Với bạn, hạnh phúc là gì?

Là có một căn hộ penthouse dành cho dịp cuối tuần, hay chỉ là đủ tiền để sống với những điều mà bạn quan tâm?

Có một nhà triết học dường như thấu hiểu và muốn giúp đỡ chúng ta, và đó là một nhân vật bất thường trong số những huynh đệ khắc kỷ và thường là căm ghét lạc thú. “Tôi không biết làm sao mình có thể nhận thức cái tốt đẹp,” ông nói, “nếu tôi bỏ đi thú vui của vị giác, nếu tôi bỏ đi thú vui tình dục, nếu tôi bỏ đi thú vui của thính giác, và nếu tôi bỏ đi cảm xúc ngọt ngào dấy lên khi nhìn thấy những hình thù đẹp đẽ.”

Epicurus sinh năm 341 trước Công nguyên, ông học triết từ sớm, mười bốn tuổi đã đi nghe các bài giảng của Pamphilus, nhà triết học theo trường phái Plato và nhà triết học nguyên tử Nausiphanes. Nhưng ông nhận thấy rằng mình không thể đồng tình với những gì họ dạy và vào những năm cuối của tuổi 20, ông quyết định sắp xếp lại những ý nghĩ của mình thành triết lý sống riêng.

Điểm nổi bật làm nên sự khác biệt trong triết lý của Epicurus là sự nhấn mạnh tầm quan trọng của lạc thú: ông cho rằng “lạc thú là điểm khởi đầu và là mục tiêu của một cuộc sống hạnh phúc”, khẳng định điều mà nhiều người đã suy nghĩ từ lâu nhưng triết học hiếm khi chấp nhận. Không nhiều nhà triết học từng thú nhận một cách thành thực mối quan tâm tới lối sống coi trọng lạc thú.

Triết học được thực hiện một cách đúng đắn không gì khác chính là chỉ dẫn tới lạc thú: “Người nào cho rằng mình chưa sẵn sàng hoặc đã quá tuổi cho triết học thì cũng giống như người nói rằng mình quá trẻ hoặc quá già để hạnh phúc.”

Thường xuyên có thông tin rò rỉ từ những môn đệ bất bình của Epicurus kể lại chi tiết hoạt động của ông giữa các bài giảng. Timocrates, anh trai của Metrodorus – phụ tá của Epicurus – phát tán tin đồn rằng Epicurus phải nôn hai lần mỗi ngày vì ăn quá nhiều. Diotimus, nhà triết học theo Chủ nghĩa Khắc Kỷ, đã có một hành động không hay ho gì là cho xuất bản năm mươi bức thư dâm dục mà ông cho là Epicurus viết khi đang say và điên vì tình dục.

Trung tâm của thuyết Epicurean là tư tưởng cho rằng chúng ta rất kém cỏi trong việc trả lời một cách trực giác cả hai câu hỏi “Điều gì sẽ làm ta hạnh phúc?” cũng như “Điều gì sẽ làm ta khỏe mạnh?” Câu trả lời nhanh nhất mà đầu óc ta nghĩ ra lại thường dễ sai lầm nhất. Tâm hồn ta không nói ra vấn đề của nó một cách rõ ràng hơn cơ thể ta và những chẩn đoán mang tính trực giác của ta cũng hiếm khi chính xác hơn.

Một người đàn ông cảm thấy không thỏa mãn. Việc thức dậy vào buổi sáng thật khó khăn, anh ta cáu kỉnh và bị phân tâm với gia đình. Một cách trực giác, anh ta đổ lỗi cho lựa chọn nghề nghiệp và bắt đầu tìm kiếm phương án thay thế, bất chấp chi phí cao của việc này. Tuy thế sự âu sầu của anh ta vẫn không hề giảm đi. Chúng ta giống như ”một người ốm mà không biết nguyên nhân vì sao mình ốm”. Ta tìm đến bác sĩ vì họ hiểu rõ bệnh tật của cơ thể hơn bản thân ta. Cũng vì lý do đó mà chúng ta nên tìm đến các nhà triết học khi tâm hồn không được khỏe mạnh.

Đối với Epicurus, nhiệm vụ của triết học là giúp chúng ta giải thích những xung động mơ hồ của đau khổ và khát vọng, từ đó cứu rỗi ta khỏi rơi vào những mô thức sai lầm về hạnh phúc. Chúng ta phải chấm dứt việc hành động một cách bốc đồng, và thay vào đó phải xem xét sự hợp lý trong những mong muốn của ta theo thang đo các định nghĩa đạo đức. Và Epicurus tin rằng, triết học sẽ dẫn đường cho ta đến với những cách chữa trị ưu việt hơn và đến với hạnh phúc đích thực.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *