Tôi từng gặp tình huống tương tự, nghệ thuật xã giao trong chuyện này rất thú vị đấy nhé.
Cũng khá giống với câu hỏi của chủ thớt, tôi và người bạn nọ cũng là bạn đại học, nhưng trước đó có kết bạn, chỉ là không nhắn tin thôi.
Chúng tôi tốt nghiệp Đại học Tứ Xuyên hơn 10 năm nhưng chưa một lần gặp lại; mọi người sống ở mỗi nơi, lại không làm chung ngành, không thân thiết là điều dễ hiểu.
Đột nhiên có một ngày cậu bạn ấy gửi một đoạn tin nhắn thoại sang, tình hình là cậu ấy lái xe đụng trúng người ta, mong được giúp đỡ.
Bao nhiêu tiền cũng được, ba năm triệu, bao nhiêu cũng được.
Chuyện này làm tôi khó xử thật đấy.
Từ lúc đi học, tôi đã biết điều kiện gia đình cậu ấy không tốt lắm, tôi còn từng tiếp nhận hồ sơ đăng ký nhận trợ cấp gia đình khó khăn của cậu.
Nhưng năm đó tôi với cậu không thân cũng chẳng lạ, chỉ dừng ở mức bạn học bình thường, bây giờ đã nhiều năm không liên hệ, đột nhiên hỏi mượn tiền thế này tôi cảm thấy rất lạ.
Cho nên, tôi đã gọi cho lớp trưởng.
Lớp trưởng là trụ cột trong lớp, bởi vì bắt đầu học muộn, phải học bù thêm 2 năm, nên khi tôi 18 học năm nhất, anh đã 21 rồi; chưa kể tính anh già dặn, trưởng thành, làm việc đâu ra đó, nên việc gì trong lớp mọi người cũng xem anh là kim chỉ nam hành động, uy vọng trong lớp rất cao.
Sau khi tốt nghiệp anh còn làm cán bộ xã, phụ trách công việc khó khăn và gian khổ nhất, là công tác xóa đói giảm nghèo, cho nên uy vọng của anh bây giờ còn cao hơn xưa.
Lớp trưởng nói, quả thật có chuyện đó, có chuyện cậu ta lái xe đụng trúng người khác, lúc cậu ta điện lớp trưởng mượn tiền, anh có bảo cậu ta chứng minh.
Nghe xong, tôi cảm giác chắc là cần gấp thật, thôi thì cứ chuyển tiền sang cho cậu ấy mượn một ít.
Nhưng lớp trưởng đã lập tức ngăn cản tôi, anh nói, anh đã ngăn rất nhiều người rồi.
Bởi vì đây không phải là lần đầu tiên cậu ta mượn tiền như thế này.
Tôi với cậu ta là mối quan hệ lưng chừng, không thân thiết nên mới tránh khỏi kiếp nạn đầu tiên.
Lần đầu tiên cậu ta mượn tiền để sửa nhà, những người có quan hệ tốt với cậu ta lúc đi học đều bị hỏi mượn một lần.
Mượn xong thì có trả thật, nhưng lớp trưởng bảo tôi thế này, đến bây giờ tôi vẫn nhớ kỹ.
Thứ nhất, các mối quan hệ bạn học ngày xưa bây giờ đã nhạt nhòa rồi. Nhạt nhòa ở đây không phải là tình cảm nhạt nhòa, mà là không đủ tính ràng buộc để đảm bảo đối phương sẽ thực hiện lời hứa với mình.
Lúc còn đi học, mọi người hỗ trợ lẫn nhau, mời cơm vài lần, mượn tiền chút đỉnh thì không sao, dù gì anh em còn học chung, ngẩng mặt không thấy cúi đầu cũng sẽ thấy. Khi đó, trường học là dây buộc, cậu ta ăn cơm chực không trả tiền, hay mượn tiền rồi im như thóc, thì chẳng mấy chốc bạn bè xa lánh, khó khăn đủ đường.
Nhưng sau khi tốt nghiệp, nếu cậu ta không trả tiền, chúng ta có thể chạy lại nhà cắn người cho đỡ tức sao?
Thứ hai, mối quan hệ bạn bè bị cậu ta xem là nguồn tài nguyên thứ cấp rồi.
Mấy năm trước, bố của lớp trưởng bị bệnh, điều kiện chữa trị ở bệnh viện địa phương không tốt lắm nên anh đưa bố lên bệnh viện Hoa Tây ở Thành Đô.
Bệnh viện Hoa Tây và Đại học Tứ Xuyên tuy trên danh nghĩa là trường học, nhưng thật ra không phải, ở đó cũng là bệnh viện.
Mà vừa hay, tôi chơi thân với một cậu bạn sau khi học xong thì ở lại trường làm việc, cậu rất quen thuộc đường đi lối lại của Hoa Tây, cậu giúp lớp trưởng tìm một bác sĩ phụ trách tốt, còn đặc biệt nhờ cậy người ta để ý hơn.
Lớp trưởng là người từng trải, kinh nghiệm sống rất nhiều, cũng là người có ơn tất báo, anh tặng rất nhiều quà cho đứa con mới sinh của cậu ấy.
Tuy chuyện này nghe không hay như người ta vẫn bảo nhau là “tôi giúp anh cần chi báo đáp” nhưng “có qua có lại” mới là cách xã hội vận hành.
Anh giúp tôi, tôi cảm ơn anh, đôi bên đều vui vẻ; cũng vì chuyện này mà quan hệ giữa lớp trưởng và cậu bạn tôi thân hơn lúc đi học nhiều.
Nhưng cậu bạn hỏi mượn tiền lại không giống vậy, cậu ta xem bạn học là nguồn tài nguyên thứ cấp, sẵn có, có thể dùng bất cứ lúc nào, nếu không dùng được thì bỏ.
Cậu ta chặn toàn bộ những người không cho mình mượn tiền sửa nhà.
Mọi người còn liên lạc đương nhiên cũng biết chuyện này, cho nên lần này không ai muốn cho cậu ta mượn tiền bồi thường tai nạn nữa.
Điều thứ ba lớp trưởng nói, là điều tôi tâm đắc nhất.
Lớp trưởng nói, sau 4 năm học chung, có người thành bạn thân, có người vẫn chỉ là bạn học.
Tuy ban đầu ta không được quyền lựa chọn bạn cùng lớp, nhưng có trở thành bạn thân hay không lại nằm ở quyền lựa chọn của ta.
Sau khi tốt nghiệp, những người vốn dĩ chỉ là bạn học sẽ dần cắt đứt liên lạc, dù gì cũng không thân, không cần có gánh nặng tâm lý. Nếu có gặp lại thì cùng nhau ăn bữa cơm, hồi tưởng lại những chuyện trâu bò tuổi trẻ từng làm, mọi người đều thấy vui vẻ; nếu có nhờ cậy, người ta thuận tay giúp một lần thì nhớ ơn, không giúp thì cũng là điều bình thường, không nên cảm thấy mất mặt hay có khúc mắc với họ.
Chỉ có những người từ bạn học biến thành bạn thân mới đáng để ta trân trọng hết mực và giúp đỡ hết mình.
Tôi nghe lớp trưởng nói xong cũng hiểu ra nhiều điều.
Tuy năm đó lớp trưởng gặp ai cũng giúp, nhưng có bao nhiêu người thật lòng xem anh là bạn, trong lòng anh rõ hơn ai hết.
Chuyện này làm tôi nhớ đến lần đi Quý Châu công tác, thuận đường nên tôi ghé thăm lớp trưởng, anh giới thiệu tôi với vợ như thế này:
“Đây là anh em của anh, trước kia bọn anh học chung.”
Tình cảm “anh em” ở trước, chữ “bạn học” ở sau chỉ là thông tin bổ sung, không quan trọng.