TỬ TẾ LÀ QUY CHUẨN HAY BẢN NĂNG?

Cuộc vật lộn lớn nhất của tôi trong những năm 20 là việc đấu tranh với câu hỏi: Tôi muốn làm gì với cuộc đời mình?

Đó là câu hỏi thường trực trong đầu khi tôi thử nghiệm, kiểm tra, và đánh giá lại điều gì phù hợp với mình nhất. Tôi chắc rằng nhiều người khác cũng đang vật lộn với điều này khi chúng ta chuyển tiếp từ việc “chơi” trong những lâu đài cát (tức là hệ thống giáo dục chính quy) sang việc đối mặt với hàng loạt lựa chọn trong “thế giới thực”.

Thông thường, các lựa chọn cần cân nhắc nằm trên cùng một phạm vi, dù đầu này là việc điều hành một doanh nghiệp, còn đầu kia là việc việc nghỉ một năm để làm rõ điều mình muốn theo đuổi. Các lựa chọn khác bao gồm kiếm một công việc “bình thường” ở lĩnh vực tôi có khuynh hướng tự nhiên, du lịch bụi khắp thế giới, và trở thành một nhà sáng tạo nội dung số.

Tuần này, khi suy ngẫm về câu hỏi đó, một ý nghĩ kỳ lạ hiện ra trong đầu tôi: “Tôi muốn trở nên tử tế.”

⛳ LÒNG TỬ TẾ ĐỐI ĐẦU VỚI CHỦ NGHĨA TƯ BẢN

Tiền là huyết mạch của nền kinh tế. Những gì bắt đầu như một hệ thống hiệu quả để tạo điều kiện cho sự hợp tác, giờ đây đã đủ mạnh để được xem là mục tiêu thúc đẩy hầu hết mọi hành động (với số tiền đủ lớn).

Thế giới nói với chúng ta rằng để có được sự giàu có, ta phải áp dụng cách tiếp cận lấy bản thân làm trung tâm.

– Sự thật #1: Nếu bạn không ngừng trao tặng tiền, số tiền bạn có không thể tăng lên.

– Sự thật #2: Tiền sinh ra tiền. Càng cho đi nhiều, bạn càng kiếm được nhiều tiền hơn với số vốn ít hơn.

– Sự thật #3: Ngay cả những nhà từ thiện, theo hệ thống này, cũng phải theo đuổi cách sống tập trung vào bản thân để tích lũy tài sản, rồi mới chia sẻ chúng.

– Sự thật #4: Sẽ dễ dàng cho đi hơn khi bạn có nhiều hơn. Hầu hết các nhà từ thiện trở thành nhà từ thiện sau khi họ giàu có. Những người không có điều kiện hay dư giả thường phải bận tâm lo lắng cho bản thân trước.

– Sự thật #5: Sức quyến rũ của lòng tham mê hoặc cả những người tử tế nhất trong chúng ta. Không phải ai giàu lên cũng đi theo con đường nhân ái.

– Sự thật #6: Tất cả chúng ta đều cần tích lũy một số tiền để sống sót. Và cần nhiều hơn nếu muốn “phồn vinh”.

Có rất nhiều sắc thái mà tôi bỏ qua ở đây, nhưng điều tôi cố gắng truyền đạt là lối tư duy mà chủ nghĩa này khuyến khích: Các đức tính như lòng tốt lại bị xem nhẹ.

Đúng vậy, bởi tiền có thể đổi được tiếng thơm. Trong khi những hành động tử tế chỉ được coi trọng khi chúng được cho đi mà không mong nhận lại.

… hay sao nhỉ?

⛳ GIÁ TRỊ NỘI TẠI CỦA SỰ TỬ TẾ

Điều mà hầu hết mọi người bỏ lỡ là ở cấp độ cá nhân, sự tử tế tạo ra giá trị vô hình.

Không, tôi không nói về nghiệp chướng. Ít nhất là không theo nghĩa thông thường. Quan niệm thế tục về nghiệp chướng là niềm tin rằng khi ta tử tế, lòng tốt sẽ quay trở lại với ta. Quan niệm này khác với nguyên bản trong Phật giáo và Ấn Độ giáo nhưng bằng cách nào đó nó đã lan rộng khắp xã hội.

Giá trị nội tại mà tôi đang đề cập đến rõ ràng hơn. Khi chúng ta hành động với ý định vị tha, chúng ta nhận được hiệu ứng tích cực tức thì từ bên trong. Khi chúng ta làm điều tốt, chúng ta cảm thấy vui vẻ.

Một số người coi đây là lý do hoàn hảo giải thích tại sao những hành động thực sự vị tha không tồn tại. “Nếu bạn làm điều tốt để cảm thấy dễ chịu, bạn không thực sự là người vị tha.”

Tôi cho rằng điều này tạo ra một tiền đề gây xao lãng cho việc không tử tế. Tôi coi hiện tượng “nghiệp tức thì” này như hệ thống thưởng của tự nhiên đang hoạt động. Đó là trạng thái cùng có lợi mà chúng ta nên tận hưởng mà không cảm thấy tội lỗi.

Ở cấp độ xã hội, lòng tử tế cũng có hiệu ứng phản hồi tự nhiên. Sau khi nhận được lòng tốt, chúng ta có xu hướng truyền lại điều đó. Việc này sẽ khơi nguồn cho các chuỗi hành động tử tế. Những hành động tử tế bắt đầu một chuỗi tích cực mà hầu như luôn mang lại lợi ích chung ở cả cấp độ cá nhân và xã hội.

Nếu bạn muốn lý lẽ hợp lý để trở nên tử tế, hãy dừng lại ở đây. Nhưng nếu bạn sẵn sàng để chấp nhận những điều kỳ lạ hơn, hãy tiếp tục đọc.

⛳ Đoạn-này-chỉ-để-thư-giãn-vui-vẻ

Tại sao bề mặt da của chúng ta lại là nơi “tôi” dừng lại và “người khác” bắt đầu?

Đúng vậy, có một hệ thống sinh học phong phú duy trì một loại chức năng cụ thể bên trong làn da của chúng ta. Chức năng cụ thể này là những gì chúng ta coi là “tôi”.

Nhưng hệ thống bên trong này không hề tách biệt hoàn toàn với mọi thứ xảy ra bên ngoài da. Mọi thứ ở môi trường bên ngoài đều ảnh hưởng sâu sắc đến hệ thống bên trong của chúng ta.

Nếu điều đó là sự thật thì chẳng phải làn da chỉ là một ranh giới tùy tiện mà chúng ta vẽ ra giữa “tôi” và “người khác” sao?

Theo một cách nào đó, vũ trụ là một hệ thống khổng lồ lớn tự duy trì. Nếu chúng ta nhìn thế giới qua từng nguyên tử, “tôi” sẽ không khác biệt gì so với mọi thứ khác trong thực tại. Vũ trụ sẽ trông giống một đại dương với mỗi nguyên tử là một giọt nước ngẫu nhiên va chạm với những nguyên tử khác, tạo ra sóng – chuyển động. Nếu chúng ta phóng to hơn một chút, mọi sự tồn tại đều được cấu thành từ khoảng không.

Vậy tại sao “tôi” lại sống cô lập trong làn da?

Không thể phủ nhận rằng chúng ta đều được kết nối thông qua một chuỗi nhân quả không bao giờ kết thúc của các hành động (sau đó sẽ gây ra làn sóng hành động tiếp theo).

Việc thay đổi vị trí của “cái tôi” là một bài tập trí não thú vị giúp chúng ta suy nghĩ linh hoạt hơn về các khái niệm ích kỷ, vị tha và tử tế.

Nếu như bạn cũng là một phần của điều đó thì sao?

⛳ SỐNG TỬ TẾ HƠN

Ban đầu, suy nghĩ mới lạ này về “sự tử tế” đã khơi gợi một vài dòng suy nghĩ:

– Làm thế nào để tôi tích hợp “sự tử tế” vào cuộc sống của mình?

– Tôi nên dành bao nhiêu % năng lượng của mình cho việc này?

– Liệu tôi có từ bỏ hết mọi hoạt động chỉ xoay quanh cá nhân không?

Nhưng sau đó, tôi nhận ra tiếp cận bằng hệ thống & logic có lẽ không phải là cách tiếp cận đúng đắn. Cố gắng định lượng, so sánh và tối ưu hoá lòng tốt có vẻ không phù hợp với bản chất của lòng tử tế.

Thay vì cố gắng tính toán để trở nên tử tế hơn hoặc lên kế hoạch cho lòng tử tế một cách có hệ thống, có lẽ chúng ta chỉ nên hành động dựa trên những cơ hội để tử tế khi chúng xuất hiện.

Có lẽ, chỉ cần chọn trở nên tử tế hơn là đủ.

⛳ LỜI CUỐI

Điều tôi chưa nhắc đến là — tại sao nên tử tế ngay từ đầu?

Tôi không nghĩ có nhiều lý do lắm đâu. Nó chỉ đơn giản là bản chất tiềm ẩn trong mỗi con người. Có lẽ nó xuất phát từ cùng một nguồn gốc với việc sở hữu một la bàn đạo đức. Nó giống như việc cố gắng giải thích vì sao chúng ta thích hạnh phúc và không thích đau khổ — chỉ là vậy thôi.

Không có câu trả lời chính xác ở đây, các triết gia đã đấu tranh với câu hỏi này suốt hàng thế kỷ.

Hay có thể chúng ta vô thức đồng nhất với “bản ngã” lớn hơn và nhận ra rằng tất cả chúng ta đều là một phần của Tạo hoá.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *