằng bảo hiểm y tế chỉ nên được thực hiện giống như bảo hiểm ô tô, các công ty bảo hiểm ô tô sẽ làm gì khi bạn bị thương nặng sau một vụ tai nạn nghiêm trọng? Điều đó có ý nghĩa gì với một người không may mắc bệnh ung thư?

Họ sẽ không cho bạn biết tầm quan trọng của việc chủ nghĩa tư bản đã, đang và sẽ không ngừng khiến mọi người chìm trong nợ nần [8]: nợ càng nhiều càng tốt [9]. Họ sẽ không cho bạn biết rằng một phần lớn lợi nhuận của các nhà sản xuất ô tô đến từ bộ phận tài chính của họ (cung cấp khoản vay mua ô tô), chứ không còn đến từ việc sản xuất những chiếc ô tô tốt nữa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *